Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Gỡ rối bất đồng

Sun, 10/11/2019 | 07:42 AM

Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ dỡ bỏ thuế áp đặt lên lượng hàng hóa của nhau; Hàn Quốc và Nhật Bản thúc đẩy giải quyết căng thẳng; cơ hội đột phá xung đột miền Đông Ukraine... là những tin tức quốc tế bạn đọc quan tâm trong tuần qua.

1. Mỹ, Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận dỡ bỏ thuế

Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ dỡ bỏ các khoản thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một nếu thỏa thuận này được hoàn tất. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-11 tuyên bố ông vẫn chưa đồng ý dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, song Bắc Kinh muốn ông làm như vậy.

Dù không đưa ra lộ trình cụ thể nhưng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, hai bên phải đồng thời rút một phần thuế nhập khẩu đang áp lên nhau. Quy mô gỡ thuế của hai nước phải như nhau và con số cụ thể có thể được thỏa thuận.

 

 

Thế giới tuần qua: Gỡ rối bất đồng

Hàng hóa Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: WSJ.

Thỏa thuận vẫn chưa được ký kết và vẫn có khả năng đổ vỡ, nhưng cam kết trên của hai bên được coi là một bước tiến quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cho thấy hai bên đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận cụ thể.

Thông tin trên được đưa ra sau tin tức về cuộc gặp giữa Tổng ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể được hoãn đến tháng 12. Hai lãnh đạo được kỳ vọng ký kết thỏa thuận giai đoạn một tại APEC giữa tháng này. Tuy nhiên, việc Chile hủy tổ chức APEC do bất ổn trong nước đã khiến kế hoạch này bị lùi lại.

Mỹ và Trung Quốc đang tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài từ giữa năm ngoái. Đến nay, hai nước đã áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, gây náo loạn thị trường tài chính và kéo tụt niềm tin kinh doanh, tiêu dùng toàn cầu.

2. Hàn Quốc, Nhật Bản nhất trí giải quyết căng thẳng

Ngày 4-11, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 tại Thái Lan, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, đồng thời tái khẳng định nguyên tắc giải quyết các vấn đề bất đồng giữa hai nước, trong đó có căng thẳng thương mại, thông qua đối thoại.

Cụ thể hóa kết quả cuộc gặp lãnh đạo hai nước, ngày 8-11, Hàn Quốc thông báo tổ chức vòng đàm phán tiếp theo với Nhật Bản sẽ diễn ra vào cuối tháng này để tháo gỡ căng thẳng thương mại song phương.

 

Thế giới tuần qua: Gỡ rối bất đồng

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 tại Thái Lan. Ảnh: Cheongwadae.

Việc hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc “làm hòa” là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi căng thẳng trong quan hệ song phương thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến trao đổi thương mại song phương mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực và thế giới.

Mỹ có lẽ là bên vui mừng nhất khi thấy hai đồng minh thân cận tại Đông Bắc Á bắt tay nhau. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Washington giải quyết những thách thức tại khu vực, như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, ảnh hưởng của Trung Quốc...       

Quan hệ hai nước rơi vào vòng xoáy căng thẳng từ cuối năm 2018 sau khi các tòa án Hàn Quốc phán quyết các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời chiến. Căng thẳng leo thang khi Nhật Bản trả đũa bằng cách siết chặt quy định xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc và loại nước này ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Đáp trả, Hàn Quốc cũng loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul và rút khỏi Hiệp định Chia sẻ thông tin quốc phòng giữa hai nước.

3. Cơ hội đột phá xung đột miền Đông Ukraine

Quân đội Ukraine và phe ly khai được Nga hậu thuẫn dự kiến đã hoàn thành giai đoạn cuối của một cuộc rút quân tại khu vực xung đột miền Đông Ukraine.

Đây là tiền đề cho cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Sự kiện trên, với thời điểm chưa được ấn định, sẽ do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel làm trung gian.

 

Thế giới tuần qua: Gỡ rối bất đồng

Việc rút quân là tiền đề cho cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine. Ảnh: YahooNews

Việc rút quân là một trong những điều kiện của Kremlin để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mà Kiev hy vọng có thể khởi động lại tiến trình hòa bình bị đình trệ.

