Thứ 5, 17/08/2017

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Vẫn còn nhiều bất ổn

Wed, 01/05/2019 | 06:53 AM

Tuần qua, Sri Lanka chìm trong tang tóc vì bị tấn công khủng bố; Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran, gây bất bình tại nhiều nước; biểu tình phản đối chính phủ tại Pháp và chính biến tại Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp... Thế giới vẫn còn nhiều bất ổn vẫn chưa được giải quyết.

1. Khủng bố đẫm máu tại Sri Lanka

Đúng vào ngày lễ Phục sinh, hàng loạt vụ nổ liên tiếp xảy ra tại các nhà thờ và khách sạn ở Colombo, Sri Lanka và các vùng phụ cận khiến khoảng 253 người thiệt mạng (thông báo trước đó là 359 người do trùng lặp về kết quả giám định ADN) và khoảng 500 người bị thương.

Thế giới tuần qua: Vẫn còn nhiều bất ổn

Đau thương Sri Lanka ngày 21-4. Ảnh: The Sun.

Đây được coi là những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka trong vòng một thập niên qua. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận tiến hành loạt vụ tấn công. Tuy nhiên, phát biểu trước Quốc hội Sri Lanka ngày 23-4, Thứ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene cáo buộc 2 nhóm Hồi giáo trong nước là  NTJ và Jammiyathul Millathu Ibrahim liên quan đến vụ tấn công. 

Văn phòng tổng thống tuyên bố luật tình trạng khẩn cấp, có hiệu lực vô thời hạn. Cảnh sát được quyền bắt giữ và thẩm vấn các nghi can mà không cần có lệnh của tòa án. Hơn 100 người tình nghi đã bị bắt giữ. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành các chiến dịch truy quét, kiểm tra chặt chẽ tại các khu vực có đông người Hồi giáo. Do lo ngại vấn đề an ninh, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã phải đóng cửa. Toàn bộ các nhà thờ Thiên chúa giáo trên lãnh thổ Sri Lanka đã tạm ngừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Cảnh báo nguy cơ tái diễn các cuộc tấn công vẫn tiếp tục được đưa ra.

Sri Lanka là một quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc. Cộng đồng người Cơ đốc giáo chỉ chiếm khoảng 7-8% dân số nước này, người Hồi giáo 10%, Hindu giáo 13%, còn lại là Phật giáo. Cuộc chiến gần 30 năm chống tổ chức ly khai cực đoan Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) đã cơ bản chấm dứt năm 2009. Tuy nhiên, xung đột giáo phái và sắc tộc trở thành vấn đề dai dẳng làm đau đầu tất cả các chính phủ ở Sri Lanka.

2. Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran

Ngày 22-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 tới.

Thế giới tuần qua: Vẫn còn nhiều bất ổn
Ảnh minh họa: Reuters.   

Hồi tháng 11-2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới. Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế.  

Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích quyết định của Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran, đồng thời cảnh báo động thái này có thể làm phương hại nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn Tehran phát triển các vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh khẳng định Mỹ đã "phạm sai lầm tồi tệ" bằng việc chính trị hóa dầu mỏ và lợi dụng "vàng đen" như một thứ vũ khí trong một thị trường dễ biến động.

Cũng liên quan đến căng thẳng Mỹ-Iran, ngày 23-4, Quốc hội Iran đã thông qua dự luật cho phép chính phủ đưa ra những hành động mạnh mẽ để đáp trả "những hành động khủng bố" của các lực lượng Mỹ, trả đũa việc Washington liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.

3. Pháp: Biểu tình của phe "Áo vàng" biến thành bạo động

Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ của phe "Áo vàng"  tại Pháp tiếp tục dâng cao và biến thành bạo động khiến cảnh sát phải dùng hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông.

Thế giới tuần qua: Vẫn còn nhiều bất ổn

Người biểu tình "Áo vàng" đốt các rào chắn trên đại lộ Champs-Elysees tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 16-3-2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thông báo của cảnh sát, 126 người đã bị bắt giữ và 11.000 người bị khám xét. Xung đột đã nổ ra giữa một số những người biểu tình và cảnh sát tại Paris. Những người biểu tình đã phóng hỏa nhiều thùng rác và một vài phương tiện giao thông.    

Thủ đô của Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho rằng những người biểu tình quá khích đang âm mưu gây ra làn sóng bạo lực mới tại nhiều thành phố. Nhà chức trách cho biết nhiều tuyến xe điện ngầm đã phải tạm dừng hoạt động và khoảng 60.000 cảnh sát đã được triển khai trên khắp cả nước Pháp. 

Phong trào biểu tình "Áo vàng" bùng nổ từ giữa tháng 11-2018 nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ, nhưng sau đó mở rộng sang chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng thời bày tỏ sự tức giận về mặt bằng thuế và chi phí sinh hoạt cao. Tổng thống Macron đầu tháng này đã ký ban hành đạo luật cung cấp thêm quyền cho lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình. Hành động này bị phe đối lập chỉ trích là vi phạm quyền tự do công dân.

4. Chính biến tại Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp

Ngày 23-4, thêm hàng trăm người dân từ mọi miền ở Sudan đã đổ về thủ đô Khartoum để tham gia cuộc biểu tình ngồi trước trụ sở của Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp (TMC), vốn đã kéo dài nhiều tuần qua.   

Thế giới tuần qua: Vẫn còn nhiều bất ổn

Người biểu tình ở Sudan. Ảnh: Reuters.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Phi trong một cuộc họp khẩn cùng ngày ở Ai Cập đã nhất trí rằng "cần có thêm thời gian cho quá trình chuyển tiếp chính trị", đồng thời kêu gọi Liên minh châu Phi (AU) lùi thời hạn chót thêm 3 tháng để TMC thực hiện cải cách dân chủ.

Căng thẳng càng leo thang hơn sau khi các cuộc đối thoại giữa người biểu tình và TMC đổ vỡ. Lực lượng biểu tình ngày 21-4 vừa qua thậm chí đã từ chối đối thoại với TMC, cho rằng TMC không khác mấy so với chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì các cuộc biểu tình, nổ ra từ tháng 12, cho đến khi các yêu cầu của họ được đáp ứng.

Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ cuối năm ngoái, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan đã lập ra TMC nhằm điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Tuy nhiên, đến này tình hình bất ổn vẫn chưa được cải thiện, các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu lắng xuống, đẩy đất nước vốn đã khó khăn ngày càng bị kiệt quệ hơn.

5. Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều: Tạo đòn bẩy thúc giải quyết thách thức

Ngày 25-4, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại thành phố Vladivostok của Nga.

Thế giới tuần qua: Vẫn còn nhiều bất ổn

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un  và Tổng thống Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều ngày 25-4. Ảnh: EPA

Cuộc hội đàm kín kéo dài gấp đôi thời gian so với dự kiến, một cuộc hội đàm mở rộng và những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo sau hội nghị thượng đỉnh đều cho thấy cuộc gặp đầu tiên này đã đạt được mục tiêu mà hai bên đề ra. Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm phi hạt nhân hóa, các biện pháp trừng phạt, quan hệ song phương Nga - Triều, quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ….

Ông Kim Jong-un cho biết ông “đã có cuộc gặp hữu ích và thẳng thắn” với Tổng thống Putin, trong khi ông Putin cũng bày tỏ hài lòng và cam kết đóng vai trò giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Liên quan đến quan hệ song phương, nhà lãnh đạo Triều Tiên hy vọng đưa quan hệ hiện đại với Moskva “ổn định hơn và mạnh mẽ hơn”, khi một trong những mục tiêu của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Nga là tìm một lối thoát cho nền kinh tế bị kiềm tỏa của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, ông Putin tin tưởng rằng chuyến thăm của ông Kim Jong-un sẽ tạo một “cú hích” cho các quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước. Tổng thống Nga đã kêu gọi hợp tác kinh tế 3 bên giữa Nga với Hàn Quốc và Triều Tiên. Liên quan đến vấn đề đàm phán hạt nhân, hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề này. 

Đây là hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều đầu tiên. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn chưa giúp giảm bớt các trừng phạt chống Triều Tiên, cũng như chưa có các bước đi cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa. Nhà lãnh đạo Triều Tiên kỳ vọng Nga sẽ tạo một "đòn bẩy" cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với Mỹ sắp tới.

Theo: THANH SƠN/QĐND (tổng hợp)