Văn hóa - Xã hội

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tri ân công đức những hùng binh Hoàng Sa

Th 3, 26/03/2024 | 07:48 SA

Ngày 25/3 (nhằm ngày 16/2 Âm lịch), Ban Khánh tiết Đình làng An Hải (Lý Sơn) đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân, tưởng nhớ những binh phu Hoàng Sa trong Đội Hùng binh Hoàng Sa Bắc Hải năm xưa đã có công ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính của con cháu làng An Hải nói riêng và cư dân đất đảo Lý Sơn nói chung với những Hùng binh Hoàng Sa trong đội Hoàng Sa Bắc Hải với nhiều nghi thức lễ quan trọng.

Mô hình thuyền câu và hình nhân thế mạng.
Thuyền câu và những hình nhân thế mạng mô phỏng trong nghi lễ.

“Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Câu ca dao ấy luôn vọng trong tâm khảm bao thế hệ người dân Lý Sơn minh chứng cho một điều, dù biết “một đi không trở về” nhưng những người con của đất đảo Lý Sơn vẫn xuôi thuyền tiến ra biển mang theo sứ mệnh vua ban để cắm cột mốc vĩnh hằng về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính của con cháu hôm nay với những hùng binh Hoàng Sa.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính của con cháu hôm nay với những hùng binh Hoàng Sa.

“Ban Khánh tiết Đình lành An Hải tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nghi lễ cũng giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”, Trưởng Ban Khánh tiết Đình làng An Hải Trương Văn Diệt nói.

Sau lễ Chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa, thầy pháp thực hiện các nghi thức thế lính an vị các vong linh chiến sĩ Hoàng Sa trước khi thả thuyền ra biển. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn -  cúng thế cho người sống để cầu mong bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ. 

Thầy pháp thực hiện nghi lễ thế lính và rải gạo, muối ăn cho các hình nhân thế mạng.
Thầy pháp thực hiện nghi lễ thế lính và rải gạo, muối ăn cho các hình nhân thế mạng.

Kết thúc phần tế lễ, tiếng ốc u được thổi lên từng hồi trầm hùng hiệu lệnh trai tráng trong làng rước thuyền câu ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Con đường mà hơn 400 năm trước, cha ông đã từ đất đảo Lý Sơn vượt biển khơi trên những chiếc thuyền câu đơn sơ, chấp nhận gian khổ và cả hy sinh nằm lại ở vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc Việt Nam.

“Ốc u đã nổi lên rồi, để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa” - Tiếng ốc u trầm hùng tái hiện lại lễ tiễn đưa binh phu Hoàng Sa trong đội Hoàng Sa Bắc hải vượt biển khơi làm nhiệm vụ.
“Ốc u đã nổi lên rồi, để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa” - Tiếng ốc u trầm hùng tái hiện lại lễ tiễn đưa binh phu ra Hoàng Sa trong đội Hoàng Sa Bắc hải vượt biển khơi làm nhiệm vụ.
Nghi lễ rước thuyền câu và hình nhân thế mạng ra biển.
Nghi lễ rước thuyền câu và hình nhân thế mạng ra biển.
Mô hình thuyền câu đặt hình nhân thế mạng và những vật dụng tượng trưng được thả trôi theo hướng những hùng binh đã ra đi từ hơn 400 năm trước.
Mô hình thuyền câu đặt hình nhân thế mạng và những vật dụng tượng trưng được thả trôi theo hướng những hùng binh đã ra đảo từ hơn 400 năm trước.
Đua thuyền Tứ Linh là một nghi lễ không thể thiếu trong Lễ Khao lề thế lính.
Đua thuyền Tứ Linh là một nghi lễ không thể thiếu trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Sứ mệnh giữ gìn mỗi tấc biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đang được hậu duệ binh phu Hoàng Sa Bắc Hải tiếp tục với những chuyến hải hành làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sau phần lễ đã diễn ra Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh (Long, Lân, Quy Phụng).

Thực hiện: HỮU DANH – H.P/BQNĐT