Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Có bước tiến, có bước lùi

Sun, 13/10/2019 | 09:33 AM

Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự trong lãnh thổ Syria, EU và Anh sẽ tiếp tục đàm phán nước rút về Brexit, Mỹ, Trung Quốc đạt một thỏa thuận thương mại hạn chế là những tin tức nổi bật trong tuần qua.

 1. Nóng bỏng chiến sự biên giới Syria - Iraq

Kể từ ngày 8-10 - khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khu vực biên giới giữa Syria và Iraq với chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình” sau khi quân đội Mỹ bất ngờ rút lui (ngày 6-10) - tình hình khu vực này trở nên cực kỳ nóng bỏng.

Tuy nhiên, những diễn biến xung quanh chiến dịch của Ankara đang khiến người ta nghĩ tới khả năng phải chăng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngầm bắt tay nhau để điều khiển những chuyển động đáng lo ngại gần đây ở khu vực biên giới Syria. Bởi việc rút quân khỏi khu vực biên giới Bắc Syria của Mỹ chẳng khác nào hành động dọn đường để Ankara thẳng tay tiêu diệt các tay súng người Kurd từng là đồng minh chống IS của Washington tại Syria.

Thế giới tuần qua: Có bước tiến, có bước lùi

Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ Syria. Ảnh: Zejournal.

Cái tên của chiến dịch - “Mùa xuân hòa bình” - của Ankara khiến người ta liên tưởng tới một kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Erdogan tại quốc gia láng giềng. Dường như Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hy vọng có thể lấp được khoảng trống ở Syria sau khi Mỹ rút quân. Duy trì ảnh hưởng ở Syria và gia tăng vai trò ở khu vực là tham vọng mà chính quyền Tổng thống Erdogan không hề che đậy trong suốt những năm nhà lãnh đạo này cầm quyền. 

Trong khi đó, một cuộc hẹn ở Nhà Trắng giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được lên lịch vào ngày 13-11 tới. Người ta cho rằng, đây cũng có thể là dịp để hai đồng minh ngồi lại bàn những bước đi tiếp theo trên “bàn cờ” Syria.  

Những toan tính lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” dường như đang tạo ra một tiền lệ xấu, đẩy đất nước Syria và khu vực vào những mối nguy hiểm mới về an ninh và khủng hoảng nhân đạo. Trong bối cảnh đất nước Syria đang có triển vọng chấm dứt xung đột thì nay lại có nguy cơ rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc.

2. Mỹ, Hàn, Nhật họp về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 8-10, các nhà đàm phán hạt nhân chủ chốt của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc họp song phương và 3 bên tại thủ đô Washington (Mỹ).

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, những cuộc họp trên thảo luận về các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Washington và Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa diễn ra tại Thụy Điển hồi cuối tuần qua. Đó là lần đầu tiên các đại diện của Mỹ và Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán chính thức sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi đầu năm nay tại Hà Nội.

Thế giới tuần qua: Có bước tiến, có bước lùi

Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun (trái), Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon (giữa) và người đồng cấp Nhật Bản Shigeki Takizaki tới cuộc gặp ba bên bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) ngày 24-9-2019. Ảnh: Yonhap.

Trong cuộc họp ngày 8-10, cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì mối quan hệ mật thiết Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Nhật Bản và sự phối hợp ba bên trong vấn đề Triều Tiên, để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và mang lại hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên. 

Phát biểu ngắn gọn với báo giới sau các cuộc họp này, phía Hàn Quốc cho biết, họ chủ yếu bàn thảo về biện pháp duy trì đà đối thoại (với Triều Tiên). Hàn Quốc và Mỹ đang phối hợp tốt. Tuy nhiên, ông không cho biết thêm chi tiết về nội dung các cuộc họp.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tiến hành một cuộc họp không chính thức nhằm thảo luận về vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên, đồng thời ra tuyên bố hối thúc Bình Nhưỡng có các cuộc đàm phán phi hạt nhân hiệu quả hơn với Mỹ.

