Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Hiểm họa rình rập

Sat, 21/09/2019 | 10:38 AM

Tuần qua, những màn "đấu khẩu" đầy mùi thuốc súng đã được phát đi, trong khi giải pháp cho các cuộc khủng hoảng vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Hiểm họa an ninh cả truyền thống và phi truyền thống ngày càng hiện hữu, đe dọa hòa bình, ổn định tại nhiều quốc gia, khu vực.

1. “Chảo lửa” Trung Đông ngày càng tăng nhiệt và nguy cơ mới về an ninh dầu mỏ  

Tình hình ở Trung Đông đang liên tiếp diễn biến phức tạp sau vụ máy bay không người lái tấn công các cơ sở lọc hóa dầu của Saudi Arabia ngày 14-9 vừa qua. Mỹ cùng Saudi Arabia đã công khai cáo buộc Iran đứng sau vụ việc này. Tổng thống Mỹ tuyên bố để ngỏ "mọi sự lựa chọn" trong việc trừng phạt Iran sau vụ tấn công trên.

Thế giới tuần qua: Hiểm họa rình rập

Khói bốc lên từ cơ sở dầu khí Aramco ở Abqaiq ngày 14-9. Ảnh: Getty

Iran đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc trên, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi cuộc tấn công của Mỹ. Tình hình trên đang khiến nhiều người lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, thị trường dầu mỏ thế giới đã phải một phen chao đảo. Trong  phản ứng tức thời của thị trường, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, sau khi sản lượng khai thác của tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco Saudi Arabia giảm khoảng một nửa vì hai cơ sở lọc dầu trên phải ngừng hoạt động. Vào lúc cao điểm trong ngày 16-9, giá dầu có lúc đã tăng vọt 19% trước khi rời đỉnh. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ năm 1991 khi nổ ra Chiến tranh Vùng Vịnh. Mỹ đã phải mở các kho dự trữ dầu chiến lược của mình để ổn định nguồn cung.

Nếu các cơ sở lọc dầu trên không được sửa chữa nhanh chóng, sự gián đoạn nguồn cung có thể làm giảm 7,4 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của nước này trong 3 quý tới, tương đương 5% nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế. 

Vụ việc cũng làm dấy lên lo ngại nguy cơ gián đoạn nguồn cung sẽ lớn hơn nếu tiếp tục xảy ra các vụ tấn công khác vào các mỏ dầu và đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia – quốc gia cung cấp 10% sản lượng dầu trên thô thế giới. Về mặt an ninh, các chuyên gia đang lo ngại về một hình thức khủng bố mới trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của công nghệ cho phép các thiết bị bay không người lái hoạt động trên diện rộng hơn.

2. Bao lực leo thang tại Afghanistan

Bầu không khí bạo lực và tang tóc đã bao trùm Afghanistan trong suốt tuần qua bởi các vụ tấn công khủng bố đẫm máu liên tục xảy ra gây thương vọng cho hàng trăm người dân vô tội.

Thế giới tuần qua: Hiểm họa rình rập

Các tay súng Hồi giáo Taliban. Ảnh: RT

Mới đây nhất ngày 19-9, một vụ đánh bom xe nhằm vào trụ sở Cơ quan Tình báo quốc gia Afghanistan (NDS) tại tỉnh Zabul, miền Nam nước này khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và 95 người khác bị thương. Trước đó ngày 18-9, một vụ tấn công liều chết khác cũng đã phá hủy một tòa nhà chính quyền tại miền Đông Afghanistan, khiến 9 người bị thương. 

Đây là vụ bạo lực mới nhất do phiến quân Taliban tiến hành trong suốt tuần qua tại Afghanistan. Hồi đầu tuần, phiến quân Taliban đã tiến hành vụ đánh bom đẫm máu, một vụ gần địa điểm vận động tranh cử của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ở tỉnh miền Trung Parwan và một vụ ở thủ đô Kabul, khiến 48 người thiệt mạng và 80 người bị thương.

Trong khi đó, ngày 18-9, một cuộc không kích do lực lượng an ninh nước này tiến hành với sự yểm trợ của Mỹ tại miền Đông Afghanistan đã khiến ít nhất 30 dân thường đã thiệt mạng và 40 người bị thương.

Bạo lực xảy ra tại thời điểm Afghanistan đang chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 28-9 tới, trong đó Tổng thống Ghani đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2. Phiến quân Taliban đã cảnh báo sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các điểm vận động tranh cử cũng như các địa điểm bỏ phiếu, đồng thời tuyên bố người dân không nên tham gia sự kiện này.

