Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Cơ hội phía trước

Sun, 29/09/2019 | 10:11 AM

Mỹ và Trung Quốc ấn định thời gian mở lại đàm phán thương mại; Nhật Bản và Hàn Quốc tìm cách giải quyết căng thẳng; Cử tri Afghanistan tham gia bầu cử tổng thống... là những tin tức quốc tế được bạn đọc quan tâm.

 1. Đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ bắt đầu lại vào tháng 10

Ngày 26-9, nguồn tin trên CNBC cho biết, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu lại trong ngày 10 và 11-10 tại Mỹ. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đại diện cho phái đoàn từ Bắc Kinh tham dự phiên đàm phán đối mặt này.

Trước đó, tại phiên đàm phán mùa xuân năm nay ở Washington, Phó thủ tướng Lưu Hạc đã có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng và đưa ra các cam kết tăng cường nhập khẩu đậu nành.

Thế giới tuần qua: Cơ hội phía trước

Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP.

Nhà Trắng, Bộ Tài chính Mỹ và Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ chưa đưa ra xác nhận cuối cùng. Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump đã nói rằng, họ dự kiến ​​các cuộc đàm phán với Bắc Kinh đã bị đình trệ vào đầu năm nay trong bối cảnh các tranh chấp về một thỏa thuận thương mại có thể sẽ tiếp tục vào tháng tới.

Hai siêu cường kinh tế trong những tuần gần đây đã chứng kiến ​​những căng thẳng đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán về một thỏa thuận sâu rộng sẽ giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, vấn đề tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump trì hoãn việc leo thang thuế quan theo kế hoạch vào ngày 1-10, trùng với ngày kỷ niệm Quốc khánh của Trung Quốc. Theo kế hoạch của Tổng thống Trump, Mỹ sẽ tăng thuế quan đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức hiện tại lên 30% vào ngày 15-10, tức là chỉ 4 ngày sau khi vòng đàm phán tiếp theo kết thúc.

2. Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang

Quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp tục xuống dốc khi Mỹ tuyên bố triển khai thêm quân tới vùng Vịnh và Iran thách thức Mỹ đưa ra bằng chứng nước này tấn công các cơ sở dầu lửa Saudi Arabia.

Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ điều 200 binh sĩ cùng tên lửa Patriot tới hỗ trợ năng lực phòng thủ của Saudi Arabia, sau các vụ tấn công vào 2 cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia. Các nước Pháp, Đức, Anh, Saudi Arabia với những mức độ khác nhau đều đổ lỗi cho Iran thực hiện vụ tấn công này.

Thế giới tuần qua: Cơ hội phía trước

Ảnh minh họa. Nguồn: Fortune.

Giới quan sát cho rằng, mức độ triển khai quân sự hiện nay cho thấy Mỹ không có ý định mở các cuộc không kích trả đũa chống Iran ngay lập tức. Tổng thống Donald Trump khẳng định tiếp tục chính sách gia tăng áp lực tối đa lên Iran bằng các lệnh trừng phạt kinh tế sâu rộng, khiến xuất khẩu dầu lửa của nước này giảm tới 80%, đẩy nền kinh tế vào suy thoái và đồng nội tệ mất giá.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani yêu cầu Washington đưa ra bằng chứng Tehran đứng đằng sau các vụ tấn công, đồng thời cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới rằng an ninh ở vùng Vịnh có thể sụp đổ nhanh chóng chỉ với “sai lầm nhỏ”.

Cáo buộc Mỹ dấn thân vào một “cuộc chiến khủng bố kinh tế tàn nhẫn” chống lại nước này, ông Rouhani khẳng định Iran vẫn đứng vững trên đôi chân của mình thông qua đẩy mạnh xuất khẩu các hàng hóa, ngoài dầu lửa, tăng thuế doanh thu và thúc đẩy các hợp đồng mua hàng đổi hàng.

3. Nhật - Hàn nhất trí tiếp tục đối thoại giải quyết căng thẳng

Ngày 26-9, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-hwa đã có cuộc hội đàm bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), tại New York (Mỹ) với nội dung thảo luận xoay quanh nhiều vấn đề.

Liên quan đến vấn đề cưỡng bức lao động thời chiến, các ngoại trưởng tiếp tục lặp lại lập trường của mỗi bên xung quanh vấn đề đang gây căng thẳng trong quan hệ hai nước hiện nay. Tuy nhiên, hai bên cũng nhất trí tiếp tục các cuộc đối thoại về vấn đề này, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ song phương hướng tới tương lai và cùng hợp tác trong vấn đề Triều Tiên.

Thế giới tuần qua: Cơ hội phía trước

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (trái) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa trong cuộc gặp tại New York, Mỹ, ngày 26-9. Ảnh: Asahi.

Trong cuộc hội đàm, hai bên cũng đã trao đổi quan điểm về việc Nhật Bản tăng cường giám sát xuất khẩu sang Hàn Quốc và việc Hàn Quốc đơn phương hủy bỏ Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA).

Quan hệ Nhật - Hàn đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, sau khi các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 phán quyết các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời chiến.

Căng thẳng leo thang khi Nhật Bản ngày 4-7 siết chặt các quy định xuất khẩu các loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Đáp lại, ngày 22-8, Hàn Quốc đã thông báo rút khỏi Hiệp định GSOMIA, tiếp đó ngày 18-9, Hàn Quốc cũng đã chính thức loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul.

4. Afghanistan tổ chức bầu cử tổng thống

Chính phủ Afghanistan đã quyết định tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 28-9 với hy vọng sẽ thúc đẩy chuyển giao quyền lực một cách hòa bình tại quốc gia Nam Á này.

Cuộc bầu cử có tất cả 18 ứng cử viên, trong đó hai ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah. Đây là hai đối thủ truyền thống từ cách đây năm năm, trong một cuộc bầu cử bất phân thắng bại mà cuối cùng Washington phải đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải để thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực hiện tại.

Thế giới tuần qua: Cơ hội phía trước

Áp phích tranh cử của Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani. Ảnh: Insider.

Trong một thông báo liên quan đến bầu cử, Taliban đã chính thức lên án cuộc bầu cử ngày 28-9 là không hợp pháp vì các lực lượng nước ngoài vẫn đang hiện diện tại Afghanistan. Phong trào Hồi giáo cực đoan này cảnh báo người dân không được đi bầu cử vì Taliban sẽ tấn công các điểm bỏ phiếu.  

Tuy nhiên, bất chấp các trở ngại trên, Chính phủ Afghanistan đang dồn mọi nỗ lực vào cuộc bầu cử sắp tới với cam kết đảm bảo bầu cử diễn ra tự do, minh bạch, đáng tin cậy và toàn diện. Không thể phủ nhận cho đến thời điểm này, bầu cử là cơ hội hòa bình để chuyển giao quyền lực.

Cuộc bỏ phiếu, nếu diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch, sẽ mở ra hy vọng cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính quyền Kabul và Taliban nhằm đạt được một thỏa thuận chính trị, chấm dứt hơn một thập kỷ xung đột và bạo lực tại quốc gia này.

5. Mỹ - Nhật Bản đạt thỏa thuận thương mại song phương có giới hạn

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đạt được một thỏa thuận thương mại song phương có giới hạn sau cuộc gặp ngày 25-9, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).

Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với 7 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, trong đó có lúa mì, lúa mạch, thịt bò và thịt lợn. Đổi lại, Mỹ giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Nhật Bản và nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế đối với thịt bò của nước này.

Thế giới tuần qua: Cơ hội phía trước

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật tại New York ngày 25-9. Ảnh: Nikkei.

Sau khi ký kết, hai bên đều bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận đạt được sau một năm đàm phán. Theo giới phân tích, thỏa thuận trên là một thắng lợi dành cho ông Donald Trump, người đã và đang tìm cách giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và dựa vào các thỏa thuận song phương nhằm phô trương điều mà chính quyền của ông gọi là thương mại “công bằng và có đi có lại”.

Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố đây là thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi”, song Tokyo được cho là đã đưa ra nhiều nhượng bộ hơn so với Washington trong bối cảnh Mỹ đe dọa tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô sản xuất tại Nhật Bản.

Thỏa thuận thương mại mới đạt được dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 sau khi hai bên hoàn tất các thủ tục trong nước. Hai nước sẽ giải quyết vấn đề ô tô trong vòng đàm phán sau, dự kiến diễn ra vào tháng 4-2020.

6. EU đe dọa tiếp tục trừng phạt Venezuela

Một ngày sau khi bổ sung 7 quan chức Venezuela vào danh sách trừng phạt, Liên minh châu Âu ngày 27-9 tiếp tục cảnh báo sẵn sàng áp đặt thêm trừng phạt đối với quốc gia Mỹ Latin này.

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Liên minh châu Âu nói rằng, tình hình tại Venezuela hiện nay cần phải được chấm dứt, cùng với quá trình chuyển tiếp cho một cuộc bầu cử mới. Khối này sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro nhằm đẩy nhanh sự thay đổi.

Thế giới tuần qua: Cơ hội phía trước

Tổng thống Nicolas Maduro. Ảnh: Time.

Trước đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu cũng đã nhất trí bổ sung 7 quan chức cấp cao trong chính quyền Venezuela vào danh sách trừng phạt, nhằm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Nicolas Maduro trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo trầm trọng.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của các đại sứ Liên minh châu Âu để đánh giá về những diễn biến mới nhất tại Venezuela. Các cá nhân bị liệt vào danh sách đen này sẽ bị phong tỏa tài sản tại châu Âu, cũng như bị cấm đi tới các nước thuộc khối này.

Như vậy, đến nay đã có tổng cộng 25 quan chức Venezuela, đều là những nhân vật thân cận của Tổng thống Maduro, bị Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt.

Theo NGÂN ANH/QĐND