Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Nhiều nguy cơ hiện hữu

Tue, 01/02/2022 | 09:49 AM

Đảo chính quân sự tại Burkina Faso; Căng thẳng trong quan hệ Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine; Triều Tiên xác nhận bắn thử tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa đất đối đất; Giá vàng thế giới tuần qua giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021; Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới;… là một số sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (24-30/1).

Đảo chính quân sự tại Burkina Faso

Cuộc đảo chính quân sự tại Burkina Faso diễn ra hôm 24/1. Quân đội Burkina Faso tuyên bố đã lật đổ Tổng thống Roch Kabore, đình chỉ Hiến pháp, giải án chính phủ và quốc hội, đóng cửa biên giới của quốc gia Tây Phi này. Hiện Phong trào yêu nước nhằm bảo vệ và khôi phục (MPSR) - tên của nhóm sĩ quan quân đội đảo chính, do Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba đứng đầu, đang nắm giữ quyền điều hành đất nước. MPSR cho biết sẽ thiết lập lại "trật tự hiến pháp" trong thời gian thích hợp, đồng thời cho biết sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h00 tối hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau.

 Quân đội  Burkina Faso tuyên bố tiếp quản đất nước trên sóng truyền hình ngày 24/1 (Ảnh: AFP)

Dư luận quốc tế đã lên án cuộc chính biến tại Burkina Faso. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) chỉ trích đây là hành động "không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi lực lượng quân đội tại các nước Tây Phi phải bảo vệ dân thường thay vì tiếm quyền. Ông nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi quân đội các quốc gia này đảm nhận vai trò chuyên nghiệp của quân đội là bảo vệ đất nước của họ và thiết lập lại các thể chế dân chủ."

Ngày 28/1, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đình chỉ tư cách thành viên của Burkina Faso sau cuộc đảo chính quân sự. Các nguồn tin ngoại giao cho biết tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến, các nhà lãnh đạo ECOWAS đã nhất trí tạm "đóng băng" vị thế thành viên của quốc gia Tây Phi nói trên, nhưng sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt khác ở thời điểm hiện tại. ECOWAS cũng kêu gọi lực lượng quân sự ở Burkina Faso trả tự do cho Tổng thống bị lật đổ Roch Marc Christian Kabore và các quan chức khác bị giam giữ trong cuộc đảo chính nêu trên. Chủ tịch ECOWAS - ông Nana Addo Dankwa Akufo-Addo đã lên án những bất ổn chính trị ở Tây Phi, trong đó có tình hình ở Burkina Faso và cho rằng sự bất ổn này đang tạo ra “những điều kiện độc hại" cho nền hòa bình, an ninh của khu vực.

Căng thẳng trong quan hệ Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine

Những ngày gần đây, căng thẳng trong quan hệ Nga và phương Tây leo thang khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, phía Nga luôn bác bỏ và cho rằng đây là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa với bất cứ quốc gia nào. Moskva cũng cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine sẽ có hậu quả nghiêm trọng.

 Quân đội Nga diễn tập ở Kursk, gần biên giới Ukraine vào tháng 12/2021 (Ảnh: Reuters)

Diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, ngày 28/1, Tổng thống Ukraine Volodymry Zelenskiy nhấn mạnh cần đẩy mạnh các cuộc đàm phán quốc tế nhằm giảm "leo thang" căng thẳng ở khu vực biên giới giữa nước này và Nga.

Cũng trong ngày 28/1, môt phụ tá cho Tổng thống Pháp cho biết trong cuộc điện đàm cùng ngày, ông Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí về sự cần thiết của việc "xuống thang" trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Quan chức này cũng cho biết thêm rằng nhà lãnh đạo Nga đã "nói rất rõ rằng ông không muốn đối đầu".

Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine với việc đến thăm khu vực này trong tuần tới và sẽ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 28/1 cho rằng một cuộc xung đột với Nga không phải là điều "không thể tránh khỏi", đồng thời nhận định vẫn còn "không gian và thời gian" cho các nỗ lực ngoại giao.

Triều Tiên xác nhận bắn thử tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa đất đối đất

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 28/1 đưa tin nước này đã tiến hành bắn thử một hệ thống tên lửa hành trình tầm xa và một vụ thử tên lửa dẫn đường chiến thuật đất đối đất trong tuần này.

 Hình ảnh vụ phóng tên lửa dẫn đường chiến thuật của Triều Tiên ngày 17/1/2022. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

KCNA nêu rõ các vụ thử trên do Học viện Khoa học quốc phòng của Triều Tiên tiến hành. Các vụ thử nhằm "hiện đại hóa hệ thống tên lửa hành trình tầm xa cũng như để xác nhận hỏa lực của đầu đạn thông thường sử dụng cho tên lửa dẫn đường chiến thuật đất đối đất, được tiến hành lần lượt vào ngày 25 và 27/1".

