Thứ 5, 17/08/2017

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Điểm nóng Vịnh Oman

Sat, 15/06/2019 | 10:59 AM

Căng thẳng tại khu vực Trung Đông lại leo thang sau sự cố 2 tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman; đối đầu thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; triển vọng cho một hội nghị liên Triều tiếp theo là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần.

 

1. Sự cố trên Vịnh Oman

Vụ việc đã xảy ra sáng 13-6 đối với tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy và tàu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản vận hành. Tháng trước cũng xảy ra các vụ nổ làm thiệt hại bốn tàu chở dầu cũng tại khu vực này.

Washington đã đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ việc, song Tehran kiên quyết bác bỏ, cho rằng cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ. Phía Iran cũng cho rằng có nhiều dấu hiệu đáng ngờ từ các vụ tấn công này và khẳng định sẵn sàng hợp tác để bảo vệ các hải trình chiến lược.

Việc hai tàu chở dầu bị tấn công tại Vịnh Oman ngay thời điểm hết sức nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran càng làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai bên.

Thế giới tuần qua: Điểm nóng Vịnh Oman
Một trong hai tàu chở dầu bị cháy tại Vịnh Oman vừa qua. Ảnh: Reuters.

Phía Chính phủ Iran cho rằng các sự cố này là rất “khả nghi” vì diễn ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm lịch sử tới Tehran với vai trò chính là trung gian giúp giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran.

Tuy nhiên, sứ mệnh thuyết khách của ông Abe đã không đạt được kết quả như mong đợi, khi cả Mỹ và Iran đều đưa ra thông điệp không tích cực trong việc cải thiện quan hệ song phương và chuyến thăm cũng bị phủ bóng bởi vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Vịnh Oman.

Giá “vàng đen” trong những tuần gần đây đang trên đà giảm mạnh do các lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu cùng ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày một leo thang. Tuy nhiên, hai vụ tấn công tàu chở dầu mới nhất đang làm gia tăng lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn do xung đột chính trị và đẩy giá dầu tăng cao. Có dự báo nói rằng nếu căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang, giá dầu thô có thể chạm mốc 100 USD/thùng.

2. Khả năng về cuộc gặp Mỹ-Trung bên lề hội nghị G20

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đối thoại song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng này tại Nhật Bản.

Phát biểu với kênh tin tức Fox News ngày 13-6 khi được hỏi liệu hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc gặp song phương hay không, người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley nêu rõ: “Có vẻ như chúng tôi đang đi theo hướng đó”. Tuy nhiên, cuộc gặp này vẫn chưa được lên kế hoạch chắc chắn.

Thế giới tuần qua: Điểm nóng Vịnh Oman
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng ông trông đợi cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 để thảo luận về bất đồng thương mại giữa hai nước. Phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào về khả năng trên.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã tái bùng phát hồi tháng trước sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đã rút lại các cam kết về việc tiến hành thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc.

Hiện Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, cũng như đe dọa sẽ áp thuế lên tới 300 tỷ USD với số hàng hóa nhập khẩu còn lại, trừ phi hai bên đạt được thỏa thuận. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp thuế 60 tỷ USD với hàng hóa Mỹ.

3. Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ

Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Theo kết quả bỏ phiếu, có tổng cộng 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng LHQ đã ủng hộ Việt Nam vào vị trí này. 

Thế giới tuần qua: Điểm nóng Vịnh Oman
Với tỷ lệ bỏ phiếu 192/193, Việt Nam đã đắc cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ảnh: TTXVN.

Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ áp đảo như vậy đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam đồng thời cũng cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với LHQ nói chung và HĐBA nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. 

Với sự tin tưởng, tín nhiệm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế thông qua những lá phiếu bầu hôm nay, Việt Nam sẽ có những bước thuận lợi đầu tiên để vượt qua nhiều thử thách sắp tới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Hội đồng Bảo an một lần nữa, như chúng ta đã từng làm được khi lần đầu tiên được bầu vào HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009.

Đây là lần thứ hai, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực trong HĐBA LHQ sau lần đầu nhiệm kỳ 2008-2009. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ làm tốt trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, xứng đáng với sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế.

4. Thượng đỉnh liên Triều tiếp theo có thể diễn ra trong tháng 6

Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư trong tháng 6-2019 không phải là “điều bất khả thi” và điều này phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đây là thông điệp được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra trong cuộc Họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nauy Erna Solberg tại Oslo ngày 13-6. Cùng ngày, ông Moon Jae-in đã nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa các mối quan hệ liên Triều và nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Thế giới tuần qua: Điểm nóng Vịnh Oman
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc Họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nauy Erna Solberg tại Oslo. Ảnh: koreaherald.com.

Bên cạnh đó, ông Moon Jae-in cũng nêu bật tính cần thiết của việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, trong đó có việc nối lại hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong, để mối quan hệ liên Triều được phát triển tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế sẽ chỉ có thể được thực hiện khi các lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng được gỡ bỏ. Chính vì thế, trước tiên cần phải đạt được tiến triển thực chất trong vấn đề phi hạt nhân hóa và Seoul có vai trò trong việc nhanh chóng biến kịch bản trên trở thành sự thật.

Nhận định về triển vọng nối lại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được ông Moon Jae-in đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang có dấu hiệu “nguội” trở lại sau một năm ghi nhận nhiều diễn biến tích cực.

5. Anh sẽ ra phán quyết dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks vào năm 2020

Ngày 14-6, một thẩm phán Anh ấn định sẽ tổ chức phiên điều trần toàn diện về yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange sang Mỹ vào tháng 2-2020.

Ông Assange, 47 tuổi, bị cáo buộc 18 tội danh bao gồm âm mưu tấn công hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ và vi phạm Đạo luật Tình báo quốc gia này khi công bố nhiều tài liệu quân sự và ngoại giao mật hồi năm 2010, liên quan tới các chiến dịch đánh bom của lực lượng Mỹ tại Afghanistan và Iraq.

Thế giới tuần qua: Điểm nóng Vịnh Oman
Ông Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) ngày 19-5-2017. Ảnh: The Verge.

Hiện ông này đang thi hành án tù 50 tuần tại Anh vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh tại ngoại năm 2012 và tị nạn trong Đại sứ quán Ecuardo ở London, nhằm tránh lệnh dẫn độ về Thụy Điển để phục vụ điều tra cáo buộc tấn công tình dục một nữ công dân quốc gia này.

Xuất hiện tại phiên điều trần ngắn ngày 14-6 tại Tòa sơ thẩm Westminster, ông Assange đã phủ nhận mọi cáo buộc mà luật sư Ben Bradon, đại diện cho chính quyền Mỹ, tóm tắt trước tòa. Nhà sáng lập WikiLeaks khẳng định không đánh cắp dù chỉ là một mật khẩu hay bất kỳ thông tin gì tương tự. Tại phiên điều trần dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm sau, tòa sẽ ra quyết định có cho phép dẫn độ ông Assange về Mỹ hay không.

Trước đó, ngày 13-6, Bộ trưởng Nội vụ Anh thông báo đã ký quyết định chấp thuận yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks sang Mỹ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ ông Assange sang Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào tòa án Anh.

6. Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải 

Ngày 14-6, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã ra tuyên bố chung Bishkek trong đó có nội dung cảnh báo việc các nước đơn phương củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa đe dọa an ninh quốc tế và gây bất ổn toàn cầu.

Tuyên bố nêu rõ: “Các nước thành viên tái khẳng định việc các nước riêng lẻ hoặc nhóm các nước củng cố hệ thống phòng thủ một cách đơn phương và quá mức, đã gây hại cho an ninh quốc tế cũng như làm bất ổn tình hình thế giới.”

Thế giới tuần qua: Điểm nóng Vịnh Oman
Nguyên thủ quốc gia các nước thành viên SCO chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN.

Lãnh đạo các nước SCO còn khẳng định lập trường ủng hộ cách duy nhất để giải quyết tình hình ở Syria là thông qua đối thoại, dựa trên việc đảm bảo chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này.

Ngoài ra, tuyên bố còn cho hay, các nước thành viên SCO sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng và an ninh, và sẽ tiếp tục tiến hành diễn tập chống khủng bố chung đều đặn.        

Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này diễn ra tại thủ đô Bishkek của Kyrgystan. Tham dự hội nghị lần này có nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên gồm Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgystan, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan.

Theo NGÂN ANH/ QĐND