Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Triển vọng mờ nhạt

Mon, 04/03/2024 | 08:18 AM

Tuần qua (26/2 – 3/3), dư luận thế giới đổ dồn vào những nỗ lực nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn tiếp theo ở Dải Gaza. Tuy nhiên, triển vọng cho một lệnh ngừng bắn vẫn còn mờ nhạt giữa lúc các cuộc giao tranh gây nhiều thương vong cho dân thường ở dải đất này còn tiếp diễn.

Triển vọng mờ nhạt về lệnh ngừng bắn mới ở Gaza

 Người dân Palestine tại Dải Gaza xếp hàng chờ viện trợ. Ảnh: Reuters 

Ngày 27/2, Qatar (quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột giữa Hamas và Israel) nhận định rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới trong vài ngày tới, tiếp nối nhận định trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng các bên có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn mới ở Dải Gaza và trả tự do cho con tin tại đây vào ngày 4/3 tới đây. Theo một quan chức cấp cao của Ai Cập, một thỏa thuận ngừng bắn có thể kéo dài sáu tuần, sẽ cho phép những người Palestine di tản trở lại một số khu vực ở phía Bắc Gaza và tăng cường viện trợ. Thỏa thuận này có thể liên quan đến việc trao đổi 400 tù nhân Palestine lấy 40 con tin bị giam giữ ở Gaza.

Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Hamas không thể hiện thái độ tích cực tương đồng. Theo trang tin Al Jazeera ngày 28/2, một thành viên cấp cao của phong trào Hamas cho biết, lực lượng này vẫn chưa nhận được đề xuất chính thức về một thỏa thuận ngừng bắn.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, ông sẽ không bị áp lực phải “sớm” chấm dứt cuộc tấn công của Israel.

Trước đó, vào đầu tuần, truyền thông Israel cũng đã xác nhận việc một phái đoàn quân sự của Israel đã bay tới Qatar để đàm phán chuyên sâu về tình hình Gaza. Các cuộc đàm phán do Ai Cập, Qatar và Mỹ làm trung gian nhằm tìm kiếm thỏa thuận đảm bảo lệnh tạm dừng giao tranh kéo dài sáu tuần giữa Israel và Hamas để cho phép viện trợ vào Gaza, nơi có tới 2,3 triệu người đang “bên bờ vực” nạn đói.

Tuy nhiên, triển vọng cho một lệnh ngừng bắn vẫn còn mờ nhạt giữa lúc các cuộc giao tranh gây nhiều thương vong cho dân thường ở Gaza còn tiếp diễn. Ngày 29/2, Cơ quan Y tế Gaza nói rằng Israel nã súng vào những người đang chờ viện trợ ở thành phố Gaza (miền bắc Dải Gaza) khiến 112 người Palestine thiệt mạng và 280 người bị thương. Người phát ngôn Cơ quan Y tế Gaza Ashraf al-Qidra cho biết vụ việc xảy ra tại bùng binh al-Nabusi phía tây thành phố Gaza.

Ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết ông António Guterres đã rất “bàng hoàng trước số người thiệt mạng trong cuộc xung đột” ở Gaza và kêu gọi điều tra vụ việc vào hôm 29/2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang lần thứ 19

Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang tại Moscow ngày 29/2. Ảnh: Kremlin.ru 

Vào lúc 12 giờ 14 phút ngày 29/2, giờ Moscow (tức 16 giờ 14 phút cùng ngày, giờ Hà Nội), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang lần thứ 19 tại Trung tâm thương mại Gostiny Dvor ở thủ đô Moscow. Đây là sự kiện thường niên quan trọng của Tổng thống Nga, được quy định theo Hiến pháp.

Trong Thông điệp Liên bang năm 2024 kéo dài kỷ lục 126 phút, Tổng thống Putin cung cấp nhiều thông tin về tình hình đất nước; những chính sách đối nội, đối ngoại trong tương lai và đặt ra mục tiêu cho nước Nga trong 6 năm tới. Thông điệp đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17/3, trong đó Tổng thống Putin tham gia tranh cử và có nhiều khả năng tái đắc cử.

Một trong các điểm nổi bật của Thông điệp Liên bang được Tổng thống Putin trình bày là mục tiêu đưa nước Nga trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai gần. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng thống Nga đề xuất khởi động dự án quốc gia mới là "Gia đình" và "Thanh niên Nga".

Về an ninh quốc phòng, Tổng thống Putin cho biết các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng hoàn toàn cho mục đích phòng vệ bất cứ lúc nào.

Về đối ngoại, Tổng thống Putin cho biết Nga đang lên kế hoạch cùng "các quốc gia thân thiện" xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu mới, không bị tác động bởi chính trị. Đồng thời, ông Putin khẳng định Nga nỗ lực xây dựng một đường lối mới về an ninh bình đẳng, sẵn sàng với các cuộc đối thoại.

Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Putin là người đích thân soạn thảo Thông điệp Liên bang năm 2024, sau khi thực hiện hàng chục cuộc điện thoại, gặp trực tiếp các bộ trưởng, quan chức chính phủ để thảo luận nắm tình hình. Qua đó có thể thấy tâm huyết, kỳ vọng cũng như nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm giành lại vị thế cường quốc thế giới cho nước Nga.

Armenia-Azerbaijan bắt đầu đàm phán hiệp ước hòa bình

Người tị nạn Armenia rời khỏi Nagorny-Karabakh đi lánh nạn tới các thành phố của Armenia ngày 26/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ngày 28/2, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã bắt đầu cuộc gặp tại Berlin (Đức) để đàm phán hiệp ước hòa bình giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa các nước vùng Caucasus này.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Armenia có đoạn nêu rõ cuộc họp của các phái đoàn Armenia và Azerbaijan do các Ngoại trưởng Ararat Mirzoyan và Jeyhun Bayramov dẫn đầu đã bắt đầu tại Berlin.