Theo KCNA, trong vụ thử nhằm hiện đại hóa tên lửa hành trình tầm xa, 2 tên lửa đã bay qua vùng biển miền Đông Triều Tiên và nhằm trúng mục tiêu là hòn đảo cách đó 1.800 km. Trong vụ thử xác nhận hỏa lực của đầu đạn thông thường sử dụng cho tên lửa dẫn đường chiến thuật đất đối đất, 2 tên lửa cũng nhằm trúng hòn đảo mục tiêu.

KCNA cho biết Học viện Khoa học quốc phòng khẳng định "sẽ tiếp tục phát triển các đầu đạn có uy lực lớn có khả năng thực hiện chức năng và nhiệm vụ chiến đấu”.

Trước đó, ngày 27/1, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng vật thể dường như là hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông nước này, đánh dấu vụ phóng thứ 6 của Triều Tiên trong tháng này. Vụ phóng mới nhất này diễn ra chỉ 2 ngày sau vụ phóng hai vật thể dường như là tên lửa hành trình.

Liên hợp quốc cùng ngày đã bày tỏ quan ngại về các vụ phóng trên, đồng thời kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán ngoại giao nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Theo người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến từ trụ sở LHQ tại New York nêu rõ hàng loạt vụ phóng như vậy khiến LHQ quan ngại sâu sắc. LHQ đề nghị tất cả các bên liên quan nối lại đàm phán để có được kết quả cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng trên Bán đảo Triều Tiên.

Giá vàng thế giới tuần qua giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần (28/1) ở mức thấp nhất trong hơn sáu tuần, khi đồng USD tăng trong tuần qua đã khiến các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng cho việc tăng lãi suất vào tháng Ba tới.

Theo Dow Jones Market Data, chốt phiên 28/1, giá vàng giao tháng Tư giảm 0,5%, hay 8,4 USD, xuống 1.786,6 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 15/12.

 Một cửa hàng vàng tại Dubai, UAE. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng phiên 27/1 giảm hơn 1%, xuống mức thấp nhất trong hai tuần, do đồng USD mạnh lên sau khi nền kinh tế Mỹ đón nhận các dữ liệu tích cực, củng cố khả năng Fed nâng lãi suất vào tháng 3/2022.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 1.794,30 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất trong phiên 1.790,20 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn mất 2%, xuống còn 1.793,10 USD/ounce.

Trong phiên 26/1, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX của New York (Mỹ) đã giảm sau cuộc họp của Fed. Cụ thể, giá vàng giao tháng 2/2022 giảm 22,8 USD (1,23%), đóng cửa ở mức 1.829,7 USD/ounce.

Trước đó, giá vàng tăng trong phiên 25/1 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, khi các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm. Giá vàng giao tháng Hai tăng 10,8 USD, hay 0,59%, chốt phiên ở mức 1.852,5 USD/ounce.

Giá vàng đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/1, sau khi chứng kiến đà bán tháo cổ phiếu trên Phố Wall, bởi tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine làm gia tăng sức hấp dẫn của các kênh đầu tư an toàn.

Trong cả tuần, giá vàng giảm 2,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021.

Nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty đầu tư GraniteShares (Mỹ) Jeff Klearman cho rằng giá vàng giảm trong tuần qua do chịu sức ép trước kế hoạch của Fed trong việc tăng lãi suất vào tháng Ba và bắt đầu thu hẹp bản cân đối quyết toán ngay sau đó. Ông cho rằng giá vàng có thể tiếp tục giảm trong bối cảnh hiện nay.

 Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới  

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc của Omicron. Biến thể này hiện đã phát triển và sản sinh ra nhiều biến thể phụ. Các nhà khoa học gần đây cho rằng biến thể Omicron có khả năng là loại virus có mức độ lây lan mạnh nhất, hoặc mạnh thứ 2, mà nhân loại phải đối mặt, tùy thuộc vào thước đo sử dụng.

 Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới  (Ảnh: AFP)

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron bắt đầu qua giai đoạn đỉnh và giảm dần ở một số khu vực tại Mỹ, các nhà khoa học giờ đây dành sự quan tâm đến một biến thể virus SARS-CoV-2 mới đang lây lan nhanh chóng ở châu Á và châu Âu. Hiện biến thể này chính thức được gọi là “Omicron BA.2” và đã được ghi nhận tại nhiều bang ở Mỹ như California, Texas, New Mexico, Utah và Washington.

 Dù số ca mắc biến thể BA.2 hiện còn tương đối ít tại Mỹ, nhưng nhiều nhà khoa học nhận định biến thể mới có thể sẽ lây lan ra khắp cả nước vào tháng sau. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy biến thể mới thậm chí còn dễ lây lan hơn biến thể Omicron đầu tiên, còn được gọi là “Omicron BA.1”. Theo chuyên gia dịch tễ học Emma Hodcorft thuộc Đại học Bern, biến thể BA.2 có thể còn dễ lây hơn biến thể BA.1 từ 1-3%.

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 30/1 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là  hơn 372 triệu ca, trong đó có hơn 5,6 triệu ca tử vong  và gần 294 triệu ca đã được chữa khỏi./.

PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn