Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Đồng thuận và chia rẽ

Sun, 01/12/2019 | 10:49 AM

Dù còn những bất đồng, chia rẽ trong nhiều vấn đề tại một số “điểm nóng”, song thế giới tuần qua đã chứng kiến các cam kết mạnh mẽ và bước đi thực chất vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.

1. ASEAN-Hàn Quốc khẳng định tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và quan hệ đối tác

Tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc diễn ra từ ngày 25 đến 26-11, Hàn Quốc đã đưa ra cam kết mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ với ASEAN, nhấn mạnh tinh thần châu Á, mong muốn cùng ASEAN xây dựng Cộng đồng hòa bình, thịnh vượng, gắn kết bền vững, lấy người dân làm trung tâm.

Thế giới tuần qua: Đồng thuận và chia rẽ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các trưởng đoàn tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Ngoài ra, hai bên thống nhất thúc đẩy các nội dung hợp tác như kết nối hạ tầng (đường biển, đường bộ và hàng không), kết nối số và kết nối người dân; đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, thích ứng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ khởi nghiệp trong khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

 Hàn Quốc cũng công bố các sáng kiến về cải tiến hệ thống visa du lịch và làm việc cho công dân ASEAN, tăng gấp đôi số học bổng cho sinh viên ASEAN, lập Trung tâm sáng tạo công nghiệp ASEAN-Hàn Quốc, gắn kết với Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN... 

Về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, ASEAN khẳng định ủng hộ Chính sách của Hàn Quốc và nỗ lực của cá nhân Tổng thống Moon Jae-in thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, hướng đến các giải pháp bền vững vì hòa bình, phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên; tiếp tục đóng góp hỗ trợ tiến trình này, trong đó có tạo điều kiện để tiếp xúc, đối thoại bên lề các diễn đàn do ASEAN chủ trì như ARF.  

ASEAN và Hàn Quốc đã thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và quan hệ đối tác”, trong đó nhất trí nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược song phương trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, để phối hợp ứng phó tốt hơn với các thách thức cũng như tận dụng các cơ hội phía trước.

2. Chính trường Israel bị chia rẽ sâu sắc

Israel đang trong khủng hoảng chính trị khi đã trải qua 2 cuộc bầu cử liên tiếp chỉ chưa đầy 6 tháng mà vẫn không thể thành lập được chính phủ mới.

Thế giới tuần qua: Đồng thuận và chia rẽ

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Timesofisrael

Trong khi đó, Tổng chưởng lý Israel Avichai Mandelblit đã công bố quyết định truy tố Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong 3 vụ án riêng rẽ với các cáo buộc nhận hối lộ, gian lận và lạm dụng lòng tin. Các đối thủ chính trị và các nhóm hoạt động kêu gọi Thủ tướng Netanyahu từ chức, cho rằng ông không thể điều hành đất nước một cách hiệu quả khi phải đối diện các cáo buộc hình sự. Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng đây là "âm mưu đảo chính" chống lại ông, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tại vị.

Thủ tướng Netanyahu có 30 ngày để thuyết phục Quốc hội Israel trao quy chế miễn trừ để không bị xét xử tại tòa. Tuy nhiên, Quốc hội Israel hiện chưa có Ủy ban Pháp lý, cơ quan chịu trách nhiệm xem xét yêu cầu miễn trừ trước khi yêu cầu này được đưa ra quốc hội để bỏ phiếu. Quốc hội Israel có thể mất tới 6 tháng mới có thể thành lập được Ủy ban này.

Để tránh một cuộc bầu cử lần ba, Tổng thống Reuven Rivlin đã ủy nhiệm cho Quốc hội Israel chỉ định người đứng ra thành lập chính phủ, với hạn chót ngày 11-12. Người được chỉ định phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 61/120 nghị sĩ trong quốc hội. 

Tối 26-11, hàng nghìn người Israel đã tập trung trước Bảo tàng nghệ thuật thành phố Tel Aviv nhằm phản đối cái gọi là “âm mưu đảo chính” chống lại Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu.

3. Biểu tình phản đối chính sách nông nghiệp tại Pháp, Đức

Hàng chục nghìn nông dân Đức và Pháp đã lái máy kéo dọc theo nhiều con đường ở thủ đô Berlin và Paris nhằm phản đối các chính sách nông nghiệp của chính phủ.

Thế giới tuần qua: Đồng thuận và chia rẽ

Nông dân Pháp ra đường biểu tình. Ảnh: Reuters

Tại Đức, từ rạng sáng ngày 26-11, khoảng 1.800 máy kéo từ bang Brandenburg đã bắt đầu tiến về thủ đô Berlin, trong khi nhiều máy kéo khác xuất phát từ các khu vực xa hơn. Tổng cộng có 5.000 máy kéo và 10.000 nông dân đã tham gia vào cuộc tuần hành. Giao thông đã bị cản trở trên diện rộng. Những người biểu tình cho rằng các hạn chế mới về môi trường quá khắt khe và khiến nông nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.  

Tại Pháp, hàng trăm nông dân Pháp đã lái máy kéo dọc theo các con đường cao tốc của thủ đô Paris, gây tắc nghẽn giao thông thành phố. Trên con đường huyết mạch A1 nối thủ đô Paris với miền Bắc của Pháp và các cảng biển, một nhóm nông dân đã chặn 3 làn xe trong thời gian ngắn. Trong khi đó, một đoàn xe khác đã kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ người nông dân.

Nông dân Pháp đang chỉ trích chính quyền của Tổng thống Macron vì thúc đẩy lệnh cấm glyphosate vào năm 2021, còn khắt khe hơn cả chính sách hiện nay của Liên minh châu Âu (EU). Nông dân Pháp cũng phản đối thỏa thuận thương mại giữa EU với Canada và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), cho rằng những thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc nhập khẩu nông sản rẻ hơn và hạ thấp các tiêu chuẩn.