Cuộc họp của HĐBA LHQ được triệu tập sau khi Triều Tiên ngày 2-10 thực hiện vụ phóng tên lửa thứ 11 trong năm nay, với các vật thể bay được cho là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Vài ngày sau vụ phóng này, Bình Nhưỡng và Washington đã nối lại cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa hai nước, song hai bên thông báo trái chiều về kết quả cuộc gặp tại Thụy Điển vừa qua.

3. EU “bật đèn xanh” tiếp tục thương lượng với Anh về Brexit

Trong bối cảnh chỉ còn gần 3 tuần trước thời hạn chót Brexit - Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – ngày 31-10 tới, các nước EU đã chấp thuận để trưởng đoàn đàm phán Brexit, ông Michel Barnier, tiếp tục các cuộc đàm phán sâu hơn với London.

Ông Barnier vẫn đang xúc tiến các cuộc gặp đại sứ các nước để thuyết phục về việc tiếp tục các cuộc thương lượng với Anh về thỏa thuận Brexit và 27 nước EU đã có hồi đáp tích cực.

Thế giới tuần qua: Có bước tiến, có bước lùi

Ảnh minh họa. Nguồn: Financial News.

 

Hiện tại, đoàn đàm phán của ông Barnier vẫn đang tiến hành các cuộc “đàm phán kỹ thuật” với giới chức Anh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đủ tiến bộ cần thiết để hai bên có thể nhất trí một thỏa thuận bằng văn bản giúp ngăn chặn nguy cơ “Brexit cứng” trong 3 tuần tới đây.

Trong khi đó, trả lời báo giới tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra khá mập mờ khi đề cập đến khả năng đạt được thỏa thuận Brexit hay không. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng "vài giờ đồng hồ tới" có thể sẽ là thời điểm mang tính quyết định.

Cả London và EU đặt mục tiêu có thể nhất trí về một thỏa thuận Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18-10 tới để Anh ra đi đúng hạn chót vào ngày 31-10.

4. Mỹ, Trung Quốc đạt một thỏa thuận thương mại hạn chế

Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, tạo tiền đề cho những thỏa thuận quy mô lớn hơn vào cuối năm nay giữa hai cường quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, khả năng thỏa thuận sẽ được ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Chile vào giữa tháng 11 tới.

Thế giới tuần qua: Có bước tiến, có bước lùi

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng. Ảnh: Forbes.

 

Vốn chịu áp lực phải đạt được một thỏa thuận toàn diện với Bắc Kinh, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh thỏa thuận thương mại này phải được giải quyết theo từng giai đoạn vì đây là một thỏa thuận vô cùng lớn.

Cũng có mặt tại Phòng Bầu dục, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gửi ông Trump lá thư từ Chủ tịch Tập Cận Bình và phát biểu rằng các nhà đàm phán đang đạt được những bước tiến đúng đắn. Việc điều chỉnh mối quan hệ kinh tế song phương sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và toàn thế giới. 

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong bối cảnh quan hệ song phương đang khá căng thẳng, không chỉ về kinh tế, thương mại hay tài chính tiền tệ mà còn cả về ngoại giao và an ninh. Cuộc đàm phán này cũng diễn ra chỉ vài ngày trước hạn chót 15-10, thời điểm Mỹ bắt đầu áp thuế 25-30% đối với ít nhất 250 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ. 

Tuy nhiên, “một thỏa thuận toàn diện” theo như yêu cầu của chính ông chủ Nhà trắng lại đòi hỏi Mỹ và Trung Quốc còn phải giải quyết tất cả các bất đồng và khác biệt quan điểm, nên kết quả thực sự mà hai bên đạt được trong vòng đàm phán này có khả năng chỉ là những “thỏa thuận nhỏ”.

5. Các nước họp bàn đối phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là chủ đề “nóng” của Hội nghị quốc tế về BĐKH và vai trò của điện hạt nhân diễn ra tại Vienna (Áo) cũng như Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 15 của ASEAN về môi trường (AMME 15) và Hội nghị ASEAN lần thứ 15 về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, diễn ra ngày 8-10 tại thành phố Siem Reap (Campuchia).

