Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Tia hy vọng mong manh

Mon, 07/03/2022 | 08:33 AM

Tuần qua (28/2-6/3), bên cạnh những diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và giá dầu, tình hình chiến sự Ukraine tiếp tục trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. Sau nhiều ngày diễn biến căng thẳng, triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, dù còn rất mong manh, song đã dần hé lộ sau hai vòng đàm phán.

Tiến triển trong các vòng đàm phán Nga-Ukraine

 Phái đoàn Nga và Ukraine tại vòng đàm phán thứ hai hôm 3/3. Ảnh: TASS.

Trong tuần qua, Nga và Ukraine đa tổ chức hai vòng đàm phán vào ngày 28/2 và ngày 3/3. Hai vòng đàm phán đã kết thúc mà không mang lại nhiều kết quả, ngoại trừ việc các bên đồng ý về nguyên tắc nhằm cho phép mở các hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán. Tuy nhiên, đây cũng là một diễn biến đáng hoan nghênh, được kỳ vọng sẽ sẽ giúp mở lối cho xung đột trong bối cảnh tình hình chiến sự ở Ukraine đang leo thang và gây nhiều quan ngại trong cộng đồng thế giới.

Bình luận về kết quả của vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh, bất kỳ quyết định tích cực nào nhằm bảo vệ dân thường và giảm cường độ xung đột đều được Liên hợp quốc hoan nghênh.

Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau, Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết: "Tôi hoan nghênh một thỏa thuận nhằm tạo hành lang nhân đạo cho việc sơ tán dân thường khỏi các thành phố Ukraine bị bao vây. Tôi đã kêu gọi điều này kể từ khi xung đột bùng nổ”. Về phần mình, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga khẳng định, việc đạt được hiểu biết lẫn nhau về vấn đề nhân đạo trong một tình huống khó khăn là rất quan trọng.

Nghị sĩ David Arakhamia, thành viên của phái đoàn đàm phán Ukraine ngày 5/3 cho biết, Nga và Ukraine sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ ba vào ngày 7/3. Thông tin này cũng đã được phía Nga xác nhận. Việc cả Nga và Ukraine tỏ rõ thiện chí tiếp tục đàm phán cho thấy quyết tâm của đôi bên nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột. Tuy nhiên, thiện chí đàm phán chỉ giúp mang lại cơ hội. Còn cơ hội có thực sự được nắm bắt hay không lại nằm ở cách tiếp cận thực tế của cả đôi bên.

Nhiều nước điều chỉnh chiến lược, coi COVID-19 là “bệnh đặc hữu”

 Nhiều nước điều chỉnh chiến lược chống dịch, coi COVID19 là “bệnh đặc hữu”. Ảnh minh họa: Bloomberg

Với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron dường như đang suy giảm trên toàn thế giới, chính quyền nhiều nước đã tuyên bố COVID-19 đang trên đà trở thành bệnh đặc hữu, có nghĩa là dễ dự đoán và dễ kiểm soát hơn.

Theo Tiến sĩ Daniel McQuillen, Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Mỹ, COVID-19 đang trở thành một căn bệnh đặc hữu sẽ luôn đồng hành cùng chúng ta. Lưu hành không nhất thiết có nghĩa là nhẹ, nhưng có những dấu hiệu cho thấy với mức độ miễn dịch quần thể cao, mức độ nghiêm trọng của COVID-19 trở nên gần với mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm theo mùa. Không chỉ Mỹ, chính phủ nhiều nước và ngành công nghiệp, đặc biệt là tại châu Âu cũng đang thay đổi chính sách theo hướng coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới và giới chuyên gia cũng cảnh báo mọi tâm lý chủ quan coi COVID-19 như một bệnh đặc hữu. Trên thực tế, diễn biến của đại dịch đã nhanh chóng thay đổi với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, khiến các quốc gia đã trải qua thời gian dịch bệnh ổn dịnh kéo dài lại phải đối mặt với hậu quả của các làn sóng lây nhiễm và nhập viện. Thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nhưng hơn 1/3 số người dân chưa được tiêm một liều vaccine. Đồng thời, các chuyên gia y tế cũng lo ngại về hiệu quả của một số loại vaccine. Vì vậy, vẫn còn một khoảng cách lớn trước khi đạt được miễn dịch toàn cầu cần thiết cho các bệnh đặc hữu.

Theo báo cáo do WHO vừa công bố, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới đã giảm 16% trong tuần vừa qua, đánh dấu đà giảm kéo dài một tháng trong biểu đồ về số ca mắc COVID-19 toàn cầu. Báo cáo của WHO cho thấy trong tuần tính đến ngày 1/3, số ca tử vong trên toàn thế giới liên quan COVID-19 đã giảm 10%, nối tiếp đà giảm được ghi nhận lần đầu tiên tuần trước đó. WHO đánh giá Omicron vẫn là biến thể phổ biến trên toàn thế giới. Dữ liệu thống kê cho thấy, có tới 99,5% số ca mắc COVID-19 hiện nay do biến thể Omicron gây ra, trong khi chỉ có 0,3% là do nhiễm Delta. Theo WHO, trong tháng trước, thế giới không xuất hiện thêm biến thể nào đáng lo ngại, ngoại trừ những biến thể đã biết gồm Beta, Gamma, Lambda hay Mu. Mặc dù vậy, WHO khuyến cáo vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc. Cơ quan này đồng thời cảnh báo nếu có cơ hội lây lan, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục biến đổi và rất có thể sẽ phát sinh một biến thể mới có nguy cơ lây nhiễm và gây tử vong cao hơn.

Giá vàng, dầu thế giới cùng tăng mạnh

Giá vàng thế giới đã tăng 35,2 USD/ ounce lên mức 1.972,9 USD/ ounce. (Ảnh: kitco)  

Trong tuần qua, đã có thời điểm mỗi ounce vàng tăng gần 40 USD, trong khi giá dầu Brent cũng tiến sát 120 USD một thùng. Chốt phiên giao dịch 4/3, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay tăng 36 USD lên gần 1.973 USD. Chốt tuần, giá vàng tăng tới 4%.

"Khủng hoảng Nga – Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ kim loại quý trong tương lai", Ole Hansen – nhà phân tích tại Saxo Bank nhận định, "Căng thẳng không chỉ tác động đến nhu cầu mua trú ẩn, mà quan trọng hơn, nó còn ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng và dự báo nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương".

Nga xuất khẩu 4 -5 triệu thùng dầu mỗi ngày và hiện là nước xuất khẩu dầu lớn nhì thế giới, sau Saudi Arabia. Tuần này, giới buôn gần như không bán được dầu Nga. Shell hôm qua là bên mua duy nhất đáng chú ý khi mua một lô dầu Nga với giá rẻ hơn tới 28 USD so với dầu Brent.

Dưới sức ép của các nghị sĩ hai đảng, chính phủ Mỹ cho biết đang cân nhắc ngừng nhập khẩu dầu Nga. Anh cũng đang nhắm đến lĩnh vực năng lượng Nga cho các vòng trừng phạt trong tương lai. Họ đến nay vẫn tránh sử dụng công cụ này, do lo ngại giá nhiên liệu trong nước tăng cao.

Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng lên 7,1%

 Trung Quốc khai mạc phiên họp quốc hội thường kỳ vào ngày 5/3 tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo dự thảo ngân sách trình lên kỳ họp Quốc hội thường niên khai mạc sáng 5/3 tại Bắc Kinh, chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng 7,1% trong năm nay. Số liệu đưa ra trong Báo cáo dự thảo ngân sách chính phủ vừa được Bộ Tài chính Trung Quốc trình lên Kỳ họp thứ năm Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII cho thấy, ngân sách quốc phòng của nước này năm nay là 1.450,45 tỷ nhân dân tệ, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên mức tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc vượt 7% kể từ năm 2019.

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tăng trưởng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6,6% vào năm 2020, mức thấp nhất trong vòng 32 năm. Năm ngoái đã điều chỉnh lên 6,8%, đạt 1.355,343 tỷ nhân dân tệ (khoảng 209 tỷ USD).

Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng ngân sách quốc phòng một con số kể từ năm 2016. Việc điều chỉnh tăng chi tiêu quân sự năm 2022 được các chuyên gia Trung Quốc lý giải là do nền kinh tế phát triển tích cực, trong khi nước này đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh. Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc cũng cần hoàn thành mục tiêu trở thành lực lượng quân sự hiện đại vào năm 2027, thời điểm đánh dấu 100 năm kỉ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Đánh bom đẫm máu ở Pakistan khiến hàng trăm người thương vong

 Lực lượng an ninh điều tra tại thánh đường Hồi giáo ở thành phố Peshawar, Pakistan sau vụ nổ ngày 4/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận đứng sau vụ đánh bom liều chết tại một thánh đường Hồi giáo ở thành phố Peshawar, Tây Bắc Pakistan, ngày 4/3 khiến ít nhất 58 người thiệt mạng và gần 200 người khác bị thương. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất do IS tiến hành tại Pakistan.

Theo cảnh sát địa phương, một đối tượng có vũ trang đã đi xe máy đến gần thánh đường Hồi giáo và nổ súng khi bị cảnh sát dừng xe. Đối tượng này sau đó đã lao vào bên trong thánh đường, nơi các tín đồ đang tham gia lễ cầu nguyện, xả súng vào đám đông và kích hoạt khối thuốc nổ giấu trong áo khoác. Vụ việc cũng làm một nhân viên an ninh thiệt mạng.

Bệnh viện Lady Reading ở Peshawar, nơi tiếp nhận những người bị thương trong vụ nổ, cho biết nhiều người bị thương nặng và đang nguy kịch. Bệnh viện này đã kích hoạt "tình trạng khẩn cấp" liên quan đến vụ việc.

Trước đây, các vụ tấn công do IS tiến hành xảy ra gần như hằng ngày ở Pakistan trước khi quân đội nước này phát động đợt truy quét khủng bố vào năm 2014./.

PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn