Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Tranh cử Tổng thống Mỹ vào “vòng quyết đấu”, châu Âu tái phong tỏa vì Covid-19

Sun, 25/10/2020 | 08:06 AM

Tuần qua, tranh cử tổng thống tại Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt với màn “so găng” cuối cùng giữa hai đối thủ hơn 70 tuổi là Donald Trump và Joe Biden; dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt đã gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, kéo theo áp lực đối với các dịch vụ y tế.

1. Bầu cử Mỹ 2020: "Vòng quyết đấu" cuối cùng

Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa và cựu Phó tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai và cũng là cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2020.

 

Thế giới tuần qua: Tranh cử Tổng thống Mỹ vào “vòng quyết đấu”, châu Âu tái phong tỏa vì Covid-19

Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng. Ảnh: Reuters.

"Vòng quyết đấu" cuối cùng này được truyền hình trực tiếp, tập trung vào 6 chủ đề: Cách thức đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, giá trị các gia đình người Mỹ, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia và phân biệt chủng tộc. Hai ứng cử viên tranh luận trong 90 phút, thời gian dành cho mỗi chủ đề là 15 phút. Mở đầu mỗi chủ đề, mỗi ứng viên có hai phút để trả lời câu hỏi. Trong lúc đó, micro của ứng viên còn lại sẽ bị tạm ngắt. Tuy nhiên, micro của cả hai ứng viên được bật trở lại trong các phần tranh luận mở.

Sau 90 phút tranh luận, cuộc tranh luận không thực sự để lại dấu ấn mặc dù đã diễn ra trật tự hơn nhiều so với cuộc tranh luận đầu tiên. Cả hai ứng cử viên vẫn tránh trả lời trực tiếp các câu hỏi của người điều phối chương trình và tiếp tục tận dụng thời gian để công kích nhau nhưng hiếm khi xảy ra hành động ngắt lời nhau.

Tổng thống Trump cho biết nếu tái đắc cử, thông điệp mà ông gửi đến cử tri là cần phải khôi phục nền kinh tế Mỹ, vốn chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Ông nêu rõ nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế đất nước như trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Ông Trump nhấn mạnh tới yếu tố chính sách và cho rằng một chính quyền Biden sẽ tăng thuế và gia tăng các quy định đồng thời chỉ trích ông Biden đã không hành động đối với các vấn đề chủ chốt trong thời gian hoạt động tại Thượng viện. Trong khi đó, thông điệp của ứng cử viên Biden là đoàn kết và hy vọng, nhấn mạnh đặc tính của nước Mỹ nằm trên lá phiếu.

Trước khi bước vào "vòng quyết đấu" này, các kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy ứng cử viên Biden vẫn duy trì ưu thế so với Tổng thống Trump. Cuộc khảo sát do Đại học Quinnipiac thực hiện và công bố ngày 22-10 cho thấy cách biệt giữa ông Biden và ông Trump là 10% với tỷ lệ ủng hộ 51%/41%. Còn theo khảo sát của RealClearPolitics, đến nay ông Biden vẫn dẫn trước ông Trump hơn 8% trên phạm vi toàn quốc.

2. Châu Âu tái phong tỏa vì dịch Covid-19

Thế giới đang bị cuốn vào vòng xoáy mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó tình hình dịch bệnh tại châu Âu "rất đáng quan ngại".

 

Thế giới tuần qua: Tranh cử Tổng thống Mỹ vào “vòng quyết đấu”, châu Âu tái phong tỏa vì Covid-19

Ảnh minh họa: Reuters   

Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm mới tại châu Âu đã tăng 100% trong 10 ngày qua. Theo Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu, toàn khu vực này đến nay ghi nhận hơn 5,3 triệu ca nhiễm và hơn 204.000 ca tử vong. 

Tính đến ngày 23-10, Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất, hơn một triệu ca, Anh đứng thứ 2 châu lục với hơn 21.000 ca. Italy, Bỉ, Séc, Ba Lan, Hà Lan, Đức đều ghi nhận số ca nhiễm mới trong khoảng từ 9.000 đến hơn 16.000 ca.

Pháp đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm tại 2/3 khu vực dân cư ở nước này. Các tụ điểm giải trí như rạp xiếc, câu lạc bộ khiêu vũ, các triển lãm thương mại đều bị cấm trong khi tất cả các địa điểm ngoài trời như sân vận động vẫn được mở cửa với số lượng khán giả hạn chế ở mức 1.000 người.

Tại Tây Ban Nha - quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu có số ca nhiễm vượt 1 triệu, dịch bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát tại nhiều khu vực. Bộ Y tế nước này đang cân nhắc một số biện pháp mới, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm.

Tại Đức, trừ những trường hợp đã khỏi bệnh, hiện có khoảng 79.256 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Chỉ số lây nhiễm trong vòng 7 ngày hiện là 1,17, nghĩa là 100 bệnh nhân lây nhiễm cho 117 người khác. Nhiều bang ở Đức đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng ngừa, nhưng điều đáng lo ngại là đội ngũ y tế đã quá tải do thiếu nhân lực, dẫn tới việc không thể truy vết tiếp xúc của người nhiễm bệnh.

Bỉ, nơi tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng 100% hồi tuần trước, đã quyết định đóng cửa quán bar và nhà hàng trong 1 tháng, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke cảnh báo rằng, thủ đô Brussels và khu vực miền Nam Wallonia của nước này đang tiến gần “một cơn đại hồng thủy”. Điều này có nghĩa là khi đó, các nhà chức trách sẽ mất kiểm soát hoàn toàn và mọi hoạt động chăm sóc sức khỏe không liên quan tới dịch Covid-19 phải ngừng hoạt động.

