Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Thuận lợi và trắc trở

Sun, 27/10/2019 | 08:11 AM

Thỏa thuận về Syria giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thắp lên hy vọng khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này. Ở một khu vực khác, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan liên quân đến vấn đề Kashmir vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

1. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận về Syria

Ngày 22-10, tại thành phố Sochi, miền Nam nước Nga, Tổng thống nước này Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thông qua biên bản ghi nhớ (MOU) và nhất trí triển khai các lực lượng hỗn hợp tới khu vực diễn ra chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Theo nội dung thỏa thuận được Điện Kremlin công bố, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trung thành với nguyên tắc bảo đảm thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Syria; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố; giữ nguyên trạng tại vùng mà Ankara tiến hành chiến dịch gọi là “Mùa xuân hòa bình”; tôn trọng thỏa thuận Adan năm 1999 giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ…

Thế giới tuần qua: Thuận lợi và trắc trở

Lực lượng Nga đang được tăng cường tại khu vực biên giới bên phía Syria. Ảnh: News Week.

Thỏa thuận cũng nêu rõ, bắt đầu từ 16 giờ ngày 23-10 (giờ Việt Nam), lực lượng quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria sẽ triển khai tại khu vực biên giới bên phía Syria, ngoài khu vực diễn ra chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, và tạo điều kiện cho các tay súng thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) rút đi khỏi bán kính 30km từ biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 150 giờ. Sau đó, các lực lượng tuần tra chung Nga-Thổ sẽ bắt đầu ở phía tây và đông của khu vực xảy ra chiến dịch trên, trong bán kính 10km. Hai bên sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự thâm nhập của các tay súng khủng bố. Ngoài ra, một cơ chế giám sát và xác minh chung sẽ được thiết lập để đánh giá và phối hợp thực hiện MOU. 

Tổng thống Putin coi thỏa thuận trên là bước đi quan trọng, giúp hạ nhiệt căng thẳng quân sự tại miền bắc Syria. Về phần mình, Tổng thống Erdogan coi thỏa thuận đạt được với Nga là một bước tiến lịch sử. Với thỏa thuận này, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra thông báo, Ankara không cần phải khởi động lại chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” nữa khi mà thời hạn ngừng bắn tạm thời với Mỹ trước đó đã hết hạn vào lúc 2 giờ sáng 23-10 (theo giờ Hà Nội).

Giới quan sát nhận định, việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận về Syria là thắng lợi ngoại giao cho tất cả các bên liên quan. Bởi lẽ, thỏa thuận không đi ngược lại thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trước đó. Thỏa thuận này cũng tạo điều kiện để các bên tiếp tục các nỗ lực chung nhằm tìm ra giải pháp chính trị cho tình hình hiện nay, bao gồm cả các công việc trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp Syria. Thậm chí, Syria có cơ hội khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ sau hơn 8 năm chia rẽ và xung đột.

2. Tiến trình Brexit tiếp tục gặp trắc trở

Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 23-10 đã nhất trí về mặt nguyên tắc về việc lùi thời điểm Brexit sau ngày 31-10 song chưa quyết định được là khoảng thời gian gia hạn này có thể kéo dài trong bao lâu.

Tại hội nghị, các nước nhất trí việc gia hạn về nguyên tắc, nhưng khoảng thời gian kéo dài bao lâu vẫn đang được thảo luận. Pháp đã công khai ủng hộ một khoảng gia hạn ngắn hơn 3 tháng-khoảng thời gian gia hạn mà phía Anh đề xuất. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vẫn khuyến nghị các đại sứ EU nên thông qua đề xuất của Anh về việc gia hạn Brexit thêm 3 tháng, đến ngày 31-1-2020.

