Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Chào đón năm mới, thập kỷ mới

Sat, 04/01/2020 | 12:00 PM

Việc Mỹ tấn công sân bay quốc tế tại Iraq làm tướng cấp cao của Iran được xem như một “lời tuyên chiến” với Tehran, đẩy khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Iran lên nấc thang mới. Trong khi đó, người dân toàn thế giới đã chào đón một năm mới với hy vọng vào những điều tích cực hơn sẽ đến.

 1. Mỹ không kích sát hại tướng Iran

Mỹ và Iran đang ở bên bờ vực một cuộc chiến tranh sau khi Mỹ tiến hành một cuộc không kích ngày 3-1 nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq làm Thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng.

Thế giới tuần qua: Chào đón năm mới, thập kỷ mới

Người dân Iran xuống đường tuần hành tưởng nhớ Thiếu tướng Qassem Soleimani. Ảnh: MSN.

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận vụ tấn công được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Trump. Mô tả đây là “hành động phòng thủ” nhằm “ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai”. Lầu Năm Góc khẳng định, tướng Soleimani chính là người đang tích cực phát triển các kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và nhân viên phục vụ Mỹ ở Iraq cũng như trên toàn khu vực.

Mỹ trước đây thường đáp trả các động thái của Iran bằng cách không kích vào các mục tiêu dân quân do Tehran hậu thuẫn. Tuy nhiên, cuộc không kích nhắm vào đoàn xe của tướng Soleimani là đòn giáng mạnh chưa từng có tiền lệ.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố cái chết của Thiếu tướng Soleimani làm tăng gấp đôi động lực chống Mỹ và Israel.

Một loạt bất ổn tại Trung Đông thậm chí trên lãnh thổ Mỹ có lẽ xuất phát từ những quyết định như vậy. Giới phân tích nhận định, cái chết của hai nhân vật kể trên nhiều khả năng sẽ tạo ra một bước ngoặt ở Trung Đông, sẽ gây ra làn sóng trả thù của Iran cùng các lực lượng ủng hộ nước này trong khu vực nhằm vào các lợi ích của Washington.

2. Thế giới hân hoan đón năm mới, thập kỷ mới

Các nước trên khắp thế giới hân hoan chào năm 2020 và bước vào một thập kỷ mới với những màn pháo hoa rực rỡ. Tất cả đều ước muốn cho một năm mới hòa bình và thịnh vượng.

Thế giới tuần qua: Chào đón năm mới, thập kỷ mới

Màn pháo hoa chào đón năm mới tại Sydney, Australia. Ảnh: ITV.

Những nơi đầu tiên đón thời khắc năm mới là quần đảo Polynesia, New Zealand, Australia. Tiếp theo là các nước châu Á, châu Âu và Mỹ đón năm mới khi thời khắc nửa đêm chuyển từ đông sang tây. Hawaii là nơi cuối cùng tham gia vào bữa tiệc mừng năm mới.

Trong thông điệp chào đón năm mới, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận định rằng thế giới bước vào năm 2020 với “sự không chắc chắn và không an toàn bủa vây”, trong đó có nhiều vấn đề cần đối mặt từ biến đổi khí hậu, xung đột cho tới bình đẳng giới.

Dù thế giới vẫn còn những căng thẳng, thiên tai nhưng tất cả đều lạc quan hy vọng tương lai sẽ tốt đẹp hơn.

3. Cơ hội tháo gỡ thế bế tắc chính trị tại Tây Ban Nha

Ngày 2-1, ERC, một đảng ủng hộ độc lập tại vùng lãnh thổ Catalonia đã “bật đèn xanh” cho lãnh đạo đảng Xã hội Pedro Sanchez đảm nhận thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng Tây Ban Nha, mở đường chấm dứt thế bế tắc chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia này.

Sau cuộc họp ủy ban toàn quốc của ERC, quan chức cấp cao Pere Aragones cho biết 13 nghị sĩ đảng này sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với ông Sanchez dự kiến diễn ra trong tuần tới.

Thế giới tuần qua: Chào đón năm mới, thập kỷ mới

Ông Pedro Sanchez. Ảnh: FT.

