Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc với nhiều quyết định lịch sử

Mon, 17/07/2023 | 07:39 AM

Tuần qua (10-16/7), Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc với nhiều quyết định lịch sử, trong đó các đồng minh đã nhất trí về các kế hoạch phòng thủ mạnh mẽ và chi tiết nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, củng cố cam kết đầu tư quốc phòng, đồng ý đưa Ukraine đến gần NATO hơn và tăng cường quan hệ đối tác trên toàn thế giới, được cho là sự kiện nổi bật nhất trong bức tranh thế giới toàn cảnh.

Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc với nhiều quyết định lịch sử

 Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, ngày 11/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius (Litva) ngày 12/7, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hoan nghênh việc các nhà lãnh đạo NATO đã đưa ra những quyết định quan trọng để điều chỉnh cơ chế hoạt động của liên minh cho tương lai. Các đồng minh đã nhất trí về các kế hoạch phòng thủ mạnh mẽ và chi tiết nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, củng cố cam kết đầu tư quốc phòng, đồng ý đưa Ukraine đến gần NATO hơn và tăng cường quan hệ đối tác trên toàn thế giới.

Các nhà lãnh đạo NATO cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này của khối mang tính “lịch sử” khi đạt được cam kết về triển vọng gia nhập liên minh của Ukraine, sự tham gia của thành viên thứ 31 là Phần Lan và sự nhất trí của Thổ Nhĩ Kỳ đối với yêu cầu gia nhập liên minh của Thụy Điển.

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần này, Mỹ và các đồng minh đã công bố các bảo đảm an ninh mới cho Ukraine trong khi chờ đợi thời điểm thuận lợi để quốc gia này gia nhập liên minh quân sự.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy và Anh đã đưa ra một sáng kiến đa phương nhằm đảm bảo an ninh lâu dài cho Kiev, với mục đích tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine. Sáng kiến này bao gồm việc cung cấp các thiết bị quân sự tiên tiến, trong đó có cả máy bay chiến đấu, phát triển công nghệ quốc phòng, đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo và an ninh mạng. 

Theo Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, hội nghị thượng đỉnh Vilnius “mở cửa ra các phần khác của thế giới" khi NATO tăng cường mối quan hệ của mình với các đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zeland.

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong các ngày 11-12/7 tại thủ đô Vilnius của Litva với sự tham gia của khoảng 2.400 quan khách, trong đó có 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ thuộc 48 phái đoàn.  

Tổng thống Mỹ công du 3 nước châu Âu

 Tổng thống Joe Biden tại sân bay Stansted (Anh), ngày 9/7/2023. (Ảnh: Reuters/Kevin Lamarque) 

Tối 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên đường thực hiện chuyến công du tới 3 nước châu Âu, gồm: Anh, Litva và Phần Lan. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong hai ngày 11 và 12/7 được coi là trọng tâm của chuyến thăm, nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết của Mỹ với Ukraine trong khi tiến trình gia nhập liên minh của Kiev chưa hoàn tất.

Điểm dừng chân đầu tiên của ông J.Biden trong chuyến thăm là London (Anh). Tại đây, người đứng đầu Nhà Trắng đã gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 phố Downing vào ngày 10/7, sau đó tiếp kiến Vua Charles tại lâu đài Windsor.

Sau khi kết thúc các lịch trình tại Anh, ông Biden đã tới Vilnius (Litva) vào tối 10/7 và tiến hành các cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hai ngày 11-12/7. Hành động của ông J.Biden và các đồng minh được cho là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang tiếp diễn còn tư cách thành viên NATO của Kiev vẫn chưa được chấp thuận. 

Chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống J.Biden trong chuyến công du châu Âu là thủ đô Helsinki của Phần Lan - nơi ông đã có cuộc hội đàm với lãnh đạo quốc gia Bắc Âu này trong ngày 13/7. Phần Lan mới đây từ bỏ chính sách truyền thống không liên kết quân sự và đã gia nhập NATO hồi tháng 4 vừa qua.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, một trong những mục tiêu của ông J.Biden trong chuyến công du châu Âu là nhằm thể hiện cho người Mỹ ở quê nhà thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục ủng hộ Ukraine khi ông tái đắc cử. Những nỗ lực này cũng nhằm cởi bỏ những nghi ngờ của một số đối thủ thuộc đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024, vốn đã lên tiếng nghi ngờ về chiến lược của ông J.Biden đối với vấn đề Ukraine. 

