Văn hóa - Xã hội

Xem với cỡ chữ Tương phản

Chủ động ứng phó mưa, lũ và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh

Th 6, 27/11/2020 | 15:53 CH

Ngày 26/112/020, Chủ tịch UBND vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc chủ động ứng phó mưa, lũ và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong thời gian qua, tình hình mưa, lũ, sạt lở đất do mưa, lũ trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn biến rất phức tạp, nhất là ở khu vực miền núi tỉnh, cụ thể như các điểm sạt lở núi: Khu dân cư Ra Pân, xã Sơn Long, khu dân cư Măng Rin, thôn Măng Re, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, khu vực đỉnh dốc Đót xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Khu dân cư Nước Nia, Khu dân cư Làng Bồ, huyện Sơn Hà. Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiều động gió Đông nên từ ngày 28/11 đến ngày 01/12/2020, trên khu vực tỉnh Quảng Ngãi có khả năng xảy ra đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến khoảng 200-400mm, có nơi trên 400mm.

Để chủ động ứng phó mưa, lũ và sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Khẩn trương tổ chức các Đoàn kiểm tra, rà soát các điểm dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân, thi công công trình ở những khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, vùng ngập sâu và xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể, phân công trách nhiệm người đứng đầu để chỉ huy, chỉ đạo di dời.

Chỉ đạo rà soát toàn bộ công nhân, cán bộ kỹ thuật tại các công trình xây dựng trên địa bàn, các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng nhất là tại các vị trí xung yêu để di chuyển đến nơi an toàn; trường hợp không chấp hành thì phải kiên quyết cưỡng chế và phải xử lý các đơn vị chủ quản theo quy định.

Kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn (theo phương châm 4 tại chỗ đã được phê duyệt trong Phương án của địa phương, đơn vị). Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi; đồng thời, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các hộ dân tại nơi di dời, sơ tán đến, không để người dân nào bị đói, rét; đối với trường hợp không chấp hành lệnh di dời, sơ tán thì thực hiện cưỡng chế; tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí lực lượng canh gác trên các tuyến đường giao thông có nguy cơ bị sạt lở đất, ngập sâu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. 

Tăng cường công tác thông tin về mưa, lũ và các biện pháp phòng, tránh lũ, sạt lở đất đến từng khu dân cư để người dân chủ động thực hiện. Sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó thiên tai theo phương án đã được phê duyệt. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật (do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, chỉ đạo) nếu để xảy ra thiệt hại về người do sạt lở đất gây ra. 

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, các Tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ:  

Tổ chức kiểm tra, rà soát lại các trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân ở những khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét phải khẩn trương di dời, sơ tán đến nơi an toàn. 

Chủ động phương án tập trung mọi nguồn lực, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn từng huyện, nhất là các huyện miền núi chủ động hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương di dời, sơ tán, sửa chữa, dọn dẹp nhà ở. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất; chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền. 

Thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để chủ động ứng phó sự cố đập, để điều (nếu có).  Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, rà soát các khu dân cư nằm trong khu vực có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ động theo dõi, giám sát, kịp thời tham mưu việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc đảm bảo an toàn, đúng quy định tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình thủy điện đang tích nước, vận hành, đang thi công, phải đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, sơ tán, di dời ngay toàn bộ người và thiết bị, máy thi công ra khỏi công trường đến nơi an toàn trong suốt thời gian có mưa, lũ; nhất là những khu vực có mái ta-luy đào đắp hoặc có sườn dốc cao để phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất…

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện; báo cáo UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, rà soát (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) trước 15 giờ hàng ngày./. 

B.T