Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Bước tiến tới tương lai

Mon, 18/03/2024 | 08:05 AM

Tuần qua (11-17/3), dư luận thế giới hướng sự quan tâm đặc biệt tới cuộc bầu cử Tổng thống Nga khi đây là sự kiện không chỉ đưa nước Nga bước tiến tới tương lai, mà còn góp phần định hình các mối quan hệ và trật tự thế giới.

Người dân Nga đi bầu cử Tổng thống

Cử tri Nga bỏ phiếu bầu cử tổng thống. Ảnh: Erik Romanenko/TASS

Từ ngày 15/3, hơn 94.000 điểm bỏ phiếu bầu tổng thống khắp nước Nga bắt đầu hoạt động từ 8h đến 20h. Đây là lần đầu tiên Nga tổ chức bầu cử tổng thống trong ba ngày, thay vì một ngày như trước đây, và cho phép cử tri bỏ phiếu từ xa. 

Các ứng viên gồm Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin, người tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga Leonid Slutsky, nghị sĩ Vladislav Davankov và nghị sĩ Nikolay Kharitonov. Ông Putin, 71 tuổi, trước đó đã kêu gọi toàn bộ cử tri đi bầu tổng thống Nga để thể hiện lòng yêu nước.

Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên ở Nga sau cải cách hiến pháp năm 2020, trong đó thiết lập giới hạn 2 nhiệm kỳ 6 năm cho bất kỳ ai giữ chức nguyên thủ quốc gia. Sự thay đổi này đã tạo điều kiện cho ông Putin tái tranh cử. Đương kim Tổng thống Nga hiện nhận được sự ủng hộ của gần 90% cử tri Nga và được cho là có nhiều khả năng tái đắc cử thêm nhiệm kỳ 6 năm.

Hơn 700 quan sát viên quốc tế theo dõi bầu cử đang có mặt tại Nga, trong đó có 30 đoàn nghị viện các nước, đại diện các tổ chức quốc tế và nhiều quan sát viên độc lập. Dự kiến, các quan sát viên nước ngoài sẽ đến thăm 50 khu vực trên toàn liên bang.

Quá trình bỏ phiếu sẽ kết thúc vào 21h ngày 17/3, khi điểm bầu cử ở Kaliningrad đóng cửa. Kết quả sơ bộ sẽ được công bố trong ngày 18/3, ngay sau khi kết thúc 3 ngày bầu cử.

Ứng viên cần nhận được hơn 50% số phiếu để chiến thắng. Nếu không ứng viên nào đáp ứng đủ điều kiện, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ diễn ra ba tuần sau, vào ngày 7/4. Người chiến thắng dự kiến nhậm chức vào ngày 7/5.

Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Nga (VTSIOM), cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm nay sẽ có tỷ lệ cao cử tri đi bỏ phiếu là khoảng 71%. 

Trung Đông: 40 triệu người đối mặt với nạn đói trong tháng lễ Ramadan

Trẻ em Gaza đi sơ tán cùng gia đình xin thức ăn viện trợ. Ảnh: UNRWA 

Ngày 11/3, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cho biết Trung Đông đã bắt đầu tháng lễ Ramadan trong bối cảnh phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Trong khi đó, khủng khoảng tài chính nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến những nỗ lực xoa dịu khủng hoảng.

Theo số liệu thống kê, 40 triệu trong tổng dân số 400 triệu người tại khu vực Trung Đông đang sống trong tình cảnh mất an ninh lương thực trầm trọng. Trong đó, có tới 11 triệu người không thể tìm đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của gia đình họ.

Đặc biệt, WFP nhấn mạnh cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn biến phức tạp ở Dải Gaza, nơi toàn bộ dân số của dải đất ven Địa Trung Hải này đang cần được hỗ trợ lương thực, với hơn nửa triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

Trong nhiều tháng qua, Dải Gaza nhận được chưa đến một nửa nguồn cung cấp lương thực cần thiết.

Lạm phát cao ở các quốc gia như Liban, Ai Cập và Iran, cũng như hậu quả của các cuộc xung đột ở Syria và Yemen cùng các cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở Gaza và Sudan đã "phá hủy" sự ổn định gần đây của giá lương thực trên toàn cầu.

Giá lương thực và nhiên liệu đã tăng cao kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cả hai nước này đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt trên thế giới.

Trung Quốc bế mạc Kỳ họp thứ hai Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa XIV

Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại - tức Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại - tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV đã bế mạc ngày 11/3, sau 1 tuần làm việc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức lãnh đạo của nước này đã tham dự phiên bế mạc diễn ra tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Kỳ họp Quốc hội thường niên là một trong những sự kiện chính trị trọng đại nhất của Trung Quốc trong năm.

