Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Ngổn ngang thách thức

Sun, 20/10/2019 | 07:41 AM

Tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria nhưng cơ hội ngừng bắn thực sự vẫn rất mong manh; thỏa thuận mới về Brexit vừa đạt được đã gặp cản trở từ nội bộ Anh; bạo động tiếp diễn tại Catalonia, Tây Ban Nha… bên cạnh những tiến triển tích cực là một loạt thách thức khó có thể giải quyết một sớm một chiều.

1. Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria

Ngày 17-10, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tạm dừng chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria trong vòng 5 ngày để lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực “vùng an toàn” mà Ankara dự định thiết lập. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại thủ đô Ankara. 

Thế giới tuần qua: Ngổn ngang thách thức

Chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng như nguy cơ hồi sinh của IS ở Syria. Ảnh: AP

Người đứng đầu Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) Mazlum Abdi cho biết lực lượng người Kurd sẵn sàng tuân thủ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, SDF hiện vẫn chưa thảo luận về khuôn khổ lệnh ngừng bắn đối với một số khu vực khác, trong đó có những địa điểm nằm trong kế hoạch mà Ankara dự định thiết lập “vùng an toàn” ở miền Bắc Syria.   

Trong khi đó, xung đột vẫn diễn ra rải rác tại thị trấn Ras al-Ain ở biên giới Syria. Dư luận tỏ ra hoài nghi về ý định ngừng bắn thực sự của Ankara. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk ngày 18-10 cho rằng thỏa thuận trên không phải là một lệnh ngừng bắn, mà chỉ là yêu cầu đầu hàng đối với người Kurd.  

Giới phân tích cho rằng, với việc áp đặt điều kiện để buộc phải YPG phải rút khỏi “vùng an toàn” trong 5 ngày ngừng bắn, Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã đạt được các mục tiêu chủ chốt của mình. Tuy nhiên, hệ quả từ hành động quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ không hề nhẹ. Theo tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết gần 500 người đã thiệt mạng, trong đó có hàng chục thường dân, phần lớn là bên phía người Kurd. Hiện 1,8 triệu người trong số 3 triệu dân sinh sống tại Đông Bắc Syria cần viện trợ. Trong đó, hơn 910.000 người cần viện trợ khẩn cấp và gần 710.000 người đã rời đến khu vực khác của Syria để lánh nạn.  

2. Đàm phán EU-Anh về Brexit có bước đột phá mới

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 17-10 xác nhận nước này và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một "thỏa thuận mới tuyệt vời" về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.  

Thế giới tuần qua: Ngổn ngang thách thức

Ảnh minh họa: Reuters   

Thay đổi quan trọng so với phiên bản trước đó của thỏa thuận là sự chấp nhận của Thủ tướng Anh Johnson về vấn để kiểm tra hải quan tại các điểm nhập cảnh vào Bắc Ireland. Sự thỏa hiệp này sẽ cho phép tránh được việc kiểm tra biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland mà vẫn đảm bảo được tính toàn vẹn của Thị trường đơn nhất EU. 

Thỏa thuận mới không còn điều khoản "chốt chặn" nhằm giữ Anh ở lại trong không gian hải quan của EU. Một quy chế hải quan "kép" tại Bắc Ireland sẽ được áp dụng. Vùng Bắc Ireland của Anh vẫn nằm trong khu vực hải quan của Vương quốc Anh. Hai bên thống nhất rằng với các sản phẩm có xuất xứ từ một nước thứ ba vào Bắc Ireland và được tiêu thụ ngay tại đây sẽ được áp thuế theo quy định của Anh. Trường hợp ngược lại, nếu các hàng hóa từ các nước thứ ba được đưa vào EU thông qua ngả Bắc Ireland, khi đó phía Anh sẽ phải áp thuế theo quy định của EU. Lực lượng hải quan Anh chịu trách nhiệm kiểm tra các sản phẩm vào vùng Bắc Ireland và quy định về hải quan của EU được áp dụng trong trường hợp này.

