Thứ 5, 17/08/2017

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Bất đồng dai dẳng

Sat, 08/06/2019 | 15:33 PM

Nội bộ các nước Arab vùng Vịnh tiếp tục lục đục xung quanh kết quả các hội nghị thượng đỉnh khu vực; đàm phán đổ vỡ, tình hình Sudan diễn biến ngày càng phức tạp; người Palestine và cảnh sát Israel lại xảy ra đụng độ tại thánh địa Jerusalem… Thế giới tuần qua tiếp tục chứng kiến một loạt mâu thuẫn, bất đồng mới nảy sinh từ những vấn đề cũ.

1. Mỹ và Mexico tiếp tục bất đồng về thuế quan thương mại và ngăn chặn dòng người di cư

Tranh cãi thuế quan giữa Mỹ và Mexico dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt mức thuế 5% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và mức thuế này sẽ tăng lên tới 25% vào tháng 10 nếu Mexico không đưa ra được các biện pháp mạnh tay ngăn chặn dòng người di cư tới Mỹ. Giới chức Mỹ yêu cầu Mexico cần nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm giúp Washington ngăn chặn dòng người di cư qua biên giới chung giữa hai nước.   

Thế giới tuần qua: Bất đồng dai dẳng

Xe ô tô từ Mexico xếp hàng chờ kiểm tra an ninh để vào Mỹ. Ảnh Reuters

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard khẳng định kế hoạch trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ "phản tác dụng" đối với việc ngăn chặn dòng người di cư. Các bộ trưởng Mexico cũng cho rằng kế hoạch của Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ 50 bang của Mỹ, tác động đối với các chuỗi giá trị, người tiêu dùng cũng như các vấn đề liên quan đến thương mại ở cả hai nước. 

Về vấn đề ngăn chặn dòng người di cư, giữa Mỹ v à Mexico vẫn tồn tại nhiều bất đồng. Trong khi Mỹ tập trung vào các biện pháp kiểm soát dòng người di cư, thì Mexico đưa ra những đề xuất thúc đẩy phát triển tại khu vực gồm Honduras, El Salvador và Guatemala. Phía Mỹ đã đề xuất đưa điều khoản trục xuất người di cư Guatemala bất hợp pháp sang Mexico vào thỏa thuận giữa hai nước, song phía Mexico vẫn chưa chấp thuận.

2. Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh tiếp tục leo thang

Nội bộ các nước Arab vùng Vịnh tiếp tục lục đục do những tranh cãi xung quanh kết quả các hội nghị thượng đỉnh khu vực, bao gồm Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, Liên đoàn Arab và Tổ chức hợp tác Hồi giáo, vừa diễn ra tại thành phố Mecca, Saudi Arabia.

Thế giới tuần qua: Bất đồng dai dẳng

Quang cảnh thủ đô Doha của Qatar. Ảnh minh họa: Sputnik.

Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 3-6 đã đồng loạt chỉ trích Qatar làm chệch hướng các cuộc đàm phán ở Mecca ngay sau khi Doha tuyên bố không chấp thuận kết quả tại các hội nghị thượng đỉnh khu vực vì cho rằng kết quả này đã không được tham vấn phù hợp.  

Qatar cho rằng kết quả các hội nghị này đã "được chuẩn bị trước" và Qatar không hề được tham vấn về điều đó. Bên cạnh đó, Qatar bác bỏ các văn kiện được thông qua tại các hội nghị này khi một số điều khoản đi ngược lại chính sách đối ngoại của Doha, trong đó chỉ trích gay gắt Iran mà bỏ qua một số vấn đề quan trọng trong khu vực như Palestine, cuộc chiến tại Libya và Yemen. 

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bắt đầu ngày 5-6-2017 với việc Saudi Arabia, UAE và Bahrain cùng Ai Cập đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và vận tải với Qatar, cáo buộc Doha "hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực", điều mà Qatar luôn bác bỏ. Thậm chí, liên minh do Saudi Arabia đứng đầu sau đó còn ra "tối hậu thư" với bản yêu sách gồm 13 điểm buộc Qatar thực hiện, trong đó có việc yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ quốc gia vùng Vịnh này và hạ cấp quan hệ với Iran. 

3. Tình hình Sudan vẫn diễn biến phức tạp

Tình hình Sudan vẫn diễn biến phức tạp khi đàm phán giữa Hội đồng Quân sự với đại diện người biểu tình và phe đối lập đổ vỡ. Lời đề nghị nối lại đối thoại của Hội đồng quân sự Sudan 5-6 cũng đã bị bên còn lại bác bỏ.

Thế giới tuần qua: Bất đồng dai dẳng
Tình hình Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: Reuters.

Trước tình hình đó, Liên Hợp Quốc đã tiến hành họp kín, đồng thời quyết định di dời một bộ phận nhân viên dân sự ra khỏi Sudan; nhiều quốc gia đồng loạt ban bố cảnh báo công dân hạn chế đi lại tới quốc gia Bắc Phi này. Mỹ, Anh và Na Uy đã ra tuyên bố chung chỉ trích kế hoạch tổ chức bầu cử của TMC và kêu gọi hội đồng này chuyển giao quyền lãnh đạo cho một chính phủ dân sự theo yêu cầu của người dân.

