Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Nới lỏng nút thắt

Sun, 08/12/2019 | 07:59 AM

Những ngày qua đã ghi nhận nhiều nỗ lực đơn phương và song phương nhằm cải thiện bất đồng giữa các bên liên quan, đơn cử là việc Trung Quốc miễn thuế đậu nành và thịt lợn của Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh NATO ra Tuyên bố chung, hay Nga sẵn sàng gia hạn START-3 vô điều kiện.

1. Trung Quốc “xuống thang” trong căng thẳng thương mại với Mỹ

Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 6-12 dẫn quyết định của Chính phủ nước này về việc miễn thuế đối với mặt hàng đậu nành và thịt lợn của Mỹ nhưng không đưa ra số lượng chính xác các sản phẩm nhập khẩu.

Hai nước hiện vẫn chưa nhất quán về quy mô thỏa thuận mua hàng nông sản Mỹ của Trung Quốc. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bắc Kinh mua 40 đến 50 tỷ USD nông sản Mỹ một năm.

Thế giới tuần qua: Nới lỏng nút thắt

Quầy giới thiệu sản phẩm thịt lợn Mỹ tại Trung Quốc. Ảnh: China Plus.

Bắc Kinh đã áp thuế 25% đối với cả đậu nành và thịt lợn của Mỹ vào tháng 7-2018 như một biện pháp đối phó với thuế quan mà Washington áp dụng, đối với các cáo buộc rằng Trung Quốc đánh cắp và buộc chuyển giao tài sản trí tuệ của Mỹ cho các công ty Trung Quốc.

Đây được coi là một bước nhượng bộ của Trung Quốc khi thời hạn ngày 15-12 mà Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với 156 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đang đến gần, trong khi hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận giai đoạn một nhằm gỡ bỏ 15% thuế với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng kéo dài cuộc chiến đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, và thậm chí giữ nguyên kế hoạch tăng thuế quan vào ngày 15-12 nếu các cuộc đàm phán thương mại không mang lại một thỏa thuận mà ông cho là hợp lý.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài từ giữa năm ngoái đến nay với việc hai nước áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, gây náo loạn thị trường tài chính và kéo tụt niềm tin kinh doanh, tiêu dùng toàn cầu.

2. Hội nghị thượng đỉnh NATO

Ngày 3 và 4-12, Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại London (Anh). Cuộc họp đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập khối quân sự được coi là thành công nhất thế giới.

Tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc hội nghị đã tái khẳng định sự đồng thuận trong một số lĩnh vực như thỏa thuận phòng thủ chung, thừa nhận "các thách thức và cơ hội" từ một Trung Quốc đang nổi lên, lo ngại về các hành động của Nga, chống chủ nghĩa khủng bố...

Thế giới tuần qua: Nới lỏng nút thắt

Lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO. Ảnh: France24.

Dù vậy, những điều đó không đủ khỏa lấp những bất đồng và sự rạn nứt giữa nhiều nước thành viên, đặc biệt là vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ. Trước sức ép lớn từ các đồng minh, Ankara buộc phải từ bỏ việc chống lại kế hoạch phòng thủ các nước Baltic. NATO cũng từ chối đưa lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria vào danh sách khủng bố như yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, mặc dù Pháp không cho rằng Nga và Trung Quốc là đối thủ của NATO, các thành viên ở Đông Âu và Baltic lại luôn có xu hướng lo sợ về ảnh hưởng của Moscow. Nặng nề hơn, từ trước khi cuộc họp diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có những lời lẽ nặng nề nhằm vào nhau. Thậm chí, tới ngày họp cuối cùng, người đứng đầu nước Mỹ đã hủy bỏ cuộc họp báo chung và lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau khi xuất hiện một đoạn video mà trong đó nhiều nguyên thủ NATO được cho là đã có những lời nói không mấy tốt đẹp về ông chủ Nhà Trắng.

Trong bối cảnh NATO đang có những khủng hoảng nhất định khi môi trường chính trị toàn cầu có nhiều đổi thay, nếu không sớm giải quyết được các bất đồng nội bộ, tính liên kết của liên minh quân sự sẽ bị suy giảm, ảnh hưởng tới vị thế và vai trò của tổ chức này trên trường quốc tế.

3. Nga sẵn sàng gia hạn START-3 vô điều kiện

Chiều 5-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (còn gọi là START-3) trước cuối năm nay, mà không hề kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

START mới sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Nga đã đề nghị Mỹ thảo luận vấn đề gia hạn hiệp ước này, song chưa nhận được hồi đáp. Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo nếu Mỹ từ chối gia hạn START mới, cũng đồng nghĩa sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn đối với nền an ninh thế giới. 

Thế giới tuần qua: Nới lỏng nút thắt

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Al Arabiya.

Động thái chần chừ của Mỹ khiến Nga lo ngại chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ từ bỏ START-3 như đã làm với Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Việc INF đổ vỡ vào tháng 8 vừa qua khiến các chuyên gia lo ngại hai cường quốc quân sự sẽ rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trong khi đó, quan điểm của Mỹ đến thời điểm hiện nay, theo Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood đã khẳng định, Mỹ có đủ thời gian để đàm phán nhằm gia hạn START mới. Quan chức Mỹ cảnh báo “một hiệp ước vội vàng sẽ làm giảm tác dụng đòn bẩy và cho rằng không cần phải đàm phán lại các phần của hiệp ước”.