4. Đụng độ leo thang ở Gaza, Liên đoàn Arab khẳng định đoàn kết với Palestine

Hàng nghìn người Palestine đã xuống đường biểu tình trong "Ngày thịnh nộ" 26-11, tại một số thành phố ở khu Bờ Tây nhằm phản đối việc Mỹ công nhận các khu định cư của Israel. Hơn 60 người biểu tình đã bị thương trong khi đụng độ với quân đội Israel.

 

 

Thế giới tuần qua: Đồng thuận và chia rẽ

Hàng chục người Palestine bị thương trong các cuộc đụng độ với quân đội Israel. Ảnh Reuters

Phía Israel cho biết đêm 26-11, 3 quả rocket bắn từ Gaza vào miền Nam nước này. Không quân đã được lệnh tấn công một số mục tiêu của phong trào Hồi giáo Hamas ở phía Bắc dải Gaza, trong đó có một khu chế tạo vũ khí, một cơ sở ngầm và 1 vị trí của phong trào Hồi giáo Jihad.  

Trước đó, ngày 25-11, Liên đoàn Arab (AL) đã chính thức bác bỏ lập trường của Mỹ ủng hộ thành lập các khu định cư của Israel tại những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, đồng thời cho rằng động thái của Washington là mối đe dọa đối với hòa bình và vi phạm luật pháp quốc tế. AL tuyên bố lập trường của Mỹ là bất hợp pháp, vô căn cứ, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị quyết liên quan; đồng thời cảnh báo động thái của Mỹ là mối đe dọa thực sự đối với hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và quốc tế.  

Ngày 18-11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Washington sẽ không còn coi các khu định cư ở Bờ Tây của Israel là "không phù hợp" với luật pháp quốc tế, một động thái  làm tương lai của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine trở nên mờ mịt hơn.

5. Vòng đàm phán mới của Ủy ban Hiến pháp Syria không tiến triển

Vòng đàm phán thứ hai do Liên hợp quốc bảo trợ về vấn đề Syria kéo dài một tuần qua ở Geneva, Thụy Sĩ đã kết thúc mà không đạt đồng thuận về nghị sự làm việc. Các thành viên cơ quan soạn thảo hiến pháp thuộc Ủy ban Hiến pháp Syria cũng không tiến hành cuộc họp như kế hoạch ban đầu. 

 

 

Thế giới tuần qua: Đồng thuận và chia rẽ

Ủy ban Hiến pháp Syria trong cuộc họp đầu tiên tại Geneva (Thụy Sỹ), ngày 30-10. Nguồn: duvarenglish

Phát biểu với báo giới ngày 29-11, đặc phái viên của LHQ về Syria, ông Geir Pedersen cho biết đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập đồng chủ tọa vòng đàm phán đã không thể nhất trí về lịch trình các cuộc đàm phán soạn thảo hiến pháp. Vì vậy, 45 thành viên của cơ quan soạn thảo hiến pháp - là các đại diện của chính phủ, phe đối lập và tổ chức xã hội ở Syria - đã không tiến hành nhóm họp.   

Trước đó, Ðại diện chính phủ đã đưa ra một đề mục đề xuất thảo luận bao gồm chống khủng bố, bãi bỏ trừng phạt, lên án sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi phe đối lập chỉ trích các yêu cầu này "mang tính chính trị".

Ủy ban Hiến pháp Syria - do LHQ công bố thành lập cuối tháng 9 vừa qua - nhằm soạn thảo một bản hiến pháp mới cho quốc gia Trung Đông này. Các cuộc đàm phán của Ủy ban Hiến pháp Syria được xem là bước đầu tiên trên con đường dài tìm kiếm giải pháp chính trị cho quốc gia Trung Đông này.   

6. Liên hợp quốc cảnh báo thảm họa khí hậu toàn cầu 

LHQ cảnh báo Thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội tránh được thảm họa khí hậu nếu không giảm ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

 

Thế giới tuần qua: Đồng thuận và chia rẽ

Ảnh minh họa: AP    

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm khoảng 7,6%/năm cho đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng tới 1,5 độ C. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt là lượng khí thải đã tăng trung bình 1,5%/năm trong thập kỷ qua, lên tới mức kỷ lục 55,3 tỉ tấn CO2. 

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng cảnh báo lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu, đã lên mức kỷ lục mới trong năm 2018.

Trong khi đó, Báo cáo công bố phân tích về hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của hơn 80 nền kinh tế trên thế giới cho biết, hạn hán, lũ lụt và mùa vụ thất thu do biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại lên tới 7.900 tỷ USD vào năm 2050.  Năm 2019, biến đổi khí hậu đã lên đến đỉnh điểm với tháng 6 nóng nhất trong vòng 140 năm và tháng 7, tháng 9, tháng 10 nóng nhất trong lịch sử Trái Đất với nhiệt độ tăng từ 0,5 - 1 độ C so với mức trung bình hàng năm.

Hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra tại nhiều nơi. Như tại Ấn Độ hay Australia, có những đợt nắng lên tới hơn 50 độ C. Còn ở những xứ lạnh như châu Âu, nhiều người tử vong do nhiệt độ lên tới 41 độ C. Bên cạnh đó, nhiều trận siêu bão đã tàn phá Philippines, Indonesia hoặc những đợt núi lửa phun trào, động đất, sóng thần ở nhiều nước châu Á. Trong khi đó, băng ở Greenland đang tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng có.

Theo Thanh Sơn/QĐND