Thế giới tuần qua: Thuận lợi và trắc trở

Ảnh minh họa. Nguồn: The Spectator.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi 2 bức thư cho lãnh đạo EU, trong đó bức thư đầu tiên ông không ký tên, đề nghị gia hạn thời gian đàm phán điều 50 Hiệp ước Lisbon tới ngày 31-1-2020, đồng nghĩa với việc trì hoãn Brexit thêm 3 tháng theo đúng một dự luật đã được Hạ viện Anh thông qua. Bức thư thứ hai được Thủ tướng Boris Johnson ký tên, trong đó ông gọi việc gia hạn Brexit như yêu cầu của Hạ viện Anh là một sai lầm.

Thủ tướng Johnson đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 12-12 với hy vọng cuộc bầu cử này sẽ mang lại cho ông thế đa số để thông qua thỏa thuận Brexit mà ông đạt được với lãnh đạo EU hồi tuần trước. Dù vậy, ông Johnson sẽ cần sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ Quốc hội Anh để đề xuất bầu cử sớm được thông qua. Trong khi đó, phe đối lập vẫn đang trong tình trạng không đồng nhất, với một số mong muốn tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit.

Hơn 3 năm kể từ khi người Anh bỏ phiếu chọn “ra đi”, số phận của Brexit vẫn chưa được ngã ngũ, hoặc Anh sẽ ra đi không thỏa thuận vào cuối tháng này, hoặc sẽ trì hoãn và một cuộc bầu cử trước thời hạn có nguy cơ chia rẽ đất nước này hơn nữa.

3. Biên giới Ấn Độ và Pakistan vẫn diễn ra giao tranh

Ít nhất 10 người thiệt mạng trong một vụ nã pháo dọc Ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.

Một người phát ngôn của quân đội Ấn Độ cho biết 2 binh lính và một dân thường đã thiệt mạng trong khi 3 người khác bị thương khi phía Pakistan nã pháo nhằm vào huyện Kupwara. Phát biểu trước báo giới tại New Delhi, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Bipin Rawat cho biết đấu súng xảy ra liên tục từ ngày 5-8. Lần này, phía Ấn Độ đã nã pháo nhằm vào một số “địa điểm khủng bố” phía bên kia biên giới.

Thế giới tuần qua: Thuận lợi và trắc trở

Binh sĩ Ấn Độ tại khu vực Kashmir do nước này kiểm soát. Ảnh: Yahoo News.

Tuy nhiên, phía Pakistan cáo buộc quân đội Ấn Độ nhằm vào các dân thường. Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết 6 người thiệt mạng và một số người khác bị thương gần LOC. Quân đội Pakistan cũng xác nhận một binh lính thiệt mạng, khiến số người thiệt mạng bên phía này lên tới 7 người.

Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Kể từ năm 1947 đến nay, nơi đây vẫn bị chia cắt thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir trong đó hai bên cáo buộc lẫn nhau gây bất ổn.

Cẳng thẳng gia tăng kể từ ngày 5-8 vừa qua khi Chính phủ Ấn Độ đã thực thi sắc lệnh của Tổng thống Narendra Modi về hủy bỏ ngay lập tức quy chế trao quyền tự trị đặc biệt cho vùng Kashmir do nước này kiểm soát, đồng thời áp dụng toàn bộ Hiến pháp Ấn Độ đối với khu vực này. Pakistan đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc.

4. Hàn Quốc, Nhật Bản hạ nhiệt căng thẳng

Căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu hạ nhiệt khi Seoul cử Thủ tướng Lee Nak-yon đến dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito và thăm chính thức Tokyo.

Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Lee Nak-yon bày tỏ hy vọng quan hệ hai nước sẽ sớm được cải thiện và khởi sắc. Thủ tướng Lee Nak-yon cũng trao cho Thủ tướng Abe bức thư của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong đó khẳng định Nhật Bản là đối tác quan trọng để hợp tác vì hòa bình của khu vực.

Thế giới tuần qua: Thuận lợi và trắc trở

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Nak Yon, ở Tokyo, ngày 24-10. Ảnh: Reuters.

Về phần mình, Thủ tướng Abe nhấn mạnh sự phối hợp giữa hai nước rất quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ông Abe cũng lưu ý rằng quan hệ giữa hai nước đã rơi vào tình trạng rất căng thẳng và không nên bỏ mặc hiện trạng này.

Đây là cuộc gặp cấp cao song phương đầu tiên kể từ khi quan hệ hai nước rơi vào vòng xoáy căng thẳng từ cuối năm 2018 sau khi các tòa án Hàn Quốc phán quyết các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời chiến. Căng thẳng leo thang khi Nhật Bản trả đũa bằng cách siết chặt quy định xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc và loại nước này ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Đáp trả, Hàn Quốc cũng loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul và rút khỏi Hiệp định Chia sẻ thông tin quốc phòng giữa hai nước.

5. Nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Sudan và Nam Sudan

Ngày 24-10, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix cho rằng, Sudan và Nam Sudan đang tiến gần tới đạt thỏa thuận hòa bình bền vững với nhau cũng như với các lực lượng vũ trang đối lập.

Ông Lacroix cho biết, quan hệ đối tác giữa hai nước này vẫn được duy trì dù có sự thay đổi chính quyền ở Sudan và chính điều này cho thấy đây là cơ hội hiếm có để hai bên tiến tới giải quyết các vấn đề biên giới.

Thế giới tuần qua: Thuận lợi và trắc trở

Người dân Nam Sudan tuần hành phản đối xung đột. Ảnh: Kengla.

Cùng ngày, tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ, các thành viên hội đồng tập trung thảo luận tình hình ở Abyei, khu vực biên giới giàu trữ lượng dầu mỏ đang tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. LHQ cho rằng, hai nước cần tiếp tục đối thoại nhằm giải quyết những điều khoản tồn tại trong thỏa thuận liên quan khu vực Abyei. LHQ khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên minh châu Phi hỗ trợ tiến trình hòa bình giữa hai quốc gia này.

Trong khi đó, Đặc phái viên LHQ về vùng Sừng châu Phi Parfait Onanga-Anyanga nhấn mạnh tới “bộ máy mới” do những thay đổi chính trị ở Sudan diễn ra trong năm nay. Ông nhận định, chuyển biến tình hình Sudan sẽ góp phần cải thiện quan hệ giữa nước này với Nam Sudan; đồng thời cho rằng các cuộc đối thoại của chính phủ mới của Sudan với các nhóm vũ trang đối lập sẽ tiếp tục đến giữa tháng 12 tới.

Ngoài ra, việc Mỹ có thể sẽ đưa Sudan khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố sẽ giúp chính phủ chuyển tiếp của Sudan tiếp cận các quỹ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Thế giới (WB). Chính phủ mới ở Sudan đang nỗ lực cải cách nhằm tiến tới hòa bình và ổn định.

6. Hy Lạp thúc đẩy phục hồi kinh tế

Ngày 24-10, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua một dự luật phát triển nhằm thúc đẩy hồi phục kinh tế sau khi quốc gia này chấm dứt nhận các khoản cứu trợ quốc tế. Dự luật mang tên "Đầu tư cho Hy Lạp" được thông qua với sự ủng hộ của 165 trên tổng số 300 nghị sĩ quốc hội.

Thế giới tuần qua: Thuận lợi và trắc trở

Nền kinh tế Hy Lạp đang phục hồi khả quan. Ảnh: Travel Triangle.

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis khẳng định dự luật sẽ đưa lĩnh vực đầu tư ở Hy Lạp hòa nhập xu hướng của thế kỷ 21 và kỷ nguyên số hóa. Dự luật tích hợp những thực tiễn tốt học hỏi từ châu Âu và cộng đồng quốc tế, loại bỏ những trở ngại quan liêu đối với hoạt động đầu tư và khuyến khích việc làm.

Tháng 8-2018, Hy Lạp chấm dứt nhận gói cứu trợ quốc tế thứ 3 được triển khai từ năm 2010 nhằm giúp quốc gia này vượt qua cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng.

Hiện kinh tế Hy Lạp đã tăng trưởng trở lại. Chính phủ mới lên cầm quyền sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7 vừa qua đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 2,8% vào năm 2020, so với mức 2% năm 2019.

Theo NGÂN ANH/qdnd