Trong phiên bế mạc, các đại biểu quốc hội đã thông qua nghị quyết về báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc, báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao, báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; thông qua dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức của Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc), thông qua dự thảo Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội Quốc gia năm 2024 và dự toán ngân sách trung ương và địa phương năm 2024.

Đáng chú ý, Chính phủ Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024, tương đương mức tăng trưởng của năm 2023.

Sự kiện này thu hút sự chú ý quan tâm của đông đảo dư luận trong và ngoài Trung Quốc, bởi qua đây, thế giới sẽ có cái nhìn tổng thể về tình hình chính trị và kinh tế-xã hội của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian qua, cũng như những định hướng phát triển trong thời gian tới trong bối cảnh nền kinh tế lớn thế giới đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Châu Âu tiến gần hơn đến việc thông qua đạo luật đầu tiên về Trí tuệ Nhân tạo

Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu bỏ phiếu về Đạo luật AI tại Nghị viện châu Âu ngày 13/3 ở Strasbourg, Pháp. Ảnh: AP 

Các nước châu Âu đã tiến gần hơn đến việc thông qua đạo luật đầu tiên về Trí tuệ Nhân tạo (AI) sau khi các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu (EP) ngày 13/3 có bước phê chuẩn cuối cùng đối với khuôn khổ pháp lý toàn diện nhằm kiểm soát AI, bao gồm các hệ thống AI mạnh mẽ như ChatGPT của OpenAI. 

Theo Reuters, động thái trên là bước cuối cùng để EU thông qua, biến dự luật thành luật để áp dụng cho toàn khối. Quan trọng hơn, đây sẽ là luật hoàn chỉnh đầu tiên về AI trên toàn cầu. Các nước EU dự kiến chính thức thông qua luật vào tháng 5 và sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới. Tuy nhiên, một số điều khoản sẽ có hiệu lực sớm hơn.

Theo dự luật, EC đề xuất thiết lập bộ tiêu chí phân loại các hệ thống AI dựa trên mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra cho người dùng, gồm các cấp độ: Rủi ro không thể chấp nhận được, rủi ro cao, rủi ro hạn chế, rủi ro thấp.

Những trường hợp không tuân thủ các quy định có thể bị phạt tối đa 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu, tùy thuộc hành vi vi phạm và quy mô của các công ty. EP cũng đã đề xuất thành lập Văn phòng AI, một cơ quan mới của EU để hỗ trợ việc áp dụng hài hòa đạo luật AI, cung cấp hướng dẫn và điều phối các cuộc điều tra chung xuyên biên giới.Các quy định liên quan đến các mô hình AI như ChatGPT sẽ có hiệu lực 12 tháng sau khi dự luật chính thức được ban hành, trong khi các công ty phải tuân thủ hầu hết các quy định khác trong hai năm.

Khảo sát của Đại học Stanford tháng 4/2023 cũng cho thấy 56% nhà khoa học máy tính và nhà nghiên cứu tin rằng AI tạo sinh sẽ chuyển dịch sang siêu trí tuệ nhân tạo AGI trong tương lai gần. Có 58% chuyên gia AI đánh giá AGI là "mối quan tâm lớn", 36% nói công nghệ này có thể dẫn đến "thảm họa cấp hạt nhân". Một số cho biết AGI có thể đại diện cho cái gọi là "điểm kỳ dị về công nghệ" - điểm giả định trong tương lai, khi máy móc vượt qua khả năng của con người theo cách không thể đảo ngược và có thể gây ra mối đe dọa cho nền văn minh.

Nhật Bản, Mỹ, Philippines lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington, DC., ngày 13/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ngày 13/3, báo Asahi của Nhật Bản dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Philippines đang lên kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ba bên vào tháng 4 tới tại Washington.

Theo báo trên, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến thăm chính thức Mỹ ngày 10/4 và gặp Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden.

Một nguồn thạo tin cho biết tại cuộc gặp song phương này, hai nhà lãnh đạo sẽ kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Tokyo và Washington trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh kinh tế, không gian vũ trụ và an ninh mạng.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cùng ngày cũng cho biết Thủ tướng Kishida sẽ thăm Mỹ vào mùa Xuân này. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản có thể sẽ đi thăm một số thành phố của Mỹ.

Thủ tướng Kishida cho biết trong cuộc hội đàm song phương hồi tháng 11/2023 ở San Francisco, bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Biden đã mời ông thăm Mỹ vào "đầu năm 2024."

Nếu diễn ra như kế hoạch, Thủ tướng Kishida sẽ là nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ kể từ chuyến thăm của cố Thủ tướng Shinzo Abe năm 2015 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama./.

PV (t/h)/dangcongsan.vn