Trong cuộc bầu cử lại được tổ chức hồi tháng 11-2019, đảng Xã hội của ông Sanchez đã về nhất nhưng số ghế đảng này có được thấp hơn rất nhiều so với mức đa số ghế cần thiết trên tổng số 350 ghế để tự thành lập chính phủ. Dù đảng Xã hội sau đó đã đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với đảng cực tả Podemos nhưng tổng số vẫn chỉ đạt 155 ghế.

Việc các nghị sĩ ERC bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu này giúp khả năng ông Sanchez giành thắng lợi và đảm bảo được vị trí thủ tướng gần như chắc chắn bởi ông chỉ cần một đa số tối thiểu.

Động thái của ERC được đưa ra sau khi đảng này và đảng Xã hội của ông Sanchez có những tuyên bố riêng rẽ về việc hai bên đã nhất trí thu xếp các cuộc đàm phán giữa chính quyền trung ương ở Madrid và chính quyền vùng Catalonia nhằm hóa giải xung đột chính trị về tương lai của vùng lãnh thổ giàu có phía Tây Bắc Tây Ban Nha và thiết lập nguyên tắc giải pháp cho vấn đề.

4. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật triển khai quân tới Libya

Dư luận đang phản ứng trái chiều sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-1 thông qua dự luật cho phép triển khai quân đội tới Libya nhằm hỗ trợ chính phủ được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli.

Động thái này tác động đáng kể đến cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở xung quanh và tại thủ đô Tripoli, giữa các lực lượng ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA)  và lực lượng của Tướng Khalifa Haftar.

Thế giới tuần qua: Chào đón năm mới, thập kỷ mới

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Aljazeera.

Hội đồng nhà nước cấp cao Libya đã ra tuyên bố bày tỏ đánh giá cao sự chấp thuận của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể điều lực lượng quân sự tới Libya theo đề nghị của GNA.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về “sự can thiệp của nước ngoài” tại Libya. Quốc hội các nước Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain cũng lên tiếng phản đối việc Ankara can thiệp vào tình hình Libya.

Libya đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lự lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông.

5. Israel, Hy Lạp, Cyprus ký thỏa thuận lịch sử về khai thác khí đốt

Tại thủ đô Athens (Hy lạp), Bộ trưởng năng lượng 3 nước Hy Lạp, Cyprus và Israel đã ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên có tên là EastMed dài 1.900km. 

Thế giới tuần qua: Chào đón năm mới, thập kỷ mới

Ba nước ký kết thỏa thuận. Nguồn: Ruptly.

Ước tính, đây sẽ là đường ống dẫn khí đốt dài nhất và sâu nhất trên thế giới, kết nối từ các mỏ khí đốt của Israel ở Đông Địa Trung Hải đến Cyprus, Italy và Hy Lạp để vào châu Âu.

Giá trị của dự án vào khoảng 7 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Hệ thống đường ống trên có khả năng vận chuyển tới 10 tỷ m³ khí/năm.

Theo Thủ tướng Israel Netanyahu, thỏa thuận này có lợi cho an ninh khu vực. Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades cho rằng đây là một dự án chiến lược rất có giá trị về địa chính trị. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết sự hợp tác ba bên này mở rộng cho bất kỳ ai muốn tham gia liên minh.

6. Airbus soán ngôi Boeing trong ngành chế tạo máy bay thế giới

Lần đầu tiên kể từ năm 2011, Airbus vượt qua đối thủ Boeing trở thành nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới sau khi hoàn tất bàn giao 863 máy bay trong năm 2019.

Thế giới tuần qua: Chào đón năm mới, thập kỷ mới

Máy bay thương mại A380 của Airbus. Ảnh: Airliners.

Một sự hoán đổi ngôi vương giữa hai “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp hàng không đã được dự báo trước trong bối cảnh Boeing đang chật vật tìm cách thoát cuộc khủng hoảng máy bay Boeing 737 MAX.

Theo các tổ chức nghiên cứu ngành công nghiệp sản xuất máy bay, kết quả bàn giao kể trên được cho là vượt dự báo. Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, Airbus đã buộc phải giảm 2-3% mục tiêu bàn giao máy bay trong năm do gặp nhiều vấn đề trong khâu sản xuất. Tuy nhiên, Airbus đã nỗ lực huy động nguồn nhân lực tối đa tới tận những ngày cuối cùng của năm 2019 và hoàn tất bàn giao 863 máy bay trong năm, vượt qua mục tiêu bàn giao 860 máy bay đề ra trước đó.

Theo Ngân Anh/QĐND