Tại Siem Reap, bộ trưởng các nước ASEAN cùng 3 quốc gia đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) thảo luận về một loạt các vấn đề “nóng” của khu vực, trong đó có tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đang tác động nghiêm trọng đến nhiều nước.

Thế giới tuần qua: Có bước tiến, có bước lùi

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 15 của ASEAN về môi trường. Ảnh: TTXVN.   

 

Ô nhiễm không khí đã lên tới các mức độ nguy hiểm ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Thái Lan sau các vụ cháy rừng tại Indonesia. Tại hội nghị này, Campuchia đề xuất thành lập các lực lượng chung thuộc các nước thành viên cùng hỗ trợ đối phó với nạn cháy rừng xảy ra ở bất cứ quốc gia ASEAN nào.

Trong khi đó, tại Vienna, Hội nghị quốc tế về BĐKH và vai trò của điện hạt nhân thu hút sự tham gia của khoảng 550 đại biểu đến từ 79 quốc gia và 18 tổ chức quốc tế, nhằm trao đổi các thông tin khoa học và tổ chức các cuộc thảo luận về vai trò của năng lượng hạt nhân (NLHN) trong việc giảm khủng hoảng khí hậu.

Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển công nghệ xử lý chất thải hạt nhân nhưng vấn đề này vẫn làm đau đầu giới khoa học. Trên thực thế, các quốc gia vẫn chưa thống nhất được phương pháp lưu trữ rác thải hạt nhân an toàn hay có các giải pháp xử lý dài hạn.

Bên ngoài các phòng họp, một loạt cuộc biểu tình chống BĐKH đã diễn ra nhằm yêu cầu lãnh đạo các nước có những hành động ngay lập tức để cứu Trái đất khỏi cuộc "đại tuyệt chủng". Các cuộc biểu tình chống BĐKH diễn ra tại gần 60 thành phố lớn của châu Âu, châu Á, châu Phi và khu vực Bắc Mỹ nhằm yêu cầu chính phủ các nước tiến hành cắt giảm lượng khí thải carbon mà các nhà khoa học đã chứng minh là đang gây ra tình trạng BĐKH tồi tệ như hiện nay.

6. Các giải Nobel năm 2019 đã tìm được chủ nhân

Ủy ban Nobel của Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển đã công bố giải Nobel Y học năm 2019 thuộc về 3 nhà khoa học: William Kaelin, Gregg Semenza (Mỹ), và Peter Ratcliffe (Anh).

Các nhà khoa học trên được vinh danh nhờ những khám phá của họ về cách các tế bào tiếp nhận và thích ứng với oxy. 

Trong khi đó, Giải Nobel Vật lý năm 2019 thuộc về 3 nhà khoa học: James Peebles (Mỹ), Michel Mayor và Didier Queloz (Thụy Sĩ), vì những phát hiện góp phần vào nhận thức của con người về vũ trụ.

Thế giới tuần qua: Có bước tiến, có bước lùi

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Ảnh: The Pioneer.

 

Các công trình nghiên cứu về sự phát triển pin lithium-ion của 3 nhà khoa học: John Goodenough (Mỹ), Stanley Whittingham (Anh) và Akira Yoshino (Nhật Bản) đã được trao giải Nobel Hóa học năm 2019.

Do giải Nobel Văn học 2018 chưa có chủ nhân nên Nobel Văn học năm nay giải thưởng được trao cùng lúc cho hai tác giả. Theo đó, Hội đồng giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã vinh danh nhà văn Olga Tokarczuk, người Ba Lan là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2018 và nhà văn Peter Handke người Áo là chủ nhân Nobel Văn học 2019.

Cuối cùng, Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa bình 2019, với chiến thắng thuộc về Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed - người đã ký kết “Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị” với Eritrea, theo đó mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau 20 năm thù địch.

Theo NGÂN ANH/QĐND