TIN TRONG NƯỚC

Xem với cỡ chữ Tương phản

Đồng chí Phùng Chí Kiên – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Th 3, 18/05/2021 | 15:24 CH

Đồng chí Phùng Chí Kiên là chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về sự cống hiến, hy sinh cho Đảng và cách mạng.

Sinh ra và lớn lên tại một quê hương giàu truyền thống cách mạng – Diễn Châu, Nghệ An, trong một gia đình nông dân nghèo khó tại một làng quê ven biển.  Cũng giống như bao đứa trẻ khác, đồng chí Phùng Chí Kiên có một tuổi thơ nhọc nhằn làm ruộng và làm thuê. Hằng ngày, đồng chí phải chứng kiến bao nỗi cực nhọc, thống khổ của người dân trong làng dưới ách nô dịch, đô hộ của bọn thực dân, phong kiến. Bởi vậy, từ nhỏ trong đồng chí nung nấu ý chí, quyết tâm và tình thần cũng như nghị lực đấu tranh chống lại mọi áp bức, bất công.

Mang trong mình bầu máu nóng nhiết huyết, lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, sau khi thôi học sơ học tại trường làng, đồng chí đã vượt khỏi không gian nhỏ bé ở làng quê và đi làm thuê ở một địa bàn có giao thông thuận tiện, có nhiều cơ hội tốt để nắm bắt thông tin, giao lưu bạn bè, mở rộng tầm nhìn. Đồng chí Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, ... là những người con của xứ Nghệ, với truyền thống yêu nước, sớm có chí đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc. Đồng chí Phùng Chí Kiên thuộc lớp những người đầu tiên được binh dự tham gia các lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Trung Quốc. Trong thời buổi giao thời của cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng chính trị dân chủ tư sản và vô sản trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, việc đồng chí Phùng Chí Kiên tìm đến Quảng Châu, trung tâm huấn luyện cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, là biểu hiện nhạy bén của một tư duy chính trị sáng suốt.

Đồng chí Phùng Chí Kiên

Với nhiệt huyết cách mạng cùng tư chất thông minh, sau một thời gian ngắn đến Quảng Châu, đồng chí Phùng Chí Kiên đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhóm cố vấn quân sự Nga chọn đưa vào trường Quân sự Hoàng Phố đào tạo. Nhãn quan và tư duy quân sự của Phùng Chí Kiên bộc lộ khá sớm, trong quá trình ông còn ngồi trên ghế ngôi trường Hoàng Phố. Ảnh hưởng và uy tín của Phùng Chí Kiên lúc bấy giờ không chỉ bộc lộ ở hải ngoại mà còn lan tỏa về cả trong nước. Trong quá trình này, đồng chí đã tham gia khởi nghĩa ở Quảng Châu năm 1927, mặc dù là chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, tuy chưa được trải qua thử thách nhưng sự kiện này đã chứng tỏ Phùng Chí Kiên với lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Trung Quốc, đã khẳng định tinh thần quốc tế vô sản của những người cách mạng Việt Nam.

Trong thời gian học tập tại trường Đại học Phương Đông (6/1932 đến 3/1934), đồng chí Phùng Chí Kiên xác định cho mình động cơ, tinh thần cách mạng và thái độ học tập nghiêm túc. Với tinh thần đó, chỉ sau thời gian ngắn học tập, đồng chí đã tiếp thu được một khối lượng lớn kiến thức về lý luận, đồng thời đồng chí đã tận dụng mọi cơ hội để kết hợp một cách chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn của cách mạng, của cuộc sống. Bà Rublina, một cán bộ Ban Phương Đông đã nhận xét về đồng chí Phùng Chí Kiên trong Bản nhận xét về tư cách đạo đức kí ngày 22/11/1933 rằng:  “Có năng lực lớn về công tác, năng động, có trình độ chính trị cao, kết quả học tập nói chung tốt”.  Đồng chí Phùng Chí kiên khi công tác ở Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương đã cùng với đồng chí Hà Huy Tập dự thảo văn kiện Đại hội I của Đảng, quyết định những vấn đề quan trọng tới việc khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng của quần chúng.

Khi về nước hoạt động, đồng chí Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương giao cho trọng trách lớn: Trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai và chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 1, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương diễn ra từ ngày 10 đến 19-5-1941, ở lán Khuổi Nậm, Pác Bó. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, Đội Cứu quốc quân 1 đã kiên cường trụ bám trong dân, được nhân dân đùm bọc, che chở, nhanh chóng phát triển cả về tổ chức lực lượng, trang bị và trình độ chiến đấu, làm chỗ dựa tin cậy cho phong trào cách mạng ở Bắc Sơn-Võ Nhai. Ngày 22-8-1941, trong một lần rút lên căn cứ địa Cao Bằng, trước sự khủng bố ngày càng ác liệt của địch ở Bắc Sơn, đồng chí Phùng Chí Kiên đã bị phục kích và hy sinh anh dũng. Đồng chí hys sinh khi tuổi đời còn khá trẻ, một cán bộ lãnh đạo của Đảng đang độ tuổi sung sức, chín muồi và hứa hẹn một tài năng chính trị, quân sự đầy triển vọng. Đây là một mất mát lớn cho phong trào cách mạng Việt Nam, đồng chí Phùng Chí Kiên đã trở thành tấm gương bất khuất cho tinh thần xả thân vì dân vì nước, là hình tượng mẫu mực về người cộng sản kiên trung.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên (18/5/1901-18/5/2021) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam. Học tập tinh thần của đồng chí Phùng Chí Kiên, mỗi chúng ta cần luôn luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nêu cao tinh thần tận trung với đất nước, với Đảng, tận tuỵ với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc; thương yêu đồng chí, đồng bào và nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.  

          Phan Thị Hoa- Trường Chính trị tỉnh Bình Định