START-3, được Nga và Mỹ ký kết vào vào tháng 4-2010, là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quy mô lớn mới nhất giữa Nga và Mỹ, nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này có thể triển khai. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày 5-2-2011 và có khả năng được gia hạn không quá 5 năm nếu hai bên tham gia hiệp ước nhất trí.

4. Họp bàn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Giới chức các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã nhóm họp ở thủ đô Vienna của Áo trong ngày 6-12 nhằm cứu vãn thỏa thuận đang có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tehran tuyên bố tiếp tục không thực hiện các cam kết được nêu trong văn kiện này.

Phát biểu với các nhà báo sau cuộc họp tại thủ đô Viên của Áo, phái viên Fu Cong của Trung Quốc cho biết các nước châu Âu tham gia ký JCPOA gồm Anh, Pháp, Đức đã quyết định không kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp có trong thỏa thuận để trừng phạt Iran sau những động thái cứng rắn mới đây của nước này.

Thế giới tuần qua: Nới lỏng nút thắt

Các cường quốc gây sức ép lên Iran ngững vi phạm thỏa thuận hạt nhân 2015 tại cuộc họp ở Áo ngày 6-12. Ảnh: PressTV.

Tuy nhiên, các đại diện châu Âu cùng Trung Quốc và Nga tham gia cuộc họp cũng yêu cầu Iran phải tuân thủ một cách toàn diện thỏa thuận đã ký năm 2015 để tránh căng thẳng gia tăng và những bước đi dẫn tới hậu quả khó lường.

Căng thẳng leo thang trong thời gian qua sau khi Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, để lại gánh nặng trên vai 5 cường quốc còn lại là Anh, Pháp, Đức, Nga, và Trung Quốc. Để cứu vãn thỏa thuận bên bờ sụp đổ, Liên minh châu Âu đồng ý tạo ra cơ chế giao dịch thương mại với Iran để tránh tác động của lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Tuy nhiên, cơ chế này không mang lại kết quả như Iran mong muốn.

Các nhà phân tích cho rằng các cường quốc thế giới không muốn áp dụng bước đi mạo hiểm bằng cách kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp, bởi một bước đi như vậy sẽ dẫn tới việc Liên Hợp Quốc tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran và hậu quả của nó sẽ là Iran rút khỏi thỏa thuận cũng như Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

5. EU bất đồng về vấn đề cải cách Eurozone

Một quan chức cao cấp trong Liên minh châu Âu (EU) ngày 4-12 cho biết, các Bộ trưởng Tài chính EU đã không đạt được thỏa thuận trong vấn đề cải cách khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) do sự phản đối mạnh mẽ của Italy.

Ban đầu, theo dự kiến các Bộ trưởng sẽ đạt được nhất trí về cải cách Cơ chế bình ổn châu Âu (EMS) cũng như thống nhất về lịch trình triển khai Cơ chế bảo hiểm tiền gửi (EDIS), tuy nhiên sau nhiều giờ đàm phán, họ đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận hay tiến triển đáng kể nào. Việc đạt được hay không hai vấn đề trên sẽ được xem xét và quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra trong hai ngày 12 và 13-12 tới.

Thế giới tuần qua: Nới lỏng nút thắt

Ảnh: Merco Press.

Vấn đề cải cách ESM trong nhiều tuần gần đây đã bị chỉ trích tại Italy bởi lãnh đạo Liên đoàn Matteo Salvini cũng như phong trào dân túy 5 sao M5S, một đối tác trong liên minh cầm quyền, với lý do lo ngại rằng các thay đổi ESM có thể gây tổn thương niềm tin của thị trường đối với các khoản nợ của Italy.

Được thành lập vào năm 2012 để thay thế Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (ESFS), ESM là một phần kế hoạch toàn diện nhằm định hình lại hoạt động quản lý kinh tế ở khu vực Eurozone cũng như cung cấp tài chính cho các nước thành viên Eurozone gặp khó khăn nếu họ cam kết tiến hành những cái cách tài chính và cơ cấu nhằm đưa nền kinh tế không còn được giới đầu tư tin tưởng quay trở lại quỹ đạo.

6. Cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại Pháp

Ngày 5-12, hơn 800.000 người đã xuống đường tại một số thành phố của Pháp trong cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây phản đối cuộc cải cách lương hưu.

Khoảng 90% chuyến tàu cao tốc bị hủy và 30% chuyến bay bị đình chỉ. Cảnh sát đã chặn dinh Tổng thống và triển khai 6.000 người để đối phó với người biểu tình, đồng thời buộc phải sử dụng hơi cay để giải tán những kẻ bạo loạn.

Thế giới tuần qua: Nới lỏng nút thắt

Người biểu tình Pháp phản đối cuộc cải cách lương hưu. Ảnh: ABC News.

Chương trình cải cách lương hưu là một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Macron, với mục tiêu hợp nhất 42 chế độ lương hưu khác nhau thành một chế độ chung dựa trên thang điểm nhằm đem lại những lợi ích lương hưu như nhau mà không phụ thuộc vào ngành, nghề của người lao động.

Tuy nhiên, các nghiệp đoàn lập luận rằng chế độ lương hưu chung sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân phải làm việc lâu hơn hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu. Nhiều công nhân viên lại cho rằng cải cách nêu trên tước đi các quyền lợi đặc biệt dành cho họ lâu nay.

Chính phủ tiền nhiệm ở Pháp đã từng thất bại trong việc thực hiện chương trình cải cách lương hưu do tính chất gai góc và nhạy cảm của vấn đề.

Theo Ngân Anh/QNĐND (tổng hợp)