Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Tiến, lùi đan xen

Sun, 22/12/2019 | 07:56 AM

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị luận tội, Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit, Nga, Ukraine và EU nhất trí về nguyên tắc thỏa thuận khí đốt mới là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần.

1. Chính trường Mỹ căng thẳng vì luận tội tổng thống

Ngày 19-12, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump.

Ở Điều I, “Lạm quyền”, số phiếu đồng thuận là 230 phiếu (so với 216 phiếu cần thiết), phản đối là 197 phiếu. Ở Điều II, “Cản trở Quốc hội”, tỷ lệ này là 229 phiếu thuận – 198 phiếu chống. Kết quả này phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa lưỡng đảng. Hạ viện Mỹ có 233 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ và 197 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa. 

Thế giới tuần qua: Tiến, lùi đan xen

Hạ viện Mỹ tiến hành bỏ phiếu luận tội Tổng thống Donald Trump. Ảnh: US News.

Bên cạnh đó, một khi được triển khai, tiến trình luận tội nhiều sẽ kéo dài, tiêu tốn thời gian và công sức của lưỡng viện và Nhà Trắng. Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, Lưỡng viện Mỹ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về số phận của Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 3-2020, 7 tháng trước khi bầu cử Tổng thống diễn ra. Con số này chỉ là ước lượng và hoàn toàn có thể kéo dài hơn, tùy thuộc vào quá trình xét xử của Thượng viện Mỹ.

Ngoài ra, cuộc luận tội sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phê duyệt, triển khai quyết sách của lưỡng viện và Chính phủ. Nhiều khả năng Đảng Dân chủ sẽ tận dụng điều này để tấn công vào cá nhân ông Trump và đảng Cộng hòa, tác động tới phê duyệt chính sách của Nhà Trắng.

Đáng ngại hơn, đối đầu với chiến lược đó, đảng Cộng hòa với đa số tại Thượng viện cùng ông Donald Trump có thể thông qua một số quyết sách đối ngoại táo bạo, thay đổi hiện trạng quan hệ với Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Triều Tiên và Syria.

2. Anh đạt được bước tiến về vấn đề Brexit

Ngày 20-12, Hạ viện Anh đã thông qua Dự luật Thỏa thuận Rút khỏi Liên minh châu Âu (WAB), mở đường cho nước này rút khỏi mái nhà chung EU đúng kế hoạch vào ngày 31-1.

Bất chấp sự phản đối dữ dội của Công đảng đối lập nhằm vào thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Boris Johnson đã giành được sự ủng hộ của các nhà lập pháp và đây được đánh giá là thắng lợi chính trị quan trọng nhất của ông, 1 tuần sau cuộc bầu cử tại nước này.

Thế giới tuần qua: Tiến, lùi đan xen

Ảnh minh họa. Nguồn: The Guardian.

Giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit sẽ không được phép kéo dài tới sau tháng 12-2020. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với phiên bản dự luật WAB trước, vốn quy định giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit có thể kéo dài tới 2 năm.

Nghị viện Anh giờ sẽ bước vào giai đoạn nghỉ Giáng Sinh và Năm mới. Các nghị sĩ sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 7-1-2020 và thảo luận về Dự luật WAB thêm 1 tuần nữa, trước khi chuyển sang Thượng viện phê chuẩn.

Nếu mọi thủ tục diễn ra thuận lợi, Nghị viên châu Âu (EC) sẽ thông qua thỏa thuận Brexit vào ngày 29-1-2020 và Brexit chính thức diễn ra 2 ngày sau. Bước tiếp sau đó là London và EU sẽ khởi động các cuộc đàm phán thương mại.

Sau khi rời EU, nước Anh sẽ bước vào giai đoạn 11 tháng chuyển tiếp để London và Brussels  thảo luận quy chế quan hệ trong tương lai. Anh sẽ vẫn là một thành viên của liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất, tức là hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường ở giai đoạn này.

3. Nhật Bản, Hàn Quốc đối thoại cấp cao về tranh cãi thương mại

Cuộc đàm phán ngày 16-12 giữa các quan chức cấp cao Nhật Bản và Hàn Quốc tại Tokyo nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng tại Đông Bắc Á đã kéo dài tới 10 tiếng.

Tokyo vẫn bảo lưu quan điểm rằng việc kiểm soát xuất khẩu, nhất là những mặt hàng nhạy cảm, trong bối cảnh an ninh quốc tế phức tạp như hiện nay là rất cần thiết. Về phần mình, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết cuộc gặp lần này đã giúp hai bên đạt được “nhận thức chung” là cần theo đuổi việc quản lý hiệu quả hệ thống xuất khẩu và tiếp tục đàm phán để giải quyết những vấn đề nổi cộm.

Thế giới tuần qua: Tiến, lùi đan xen

Ảnh minh họa. Nguồn: Nikkei Asian Review.

Hai bên cũng thống nhất sẽ tổ chức cuộc đối thoại tiếp theo tại Seoul vào thời điểm “sớm nhất có thể”. Thành công của cuộc gặp gỡ lần này là bước tiến có giá trị, là khởi đầu quan trọng cho việc khai thông bế tắc giữa hai nền kinh tế nhóm đầu châu Á.