Triều Tiên phóng thiết bị nghi là tên lửa đạn đạo tầm xa

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng thiết bị của Triều Tiên.
(Ảnh cắt từ bản tin Yonhap)  

Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo từ quân đội Hàn Quốc xác nhận vào sáng 12/7, Triều Tiên đã phóng một thiết bị nghi là tên lửa đạn đạo tầm xa từ khu vực thủ đô Bình Nhưỡng ra vùng biển phía Đông nước này.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, lực lượng này đã phát hiện vụ phóng thiết bị được thực hiện từ một khu vực trong hoặc xung quanh thủ đô Bình Nhưỡng vào khoảng 10 giờ sáng. Cơ quan này không giải thích thêm trong khi chờ phân tích thông tin xung quanh vụ phóng của Triều Tiên.

Thông báo bằng tin nhắn từ JCS gửi tới phóng viên khẳng định, lực lượng này sẽ tăng cường khả năng giám sát và cảnh giác, trong khi quân đội Hàn Quốc sẽ duy trì trạng thái sẵn sàng, dựa trên tinh thần phối hợp chặt chẽ với Mỹ. Trong khi đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển và Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho hay Triều Tiên đã phóng một vật thể nghi là tên lửa đạn đạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada thông tin, vụ phóng diễn ra vào lúc 9 giờ 59 phút đến khoảng 11 giờ 13 phút giờ địa phương. Tên lửa đã rơi xuống vùng biển cách bán đảo Triều Tiên 550km và ở bên ngoài EEZ của Nhật Bản. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu chỉ trích các hành động của Triều Tiên, bao gồm các vụ phóng tên lửa đạn đạo lặp lại, không chỉ đe dọa hòa bình và an ninh của Nhật Bản mà còn đối với khu vực và cộng đồng quốc tế.

Nếu những nghi ngờ từ Hàn Quốc và Nhật Bản được xác minh, thì đây là lần thứ 12 trong năm nay Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hoặc vật thể phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Lần gần nhất Triều Tiên phóng tên lửa là vào ngày 15/6, diễn ra sau khi Triều Tiên phóng thất bại vệ tinh trinh sát quân sự "Malligyong-1" vào cuối tháng 5.

Giới phân tích cảnh báo, vụ phóng thiết bị mới nhất của Bình Nhưỡng sẽ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng, vào thời điểm Triều Tiên đang cáo buộc Mỹ điều máy bay trinh sát chiến lược xâm phạm vùng không phận bên trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này và tiến hành các hoạt động do thám.

EU hỗ trợ nỗ lực gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển đen

Các tàu vận tải chờ đi qua eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 14/7, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đang hỗ trợ Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển đen, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới đây. 

Theo người phát ngôn này, EU đang tích cực hỗ trợ các cuộc đàm phán do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn dắt, đồng thời sẽ "xem xét mọi giải pháp" để đảm bảo ưu tiên ngũ cốc Ukraine được tiếp cận thị trường thế giới. EU cũng kêu gọi các bên liên quan mau chóng nhất trí gia hạn thỏa thuận.

Một số nguồn thạo tin cho biết EU đang cân nhắc kết nối một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đổi lại việc Moskva gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Phương án này đã được đề cập trong bức thư Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó đề xuất Nga chấp thuận duy trì thực thi thỏa thuận ngũ cốc thêm vài tháng để giúp EU có thêm thời gian kết nối trở lại Rosselkhozbank với SWIFT. 

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva không thấy đề xuất trên thỏa đáng vì sẽ "mất nhiều tháng" để mở chi nhánh Rosselkhozbank và thêm khoảng 3 tháng nữa để kết nối với SWIFT. Việc kết nối lại ngân hàng Nga vào hệ thống SWIFT là một trong những điều kiện chính của Moskva trong giải quyết những khúc mắc liên quan thỏa thuận ngũ cốc. Ngân hàng Rosselkhozbank đã bị EU đưa ra khỏi SWIFT từ tháng 6/2022 do xung đột tại Ukraine. 

Tháng 7/2022, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận mang tên Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới đây nhất vào ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được khắc phục.

OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng trong năm 2024

Bể chứa dầu tại một nhà máy dầu khí ở Khor al-Zubair, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/7, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng thêm 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tương đương mức tăng hàng năm 2,2%, nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững chắc như dự kiến trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc khởi sắc, qua đó thúc đẩy sức tiêu thụ dầu mỏ.

Trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 7, OPEC cho biết tổ chức này kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt mức 104,25 triệu thùng/ngày. OPEC đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay từ 2,35 triệu thùng/ngày lên 2,44 triệu thùng/ngày, chủ yếu là do nhu cầu cao hơn ở Trung Quốc trong quý II/2023. Tổng nhu cầu dầu mỏ của thế giới được dự báo ở mức trung bình 102 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Trong báo cáo, OPEC cũng dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,5% vào năm 2024, cho rằng các nước tiêu thụ dầu chủ chốt, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, cùng một số nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á, sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, OPEC lưu ý rằng dự đoán này dựa trên các giả định rằng lạm phát chung tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024, đồng thời lãi suất cơ bản sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay./.

PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn