Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Ngân hàng Trung ương châu Âu "mạnh tay" chống lạm phát

Mon, 19/06/2023 | 08:16 AM

Ngân hàng Trung ương châu Âu nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm; WHO cảnh báo về các loại siro ho nhiễm độc; Hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tiếp tục khẳng định vai trò của Công ước trong điều chỉnh các hoạt động và các vấn đề liên quan đến biển… là một số tin tức thế giới đáng chú ý trong tuần qua (12-18/6).

ECB nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm

 Ảnh minh họa: FT

Ngày 15/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp, đồng thời phát đi tín hiệu rằng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Theo quyết định mới nhất, được đưa ra trong cuộc họp ngày 15/6, ECB tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 3,5% - mức cao nhất trong 22 năm.

Như vậy trong vòng 1 năm qua, ECB đã nâng lãi suất cho vay tổng cộng thêm 4 điểm phần trăm, tốc độ tăng nhanh kỷ lục.

Thông báo của ECB nêu rõ: “Các quyết định trong tương lai của Hội đồng điều hành sẽ đảm bảo rằng lãi suất chỉ đạo của ECB được tăng đến các mức đủ để kiềm chế lạm phát trung hạn về đúng mục tiêu 2%."

Với mức 6,1% hiện nay, lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thấp hơn nhiều so với mức 2 chữ số vào thời điểm mùa Thu năm ngoái, song vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2%.

Ðộng thái nêu trên được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng ở cả 20 quốc gia khu vực Eurozone đang đình trệ và lạm phát đã giảm tốc nhờ giá năng lượng giảm và lãi suất tăng mạnh. Với mức 6,1% hiện nay, lạm phát trong Eurozone đã thấp hơn nhiều so với mức hai chữ số vào thời điểm mùa thu năm ngoái, song vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2% mà ECB muốn duy trì. Trong khi đó, mức tăng giá cả - không gồm thực phẩm và năng lượng - chỉ mới bắt đầu chậm lại.

Dự báo từ nay tới cuối năm, kinh tế suy giảm sẽ làm giảm nhanh tốc độ tăng giá. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đang siết chặt, mức tăng trưởng lương cơ bản nhanh và sức ép giá cả, nhất là ở lĩnh vực dịch vụ, dường như vẫn rất cao khiến ECB phải tiếp tục lộ trình siết chặt tiền tệ. ECB đã nâng dự báo lạm phát và cảnh báo mức tăng giá tiêu dùng sẽ duy trì ở mức rất cao trong thời gian rất dài. Ðồng thời, các chỉ số về áp lực lạm phát cơ bản ở Eurozone hiện vẫn ở mức cao cho thấy nhiều khả năng ngân hàng này sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất. 

WHO cảnh báo mối đe dọa toàn cầu vì các loại siro ho nhiễm độc

 Ảnh minh họa: Indianexpress

Ngày 16/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi các loại siro ho nhiễm độc có khả năng gây chết người ở trẻ em và đang hợp tác với sáu quốc gia để điều tra về các loại thuốc có hại cho trẻ em.

Ông Rutendo Kuwana, trưởng nhóm của WHO về các sự cố thuốc giả và kém chất lượng, đã từ chối nêu tên sáu quốc gia mới mà tổ chức này đang hợp tác, với lý do các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Theo ông Kuwana, có thể mất vài năm để tìm thấy các loại thuốc có chứa thành phần độc hại bởi nhiều thùng thuốc bị tạp nhiễm có thể vẫn còn trong kho.

Một số chuyên gia sản xuất dược phẩm tin rằng những nhà sản xuất vô nhân tính đã thay thế chất propylene glycol thường được sử dụng trong siro ho bằng các chất độc khác, vì những chất này có giá thành rẻ hơn. Đây cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 300 trẻ em ở nhiều nước.

Các nhà sản xuất dược phẩm, bao gồm cả những nhà sản xuất bị cáo buộc đã sản xuất siro nhiễm độc được tìm thấy cho đến nay, thường lấy nguyên liệu từ các nhà cung cấp bên ngoài. 

Ông Kuwana cho biết hiện tại không có rủi ro nào đối với người dân ở các quốc gia mà WHO đã nêu tên. Ông này giải thích các loại siro bị nhiễm độc đã bị thu hồi hoặc ngăn chặn từ lúc nhập khẩu.

Khẳng định vai trò của UNCLOS trong điều chỉnh các hoạt động và các vấn đề liên quan đến biển

 Hội nghị các nước thành viên Công ước Luật Biển lần thứ 33. (Ảnh: VOV).

Sau lễ khai mạc ngày 12/6, Hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tiếp tục diễn ra trong các ngày từ 12-16/6 tại Trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Mỹ.

Hội nghị đã xem xét Báo cáo thường niên của Tổng thư ký Liên hợp quốc mang tên “Các đại dương và Luật biển,” trong đó nhận xét “sức khỏe của đại dương tiếp tục suy giảm do nhiều tác nhân, trong đó có tăng axít hóa đại dương, thừa dưỡng chất trong nước biển, ô nhiễm rác thải nhựa, đe dọa hệ sinh thái lớn nhất hành tinh và ảnh hưởng tới sinh kế của hàng tỷ người.”

Báo cáo kêu gọi “những nỗ lực khẩn cấp” để ứng phó các thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có việc xây dựng năng lực, phát triển nền kinh tế biển bền vững và giải pháp tài chính đổi mới sáng tạo.

Nhân kỷ niệm 40 năm thông qua UNCLOS, Báo cáo cho rằng cần thổi một luồng gió mới vào nỗ lực của các quốc gia và tổ chức quốc tế để tăng cường thực thi đầy đủ và hiệu quả Công ước và các Hiệp định thực thi văn kiện này.

Đa số phát biểu tại Hội nghị năm nay tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS, với tư cách là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh các hoạt động và các vấn đề liên quan đến biển.

Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ Công ước, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực biển và đại dương, ứng phó với các thách thức như ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, đóng góp vào thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững biển và đại dương.

Hội nghị ghi nhận dấu ấn lịch sử trong việc đạt được thoả thuận về dự thảo nội dung Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ) nhằm hướng tới thông qua văn kiện này vào cuộc họp sắp tới (dự kiến từ ngày 19-20/6/2023 tại Trụ sở Liên hợp quốc).

Trung Quốc phát thông điệp thiện chí trong quan hệ với Mỹ 

 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sắp thăm Trung Quốc. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/6 cho biết cánh cửa đối thoại với Mỹ luôn rộng mở và việc liên lạc giữa 2 nước chưa bao giờ dừng lại.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc giới chức Mỹ đặt ít kỳ vọng vào chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới của Ngoại trưởng Antony Blinken, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định Trung Quốc và Mỹ phải phát triển quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.

Trước đó, ngày 16/6, Cố vấn An ninh của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ không kỳ vọng có đột phá trong quan hệ với Trung Quốc trong chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh vào cuối tuần này.

Phát biểu tại Tokyo, ông Jake Sullivan nêu rõ trong chuyến công du Trung Quốc sắp tới, Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ giải thích rõ hơn chính sách của Washington trong bối cảnh nước này đang thực hiện đường lối ngoại giao mạnh mẽ để giải quyết căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoại trưởng Blinken là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ Mỹ đến thăm Trung Quốc từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ từ tháng 1/2021. Ngày 16/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, chuyến thăm của ông đến Trung Quốc vào cuối tuần này là nhằm tăng cường trao đổi song phương “bằng cách giải quyết nhận thức sai lầm và tránh những tính toán sai lầm”.

Các quan chức Mỹ cũng cho biết mục tiêu chính của ông Blinken trong chuyến thăm Bắc Kinh là có những cuộc thảo luận “ngay thẳng, trực tiếp và xây dựng” với các quan chức Trung Quốc. Trong khi đó, giới phân tích tin rằng chuyến thăm của ông Blinken tới Trung Quốc ít nhất cũng sẽ chỉ ra một điều đó là mối quan hệ song phương được đánh giá là quan trọng nhất thế giới này sẽ không đi chệch hướng.

Dù không có tín hiệu về việc hai bên có thể đạt đột phá nhưng chuyến thăm của ông Blinken có thể mở đường cho những hoạt động tiếp xúc ngoại giao khác, không loại trừ khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm nay. Điều này phản ánh hai bên vẫn theo đuổi con đường ngoại giao.

Tai nạn thương tâm tại một số nước trên thế giới

 Ít nhất 103 người đã tử vong trong vụ đắm thuyền ở Nigeria. (Ảnh: iStock)

*Cảnh sát và chính quyền địa phương ngày 13/6 xác nhận ít nhất 103 người đã tử vong do đuối nước ở bang Kwara, nằm ở phía Bắc miền Trung Nigeria, sau khi chiếc thuyền chở các gia đình trở về từ một đám cưới bị chìm trên sông Niger.

Đây là thảm kịch đắm thuyền mới nhất ở Nigeria, nơi thường xảy ra những vụ lật thuyền trên sông do chở quá tải, hệ thống quy định an toàn lỏng lẻo và lũ lụt lớn vào mùa mưa.

Người phát ngôn cảnh sát bang Kwara Okasanmi Ajayi thông báo: “Đến nay, chúng tôi đã tìm thấy 103 nạn nhân thiệt mạng và hơn 100 người được cứu thoát khỏi vụ tai nạn lật thuyền. Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn vẫn tiếp tục diễn ra, có nghĩa là con số thiệt hại về người có nguy cơ tăng cao.”

Trong khi đó, Văn phòng Thống đốc bang Kwara cho biết các nạn nhân trở về từ một đám cưới ở huyện Patigi thuộc bang Kwara.
Hiện nay, nguyên nhân gây ra vụ lật thuyền vẫn chưa được các cơ quan chức năng của Nigeria công bố.

*Ngày 15/6, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp thông báo số người thiệt mạng trong vụ lật thuyền đánh cá chở người di cư ngoài khơi miền Nam Hy Lạp đã tăng lên 78 người.

Một chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ quy mô lớn đã được tiến hành vào sáng thứ Tư sau khi chiếc thuyền được cho là chở tới 400 người từ Libya đến Ý bị lật úp trong đêm vì gió mạnh, cách khoảng 75km (46 dặm) về phía Tây Nam Peloponnese (Hy Lạp).

Các nhà chức trách cho biết con tàu lần đầu tiên được phát hiện ở vùng biển quốc tế vào đầu giờ tối thứ Ba bởi một máy bay của Frontex và hai tàu gần đó.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết, những người trên tàu không hề mặc áo phao và ban đầu đã "từ chối bất kỳ sự giúp đỡ nào" cũng như không cho biết quốc tịch của mình.

Hy Lạp là một trong những tuyến đường chính vào Liên minh châu Âu của người tị nạn và người di cư từ Trung Đông, châu Á và châu Phi. Những kẻ buôn lậu Địa Trung Hải sử dụng những chiếc thuyền lớn  để đưa người di cư qua vùng biển quốc tế ngoài khơi đất liền Hy Lạp nhằm tránh các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển địa phương. Trước đó, 90 người di cư đã được giải cứu trong khu vực sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển nhận được một cuộc gọi khẩn cấp./.

PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn