Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Tứ bề lửa cháy

Mon, 13/01/2020 | 07:40 AM

Thế giớ vừa trải qua một tuần với nhiều sự kiện “nóng bỏng”. Những mối họa xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ đến từ thiên tai, mà còn bởi những mâu thuẫn, đối đầu căng thẳng và nếu không được kiểm soát tốt thì chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

1. Mỹ và Iran "xuống thang" nhưng vẫn còn nhiều căng thẳng

Những lo ngại về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran đã phần nào được giải tỏa khi hai bên đều có những tuyên bố bày tỏ không muốn sử dụng vũ lực làm leo thang chiến tranh.  

Thế giới tuần qua: Tứ bề lửa cháy

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Ngày 8-1, trong phát biểu được đánh giá là khá ôn hòa sau khi Iran phóng 15 quả tên lửa nhằm vào 2 cơ sở quân sự Mỹ tại Iraq, nhằm đáp trả vụ Mỹ sát hại Tướng Qasem Soleimani hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không muốn sử dụng vũ lực chống lại Iran, đồng thời đưa ra đề xuất góp phần giảm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với chế độ Iran. Các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ này sẽ tồn tại cho đến khi Iran thay đổi hành vi của mình. Tổng thống Trump cũng hối thúc các đồng minh khác từ bỏ thỏa thuận 2015 và hợp tác để cùng nhau đạt được một thỏa thuận mới với Tehran; kêu gọi Iran cùng chiến đấu chống lại Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời mong muốn một tương lai tốt đẹp cho lãnh đạo và người dân Iran.

Hạ viện Mỹ ngày 9-1 cũng thông qua một nghị quyết ngăn chặn hành động quân sự trong tương lai của Tổng thống Donald Trump nhằm chống lại Iran.

Về phía Iran, sau khi tấn công tên lửa vào căn cứ của Mỹ ở Iraq, nước này tuyên bố đã hoàn thành các đợt trả đũa và không mong muốn leo thang chiến tranh với Mỹ, nhưng sẽ luôn tự vệ trước mọi hành động gây hấn. 

Như vậy, với những động thái xuống thang của cả hai bên, nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran tạm thời được đẩy lui. Tuy nhiên, ngọn lửa đối đầu giữa hai quốc gia nhiều duyên nợ này vẫn âm ỉ cháy. Ngày 9-1, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi đã bác bỏ lời kêu gọi hợp tác để tìm kiếm một thỏa thuận mới của Tổng thống Donald Trump, cho rằng đề nghị này là “không đáng tin” trong bối cảnh Washington đang áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehra đã có hiệu lực và được tăng cường đáng kể.

Do lo ngại tình hình bất ổn ở Iraq, chính phủ nhiều nước đã yêu cầu công dân của mình rời khỏi quốc gia này. Bên cạnh đó, quân đội một số nước đồn trú ở Iraq đã tiến hành điều chuyển lực lượng sang quốc gia láng giềng.

2. Indonesia điều hàng trăm tàu cá đến vùng biển Natuna

Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Mohammad Mahfud MD ngày 6-1 cho biết, chính phủ nước này sẽ điều khoảng 120 tàu cá từ đảo Java tới hoạt động ở các vùng biển xung quanh Quần đảo Natuna thuộc tỉnh Quần đảo Riau. Bộ trưởng Mahfud cho biết các tàu cá này cũng sẽ giúp bảo vệ vùng biển Natuna khỏi sự xâm lấn của các tàu nước ngoài, đồng thời trấn an và cam kết bảo vệ các ngư dân hoạt động tại vùng biển này.

Thế giới tuần qua: Tứ bề lửa cháy

Vùng biển Natuna. Ảnh: Antara

Cùng ngày, hãng thông tấn chính thức Antara cho biết Liên minh ngư dân Indonesia (ANNI) tuyên bố sẵn sàng huy động hàng trăm tàu cá đến Natuna. Người đứng đầu ANNI, ông Riyono cho biết gần 500 tàu đánh cá đã sẵn sàng đánh bắt cá tại Natuna, đồng thời làm “tai mắt” cho các lực lượng chức năng nhằm bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia.

Bên cạnh đó, theo truyền thông sở tại, Indonesia đã triển khai tổng cộng 4 máy bay tiêm kích F16, 8 tàu hải quân tới tuần tra tại vùng biển Natuna.

Ngày 8-1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thăm quần đảo Natuna và nhấn mạnh chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo này. Trước đó, ông Joko Widodo tuyên bố rằng chủ quyền của quốc gia này tại vùng biển Natuna là điều “không thể mặc cả”. Cùng ngày, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng nhấn mạnh rằng chủ quyền lãnh thổ của Indonesia là điều “hoàn toàn không thể thương lượng”; đồng thời nêu rõ: "Bất kỳ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ ai phải dựa vào luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Do đó, Indonesia sẽ tiếp tục bác bỏ các yêu sách không được luật pháp quốc tế công nhận”.

Những động thái trên của Indonesia diễn ra tuyên bố trên trong trong bối cảnh dư luận Indonesia và quốc tế trong hai tuần qua quan tâm vấn đề quần đảo Natuna sau khi các tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống hàng chục tàu cá của nước này đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở vùng biển phía Bắc quần đảo Natuna.

3. Australia gồng mình chống chọi thảm họa cháy rừng 

Australia đang phải hứng chịu thảm họa cháy rừng khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử nước này, với gần 200 đám cháy vẫn đang hoành hành trên hầu khắp lục địa châu Đại Dương rộng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cũng như tàn phá hệ động vật hoang dã.

 

Thế giới tuần qua: Tứ bề lửa cháy

Hình ảnh vụ cháy rừng ở Australia . Ảnh: WSJ.

Vụ cháy bắt đầu bùng phát ở Australia từ tháng 11-2019, đã thiêu rụi 10,3 triệu ha đất. Theo thống kê mới nhất đã có 27 người đã thiệt mạng. Thiệt hại về kinh tế chưa thể thống kê, nhưng riêng tổn thất đối với ngành du lịch ước tính tương đương 3,1% GDP. Báo chí Australia đã gọi đây là "đại thảm họa" kéo theo một cuộc khủng hoảng được dự báo sẽ rất trầm trọng.

Các nhà sinh thái học tại Đại học Sydney ước tính số lượng các loài động vật chết và bị thương do đợt cháy rừng này tại Australia có thể lên tới 1 tỷ con. Trong khi đó, chương trình giám sát Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết, các đám cháy rừng đã phát thải 400 triệu tấn CO2 vào bầu khí quyển, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Ngày 9-1, nhà chức trách Australia tiếp tục phát đi các cảnh báo mới kèm khuyến cáo sơ tán trên toàn khu vực Đông Nam nước này.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, khói cháy rừng ở Australia đã lan khắp Thái Bình Dương, và bay xa hàng nghìn cây số tới các thành phố ở khu vực Nam Mỹ và có thể tới tận Nam Cực. Hiện bầu trời ở thành phố Auckland của nước láng giềng New Zealand đã biến thành màu da cam, trong khi màu trời ở Chile tại Nam Mỹ xa xôi đã bắt đầu chuyển sang màu xám mù mịt, và hoàng hôn ở thủ đô Buenos Aires của Argentina trở nên đỏ rực. 

4. Máy bay của Ukraine rơi tại Iran: Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng

Ngày 8-1, chuyến bay mang số hiệu 752 thuộc hãng Hàng không quốc tế Ukraine đã gặp nạn khi đang trên hành trình từ thủ đô Tehran của Iran tới thủ đô Kiev của Ukraine. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn 176 người thiệt mạng.

 

Thế giới tuần qua: Tứ bề lửa cháy

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Ukraine sáng 8-1. Ảnh: Getty

Dữ liệu trên trang web FlightRadar24 cho thấy chiếc máy bay xấu số trên đã ngừng gửi tín hiệu về đài kiểm soát không lưu sân bay Imam Khomeini ở Tehran, chỉ 3 phút sau khi cất cánh từ sân bay này trong sáng 8-1.     

Theo báo cáo kết quả điều tra sơ bộ do Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran (ICAO) đưa ra, dẫn lời các nhân chứng trên mặt đất và trong một chuyến bay bay ngang qua ở độ cao tương đương, nói rằng chiếc máy bay của UIA đã bốc cháy khi vẫn ở trên cao. Báo cáo cũng chỉ ra chiếc máy bay đã gặp vấn đề kỹ thuật ngay sau khi cất cánh và bắt đầu quay lại sân bay trước khi rơi.

Trong khi đó, cả Anh và Canada đều khẳng định các nguồn tin tình báo cho rằng một lỗi nghiêm trọng của khẩu đội phòng không Iran đã dẫn đến vụ bắn hạ máy bay Ukraine. Iran đã bác bỏ cáo buộc này và cho biết sẽ công bố nguyên nhân rơi máy bay trong ngày 11-1.

5. Đình công lan rộng tại Ấn Độ phản đối các chính sách lao động

Ngày 8-1, hàng triệu công nhân Ấn Độ đã tổ chức cuộc đình công trên khắp cả nước, phản đối các chính sách lao động của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

 

Thế giới tuần qua: Tứ bề lửa cháy

Người biểu tình chặn một tuyến đường sắt. Nguồn: News18

10 nghiệp đoàn với tổng số thành viên lên tới 250 triệu người đã phát động cuộc đình công này. Những người đình công đã nhấn mạnh tới việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước gần đây, yêu cầu tăng lương tối thiểu và lương hưu.
Bất chấp các cảnh báo của chính phủ về hậu quả của hoạt động đình công, biểu tình như trừ lương và chịu các án kỷ luật khác, người biểu tình tại bang Tây Bengal, bang Bihar, Odisha ở miền Đông, hay bang Maharashtra ở miền Tây, bang miền Bắc Haryan cùng một số bang miền Nam đã phong tỏa các con đường và tuyến đường sắt. Các dịch vụ vận tải xe buýt và đường sắt bị đình trệ nghiêm trọng. 

Cảnh sát cho biết, đã có các cuộc xô xát giữa những người ủng hộ và những người phản đối đình công tại thành phố Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal.

Cuộc đình công đã gây thêm áp lực lên chính quyền Thủ tướng Modi vốn đang chịu các cuộc biểu tình rộng khắp về Luật Quốc tịch được thông qua vào ngày 11-12-2019.

Theo Thanh Sơn/QĐND