Một vấn đề khác đã được giải quyết là quyền phủ quyết mà ông Johnson muốn trao cho chính quyền và cơ quan lập pháp Bắc Ireland. Điều này sẽ chỉ được áp dụng một khi thỏa thuận Brexit có hiệu lực. Cơ quan lập pháp Bắc Ireland sau đó sẽ được tham vấn mỗi 4 năm một lần, song nếu muốn thực hiện quyền phủ quyết, họ sẽ phải được một số đảng ủng hộ.

Thỏa thuận mới này cần phải được các nghị sĩ ở Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua vào ngày 19-10, trong khi dư luận Anh vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc này. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tuyên bố sẽ bác thỏa thuận này tại Hạ viện vì không đáp ứng được mong đợi của đảng này. Lãnh đạo đảng DUP cũng kiên quyết không ủng hộ thỏa thuận này vì không giải quyết thỏa đáng vấn đề liên minh hải quan, vai trò của nghị viện Scotland trước EU và vấn đề thuế giá trị gia tăng áp dụng tại Bắc Ireland chưa đủ rõ ràng.

3. Tòa án Campuchia tuyên án phạt tù thủ lĩnh đối lập lưu vong

Ngày 18-10, Tòa sơ thẩm thành phố Phnom Penh đã tuyên phạt 1 năm 8 tháng tù giam đối với ông Sam Rainsy, thủ lĩnh lưu vong của đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đã bị giải thể từ năm 2017, cùng hai thủ lĩnh lưu vong khác của CNRP là Ho Vann và Kak Kumphea với các tội danh cầm đầu thực hiện hành vi lăng mạ, xúc phạm, kích động hành vi phạm tội đe dọa nghiêm trọng an ninh xã hội, căn cứ các điều luật trong Bộ luật Hình sự của Campuchia.

Thế giới tuần qua: Ngổn ngang thách thức

Chủ tịch đảng Cứu quốc (CNRP) Sam Rainsy. Ảnh: vov.vn

Ngoài ra, Tòa sơ thẩm Phnom Penh tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù giam đối với ông Kong Meas và ông Roeun Kimlun vì đã thông đồng với ông Sam Rainsy trong các hành vi phạm tội trên. 

Trong số các nhân vật bị kết án nói trên, hiện chỉ có ông Kong Meas đã bị lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ, những nhật vật còn lại đang bị truy nã. Ông Sam Rainsy hiện đang chịu nhiều bản án đã có hiệu lực của tòa án Campuchia. Tháng trước, Tòa sơ thẩm Phnom Penh đã phát lệnh bắt giữ ông Sam Rainsy, theo đó yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Campuchia nhanh chóng truy bắt và đưa ông này ra truy tố do có những phát ngôn và hành vi xúc phạm Quốc vương Norodom Sihamoni

4. Nhật Bản chạy đua với thời gian khắc phục hậu quả mưa bão

Siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản hôm 12-10 vừa qua đã gây nên những thiệt hại nặng nề về người và của tại 36 tỉnh trong tổng số 47 tỉnh của nước này. Ít nhất 77 người thiệt mạng, trong khi hàng chục người khác vẫn đang mất tích. Hơn 4 nghìn người vẫn phải tạm trú ở các trung tâm sơ tán ở 13 tỉnh, thành.

Thế giới tuần qua: Ngổn ngang thách thức

Con đê bị vỡ ở Naganuma, Nhật Bản sau cơn bão Hagibis. Ảnh: New York Times.