Hội nghị này đã nhiều lần bị hoãn lại do những nỗ lực trước đây để tổ chức các đợt rút lui đã thất bại. Nga đã tuyên bố ủng hộ một hội nghị thượng đỉnh mới nhưng từ chối cam kết về thời gian chính xác.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng Năm, Tổng thống Zelensky 41 tuổi luôn tìm cách hồi sinh tiến trình hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột ly khai ở miền đông Ukraine - đã cướp đi 13.000 sinh mạng kể từ năm 2014.

4. Kết thúc vòng đối thoại mở đầu về Syria

Vòng đàm phán mở đầu về tương lai chính trị của Syria đã kết thúc vào ngày 8-11 với những tiến triển đạt được vượt trên sự mong đợi.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Geir Pedersen, cho biết điều này mang lại cơ hội hòa giải chính trị cho các bên ở Syria sau hơn 8 năm chiến tranh.

 

Thế giới tuần qua: Gỡ rối bất đồng

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Hiến pháp Syria với sự tham dự của Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria Geir Pedersen ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 30-10-2019. Ảnh: TTXVN.

Ông Pedersen thừa nhận các cuộc thảo luận đôi khi “rất khó khăn,” tuy nhiên các đại diện của Ủy ban Hiến pháp đến từ Chính phủ Syria, phe đối lập và xã hội dân sự đã giải quyết các bất đồng một cách chuyên nghiệp.

Cụ thể, các bên tham gia đối thoại chủ yếu tập trung vào các vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và khủng bố nhưng không đi sâu vào chi tiết. Thỏa thuận về việc lập tức phóng thích hàng nghìn tù nhân trong nước - một bước quan trọng, cần thiết để xây dựng niềm tin giữa các bên ở Syria - vẫn chưa đạt được.

Vòng đối thoại tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 25-11 tại Geneva, Thụy Sĩ.

5. Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Chính quyền Washington đã chính thức thông báo tới Liên hợp quốc (LHQ) việc rút khỏi Hiệp định Paris, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới này trở thành nước duy nhất đứng ngoài thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Viện Các vấn đề quốc tế và châu Âu cho rằng quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris của Tổng thống Donald Trump sẽ gây ra ảnh hưởng lớn do các nước khác có thể "nhân sự việc đó mà làm theo".

 

Thế giới tuần qua: Gỡ rối bất đồng

Người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng phản đối chính sách về chống biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Washington Post.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sau khi lên nắm quyền, vào ngày 1-6-2017, ông đã tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định này, song sẽ bắt đầu đàm phán lại nhằm mang đến một thỏa thuận công bằng hơn cho doanh nghiệp, người lao động và người dân Mỹ.

Như vậy, Mỹ sẽ không còn là thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4-11-2020 - một ngày sau ngày bầu cử tổng thống vào năm sau.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại hội nghị lần thứ 21 của LHQ về chủ đề này tại Paris (Pháp) hồi năm 2015. Tổng cộng, có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào thỏa thuận này.

6. Iran nối lại việc làm giàu urani

Ngày 7-11, Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran (AEOI) thông báo đã chính thức nối lại việc làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân dưới lòng đất Fordow bằng việc bơm khí vào các máy ly tâm.

Hành động của Iran được thực hiện một ngày sau khi Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố khôi phục việc bơm khí uranium vào 1.044 máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất, hoạt động đã bị tạm dừng khi nước này tham gia bản thỏa thuận hồi 2015 với các cường quốc (JCPOA).

 

Thế giới tuần qua: Gỡ rối bất đồng

Hình ảnh tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow. Ảnh: AEOI

Iran từng bị cáo buộc làm giàu urani tại Fordow để giảm quy mô hoạt động hạt nhân trước khi ký JCPOA. Tuy nhiên, Tehran liên tục bác cáo buộc Fordow có ý định sản xuất urani cấp độ vũ khí, cho rằng nhà máy chỉ được giao nhiệm vụ sản xuất uranium nồng độ thấp phục vụ các nhà máy điện.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran, nước này đã giảm bớt một số cam kết trong thỏa thuận. Ngày 7-7, Iran tuyên bố tăng mức làm giàu uranium lên 5%, vượt ngưỡng 3,67% được quy định trong JCPOA.

Việc quốc gia Cộng hòa Hồi giáo nối lại làm giàu urani sẽ càng khiến phức tạp hơn các cơ hội cứu bản thỏa thuận JCPOA với các cường quốc châu Âu. Nga và Liên hiệp châu Âu (EU) luôn hối thúc Iran tôn trọng bản thỏa thuận này.

Theo NGÂN ANH/QĐND