Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Sat, 07/03/2020 | 15:00 PM

Diễn biến dịch Covid-19 trên toàn thế giới có những diễn biến phức tạp, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib, Cuộc đua tìm ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ... là những thông tin quốc tế nổi bật trong tuần.

1. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bên ngoài Trung Quốc

Tính đến sáng 7-3 theo giờ Việt Nam, trên thế giới có 100.840 ca nhiễm chủng mới của virus corona, trong đó có 3.483 người đã tử vong, còn số người hồi phục là 55.190.

Điều đáng nói là trong khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, nơi khởi phát của Covid-19, có xu hướng bị đẩy lùi thì dịch bệnh lại đang bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Iran và khu vực châu Âu, đáng kể nhất là Italy.

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Hàn Quốc liên tục tăng cao. Ảnh: The Straits Times.

Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc ngày 6-3, nước này ghi nhận 126 ca mắc mới ở tỉnh Hồ Bắc, và lần đầu tiên toàn bộ đều là ở tâm dịch Vũ Hán. Điều đó cho thấy Trung Quốc bước đầu đã khoanh vùng dịch thành công, không để dịch lan mạnh thêm ra các địa phương khác.

Trong khi đó, tình hình dịch ở một số quốc gia khác đang hết sức căng thẳng. Iran chiều ngày 6-3 đã ghi nhận thêm 12 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh nguy hiểm này ở Cộng hòa Hồi giáo lên tới 124 người, trên tổng số 4.747 ca nhiễm.

Hầu như toàn bộ các nước thuộc Liên minh châu ÂU (EU) đều ghi nhận các ca nhiễm Covid-19. Dịch thậm chí đã lan đến tận các cơ quan đầu não của EU. Tại Italy, đã có 197 người chết, biến đất nước hình chiếc ủng trở thành quốc gia có số người tử vong cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Hàn Quốc là nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai sau Trung Quốc với 6.593 ca, trong đó có 42 trường hợp tử vong.

2. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tháo gỡ ngòi nổ Idlib 

Ngòi nổ chiến tranh tại Idlib, Syria tạm thời được tháo sau cuộc gặp kéo dài 6 giờ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 5-3.

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm tại Moscow về một thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib khiến người dân Syria và thế giới thở phào sau khi đã xảy ra những cuộc đụng độ trực diện giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria do Nga ủng hộ.    

Thỏa thuận trên cam kết ngừng tất cả các hành động chiến đấu từ nửa đêm 6-3, lập một hành lang an toàn rộng 6km dọc đường cao tốc M-4, và từ ngày 15-3, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung dọc theo đường cao tốc này.

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Moscow. Ảnh: AP.

Trên thực tế, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không muốn tình hình Idlib vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Với một người cứng rắn như ông Erdogan, Ankara không thể ngồi im khi có đến 58 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ bị giết chết trong các vụ tấn công của quân đội Syria. Tuy nhiên, huy động hàng chục ngàn quân để đánh trả Syria là vô cùng mạo hiểm và là điều mà ông Erdogan không mong muốn.

Về phần mình, Nga quyết tâm bảo vệ đồng minh Syria, nhưng cũng không muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là thời gian qua Ankara xích lại gần Moscow để cân bằng quan hệ với Phương Tây. Vì vậy, mặc dù có nhiều khác biệt nhưng vì lợi ích chiến lược nên cả ông Putin và ông Erdogan sẽ không để quan hệ song phương bị đổ vỡ.

Lâu nay, dù đều là những nước bảo trợ cho các tiến trình đàm phán Astana và Sochi về hòa bình tại Syria, song Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có những quan điểm đối lập. Trong khi Nga là nước hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng đối lập Syria.

3. Anh, EU bất đồng trong đàm phán về quan hệ hậu Brexit

Anh và Liên minh châu Âu (EU) ngày 5-3 đã kết thúc vòng đàm phán chính thức đầu tiên về mối quan hệ tương lai. Mặc dù cả hai bên đều cho thấy sự quyết tâm trong việc đạt được một thỏa thuận trước cuối năm nay, nhưng trong vòng đàm phán này, hai bên dường như dậm chân tại chỗ khi còn nhiều điểm bất đồng.

Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier đã lên tiếng thừa nhận tồn tại “bất đồng nghiêm trọng” giữa Anh và EU về mối quan hệ song phương trong tương lai.

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Ảnh minh họa. Nguồn: Express.

Theo ông Barnier, các bất đồng này vẫn tập trung trong hai chủ đề đã được giới phân tích nhận định là phức tạp nhất trước khi các phiên đàm phán diễn ra, đó là về “sân chơi thương mại công bằng” và về nghề cá.

