Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Tâm điểm song phương

Sat, 29/06/2019 | 09:39 AM

Đối đầu giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; hàng loạt cuộc gặp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20; EU và Việt Nam sẽ ký FTA và IPA... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần.

 1. Căng thẳng Mỹ, Iran chưa hạ nhiệt

Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang đến bờ vực của chiến tranh đang là một trong những tâm điểm chú ý trong những ngày gần đây.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các sự kiện nóng giữa hai nước đã diễn ra, nhất là sau khi Washington đổ lỗi cho Tehran tấn công vào hai tàu chở dầu ở eo biển Hormuz, Mỹ tăng quân tới Trung Đông, và mới đây nhất là vụ Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ tại khu vực này.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm song phương

Mỹ triển khai thêm nhóm tàu tấn công đổ bộ Boxer đến Trung Đông. Ảnh: US Navy.

Dù chưa có cuộc tấn công nào được tiến hành, song Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người mà Washington cho rằng phải chịu trách nhiệm về lối hành xử thù địch của Iran.

Đáp lại, Iran lên tiếng chỉ trích các lệnh cấm vận mới của Washington, đồng thời nhấn mạnh rằng những hành động của Nhà Trắng đã “chấm dứt vĩnh viễn” mọi con đường ngoại giao giữa hai nước.

Đánh giá về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Mỹ và Iran, cựu Tư lệnh Tối cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) James Stavridis cho rằng, căng thẳng giữa hai nước đã tăng lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua, đồng thời cảnh báo xung đột quân sự giữa hai nước vẫn có thể xảy ra trừ khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Dù hạ thấp khả năng hành động quân sự nhưng quân đội Mỹ vẫn thông báo triển khai thêm nhóm tàu tấn công đổ bộ Boxer cùng Đơn vị viễn chinh lính thủy đánh bộ 11 đến khu vực hoạt động của Hạm đội 5 ở Trung Đông. Nhóm tàu này sẽ thay thế cho nhóm tàu đổ bộ Kearsarge hoạt động tại khu vực này từ hồi tháng 4.

2. Bước tiến mới trong quan hệ Pháp-Nhật Bản

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm từ ngày 26 đến 27-6 tới Nhật Bản trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra từ ngày 28 đến 29-6 tại thành phố Osaka, Nhật Bản.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm song phương

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Foreign Brief.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường quan hệ phòng thủ hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Pháp và Nhật Bản đã công bố lộ trình hợp tác 5 năm về nhiều vấn đề, từ thương mại toàn cầu tới biến đổi khí hậu (BĐKH).

Chuyến thăm Tokyo lần này của Tổng thống Macron diễn ra chỉ hai tháng sau chuyến thăm tới Paris của Thủ tướng Abe. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thắt chặt hơn nữa hợp tác song phương nhằm giải quyết những vấn đề thương mại và toàn cầu. 

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Nhật Bản giúp lãnh đạo hai nước cùng nhau đưa ra giải pháp hiệu quả đối với các chủ đề “nóng” tại Hội nghị thượng đỉnh G20, bao gồm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, căng thẳng giữa Mỹ và Iran, những khó khăn trong việc thực hiện các cam kết trong cuộc chiến chống BĐKH.

3. Tổng thống Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm được cả thế giới chờ đợi bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm song phương

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: NBC News.

Cuộc gặp được mong chờ sẽ tìm ra hướng giải quyết cho cuộc chiến tranh thương mại đang gây tác động không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu, đồng thời xoa dịu tình hình đối đầu hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Trump đã tuyên bố không hứa hẹn về việc hoãn áp thuế đánh lên 300 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. 

Do vậy, nhiều khả năng kịch bản lạc quan nhất đến từ cuộc hội đàm này là việc hai bên đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại, vốn đổ vỡ từ tháng 5 sau khi Mỹ tố Trung Quốc liên tục xóa bỏ các cam kết đạt được trong đàm phán.

4. Tổng thống Mỹ muốn gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên tại biên giới liên Triều

Qua dòng chia sẻ trên Twitter cá nhân ngày 29-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn bắt tay và nói xin chào với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) khi tới thăm Hàn Quốc.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm song phương

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Ảnh: US Embassy in Hanoi.

“Sau những cuộc gặp quan trọng, trong đó có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tôi sẽ rời Nhật Bản để đến Hàn Quốc (cùng Tổng thống Moon Jae In). Khi ở Hàn Quốc, nếu Chủ tịch Kim Jong Un đọc được điều này, tôi muốn gặp ông ấy ở khu DMZ để bắt tay và nói xin chào”, Tổng thống Trump viết.

Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ có chuyến thăm 2 ngày tới Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 30-6, sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc. Tại Seoul, Tổng thống Trump sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae In.

Tổng thống Trump từng có kế hoạch thăm khu DMZ trong chuyến công du Hàn Quốc tháng 11-2017, tuy nhiên chuyến đi bị hủy bỏ do thời tiết xấu. Những người tiền nhiệm của Tổng thống Trump gồm Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều đã viếng thăm địa điểm này.

5. Nga, Mỹ nhất trí cải thiện quan hệ song phương

Ngày 28-6, bên lề Hội nghị thượng G20 tại thành phố Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp song phương.

Mở đầu cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo lưu ý rằng cuộc gặp này có thể là một cơ hội tốt để thảo luận về nhiều vấn đề đang cần được giải quyết, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực chung của cả hai bên Nga - Mỹ sau cuộc gặp giữa hai ông tại Helsinki (Phần Lan).

Thế giới tuần qua: Tâm điểm song phương

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt bên lề Hội nghị thượng G20. Ảnh: TASS

Tại cuộc gặp, ông chủ Nhà Trắng và ông chủ Điện Kremlin đều nhất trí cải thiện quan hệ song phương, đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề kiểm soát vũ khí. Liên quan vấn đề này, ông Trump đề nghị với ông Putin rằng cần mời cả Trung Quốc tham gia thảo luận. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ cũng đã tiến hành trao đổi các vấn đề liên quan tình hình ở Iran, Syria, Venezuela và Ukraine.

Theo ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, bầu không khí chung của cuộc thảo luận là mang tính tích cực. Ông Putin đã mời ông Trump tới tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở Moscow vào năm 2020. Lời mời chính thức sẽ được gửi tới Tổng thống Mỹ trong thời gian tới.

6. EU, Việt Nam sẽ ký FTA và IPA vào ngày 30-6 tại Hà Nội

Ngày 25-6, Hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua hai hiệp định giữa EU và Việt Nam về thương mại tự do (EVFTA) và về bảo hộ đầu tư (EVIPA), mở đường cho việc ký kết các hiệp định này.

Cao ủy về thương mại của EU Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng phụ trách về kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea sẽ đại diện cho EU ký các hiệp định trên tại Hà Nội vào ngày 30-6.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm song phương

Hiệp định EVFTA sẽ là cú hích lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: VTC.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. EU nhận định, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất từ trước tới nay” mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. 

Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á.

Theo lịch trình, sau khi được ký kết, EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và nghị viện của tất cả các nước thành viên EU bỏ phiếu thông qua. Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là hai năm để EP và nghị viện của các quốc gia thành viên EU thông qua.

Theo QĐND