Cuộc gặp trên diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tuần tới ở Trung Quốc, khi ba nước bắt đầu đối thoại với hy vọng thúc đẩy giải quyết các vấn đề đang tranh cãi.

Đây là cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 6-2016 và được xem là rất quan trọng đối với việc giải quyết xung đột thương mại giữa hai nước.

4. Tổng thống Nga chủ trì họp báo lớn thường niên

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc họp báo thường niên lần thứ 15. Đây luôn là sự kiện được chào đón và quan tâm đặc biệt của truyền thông Nga cũng như thế giới.

Sau gần 4 giờ 30 phút, ông Putin đã trả lời hơn 60 câu hỏi từ các nhà báo với các chủ đề đa dạng từ quan hệ của Nga với Mỹ, EU, Ukraine, Trung Quốc, Syria... cũng như các vấn đề trong nước của Nga.

Thế giới tuần qua: Tiến, lùi đan xen

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo. Ảnh: Foreign Brief.

Đáng chú ý, ông chủ Điện Kremlin tái khẳng định Moscow sẵn sàng gia hạn hiệp ước Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START), sẽ hết hạn vào tháng 2-2021, mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào mặc dù Mỹ không có câu trả lời đối với các đề xuất của Nga về việc này.

Số liệu được công bố cho thấy, cuộc họp báo lần này đã lập kỷ lục khi có tới 1.895 phóng viên đã đăng ký tham gia, nhiều hơn số phóng viên tham dự cuộc họp báo năm 2018 khoảng gần 200 phóng viên, trong khi hội trường họp báo chỉ đủ chỗ cho 900 người.

Ông Putin đã tiến hành các cuộc họp báo lớn thường niên từ năm 2001, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Theo thời gian, cuộc họp báo truyền thống này ngày càng thu hút sự chú ý của công luận.

5. Hội nghị COP25 bàn về biến đổi khí hậu

Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha đã kết thúc với kết quả khiêm tốn.

COP 25 diễn ra khi toàn thế giới đã thực sự hứng chịu những thảm họa thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu như những cơn bão mạnh chưa từng thấy, hạn hán chết người, đợt lũ lụt lịch sử hay nắng nóng kỷ lục.

Thế giới tuần qua: Tiến, lùi đan xen

Các đại biểu tham dự Hội nghị COP25. Ảnh: VOX.

Trong khi đó, giới khoa học liên tiếp đưa ra hàng loạt bằng chứng về những tác động khắc nghiệt hơn của biến đổi khí hậu trong tương lai gần khi tính tới nay, nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C và đang trong lộ trình để tăng thêm 2 hoặc 3 độ C nữa vào năm 2100.

Vốn được coi là cơ hội “phút chót” để các bên nỗ lực hoàn tất một bộ quy tắc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, việc hội nghị cuối cùng kết thúc với một tuyên bố chung chung thực sự gây thất vọng. Khi các đoàn đàm phán rời Madrid, những vấn đề mấu chốt được nêu trước hội nghị như cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon, vẫn còn bỏ ngỏ.

Kết quả trên đồng nghĩa với việc mọi vấn đề còn dang dở sẽ phải để lại tới COP 26, dự kiến diễn ra tại Glasgow, Anh vào năm 2020, kỳ hội nghị cuối cùng trước khi Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực.

6. Nga, Ukraine và EU nhất trí về nguyên tắc thỏa thuận khí đốt mới

Ngày 19-12, Nga, Ukraine và EU đã nhất trí về nguyên tắc đối với một thỏa thuận khí đốt mới sẽ được bắt đầu kể từ ngày 1-1-2020 tới.

Phát biểu sau cuộc đàm phán tại thủ đô Berlin, Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic cho biết: “Sau các cuộc đàm phán mang tính tích cực, tôi rất vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận về nguyên tắc đối với tất cả các yếu tố cơ bản của thỏa thuận đưa khí đốt tới châu Âu. Tôi tin rằng đây là thông tin rất tích cực đối với châu Âu, đối với Nga và Ukraine”.

Thế giới tuần qua: Tiến, lùi đan xen

Ảnh minh họa. Nguồn: Kyiv Post.

Theo kết quả này, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về một hợp đồng quá cảnh khí đốt mới và theo đó, khí đốt của Nga vẫn sẽ tiếp tục được vận chuyển qua Ukraine và tới Đức.

Hiện chi tiết của bản hợp đồng vẫn còn nhiều điểm bỏ ngỏ và sẽ phải được tiếp tục đàm phán trong trong những ngày tới. Sau đó, các bên sẽ ký kết hợp đồng. Theo thông tin của truyền thông Đức, thỏa thuận này có quy định về thời hạn của hợp đồng tương lai cũng như về lượng khí đốt sẽ được vận chuyển qua Ukraine. 

Như vậy, với việc các bên đạt được thỏa thuận trên đã phần nào giúp cởi nút thắt về nguồn cung khí đốt ở một số nước châu Âu, trong bối cảnh hợp đồng hiện tại sắp hết hạn vào cuối năm và nguy cơ tái hiện cái gọi là cuộc “chiến tranh khí đốt” như hồi năm 2009.

Theo Ngân Anh/QĐND