Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm toàn cầu

Sun, 16/02/2020 | 07:50 AM

Những ngày qua đã chứng kiến nhiều sự kiện quốc tế nổi bật, đặc biệt là sự gia tăng chóng mặt số ca nhiễm và tử vong vì virus Corona chủng mới (Covid-19) ở Trung Quốc, nơi khởi phát và làm lây lan dịch, cũng như nỗ lực của toàn cầu nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh này.

1. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường

Trong tuần qua, thế giới tiếp tục chứng kiến tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch viêm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).

Tính đến 8 giờ 00 ngày 15-2, thế giới đã ghi nhận 67.100 trường hợp mắc bệnh do Covid-19 tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 1.526 trường hợp tử vong.

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm toàn cầu

Dịch bệnh do Covid-19 vấn đang diễn biến phức tạp. Ảnh: SCMP.

Các nhà khoa học trên toàn thế giới đang trong cuộc chạy đua với thời gian nhằm tìm ra phương pháp hiệu quả bảo vệ con người trước dịch bệnh. Ngay trong tuần này, các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã bắt đầu thử nghiệm trên động vật vaccine phòng chống dịch Covid-19.

Tại Trung Quốc, các nhà khoa học tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải cũng đang thử nghiệm các mẫu vaccine ngừa Covid-19 trên chuột. Trong khi đó, các chuyên gia của Bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi tập trung điều trị các bệnh nhân Covid-19 của thành phố Vũ Hán đã phát hiện trong cơ thể của những người khỏi bệnh, đặc biệt là huyết tương có một lượng kháng thể lớn đối với virus. Hiện bệnh viện cũng đã bắt đầu truyền huyết tương cho một số bệnh nhân và đạt kết quả ban đầu khả quan.

Khoảng 77 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến Covid-19 đã được đăng ký tại Trung Quốc kể từ ngày 23-1. Nội dung thử nghiệm rất đa dạng, từ thuốc kháng virus remdesivir của Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences (Mỹ) và thuốc điều trị HIV Kaletra của Công ty AbbVie (Mỹ) đến các loại thảo dược cổ truyền của Trung Quốc.

Theo các nhà khoa học, việc tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu trong lúc virus lan nhanh đóng vai trò quan trọng bởi nó cho phép các nhà khoa học xác định loại thuốc hiệu quả nhất. Giới chức Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình phê duyệt các cuộc thử nghiệm để bảo đảm bệnh nhân trong nước được tiếp cận nhanh chóng các loại thuốc hiện đại, thậm chí sớm hơn các nước phát triển trong một số trường hợp.

2. Philippines hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ

Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi thông báo cho đại sứ quán Mỹ ở Manila về việc nước này sẽ hủy Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) cho phép Mỹ triển khai quân đồn trú luân phiên tại nước này.

Sau thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines, VFA sẽ hết hiệu lực sau 180 ngày nếu hai bên không đạt thỏa thuận nhằm đảo ngược hoặc trì hoãn quá trình chấm dứt thỏa thuận.

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm toàn cầu

Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines. Ảnh: Getty.

VFA được thi hành từ năm 1999, cung cấp cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của hàng nghìn lính Mỹ đồn trú luân phiên tại Philippines, nhằm phục vụ các cuộc tập trận và hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cáo buộc Mỹ lợi dụng VFA nhằm tiến hành các hoạt động bí mật như gián điệp và tích trữ vũ khí hạt nhân, khiến Philippines trở thành mục tiêu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc chấm dứt VFA sẽ gây hại cho cả Philippines và Mỹ, khiến Washington gặp khó trong duy trì hiện diện quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ngăn Manila diễn tập chung, nhận viện trợ quân sự từ Mỹ.

Quyết định được ông Duterte đưa ra sau khi Mỹ hủy visa, từ chối cho thượng nghị sĩ Philippines Ronaldo dela Rosa nhập cảnh. Đại sứ quán Mỹ tại Philippines không giải thích lý do  nhưng dường như quyết định bắt nguồn từ những cáo buộc giết người không qua xét xử trong hơn hai năm ông Rosa giữ chức tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines.

3. Afghanistan đứng trước cơ hội hòa bình

Tiến trình chính trị giữa các bên tại Afghanistan, hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến dai dẳng, vốn đã kéo dài gần 20 năm qua tại quốc gia Tây Nam Á này đang có những thông tin tích cực.

Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 14-2 tiết lộ Mỹ và lực lượng Taliban đã đạt được bước đầu của thỏa thuận về một đề xuất giảm bạo lực trong 7 ngày, sẽ có hiệu lực “rất sớm” và có thể dẫn đến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm toàn cầu

Mỹ, Taliban tại một vòng đàm phán hồi cuối tháng 2-2019 ở Qatar. Ảnh: Reuters.