Trước đó, Yerevan và Baku xác nhận kế hoạch tổ chức cuộc gặp tại Berlin nhằm giải quyết các vấn đề song phương.

Cuộc gặp đã được lên kế hoạch theo sự nhất trí 3 bên mà Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz làm trung gian, đạt được ở Munich (Đức) hồi đầu tháng này.

Căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao kể từ tháng 9/2023 khi Azerbaijan bất ngờ đưa quân đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh và chỉ sau 1 ngày giao tranh, Azerbaijan tuyên bố giành lại quyền kiểm soát khu vực này sau khi các nhóm người sắc tộc Armenia hạ vũ khí và giải tán lực lượng. Sau đó, hầu hết người sắc tộc Armenia trong khu vực (hơn 100.000 người) đã di cư sang Armenia.

Tuần trước, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia, đồng thời đánh giá một thỏa thuận như vậy là "khả thi."

Hơn 9.500 binh sỹ từ 30 quốc gia tham gia cuộc tập trận Hổ mang Vàng

Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận Hổ mang Vàng tại tỉnh Rayong, Thái Lan ngày 28/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Ngày 27/2, cuộc tập trận thường niên Hổ mang Vàng đã bắt đầu tại vùng duyên hải miền Đông Thái Lan, với sự tham gia của 9.590 binh sỹ từ 30 quốc gia.

Được tổ chức lần đầu vào năm 1982, Hổ mang Vàng hiện là một trong những cuộc tập trận thường niên có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Năm nay, cuộc tập trận lần thứ 43 sẽ diễn ra tại tỉnh Rayong và một số khu vực khác ở Thái Lan, dự kiến kéo dài đến hết ngày 8/3.

Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng tương tác, củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia tham gia, cũng như xử lý các mối đe dọa an ninh mạng và thảm họa quốc gia.

Phát biểu tại lễ khai mạc ở Căn cứ Hải quân Utapao, tỉnh Rayong, Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Robert Godec cho biết cuộc tập trận sẽ giúp các nước tham gia xây dựng cách thức ứng phó đa quốc gia trước “những thách thức mới nổi” phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước để giải quyết. Thông qua cuộc tập trận, các nước tham gia có thể vượt qua những thách thức và đảm bảo an toàn cho người dân, bằng cách cung cấp nền tảng vững chắc cho an ninh khu vực và sự thịnh vượng toàn diện.

Đóng vai trò là nước chủ trì cùng với Thái Lan, Mỹ cử hơn 4.200 quân nhân tới tham gia cuộc tập trận năm nay. Nhật Bản cũng đã gửi khoảng 190 quân nhân, tăng so với khoảng 150 người của năm ngoái.Ngoài ra, các quốc gia khác như Singapore, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia sẽ tham gia đầy đủ các cuộc tập trận, trong khi các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Australia cũng sẽ tham gia ở mức hạn chế.

Sáu chủ đề ưu tiên tại Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc

 Quang cảnh lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Môi trường LHQ ở Nairobi, Kenya ngày 26/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

 

Sau 5 ngày đối thoại sôi nổi tại trụ sở Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ở thủ đô Nairobi của Kenya (26/2 - 2/3), kỳ họp thứ sáu Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-6) đã khép lại với việc thông qua 15 nghị quyết, 2 quyết định và 1 tuyên bố chung cấp bộ trưởng, nhằm ngăn chặn 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh - gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm. 

Với chủ đề chung: “Các hành động đa phương hiệu quả, toàn diện và bền vững, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm,” khoảng 70 bộ trưởng và 7.000 đại biểu từ hơn 180 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức liên chính phủ, hệ thống Liên hợp quốc, các nhóm xã hội dân sự, cộng đồng khoa học và khu vực tư nhân, đã cùng nhau định hình chính sách môi trường toàn cầu.

15 nghị quyết không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý được thông qua tại hội nghị là một gói kế hoạch hành động táo bạo nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách, từ thúc đẩy lối sống bền vững, hợp tác khu vực về ô nhiễm không khí, quản lý hợp lý hóa chất và chất thải, thuốc trừ sâu độc hại, chống bão cát và bụi, hạn chế tiêu thụ quá mức, cho đến các giải pháp hiệu quả và toàn diện nhằm tăng cường chính sách về nước để đạt được sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, UNEA lần đầu thông qua nghị quyết về suy thoái đất, kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chống sa mạc hóa và suy thoái đất đai, thúc đẩy bảo tồn và quản lý đất đai bền vững. Ngoài ra còn phải kể đến nghị quyết đưa ra hướng dẫn về cách thế giới có thể làm tốt hơn trong việc bảo vệ, hỗ trợ và phục hồi môi trường ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. 

Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc (UNEA) là thiết chế cấp cao ra các quyết định về môi trường do UNEA thành lập, có vạch ra một tiến trình mới trên con đường cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết các thách thức phát triển bền vững về môi trường. UNEA họp 02 năm một lần. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, chiến tranh và khủng hoảng, có thể nói UNEA-6 đã đóng vai trò là một diễn đàn quan trọng đặt nền tảng cho các nỗ lực phối hợp giữa Liên hợp quốc, các nước thành viên và đối tác để đưa ra những hành động toàn cầu có ảnh hưởng lớn./.

PV (t/h)/dangcongsan.vn