3. Nhóm "Bộ tứ Kim cương" (QUAD) hướng tới mục tiêu chính thức hóa

Ngày 19-10, Chính phủ Ấn Độ đã mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vào tháng 11 tới, sự kiện mà Mỹ và Nhật Bản đã xác nhận tham gia. Động thái này được cho là sẽ tạo cơ sở cho việc chính thức hóa nhóm "Bộ tứ Kim cương" (QUAD) khi tất cả các quốc gia trong nhóm này sẽ lần đầu tiên tương tác với nhau ở cấp độ quân sự.

 

Thế giới tuần qua: Tranh cử Tổng thống Mỹ vào “vòng quyết đấu”, châu Âu tái phong tỏa vì Covid-19

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (giữa) và ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trong cuộc gặp ở Tokyo ngày 6-10. Ảnh: Reuters

Theo các nguồn thạo tin, cuộc tập trận Malabar sẽ diễn ra trong 2 giai đoạn (từ ngày 3 đến 6-11 và từ ngày 17 đến 20-11) ở Vịnh Bengal, gần với quần đảo Andaman và Nicobar trên những tuyến hàng hải trọng yếu. Với hình thức "không tiếp xúc - trên biển", cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa lực lượng hải quân các nước tham gia. Tuyên bố nhấn mạnh cả 4 nước trong nhóm QUAD đang tương tác để tăng cường an toàn và an ninh trong lĩnh vực hàng hải.

Cuộc tập trận sẽ diễn ra sau hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm QUAD tại Tokyo hồi đầu tháng này và ngay sau Đối thoại 2+2 giữa Ấn-Mỹ vào ngày 26 và 27-10. Tại đối thoại này, hai bên dự kiến sẽ ký kết Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản về không gian địa lý (BECA) quan trọng.

4. EU sử dụng pháp lý đối với chính sách "hộ chiếu vàng" ở Cyprus và Malta

Ngày 19-10, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ bắt đầu tiến hành các hành động pháp lý đối với các chương trình của quốc đảo Cyprus và Malta khi cấp quyền trú ngụ và đi lại tự do trong lãnh thổ 27 quốc gia Liên minh châu Âu cho tội phạm và tham nhũng nước ngoài. Cơ sở pháp lý mà Ủy ban châu Âu dựa vào để khởi kiện hai nước Malta và Cộng hòa Cyprus là nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.

 

Thế giới tuần qua: Tranh cử Tổng thống Mỹ vào “vòng quyết đấu”, châu Âu tái phong tỏa vì Covid-19

Cyprus cấp hộ chiếu vàng cho người nước ngoài. Ảnh: Getty

Từ lâu, chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) của Cyprus bị chỉ trích là có sơ hở để các đối tượng phạm tội lợi dụng. Các cuộc điều tra đã phát hiện hàng chục hồ sơ xin quốc tịch theo chương trình này là các cá nhân đang bị khởi tố hoặc là tội phạm quốc tế hay thậm chí là đang thi hành án tù. Cộng hòa Cyprus thu 2,5 triệu Euro cho một hộ chiếu và đã thu được 7 tỷ Euro từ cách làm này. Malta thì chỉ cần một khoản đóng góp chưa tới 1 triệu USD, cộng điều kiện phải mua bất động sản và cam kết cư trú 5 năm.

Số liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, từ năm 2008-2018, EU đã đón trên 6.000 công dân mới và gần 100.000 cư dân mới thông qua chương trình "hộ chiếu vàng". Cũng theo tổ chức này, cơ chế hộ chiếu vàng đã đem lại cho EU đến 25 tỷ Euro đầu tư nước ngoài trực tiếp trong 10 năm qua.

Các nước Bulgaria, Cyprus và Malta thậm chí có những chính sách cho phép cấp quyền công dân cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không bắt buộc những người này phải sống tại nước đó, hoặc thậm chí không có mối liên hệ thực chất nào với nước họ có quyền công dân. Chính sự lỏng lẻo đó đang khiến chương trình "hộ chiếu vàng" có nguy cơ bị lợi dụng.

5. Các phe phái ở Libya đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài

Ngày 23-10, hai phe phái đối địch chính tại Libya đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài trên toàn lãnh thổ, sau 5 ngày đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ).

 

Thế giới tuần qua: Tranh cử Tổng thống Mỹ vào “vòng quyết đấu”, châu Âu tái phong tỏa vì Covid-19

Trưởng phái đoàn đại diện quân sự của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế ủng hộ Ahmed Ali Abushahma (phải) và trưởng phái đoàn đại diện của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) A. Amhimmid Mohamed Alamami (trái) tại cuộc đàm phán ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 23-10-2020. Ảnh: TTXVN

Thỏa thuận trên đạt được sau các cuộc đàm phán giữa đại diện quân sự của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế ủng hộ và đại diện của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đặt trụ sở ở miền Đông nước này. Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya đánh giá đây là một bước ngoặt quan trọng hướng tới hòa bình và ổn định.

Phát biểu sau lễ ký, người đứng đầu UNSMIL, bà Stephanie Williams nhấn mạnh các bên ở Libya đã ký một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài trên toàn quốc và có hiệu lực ngay lập tức. Bà đã hoan nghênh các bên đạt được thỏa thuận này, đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ cho phép người tha hương và người tị nạn trở về nhà mình. 

Xung đột tại Libya tiếp tục là một trong những cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của LHQ, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập ủng hộ.

Theo Thanh Sơn/QĐND