Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Cột mốc lịch sử

Mon, 01/07/2019 | 13:46 PM

“Con tàu” chở Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (30-6) đã về tới Hà Nội, ga cuối cùng trong hành trình đàm phán kéo dài suốt 7 năm qua. Một cột mốc lịch sử đã được thiết lập trong lịch sử quan hệ Việt Nam-EU, mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TRỌNG HẢI

EVFTA là mong muốn của Việt Nam và EU khi nhận thấy cơ cấu kinh tế hai bên có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Xuất phát từ mong muốn trên, tháng 6-2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Cao ủy về Thương mại của EU tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Cũng từ thời điểm này, “con tàu” chở hiệp định đã khởi hành đi theo lộ trình được lập sẵn, qua các nhà ga “đàm phán”, “rà soát pháp lý”, “ký kết” và “phê chuẩn”.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán EVFTA đã gặp không ít trở ngại xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của mỗi bên. Những rào cản làm chậm tốc độ “con tàu” EVFTA như: Bảo vệ môi trường, quyền lợi của người lao động… cuối cùng cũng không ngăn cản được ý chí của các nhà lãnh đạo Việt Nam và EU. Việc Việt Nam và EU nhất trí tách EVFTA thành hai hiệp định mới, bao gồm EVFTA và EVIPA hồi tháng 6-2018 cho thấy hai bên quyết tâm đưa “con tàu” hiệp định đi đúng lộ trình. “Chậm nhưng chắc”-nguyên tắc cơ bản trên được các nhà đàm phán Việt Nam và EU tuân thủ trong quá trình đàm phán cũng như rà soát pháp lý-chính là yếu tố để “con tàu” hiệp định EVFTA va EVIPA về tới nhà ga “ký kết” vào chiều qua.

Việc ký kết hiệp định EVFTA và EVIPA với EU cho thấy vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu tăng lên. Đây là hiệp định toàn diện nhất mà EU từng ký với một quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho những giao dịch của EU với các nước có nền kinh tế mới nổi khác. Cho tới nay, Việt Nam là nước thứ tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là nước thứ hai trong khu vực ASEAN ký kết FTA với EU.

Hai hiệp định với EU đặt Việt Nam ngang hàng với các đối tác lớn của EU tại châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Càng ý nghĩa hơn khi hai hiệp định EVFTA và EVIPA không chỉ đem lại lợi ích quan trọng cho cả Việt Nam và EU, mà còn có ý nghĩa lớn đối với hợp tác thương mại ở châu Âu và châu Á.

Để đưa “con tàu” EVFTA và EVIPA đi đúng lộ trình là nỗ lực to lớn của Việt Nam và EU, đồng thời cho thấy xu hướng hợp tác mới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi khó dự đoán do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Chỉ cần nhìn vào những thỏa thuận trong Hiệp định EVFTA cũng đủ thấy cơ hội hợp tác thương mại giữa EU và Việt Nam lớn như thế nào khi những dòng thuế đang từ 99% sẽ chạy về 0% trong vòng 7 đến 10 năm tới. Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu nhiều mặt hàng có ưu thế vào EU, như: Dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… trong khi các doanh nghiệp EU sẽ có cơ hội được đấu thầu các hợp đồng công của Việt Nam. EVFTA và EVIPA khi được ký kết và phê chuẩn chắc chắn sẽ là cú huých để phát triển kinh tế thương mại cho Việt Nam, nhất là khi EU đang là đối tác thương mại và đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Nói một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất, đây là những FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích.

Cơ hội rõ ràng đã rộng mở với những thuận lợi có thể nói là chưa từng có. Tuy nhiên, tận dụng cơ hội đó như thế nào, tận dụng đến đâu… cũng đang là những câu hỏi lớn chờ lời giải đáp và kết quả trong quá trình thực thi sắp tới. Nếu mỗi doanh nghiệp không chủ động nắm bắt cơ hội, nếu các thể chế không được tiếp tục cải cách mạnh mẽ, kịp thời cho phù hợp với các điều khoản của hiệp định thì có thể cơ hội sẽ vuột khỏi tầm tay.

Việt Nam và EU đã đi chung một con đường đàm phán dài 7 năm, đó là chưa tính đến khoảng thời gian 1 năm 8 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10-2010. Với tổng thời gian 8 năm 8 tháng đi cùng nhau trên hành trình EVFTA, Việt Nam và EU đã vượt qua nhiều rào cản để ngày càng gần nhau hơn.

Ngày 30-6-2019 đã trở thành cột mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam-EU, nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu cho giai đoạn mới. Trước mắt, Nghị viện châu Âu (EP) và Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành phê chuẩn từng hiệp định. Sau thời điểm này, Việt Nam và EU sẽ cùng nắm tay đi trên hành trình mới: "Chuyến tàu" đưa EVFTA và EVIPA đi vào hiện thực, cùng hợp tác và phát triển bền vững.

Theo qdnd.vn