Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Đạt nhiều đồng thuận

Sat, 14/12/2019 | 10:17 AM

Sau một thời gian nỗ lực vượt qua mâu thuẫn, bất đồng, các bên đã tìm được tiếng nói chung và lời giải cho nhiều vấn đề hóc búa. Niềm tin về một tương lai hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng đã được thắp lên tại nhiều nơi trên thế giới.

1. Tổng tuyển cử tại Anh: Tiến trình Brexit đã thấy ánh sáng cuối đường hầm

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đã giành được chiến thắng lịch sử, nắm được đại đa số ghế để thành lập tân chính phủ, trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra ngày 12-12, tại "xứ sở sương mù".

Thế giới tuần qua: Đạt nhiều đồng thuận

Ảnh minh họa: Reuters

Kết quả kiểm phiếu được 649/650 đơn vị cử tri địa phương công bố cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson dẫn đầu với 364 ghế, tăng 47 ghế so với số ghế mà đảng này nắm giữ trước bầu cử. Các đảng khác như Công đảng được 253 ghế (giảm 59 ghế),  đảng Dân tộc Scotland (SNP) được 48 ghế (tăng 13 ghế); đảng các đảng Dân chủ-Tự do (Lib/Dem) kiểm soát 11 ghế (giảm 1 ghế), đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ở Bắc Ireland  được 8 ghế (giảm 2 ghế); đảng Brexit không có ghế nào.

Bằng chiến thắng áp đảo này, đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục nắm giữ vai trò dẫn dắt nước Anh trong 5 năm tới hoặc có thể còn lâu hơn nữa. Hơn nữa, với lợi thế số ghế nhiều hơn quá bán rất lớn tại quốc hội, Thủ tướng Johnson sẽ dễ dàng thông qua các kế hoạch của chính phủ tại Hạ viện nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thông qua Brexit. Đó là đem dự luật thỏa thuận rút khỏi EU trở lại Hạ viện trước Giáng sinh và đưa Anh rời EU vào ngày 31-1-2020.  

2. EU đạt thỏa thuận khí hậu quan trọng 

Ngày 12-12, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về khí hậu -  “Thỏa thuận Xanh châu Âu”, cho phép khối này thực hiện mục tiêu triệt tiêu khí thải carbon vào năm 2050. Theo đó, các quốc gia châu Âu sẽ thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng, nông nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại và cả ngoại giao.

Thế giới tuần qua: Đạt nhiều đồng thuận

Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ ngày 12/12/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Các biện pháp đưa ra bao gồm: Đến năm 2030, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại châu Âu sẽ giảm ít nhất là 50% so với mức của năm 1990, cao hơn 10% so với yêu cầu hiện tại là 40%; các thỏa thuận thương mại chỉ được thực hiện với những nước đạt được chỉ tiêu khí thải của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Các điều luật về sử dụng năng lượng hiệu quả và sử dụng năng lượng tái sinh sẽ được siết chặt để nhanh chóng đáp ứng những mục tiêu khí hậu; Các doanh nghiệp ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu các mặt hàng tiêu tốn năng lượng có thể sẽ đối mặt với loại thuế có tên gọi "cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới"; Sử dụng ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) để đến năm 2030 phát triển ngành công nghiệp thép không khí thải..., cùng nhiều chính sách trong sản xuất ô tô, vận tải biển, nông nghiệp hướng tới bảo vệ môi trường. 

Với các mục tiêu và biện pháp nêu trên, Thỏa thuận Xanh châu Âu được đánh giá không chỉ là cần thiết mà còn là động lực, sự khởi đầu cho những cơ hội kinh tế mới, đặc biệt trong bối cảnh trái đất đang tiến gần hơn đến giới hạn đỏ về môi trường.

3. Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy: Các bên cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã kết thúc tại Paris (Pháp) và đạt được nhiều kết quả tích cực với tuyên bố chung 3 điểm.

Thế giới tuần qua: Đạt nhiều đồng thuận

Lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy. Ảnh: Unian

Tuyên bố chung xác định Thỏa thuận Minsk về Donbass tiếp tục là nền tảng cho công việc của Bộ tứ Normandy; bổ sung thêm điều khoản mới trước cuối tháng 3-2020 về việc phân chia bố trí lực lượng ở vùng Donbass; các nhà lãnh đạo Bộ tứ Normandy cam kết ủng hộ việc thực thi toàn diện chế độ ngừng bắn ở Dobass đến cuối năm nay, kêu gọi các bên tổ chức trao đổi người bị bắt giữ trước cuối năm 2019.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, đại diện các nước Bộ tứ Normandy đều khẳng định cam kết sẽ nỗ lực đóng góp vào tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Hội nghị tiếp theo của nhóm sẽ được tổ chức sau 4 tháng nữa. Cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này nổ ra từ năm 2014 và đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người.  

4. Mỹ, Trung Quốc nhất trí giảm thuế quan, hoãn áp thuế. Chứng khoán thế giới khởi sắc

Chứng khoán Mỹ và thế giới đã lập kỷ lục mới trong ngày 12-12, sau thông tin Mỹ và Trung Quốc đã được thỏa thuận thương mại "giai đoạn một". 

Thế giới tuần qua: Đạt nhiều đồng thuận

Nhân viên tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Bên cạnh các chỉ số chứng khóa tại Mỹ, châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương liên tục tăng điểm, tâm lý lạc quan về thương mại cũng khiến giá dầu thô, tỷ giá đồng USD so với một nhóm các đồng tiền lớn cũng tăng lên.    

Trước đó, các nguồn thạo tin cho biết Mỹ đã đồng ý giảm một số biện pháp thuế áp với hàng hóa của Trung Quốc và hoãn đợt áp thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 15-12 tới, trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nền nước. Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua nông sản Mỹ với tổng trị giá 50 tỷ USD, gấp đôi tổng giá trị nông sản Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ năm 2017.

Việc hai bên nhất trí được các điều khoản trên giúp tránh đợt áp thuế lên số hàng hóa trị giá 160 tỷ USD mà Mỹ dự định triển khai từ ngày 15-12 tới và thu hẹp các biện pháp đang được áp dụng. Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu họp báo ngày 13-12, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết hiện các quan chức thương mại của Trung Quốc và Mỹ đang thảo luận thời điểm cũng như địa điểm ký kết thỏa thuận này. Theo Tân Hoa Xã, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 này gồm 9 chương: lời tựa, các quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, lương thực và nông sản, các dịch vụ tài chính, tỷ giá hối đoái và minh bạch, mở rộng thương mại, đánh giá song phương và giải quyết tranh chấp, và các điều khoản cuối cùng. 

5. Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh: Xúc tiến cơ hội hòa giải

Với mục tiêu củng cố sự hợp tác và hội nhập, tăng cường sự ổn định của các quốc gia thành viên, ngày 10-12, Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lần thứ 40 đã ra Tuyên bố chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác an ninh và quân sự, cũng như cam kết thiết lập một khối tài chính và tiền tệ vào năm 2025. 

Thế giới tuần qua: Đạt nhiều đồng thuận

Hội nghị diễn ra với mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng nội khối với Qatar. Ảnh: Al Bawaba

Điểm đáng chú ý tại hội nghị là việc đại biểu 6 nước thuộc GCC đã đi đến kết luận cần phải thúc đẩy hợp tác và tiến hành các nỗ lực hòa giải nhằm giải quyết rạn nứt trong khu vực vùng Vịnh. Tuyên bố được cho là nhằm hướng đến việc giải quyết căng thẳng với Qatar, quốc gia bị 4 nước gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Barain và Ai Cập – nước không phải thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - cắt đứt quan hệ ngoại giao từ ngày 5-6-2017 vì cho rằng chính quyền Qatar ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị.

Sẽ còn nhiều việc phải làm trên con đường tiến tới hòa giải, nhưng hội nghị thượng đỉnh lần này đã thể hiện mong muốn của các nhà lãnh đạo GCC về việc đoàn kết và đảm bảo ổn định, an ninh cho khu vực vùng Vịnh.

6. Đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều Tiên có nguy cơ trở về vạch xuất phát

Ngày 7-12, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ) Kim Song khẳng định vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị rút khỏi các cuộc đàm phán với Mỹ, đồng thời cho rằng những cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết. Đồng thời với tuyên bố trên, ngày 8-12, Bình Nhưỡng thông báo đã thực hiện thành công một vụ thử "rất quan trọng" tại bãi phóng vệ tinh Sohae.

Thế giới tuần qua: Đạt nhiều đồng thuận

Bãi phóng Sohae. Ảnh: CSIS.

Trước động thái trên của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ "mất tất cả" nếu hành động một cách thù địch. Trước đó, ông Trump từng để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực chống Triều Tiên khi cần. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien thì cho biết Mỹ có "nhiều công cụ" để đối phó với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ các cam kết phi hạt nhân hóa; đây sẽ là một "sai lầm" nếu Triều Tiên chọn hướng đi mới đó.   

Phản ứng với cảnh báo của Mỹ, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của ông Kim Yong-chol, nguyên đặc phái viên đàm phán hạt nhân Triều Tiên, nêu rõ: "Chúng tôi không có gì để mất". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng nhấn mạnh, Bình Nhưỡng sẵn sàng đáp lại mọi biện pháp tương ứng mà Washington lựa chọn.

Đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều Tiên rơi vào bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Hai bên đã tiến hành cuộc gặp cấp chuyên viên tại Thụy Điển hồi tháng 10, song không đạt kết quả. Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất mới đồng thời đề nghị Mỹ tới cuối năm 2019 phải đưa ra đề xuất mới nếu không quốc gia này sẽ từ bỏ đối thoại và lựa chọn con đường khác. Trước những diễn biến hiện nay, có nhiều ý kiến quan ngại cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa sau thời hạn nói trên, đưa tiến trình đàm phán trở về vạch xuất phát.

Theo Thanh sơn/QĐND