Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng

Sun, 17/11/2019 | 09:52 AM

Khủng hoảng chính trị-xã hội; xung đột vũ trang xuyên biên giới; giải quyết tàn dư của chủ nghĩa khủng bố hay biến đổi khí hậu.., một loạt những vấn đề về an ninh truyền thống và phi truyền thống đang đặt ra những thách thức, mối họa to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nhiều quốc gia, khu vực.

1. Bolivia: Bạo  lực leo thang, tổng thống từ chức

Bolivia đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống Evo Morales ngày 10-11 tuyên bố từ chức sau 14 năm cầm quyền. Trước đó, hàng loạt các quan chức cấp cao chính phủ và hạ viện nước này cũng đệ đơn từ chức do sức ép gia tăng từ các hoạt động biểu tình của phe đối lập. Người tạm thay thế ông Morales đến khi một cuộc bầu cử mới được tiến hành là nữ nghị sỹ Jeanine Anez.

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng

Tổng thống Bolivia Evo Morales. Ảnh: Reuters

Tình hình Bolivia diễn biến hết sức căng thẳng trong suốt nhiều tuần qua kể từ sau cuộc bầu cử hôm 20-10 với chiến thắng thuộc về Tổng thống Morales, dẫn đến các cuộc biểu tình bạo động do phe đối lập phát động với cáo buộc có sự gian lận bầu cử và yêu cầu hủy bỏ kết quả trên. Đã có ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đại sứ quán các nước Venezuela, Cuba và Mexico tại thủ đô La Paz, Bolivia đã bị tấn công bởi các nhóm đối tượng.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi ngày 13-11, tại nhiều địa phương ở Bolivia đã diễn ra các cuộc biểu tình kêu gọi phục chức cho cựu Tổng thống Evo Morales. Những người biểu tình cũng phản đối việc phe đối lập đưa nữ nghị sỹ Jeanine Anez lên làm tổng thống tạm quyền khi chưa có được quốc hội thông qua, coi đây là hành động vi hiến. Đoàn người tiến về trung tâm thủ đô đã đụng độ với cảnh sát, nhiều cửa hàng và trụ sở cơ quan công quyền bị đập phá.

Ông Morales hiện đang tị nạn tại Mexico, tố cáo đây là một cuộc đảo chính và ông buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Bolivia để giữ lại những thành quả mà chính phủ của ông đã tạo dựng được trong hơn 1 thập niên qua.

2. Biểu tình tái bùng phát ở Chile

Tại một quốc gia Nam Mỹ khác là Chile, các cuộc biểu tình bạo lực cũng đã bùng phát trở lại ở thủ đô Santiago de Chile.

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng

Người biểu tình ném gạch đá về phía lực lượng chính phủ ở thành phố Concepcion. Ảnh: Reuters.

Hơn 80.000 người đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn do 100 tổ chức kêu gọi. Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Chile Sebastian Pinera từ chức hoặc tiến hành các cải cách xã hội sâu rộng hơn. Đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình quá khích và lực lượng an ninh ở gần Phủ Tổng thống. Một số đối tượng còn phóng hỏa một nhà hàng ở khu vực quảng trường Plaza Italia và lợi dụng biểu tình để cướp phá một khách sạn.

Biểu tình bạo lực cũng đã xảy ra ở thành phố Concepcion, miền Nam Chile, trong khi một cơ sở quân sự ở thị trấn San Antonio bị tấn công. Tình trạng cướp bóc tại các cửa hàng xảy ra ở thị trấn ven biển Vina del Mar và địa danh du lịch nổi tiếng Valparaiso ở miền Trung nước này.

Chile đã rơi vào khủng hoảng xã hội nghiêm trọng từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm sau đó phát triển thành làn sóng phản đối những bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội. Đồng nội tệ của Chile đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục. Bộ trưởng Tài chính Chile cho biết nước này có thể bị mất 300.000 việc làm do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài. Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Chile đã khiến nước này phải rút lại việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC 2019 và Hội nghị thượng đỉnh COP 25 của LHQ về biến đổi khí hậu.

3. Mỹ và châu Âu bất đồng về hồi hương các phần tử thánh chiến

Sau những bất đồng từ việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc Syria, Washington và các đồng minh NATO lại tiếp tục tranh cãi về vấn đề hồi hương các tay súng nước ngoài đang bị giam giữ ở Trung Đông. Một cuộc họp cấp ngoại trưởng của Liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng do Pháp đề xuất đã diễn ra tại Washington, Mỹ ngày 14-11 nhưng các bên không tìm được tiếng nói chung về vấn đề này.

