Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Campuchia, Thái Lan có Thủ tướng mới

Mon, 28/08/2023 | 08:09 AM

Tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet và người đồng cấp Thái Lan vừa nhậm chức Srettha Thavisin đã đồng thời cam kết các ưu tiên khi lãnh đạo đất nước. Bên cạnh đó, tai nạn rơi máy bay tại Nga; BRICS kết nạp thành viên mới hay thảm họa cháy rừng Hawaii (Mỹ)... cũng là các sự kiện đáng chú ý trong bức tranh thế giới toàn cảnh tuần qua (21-27/8).

Campuchia, Thái Lan có Thủ tướng mới

Tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet. (Ảnh: AKP)

* Ngày 22/8, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã ban sắc lệnh hoàng gia bổ nhiệm thành phần nội các Chính phủ Campuchia nhiệm kỳ VII do Tiến sĩ Hun Manet làm Thủ tướng. Sắc lệnh được công bố sau khi nội các Chính phủ Campuchia nhiệm kỳ mới do ông Hun Manet đứng đầu vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào sáng cùng ngày.

Phát biểu sau khi được Quốc hội Campuchia phê chuẩn vào vị trí người đứng đầu Chính phủ, tân Thủ tướng Hun Manet cam kết sẽ lãnh đạo cơ quan hành pháp đất nước nhằm thực hiện thắng lợi cương lĩnh chính trị mà đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã cam kết với người dân.  

Tân Thủ tướng Hun Manet sinh năm 1977, tại làng Koh Thmar, huyện Memot, tỉnh Kampong Cham (nay là tỉnh Tbong Kmom) của Campuchia. Ông là con trai cả của cựu Thủ tướng Hun Sen.

Sau thời gian được đào tạo tại nước ngoài trở về, ông Hun Manet tham gia và lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm Chống Khủng bố Quốc gia của Bộ Quốc phòng Campuchia với quân hàm Đại tá năm 2008. Kể từ đó, với năng lực nổi trội của mình, ông đã có những bước tiến nhanh, đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao trong Quân đội Hoàng gia Campuchia. Từ năm 2018 cho đến trước khi diễn ra cuộc bầu cử 2023, ông là Phó tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia.

* Cùng ngày 22/8, trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, ông Srettha Thavisin, ứng cử viên Thủ tướng của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đã giành chiến thắng và trở thành Thủ tướng thứ 30 của nước này.

 Ông Srettha Thavisin đã đắc cử Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post)

Ông Srettha, sinh năm 1963, có bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Claremont (Mỹ).

Ông bắt đầu sự nghiệp với vai trò Trợ lý Giám đốc sản phẩm tại Tập đoàn Kinh doanh Hàng tiêu dùng P&G của Thái Lan, trước khi chuyển sang lĩnh vực bất động sản và lên tới vị trí Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Công ty Phát triển Bất động sản hàng đầu Thái Lan, Sansiri Plc.

Ông Srettha gia nhập đảng Pheu Thai vào năm 2023 với tư cách là cố vấn trưởng cho bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Ông Srettha vận động tranh cử với cam kết kích thích kinh tế, công bằng xã hội và quản trị nhà nước hiệu quả. Hồi tháng 4, ông từng nói rằng các ưu tiên trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng, chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đảm bảo bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng tính và soạn thảo một Hiến pháp mới đại diện cho ý nguyện người dân.

Nga xác nhận không còn người sống sót trong vụ rơi máy bay

Xác máy bay chở người đứng đầu Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, bốc cháy gần khu làng thuộc vùng Kuzhenkino, tỉnh Tver, Nga ngày 23/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga xác nhận, toàn bộ 10 người, bao gồm 3 phi hành đoàn và 7 hành khách đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay vào tối ngày 23/8 ở vùng Tver, phía Bắc thủ đô Moskva của Nga.

Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga đã công bố danh tính của tất cả hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay Embraer bị rơi, trong số đó người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, cùng chỉ huy lực lượng này - ông Dmitry Utkin.

Ngoài ra, trên máy bay còn có Sergei Propustin, Evgeny Makaryan, Alexander Totmin, Valery Chekalov, Nikolai Matyuseev và ba thành viên phi hành đoàn: cơ trưởng Alexei Levshin, phi công phụ Rustam Karimov, tiếp viên hàng không Kristina.

Theo TASS, chiếc máy bay Embraer Legacy 600, với số hiệu RA-02795 được cho là của ông Prigozhin đã gặp sự cố khi đang thực hiện hành trình từ Moskva đến St.Petersburg chỉ sau 30 phút cất cánh.

Ngày 24/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay Embraer tại vùng Tver, phía Bắc thủ đô Moskva. Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Về vụ tai nạn máy bay, trước hết tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình của tất cả những người thiệt mạng. Đây là một thảm kịch". Tổng thống Putin cho biết thêm Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã bắt đầu cuộc điều tra sơ bộ về vụ tai nạn trên. 

BRICS kết nạp 6 thành viên mới

Các nhà lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại Johannesburg, Nam Phi , ngày 22/8. (Ảnh: Jerome Delay/AP). 

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS hôm 24/8 thông báo danh sách 6 thành viên mới, gồm các quốc gia Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 đã quyết định đưa Argentina, Iran, Ethiopia, Ả Rập Xê-út, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) làm thành viên mới.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi từ ngày 22-24/8. Theo quan chức ngoại giao Nam Phi, các công việc về tiêu chí mở rộng BRICS đã được tiến hành tích cực ở nhiều cấp độ khác nhau kể từ năm ngoái.

Trước đó, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết, lãnh đạo BRICS đã đi đến thống nhất về việc chấp nhận thành viên mới và thông qua một tài liệu nêu rõ các nguyên tắc, yêu cầu và thủ tục của thành viên. 

Lời kêu gọi mở rộng BRICS bao trùm chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở Johannesburg. Giới chức Nam Phi cho biết gần 20 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, khu vực chiếm 40% dân số thế giới và 1/4 GDP nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị BRICS diễn ra trong bối cảnh các thành viên thúc đẩy trật tự toàn cầu đa cực, với sự cân bằng về kinh tế và chính trị. Nhóm cũng chiếm 18% thương mại thế giới, và hỗ trợ việc tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia của các thành viên trong thương mại, cũng như hướng tới giới thiệu một hệ thống thanh toán chung trong dài hạn.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra bị tuyên án 8 năm tù giam ngay sau khi về nước

Cựu Thủ tướng Thaksin xuất hiện tại sân bay Don Mueang sáng 22/8. (Ảnh: Thai Enquire)

Sau nhiều lần trì hoãn, sáng 22/8, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã trở về Thái Lan sau 15 năm lưu vong ở nước ngoài. Máy bay riêng của ông hạ cánh xuống sân bay Don Mueang, thủ đô Bangkok.

Lực lượng cảnh sát Thái Lan đã siết chặt các biện pháp an ninh tại sân bay Don Mueang để đảm bảo quá trình tiến hành các thủ tục pháp lý đối với ông Thaksin được diễn ra thuận lợi. Trong khi đó, hàng nghìn người ủng hộ mặc áo đỏ đã có mặt tại sân bay để chào đón cựu Thủ tướng Thaksin.

Theo Cảnh sát trưởng Quốc gia Thái Lan, Đại tướng Damrongsak Kittiprapas, sau khi hoàn thành các thủ tục xác nhận danh tính tại sân bay, ông Thaksin được đưa đến trụ sở của Phòng Cảnh sát Thủ đô số 2 để lập biên bản về việc ông trở về nước. Tiếp theo, ông được áp giải đến Ban Hình sự dành cho người nắm giữ chức vụ chính trị của Tòa án Tối cao, để xác nhận danh tính theo lệnh truy nã của tòa án với sự có mặt của một số thân nhân. Tòa án Tối cao đã tuyên án ông Thaksin 8 năm tù giam, liên quan đến 3 tội danh. Ông Thaksin được giao cho Cục Cải huấn và chuyển đến Nhà tù Remand Bangkok, nơi ông sẽ bị giam giữ trong khi chờ các thủ tục pháp lý tiếp theo.

Kể từ khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 19/9/2006, ông Thaksin đã sống lưu vong ở nước ngoài và chỉ một lần về nước trong chuyến đi ngắn ngày vào năm 2008. Trong thời gian vắng mặt, tòa án đã kết án ông với 4 tội danh, tổng cộng mức án là 12 năm tù giam. Mặc dù một vụ án đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên ông Thaksin vẫn phải đối mặt với 3 bản án với cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực và không tôn trọng chế độ quân chủ của đất nước với tổng khung hình phạt là 10 năm tù. Ngoài ra, hiện còn một số vụ án liên quan đến ông Thaksin chưa được đưa ra xét xử, bao gồm cả vụ việc ông bỏ trốn khỏi đất nước.

Thảm họa cháy rừng ở Hawaii (Mỹ): Ít nhất 1.100 người mất tích 

 Nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi trong vụ cháy rừng tại Maui, Hawaii, Mỹ, ngày 10/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/8, giới chức Mỹ thông báo ít nhất 1.100 người vẫn mất tích 2 tuần sau khi các đám cháy rừng nghiêm trọng bùng phát trên đảo Maui của Hawaii (Mỹ).

Báo cáo mới nhất cho thấy ít nhất 115 người thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng này và đây cũng là thảm họa cháy rừng cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong 1 thế kỷ qua tại Mỹ. Thị trấn du lịch Lahaina - nơi có 12.000 người sinh sống - gần như bị xóa sổ trên bản đồ với hàng nghìn người bị cho là mất tích được lưu tên trong danh sách của nhiều tổ chức và cơ quan chức năng, trong đó có cả cảnh sát, Hội Chữ thập Đỏ....

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thiết lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận các cuộc gọi thông báo về người mất tích từ người thân, cũng như tìm kiếm gia đình các nạn nhân để hỗ trợ công tác xác định danh tính những thi thể được tìm thấy. FBI ước tính khoảng 1.100 người vẫn mất tích và con số có thể còn tăng. Cơ quan này kêu gọi người dân hỗ trợ để có thể xác định con số chính xác. Đến nay, lực lượng chức năng mới chỉ xác định danh tính của 27 trong số 115 nạn nhân. 

Do thời tiết khô nóng, cháy rừng đã bất ngờ bùng phát tại đảo Maui ở Hawaii hôm 9/8, buộc hàng chục nghìn cư dân và du khách sơ tán. Theo ước tính của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's, thiệt hại về kinh tế trong thảm họa cháy rừng này có thể dao động từ 4 tỷ đến 6 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn thiệt hại (ít nhất 75%) được bảo hiểm./.

PV (Tổng hợp)/dangcongsan.vn