Quan chức Mỹ cho biết Taliban đã cam kết tạm dừng các vụ đánh bom ven đường, đánh bom tự sát, cũng như các vụ tấn công bằng rocket. Nếu Taliban thực hiện cam kết của mình, hai bên sẽ ký kết một thỏa thuận để khởi động các cuộc đàm phán hòa bình có sự tham gia của tất cả các bên ở Afghanistan.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phát biểu rằng, nước này đang có “cơ hội tốt”, để đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban trong vòng 2 tuần tới. Đây được xem là lời xác nhận nữa trước các nguồn thông tin gần đây cho rằng, Mỹ - Taliban đã đạt được sự thống nhất trong nhiều vấn đề quan trọng, gai góc tại các cuộc đàm phán ở Qatar.

Hiện Mỹ và Taliban đang thảo luận về một thỏa thuận hòa bình. Một số ý kiến cho rằng, thỏa thuận sẽ giúp nước Mỹ bước chân ra khỏi vũng lầy chiến tranh, vốn kéo dài hơn 18 năm qua, đồng thời giúp ông Trump “ghi điểm” nhiều hơn trước cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới.

4. Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56

Tối 14-2 (theo giờ Hà Nội), Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 đã chính thức khai mạc tại thành phố Munich của Đức, với sự tham gia của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới.

Sự kiện lần này được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng,” trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị như căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ và Iran, xung đột giữa Israel và Palestine, các cuộc xung đột tại Libya, Syria, vấn đề về Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2…

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm toàn cầu

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu, và gần đây nhất là sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 cũng sẽ là nội dung trọng tâm của hội nghị.

Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi để ra chính sách, chiến lược, không giải quyết được tất cả các vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; bàn thảo biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng; đối phó với các thách thức, nguy cơ; bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.

Dư luận quốc tế mong muốn các quốc gia tăng cường mở rộng hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

5. Mỹ leo thang cuộc chiến chống Huawei

Các công tố viên Mỹ vừa cáo buộc tập đoàn Huawei của Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại và giúp Iran theo dõi người biểu tình. Đây là bước leo thang mới cuộc chiến giữa Mỹ và tập đoàn sản xuất linh kiện viễn thông lớn nhất thế giới.

Theo Reuters, tập đoàn Huawei bị cáo buộc âm mưu ăn cắp bí mật thương mại từ 6 công ty công nghệ Mỹ, vi phạm một bộ luật chống tội phạm có tổ chức của Mỹ.

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm toàn cầu

Ảnh minh họa. Nguồn: Cnet.

Bản cáo trạng cũng có các cáo buộc mới về cái gọi là sự liên quan của Huawei với một số quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, thí dụ như Huawei đã lắp đặt các thiết bị do thám cho Iran để theo dõi, nhận diện và bắt giữ người biểu tình trong đợt biểu tình chống chính phủ hồi năm 2009 ở Tehran.

Phản ứng lại động thái của Mỹ, tập đoàn Huawei cho rằng, bản cáo trạng trên là “một phần của nỗ lực hủy hoại thanh danh và công việc kinh doanh của Huawei vì lý do cạnh tranh nhiều hơn là việc thực thi pháp luật”.

Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã phát động chiến dịch chống lại Huawei. Thâm chí, Washington đưa công ty này vào một danh sách đen về thương mại từ năm ngoái, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

6. Nga sẽ trưng cầu ý dân sửa đổi Hiến pháp

Ngày 14-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc bắt đầu chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp.

Theo sắc lệnh, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nêu trên và thực hiện tất cả các hoạt động liên quan. Tổng thống Putin cũng chỉ thị chính phủ cấp ngân sách khoảng 279 triệu USD cho công tác tổ chức sự kiện này. Hiện Nga chưa công bố thời điểm cụ thể tiến hành cuộc trưng cầu y dân. 

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm toàn cầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ABC News.

Cuối tháng trước, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua lần thứ nhất dự luật sửa đổi Hiến pháp. Theo cơ quan này, lần bỏ phiếu thứ hai dự thảo này đã bị trì hoãn từ ngày 11-2 sang đến cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 do cần xem lại các điều khoản sửa đổi mới. 

Trước đó, trang thông tin của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã thành lập nhóm công tác soạn thảo các đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Nhà lãnh đạo Nga đã ký lệnh phê duyệt thành phần của nhóm công tác, có hiệu lực ngay trong ngày 15-1.

Cùng ngày, Tổng thống Putin đã đề xuất một loạt sửa đổi Hiến pháp trong Thông điệp Liên bang thường niên. Các sửa đổi này bao gồm đề xuất Duma Quốc gia đề cử thủ tướng và các bộ trưởng trong chính phủ.

Theo Ngân Anh/QĐND