 

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng

Khoảng 10.000 tù nhân IS cùng gia đình đang bị giam giữ tại các trại giam gần Đông Bắc Syria.  Ảnh: Reuters

Trong khi Mỹ muốn các đồng minh châu Âu đưa ra nhiều cam kết hơn đối với hoạt động tài trợ cho các chương trình ổn định ở Syria, đồng thời hồi hương công dân của các nước này từng gia nhập IS. Nhiều nước châu Âu lại không mong muốn nhận lại các tay súng hay thân nhân của những người này do lo ngại họ có thể gây ra mối đe dọa an ninh. Một số nước như Anh thậm chí đã tước quốc tịnh của những công dân tham gia các nhóm thánh chiến ở nước ngoài để găn cản họ quay về. Hiện mới chỉ có Đức và Hà Lan đồng ý tiếp nhận các tay súng IS bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình hình trở nên cấp bách hơn khi ngày 11-11, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắt đầu cho hồi hương tù nhân là thành viên nước ngoài của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tháng 10 vừa qua, trong chiến dịch quân sự vừa qua tại miền Bắc Syria, Ankara đã bắt giam khoảng 1.200 thành viên IS là người nước ngoài và đã bắt 287 tay súng IS tại đây.

Trong một thông tin liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay khoảng 10.000 tù nhân IS cùng gia đình đang bị giam giữ tại các trại giam gần Đông Bắc Syria, đồng thời cảnh báo đây là "một quả bom hẹn giờ" khi phần lớn trong số 10.000 tù nhân là các tay súng nước ngoài.

4. Xung đột tái diễn ở Dải Gaza bất chấp lệnh ngừng bắn

Truyền thông Palestine đưa tin tối 14-11, hàng loạt rocket xuất phát từ phía Dải Gaza lại bắn sang Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng cho biết các lực lượng Palestine tại Dải Gaza đã phóng 1 quả rocket vào miền Nam nước này cho dù trước đó hai bên đã đạt được lệnh ngừng bắn sau 3 ngày xung đột đẫm máu.

 

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng

Israel tiêu diệt một thủ lĩnh nhóm Jihad trong cuộc không kích Gaza trước lúc bình minh. Ảnh: Al Arabya.

Theo IDF, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel đã đánh chặn quả rocket trên trước khi nó chạm đất.  Ngoài ra, IDF còn cho biết cũng trong sáng 14-11, các nhóm vũ trang tại Gaza đã bắn 5 quả rocket vào Israel. Hai trong số những quả rocket này đã bị đánh chặn. Báo chí khu vực cho biết các máy bay chiến đấu của Israel đã thực hiện 9 cuộc tấn công một số địa điểm của phong trào Jihad ở các thành phố Khan Youni và Rafah ở phía nam Dải Gaza.

Trước đó, IDF và nhóm Hồi giáo Jihad đã thông báo về việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, qua đó chấm dứt 3 ngày xung đột xuyên biên giới khiến 34 người Palestine thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.

Bạo lực đã bùng phát sau khi một chỉ huy cấp cao của nhóm Hồi giáo Jihad, Baha Abu al-Atta thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel ngày 12-11 nhằm vào nơi ở của nhân vật này tại thành phố Gaza. Để trả đũa, nhóm Hồi giáo Jihad đã bắn ít nhất 450 quả rocket vào Israel. Đây là cuộc đụng độ qua biên giới giữa Israel và Dải Gaza tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua.

5. 90% dân số thế giới sống chung với ô nhiễm không khí

Dữ liệu mới của WHO cho thấy, trên thế giới, 9/10 người hít thở không khí có chất gây ô nhiễm cao. Số người chết do ô nhiễm không khí ở mức báo động 7 triệu người/năm. Hơn 90% ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, chủ yếu ở châu Á và châu Phi.

 

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng

Ô nhiễm không khí tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AP

Trước tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, chính phủ nhiều nước đã phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để đối phó tình hình.

Tại Iran, nhiều trường học tại thủ đô Tehran đóng cửa do ô nhiễm không khí đã tăng lên mức nguy hiểm đối với sức khỏe. Các cơ quan chức năng Iran khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm thiểu lượng xe lưu thông, hạn chế ra ngoài đường và các hoạt động ngoài trời.  

Còn tại Ấn Độ, khói bụi đã bao trùm khắp thủ đô thủ đô New Delhi vào đầu tuần, thời điểm người dân đi làm trở lại sau những ngày nghỉ. Chỉ số chất lượng không khí đo tại một số khu vực ở mức nguy hiểm khi mật độ bụi mịn PM2,5 đo được là 497 microgram/m3, mức mà các hạt bụi mịn này có thể xâm nhập sâu vào phổi (mức an toàn tối đa là 25 microgram/m3). Chính quyền đã tạm thời cấm các hoạt động xây dựng, hạn chế xe cộ đi lại theo biển số chẵn-lẻ, trong khi các trường học phải đóng cửa. Máy lọc không khí cũng được bố trí tại các địa điểm gần đền Taj Mahal, cách thủ đô New Delhi 250 km về phía Nam, nhằm làm sạch không khí.

Tại một số nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan, chính quyền đã cho sử dụng máy bay phun mưa nhân tạo, phun thẳng vào bầu không khí để làm giảm lượng bụi mịn trong bầu khí quyển.  

Theo THANH SƠN/QĐND