Trong khi đó, biểu tình vẫn tiếp tục xảy ra. Các lãnh đạo biểu tình kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục tham gia phong trào phản kháng nhằm lật đổ Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC), sau khi hội đồng này sử dụng bạo lực giải tán các cuộc biểu tình ngồi kéo dài bên ngoài trụ sở quân đội tại thủ đô Khartoum ngày 3-6 khiến hơn 30 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Hiệp hội Nhà nghề Sudan (SPA), lực lượng đầu tiên phát động làn sóng biểu tình dẫn tới việc quân đội phế truất Tổng thống Omar al-Bashir hồi tháng 4, đã bác bỏ kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử của TMC, cho rằng hội đồng này không có quyền quyết định số phận của người dân cũng như tiến trình chuyển tiếp sang một chính phủ dân sự tại Sudan. SPA cũng lên án việc TMC sử dụng bạo lực để giải tán người biểu tình và kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng làm việc với TMC.

Đã nhiều tuần trôi qua kể từ khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị phế truất hôm 11-4, an ninh tại nước này vẫn bất ổn và hàng nghìn người dân vẫn tiếp tục biểu tình đòi TMC chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước. Người biểu tình và TMC cũng đã nhiều lần tiến hành đàm phán nhưng chưa thống nhất được về những nội dung cơ bản của việc thành lập Hội đồng chuyển tiếp hỗn hợp. Nguyên nhân do TMC muốn nắm quyền kiểm soát hội đồng này, trong khi lực lượng biểu tình lại muốn đa số ghế phải thuộc về người dân.

4. Đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel tại thánh địa Jerusalem

Ngày 2-6, đụng độ giữa những tín đồ Hồi giáo Palestine và lực lượng cảnh sát Israel lại xảy ra tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa mà người Israel gọi là Núi Đền (Temple Mount) ở thánh địa Jerusalem, khiến 7 người bị bắt và 45 người bị thương.

Thế giới tuần qua: Bất đồng dai dẳng
Cảnh sát Israel gác tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa mà người Israel gọi là Núi Đền (Temple Mount) ở thánh địa Jerusalem ngày 2/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm người Israel bắt đầu kỳ nghỉ kỷ niệm Ngày Jerusalem trong khi tháng lễ Ramanda của người Hồi giáo chuẩn bị kết thúc. Những tín đồ Hồi giáo tức giận vì người Do Thái tới thăm đền thờ này. Người biểu tình đã tập hợp và cố thủ trong đền thờ khi lực lượng này cố gắng giải tán đám đông người biểu tình.

Người phụ trách đền thờ Al-Asqa Omar al-Kiswani cáo buộc phía Israel vi phạm thỏa thuận không được phép thực hiện các cuộc viếng thăm như vậy trong những ngày cuối của tháng lễ Ramadan.  

Ngày Jerusalem là ngày kỷ niệm sự kiện Israel chiếm đóng khu vực phía Đông của thành phố này, nơi có chủ yếu người Palestine sinh sống trong cuộc chiến tranh năm 1967. Dịp nghỉ lễ năm nay trùng với những ngày cuối của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Khu thánh đường Al-Asqa nằm ở phía Đông Jerusalem và quyền sở hữu khu này hiện là một trong những vấn đề nhạy cảm trong xung đột Israel-Palestine. Với người theo đạo Hồi, đền thờ này linh thiêng thứ 3 sau Mecca và Medina. Người Do Thái được đến thăm khu vực này nhưng không được cầu nguyện tại đây. Tình trạng căng thẳng thường xuyên diễn ra tại khu vực.

5. Nga, Trung Quốc nâng cấp quan hệ song phương

Ngày 5-6, trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của sự hợp tác cho thời đại mới.

Thế giới tuần qua: Bất đồng dai dẳng

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Moscow, Nga ngày 5-6. Ảnh: Sputnik

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều ca ngợi mối quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp “chưa từng có tiền lệ”. Theo nhà lãnh đạo Nga, Moskva và Bắc Kinh có lập trường gần gũi hoặc trùng khớp về những vấn đề quốc tế then chốt, trong đó có cuộc khủng hoảng chính trị-kinh tế tại Venezuela, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran, tình hình Syria, chống biến đổi khí hậu, khủng bố quốc tế, giải giáp vũ khí, chống chạy đua vũ trang... Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc và Nga “sẽ củng cố lòng tin chính trị, tăng cường hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong những vấn đề liên quan đến những lợi ích cốt lõi của nhau”.

Nhân dịp này, hai nước đã ký kết tổng cộng 23 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, đầu tư và giáo dục. Một trong những thỏa thuận được chú ý đặc biệt là việc tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và công ty viễn thông MTS của Nga hợp tác để phát triển mạng 5G tại "xứ sở Bạch Dương" trong năm tới.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga kéo dài 4 ngày, diễn ra trong bối cảnh cả Moskva và Bắc Kinh đang chịu sức ép chưa từng có từ phía Washington. Kết quả chuyến thăm cho thấy Nga và Trung Quốc đang hướng tới xây dựng mối quan hệ bền chặt cùng có lợi theo hướng "cùng thắng" và hai bên sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong tương lai.

Theo THANH SƠN/QĐND