3. Nguy cơ leo thang xung đột bạo lực với người Rohingya ở Myanmar

Khoảng 600.000 người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đang đối mặt với tình trạng bạo lực nghiêm trọng trong khi hoạt động hồi hương gần 1 triệu người thuộc cộng đồng này chạy nạn sang Bangladesh vẫn là “bất khả thi”.

Thế giới tuần qua: Hiểm họa rình rập

Người Hồi giáo Rohingya tại một trại tị nạn ở Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Rất nhiều người đã từ chối trở lại quê nhà do lo ngại bao lực leo thang. Hiện vẫn chưa rõ khi nào sẽ bắt đầu đợt hồi hương vì cần phải sàng lọc và thẩm tra tất cả các cá nhân.Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), hiện 80% người tị nạn Rohingya ở Bangladesh hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ lương thực của WFP. Cơ quan cứu trợ của LHQ đã chi 24 triệu USD mỗi tháng để hỗ trợ lương thực cho gần 900.000 người tị nạn Rohingya ở Bangladesh. Nếu không có sự đóng góp tài chính liên tục của cộng đồng quốc tế, tình hình người tị nạn Rohingya ở Bangladesh càng trở nên tồi tệ.

4. Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Cuba

Quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba tiếp tục xuất hiện dấu hiệu căng thẳng mới khi ngày 19-9, Washington tuyên bố trục xuất hai thành viên của Phái bộ thường trực Cuba tại Liên Hợp Quốc và gia tăng hạn chế đi lại với các thành viên còn lại với cáo buộc có các “hoạt động ảnh hưởng” chống lại Mỹ.

Thế giới tuần qua: Hiểm họa rình rập

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez. Ảnh: Washington Post

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã chỉ trích động thái trên của Mỹ là nhằm kích động leo thang ngoại giao, dẫn tới việc đóng cửa các đại sứ quán song phương, thắt chặt hơn nữa lệnh cấm vận và tạo thêm căng thẳng giữa hai nước. La Habana kiên quyết bác bỏ việc làm phi lý và những cáo buộc “vu khống” trên của Mỹ. Ông Rodriguez nhấn mạnh: “Việc Mỹ cáo buộc các nhân viên ngoại giao của Cuba thực hiện các hành động không tương thích với vị thế của một nhà ngoại giao là sự vu khống. Điều này cũng thể hiện thái độ thù địch và vô trách nhiệm của Mỹ nhằm thắt chặt phong tỏa ngoại giao và kinh tế Cuba. Đây là động thái chống lại thế giới”.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Cuba kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức tháng 1-2017. Tháng 9-2017, Chính quyền Tổng thống Donald Trump trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba sau khi rút nhiều nhân viên đại sứ quán Mỹ ở La Habana về nước do "vấn đề bí ẩn"gây ảnh hưởng đến nhân viên Mỹ.

5. Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho Syria

Ngày 16-9, lãnh đạo 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Syria, trong đó tập trung thảo luận tình hình vùng giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib và việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria. Kết thúc hội nghị, 3 nước đã ra tuyên bố chung khẳng định ủng hộ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Thế giới tuần qua: Hiểm họa rình rập

Trong ảnh (từ trái sang): Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại hội nghị thượng đỉnh ở Ankara ngày 16-9-2019. Ảnh: THX/TTXVN

Tuyên bố chung cho biết lãnh đạo 3 nước cũng đã thảo luận về tình hình tại khu vực Đông Bắc Syria và cho rằng chỉ có thể đạt được sự ổn định và an ninh ở khu vực này trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Tổng thống 3 nước đồng thời bác bỏ mọi âm mưu nhằm tạo ra “thực tế mới” trên thực địa với cái cớ đấu tranh chống khủng bố, bao gồm các sáng kiến bất hợp pháp về tự trị.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết 3 nước đã nhất trí về cách tiếp cận linh hoạt trên phương diện thúc đẩy nỗ lực hòa bình ở Syria thông qua các giải pháp chính trị. Tất cả các vấn đề đang cản trở việc thành lập một ủy ban hiến pháp cho Syria đã được loại bỏ.

Theo thông tin mới nhất, Tổng thư ký Liên hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố thành phần ủy ban soạn thảo hiến pháp mới của Syria đã được các bên thống nhất. Đây được xem là bước quan trọng để tiến tới một cuộc bầu cử và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, với khoảng 400.000 người đã thiệt mạng.

Theo QĐND