Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Những khởi đầu mới

Sat, 18/01/2020 | 13:00 PM

Tổng thống Nga đọc Thông điệp Liên bang năm 2020; Mỹ, Trung Quốc ký thỏa thuận đình chiến thương mại; Đức đăng cai Hội nghị quốc tế về Libya...là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

 1. Tổng thống Nga đọc Thông điệp Liên bang năm 2020

Những ngày vừa qua, nước Nga đã trở thành tâm điểm của báo chí quốc tế khi Tổng thống Vladimir Putin công bố Thông điệp Liên bang lần thứ 16, trong đó ông “khởi động” cuộc cải tổ đầy bất ngờ đối với bộ máy chính phủ nước này cũng như đưa ra những đề xuất sửa đổi Hiến pháp hiện nay. 

Thế giới tuần qua: Những khởi đầu mới

Tổng thống Nga đọc Thông điệp Liên bang 2020. Ảnh: Reuters.

Ngay sau đó, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cùng toàn bộ nội các đã đệ đơn từ chức. Ông Medvedev sau đó được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga, nơi ông Putin làm Chủ tịch. Tổng thống Putin đã đề cử người đứng đầu Cơ quan Thuế liên bang Nga Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới của Nga.

Tổng thống Putin tuyên bố ông muốn trao cho quốc hội quyền lựa chọn thủ tướng, cũng như một số trách nhiệm khác. Tuy nhiên, ông Putin mong muốn giữ hệ thống bầu cử tổng thống hiện nay như cũ, chỉ siết chặt tiêu chuẩn dành cho các tổng thống tương lai.

Tuy nhiên, các đề nghị thay đổi Hiến pháp không cho biết rõ ông Putin sẽ giữ vị trí gì sau năm 2024. Ông có thể trở thành Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, hoặc làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được tăng thêm quyền.

Ngoài ra, ông chủ điện Kremlin còn đề cập đến hàng loạt vấn đề cấp thiết cũng như những nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết để dẫn dắt nước Nga bước vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21.

2. Mỹ, Trung Quốc ký thỏa thuận đình chiến thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” được chờ đợi từ lâu tại Nhà Trắng ngày 15-1. 

Thỏa thuận sẽ giảm một số mức thuế và cho phép Trung Quốc tránh thuế bổ sung đối với gần 160 tỷ USD hàng hóa của nước này, còn Washington nhận được các cam kết từ Bắc Kinh trong việc mua hàng hóa nông nghiệp trị giá hàng tỷ USD và cung cấp một số biện pháp bảo vệ công nghệ và bí quyết kinh doanh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn hứa sẽ không có hành vi thao túng tỷ giá để giành lợi thế về thương mại.

Thế giới tuần qua: Những khởi đầu mới

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Ảnh: AFP.

Trong lá thư gửi ông Trump được đọc tại lễ ký, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh và Washington có thể cùng nhau tạo ra cầu nối giữa những khác biệt.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump coi thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa Mỹ và Trung Quốc là một bước đột phá quan trọng.

Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc xung đột giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới có thể dịu lại và sự không chắc chắn về thương mại có thể sẽ kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống trong năm nay khi Bắc Kinh và Washington bước vào “giai đoạn hai” của vòng đàm phán thương mại, dự kiến sẽ khó khăn hơn “giai đoạn một”.

3. Thượng viện Mỹ bắt đầu luận tội Tổng thống

Phiên tòa lịch sử luận tội Tổng thống Donald Trump đã khai mạc ngày 17-1 tại Thượng viện Mỹ nhằm quyết định có buộc tổng thống Mỹ thứ 45 rời nhiệm sở hay không.

Đây là lần thứ ba trong lịch sử xứ sở cờ hoa, phòng họp Thượng viện đã bị biến thành một tòa án luận tội, do Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts chủ trì cùng các thượng nghị sĩ với vai trò là các thẩm phán.

Thế giới tuần qua: Những khởi đầu mới

Chánh án Tòa án tối cao Mỹ John Roberts (phải) tuyên thệ chủ trì phiên tòa luận tội ông Trump ngày 16-1. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, người sẽ giữ vai trò công tố viên chính cho phiên tòa, đã đọc các cáo buộc Tổng thống Trump tội lạm quyền và cản trở Quốc hội tại phòng họp của Thượng viện.

Vẫn như mọi lần, ông Trump đã chế giễu quá trình luận tội trong nhiều tháng và lần nữa gọi phiên tòa tại Thượng viện là một “trò lừa bịp”.

Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua các cáo buộc luận tội ông Trump vào ngày 18-12. Nhưng khả năng Tổng thống được tha bổng tại Thượng viện rất cao do Đảng Cộng hòa chiếm đa số Thượng viện, nơi mà để bãi nhiệm một tổng thống phải có được 2/3 phiếu tán thành.

4. Mỹ, Nga thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16-1 thông báo nước này và Nga đã thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí, trong đó nêu khả năng mở rộng thỏa thuận song phương hiện nay. 

Đại diện phái đoàn Nga tham dự đàm phán là Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov còn phía Mỹ là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề không phổ biến vũ khí Christopher Ford.

Thế giới tuần qua: Những khởi đầu mới

Tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: TASS.

Sau các vòng tham vấn tại Vienna cho biết hai phái đoàn đã quyết định tiếp tục xúc tiến cuộc Đối thoại An ninh Chiến lược, đồng thời khởi động tham gia cấp chuyên gia về các chủ đề cụ thể trong tương lai gần. 

Tuyên bố trên cho biết phái đoàn Mỹ và Nga đã thảo luận “về chính sách chiến lược quốc gia của nhau như là công cụ để giảm bớt nguy cơ hiểu nhầm và đánh giá sai lệch về những vấn đề an ninh then chốt”.

Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi về các kho dự trữ và chiến lược hạt nhân, vấn đề kiềm chế chạy đua vũ trang và khủng hoảng, cũng như vai trò và tương lai tiềm năng kiểm soát vũ khí, trong đó bao gồm việc mở rộng thỏa thuận kiểm soát vũ khí song phương hiện nay. Ngoài ra, Washington và Moscow dự định tổ chức thêm vòng tham vấn nếu cần thiết. 

5. Đức đăng cai Hội nghị quốc tế về Libya

Một hội nghị quốc tế về Libya sẽ được tổ chức vào ngày 19-1 tại thủ đô Berlin, Đức với kỳ vọng có thể thúc đẩy một tiến trình hòa bình cho quốc gia cửa ngõ châu Âu này.

Dưới sự chủ trì của Liên hợp quốc, cuộc gặp nằm trong khuôn khổ tiến trình do tổ chức này thúc đẩy nhằm khôi phục một “Libya có chủ quyền”, cũng như hỗ trợ những nỗ lực hòa giải nội bộ Libya.

Thế giới tuần qua: Những khởi đầu mới

Lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Thủ tướng al-Sarraj tại Tripoli. Ảnh: AFP/TTXVN.

Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, mục tiêu hàng đầu sẽ là ngăn cản bất kỳ thế lực nước ngoài nào can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Libya, đặc biệt là thông qua hỗ trợ quân sự.

Nhiều nước đã xác nhận tham dự Hội nghị, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Trung Quốc, Italy và Pháp, song sự có mặt của các bên liên quan chính là Thủ tướng al-Sarraj và tướng Khalifa Hartar lại vẫn chưa chắc chắn.

Gần 10 năm sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Gaddafi, Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc và bạo lực leo thang. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, một được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và một ở miền Đông do tướng Haftar dẫn đầu.

Theo Ngân Anh/QĐND