Trong khi đó, trong thông báo gửi đến báo chí Anh cuối ngày 5-3, người phát ngôn chính phủ Anh cho biết, mặc dù hai bên còn nhiều bất đồng lớn, nhưng phía EU cần tôn trọng thực tế là nước Anh đã ra khỏi quỹ đạo của EU và không có nghĩa vụ tuân theo luật hay các toà án của EU.

Theo lịch trình, các đoàn đàm phán hai bên sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng này trong phiên đàm phán thứ hai được tổ chức tại thủ đô London của Anh. Nhiều chuyên gia cảnh báo Anh và EU sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay nếu hai bên không chịu nhân nhượng.

4. Cuộc đua tìm ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 chỉ mới chạy những bước đầu tiên sau phát súng lệnh, song các ứng cử viên của Đảng Dân chủ ai nấy đều “vã mồ hôi” dồn sức cho cuộc nước rút nhằm giành vé đề cử duy nhất của đảng này đối đầu với đương kim Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 tới.

Nếu như bên phía Đảng Cộng hòa, Tổng thống Donald Trump đang “một mình một ngựa” băng băng về phía trước với chiến thắng áp đảo tại tất cả các bang đã tiến hành bầu cử sơ bộ, thì cuộc đua bên phía Đảng Dân chủ nhằm tìm ra ứng cử viên chính thức của đảng này tham gia so găng với ông Donald Trump lại cam go và hấp dẫn hơn nhiều.

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Cựu Phó tổng thống Joe Biden (phải) và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders. Ảnh: NBC News.

Sau cuộc bầu cử sơ bộ ở 4 bang trước đó, số phiếu đại biểu mà các ứng cử viên Đảng Dân chủ giành được cũng chẳng chênh lệch là bao. Chính vì vậy, tâm điểm chú ý dồn cả vào ngày bầu cử “Siêu thứ ba”, tức ngày 3-3 vừa qua.

Tính đến chiều 5-3 (theo giờ Việt Nam), kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Joe Biden đã nắm trong tay 566 phiếu đại biểu, theo sau là ông Bernie Sanders với 501 phiếu, đồng thời hai nhân vật này cũng bỏ xa các đối thủ còn lại. Vậy là, dường như chỉ sau một đêm, cuộc đua đông đúc trong nội bộ Đảng Dân chủ đã biến thành cuộc đua song mã giữa hai ứng cử viên Biden và Sanders.

Cuộc bầu cử sơ bộ sẽ còn kéo dài tới hội nghị toàn quốc của Đảng Dân chủ vào tháng 7 tới. Hãy chờ xem ai trong số hai cái tên tiềm năng ấy sẽ về đích trước tiên để rồi bắt đầu một thách thức lớn hơn, đó là giành lại chiếc chìa khóa vào Nhà Trắng từ đương kim Tổng thống Donald Trump.

5. Châu Âu lo tái diễn thảm họa người di cư

Châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng di cư mới từ khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp sau khi Ankara tuyên bố mở cửa biên giới để người di cư tràn vào lục địa già.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi trú chân của 4 triệu người tị nạn, khoảng 3,6 triệu người trong số đó đến từ Syria. Trước kia, sự di chuyển của họ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ chịu những quy định nghiêm ngặt và tuân theo thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới.

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Những người tị nạn và di cư tụ tập ở khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp Hy Lạp để tìm cơ hội vượt biên sang châu Âu. Ảnh: The Guardian.

Kể từ khi Ankara hồi tuần trước tuyên bố rằng nước này sẽ không cản trở những ai tìm cách đến châu Âu, hàng nghìn người Afghanistan, Iran, Syria, Pakistan và từ châu Phi, châu Á đã vội vàng tìm cách thử vận may của mình.

Đối phó với tình hình trên, Hy Lạp đã đóng cửa biên giới, tăng cường lực lượng quân đội và cảnh sát tại biên giới, và nỗ lực ngăn chặn các tàu chở người di cư muốn tìm đường tắt song đầy nguy hiểm từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đến các đảo phía Đông của Hy Lạp.

Ankara lâu nay phàn nàn về việc thiếu sự hỗ trợ về chia sẻ gánh nặng của việc chăm lo cho một lượng người tị nạn lớn nhất thế giới. Mặc dù EU đã cam kết khoản hỗ trợ trị giá 6 tỷ EUR để chi trả dịch vụ cho người tị nạn Syria, song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn tái thương lượng thỏa thuận này với EU.

Còn theo giới phân tích, trước những diễn biến bất lợi trên chiến trường Syria (Thổ Nhĩ Kỳ đang bị chỉ trích vì chiến dịch “Lá chắn mùa xuân” nhằm vào quân đội Syria ở Idlib), Ankara muốn sử dụng “con bài di cư” để gây sức ép với EU nhằm nhận được sự ủng hộ về quan điểm cũng như hỗ trợ nhiều hơn trong vấn đề Syria. 

Theo Ngân Anh/QĐND