Khu vực Đông Bắc Nhật Bản, là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tại Honshu, hòn đảo lớn nhất Nhật Bản, hơn 33.000 ngôi nhà tại khu vực này vẫn bị ngập nước, trong khi 1.700 ngôi nhà khác bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Lũ lụt dọc sông Chikuma cũng đã nhấn chìm 10 tàu siêu tốc và 120 ô tô ở thành phố Nagano. Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết thiệt hại ước tính khoảng 38,28 tỷ yên (352 triệu USD) tính đến sáng 18-10. Con số này có thể sẽ còn tăng vì chưa tính tới nhiều khu vực bị ảnh hưởng khác

Chính phủ Nhật Bản đã xếp siêu bão Hagibis vào hệ thống các “thảm họa bất thường”. Hiện lực lượng cứu nạn vẫn đang chạy đua với thời gian tìm kiếm người sống sót và khắc phục hậu quả siêu bão nói trên.

5. Gần 50% số người nghèo cùng cực trên thế giới là trẻ em

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) vừa công bố báo cáo năm 2019 cho biết, cứ 5 trẻ em trên thế giới có một trẻ sống ở ngưỡng cực nghèo, tỉ lệ này cao gấp hai lần so với người lớn. Gần 50% số người nghèo cùng cực trên thế giới là trẻ em.

Thế giới tuần qua: Ngổn ngang thách thức

Trẻ em bị suy dinh dưỡng được điều trị tại bệnh viện ở Sanaa, Yemen. Ảnh: THX/ TTXVN

Khoảng 663 triệu trẻ dưới 18 tuổi là người nghèo đa chiều, chiếm gần một nửa trong số 1,3 tỷ người thuộc nhóm này. Phần lớn những đứa trẻ này, khoảng 85%, sống ở Nam Á và châu Phi cận Sahara.  

Trong số 1,46 tỷ người chịu cảnh đói nghèo hiện nay, thì có 689 triệu là trẻ em trong độ tuổi từ 0-17. Trên 1,3 triệu trẻ em tại Sahel - khu vực gồm các quốc gia nằm sát phía Nam sa mạc Sahara, đang bị nạn đói và con số này đã tăng tới 50% so với năm 2017. Các quốc gia có nhiều trẻ em đói trầm trọng nhất bao gồm Burkina Faso, CH Chad, Mali, Mauritania, Niger và Senegal... Đáng chú ý, tại các nước giàu có nhất, cứ 4 em lại có 1 em sống trong đói nghèo.

6. Liên tiếp biểu tình bạo động tại Catalonia, Tây Ban Nha

Trong hai đêm 13 và 14-10 nhiều cuộc biểu tình bạo động đã nổ ra tại thành phố Barcelona và nhiều địa phương khác thuộc vùng lãnh thổ Catalonia, Tây Ban Nha,  nhằm phản đối tòa án tối cao nước này phạt tù 9 cựu quan chức chính quyền vùng vì tham gia đòi độc lập hồi năm 2017.

Thế giới tuần qua: Ngổn ngang thách thức

Biểu tình ở Catalonia. Ảnh: NBC News

Người biểu tình đã đốt các đống lửa lớn trên đường ray tàu hỏa và tràn ra những tuyến phố lớn, khiến giao thông rơi vào hỗn loạn. Theo Reuters, đám đông người biểu tình còn tập trung tại sân bay quốc tế ở thủ phủ Barcelona khiến hơn 150 chuyến bay bị hủy. AFP cho biết hơn 130 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và lực lượng biểu tình. Trong khi đó, ngày 16-10, tờ The Guardian dẫn thông tin từ Chính phủ Tây Ban Nha cho biết hơn 50 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình. Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết chính quyền trung ương vẫn đang điều phối tốt lực lượng cảnh sát để kiểm soát tình hình nên chưa tính tới kịch bản trực tiếp can thiệp sâu vào Catalonia.

Hồi tháng 10-2017, cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont và chính quyền vùng đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về quy chế độc lập cho vùng lãnh thổ này bất chấp lệnh cấm từ tòa án. Sau đó, vùng Catalonia đơn phương tuyên bố tách ra độc lập với Tây Ban Nha. Những động thái này đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ, buộc chính quyền trung ương Madrid phải can thiệp, lấy lại quyền kiểm soát trực tiếp, giải tán chính quyền vùng và kêu gọi bầu cử sớm.

Theo THANH SƠN/QĐND