Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy bất ổn mới

Th 7, 23/05/2020 | 22:37 CH

Những màn khẩu chiến, cảnh báo trừng phạt và đáp trả liên tục được các bên đưa ra. Nguy cơ bạo lực và đối đầu trên diện rộng ngày càng hiện hữu, một vòng xoáy bất ổn mới đang manh nha hình thành tại nhiều quốc gia, khu vực.

1. Thêm rào cản cho tiến trình hòa bình Trung Đông

Căng thẳng Trung Đông đang nóng trở lại khi Chính phủ Israel vừa nhậm chức đã xúc tiến kế hoạch sáp nhập một khu vực rộng lớn ở Bờ Tây ngay từ mùa Hè này. Kế hoạch lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt của Palestine, trong đó Chính quyền Palestine (PA) tuyên bố chấm dứt hiệp định hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO), bao gồm mọi thỏa thuận hợp tác hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel.

 

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy bất ổn mới

Một khu định cư của Israel ở thị trấn Eizariya, Bờ Tây. Ảnh: TTXVN.

Trong thông báo, Tổng thống Abbas khẳng định kể từ ngày 19-5, PLO và Chính quyền Palestine sẽ không còn tuân thủ tất cả các thỏa thuận với chính quyền Washington và Israel, cũng như với mọi cam kết dựa trên những thỏa thuận này, bao gồm cả hoạt động phối hợp an ninh. 

Cũng từ ngày 19-5, Cơ quan Quản lý lãnh thổ chiếm đóng của Israel phải chịu mọi trách nhiệm và nghĩa vụ trước cộng đồng quốc tế về việc chiếm đóng lãnh thổ Palestine, với mọi ảnh hưởng và hậu quả dựa trên luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là Công ước Geneva thứ 4 năm 1949 về trách nhiệm bảo vệ thường dân dưới sự chiếm đóng và tài sản đất đai của họ.

Tổng thống Abbas đồng thời tuyên bố, Mỹ "phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc gây áp lực đối với người Palestine" và Palestine coi Washington là "đối tác chính trong việc chiếm đóng của Israel bằng các quyết định hung hăng và bất công đối với người dân Palestine".

Đầu năm nay, Mỹ tiếp tục có bước đi "hợp thức hóa" việc Israel chiếm giữ phần lớn Bờ Tây khi công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi dài 80 trang, cho phép Israel sáp nhập các khu định cư tại Bờ Tây và Thung lũng Jordan.

Những diễn biến kể trên khiến Trung Đông có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bất ổn mới, có thể thổi bùng lên ngọn lửa xung đột đang âm ỉ ở nhiều nơi và tạo môi trường thuận lợi cho các phong trào cực đoan như tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng lợi dụng tình hình để trỗi dậy.

2. Tổng thống Mỹ ra tối hậu thư cho WHO

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-5 cảnh báo Washington tạm thời đóng băng quỹ tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và xem xét rút Mỹ khỏi tổ chức này nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày tới.

 

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy bất ổn mới

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: aljazeera.

Từ giữa tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump đã yêu cầu Chính phủ Mỹ tạm ngừng tài trợ cho WHO, do cho rằng cách thức giải quyết đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của tổ chức này chưa phù hợp. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ sớm đưa ra quyết định về việc tài trợ cho WHO và nhà lãnh đạo này đã xem xét giảm mức tài trợ của Mỹ cho WHO xuống còn 40 triệu USD thay vì là nhà tài trợ lớn nhất như hiện tại với khoản tiền lên tới 450 triệu USD/năm (tương ứng khoảng 15% ngân sách của WHO). 

Về phần mình, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 19-5 tuyên bố, tổ chức đa phương này sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, “vốn đe dọa phá vỡ khuôn khổ hợp tác quốc tế”.

Trước đó, ông này khẳng định sẽ thúc đẩy một cuộc đánh giá độc lập về quy trình ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của cơ quan này vào "thời điểm thích hợp sớm nhất". Ông đồng thời kêu gọi các bên tham gia đánh giá một cách minh bạch và có trách nhiệm.

Phản ứng trước cảnh báo trên của Tổng thống Trump, Chính quyền LB Nga ngày 19-5 cho rằng Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi WHO khi viện lý do cách thức giải quyết đại dịch của tổ chức này chưa phù hợp. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thì hối thúc một số chính trị gia tại Mỹ dừng đổ lỗi cho những nước khác và hợp tác với cộng đồng quốc tế để cùng đánh bại đại dịch Covid-19.

3. Mỹ Latinh gồng mình trong cuộc khủng hoảng kép 

Khu vực Mỹ Latinh đang phải đối mặt với mối đe dọa kép của dịch sốt xuất huyết khi mùa mưa đang đến và đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang hoành hành.

 

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy bất ổn mới

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm Covid-19 tại Lima, Peru. Ảnh: TTXVN.

Mặc dù bùng phát muộn hơn so với các khu vực khác khi ghi nhận ca mắc đầu tiên ngày 26-2, nhưng với tốc độ lây nhiễm sau 2 tuần tăng gấp đôi, khu vực này đã trở thành điểm nóng của thế giới. Theo thống kê của hãng tin Pháp AFP, Mỹ Latinh hiện đã ghi nhận 600.000 ca nhiễm và 33.000 ca tử vong do Covid-19. Theo trang thống kê worldometers.info, Brazil đang là điểm nóng dịch bệnh của khu vực với 310.921 ca nhiễm và 20.082 ca tử vong, xếp thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga.

Trong khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đánh giá căn bệnh lo lắng nhất hiện nay ở Mỹ Latinh là sốt xuất huyết khi số ca nhiễm đang tăng mạnh và tiến triển theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Các ca sốt xuất huyết được xác nhận ở khu vực từ giữa năm 2019 và 2020 là 3.095.821 ca, trong đó có 1.530 trường hợp tử vong. Còn về tình hình dịch bệnh Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại, các quốc gia trong khu vực đã có 17.177 ca mắc, trong đó có 522 trường hợp tử vong.

Cuộc khủng hoảng y tế kép đã khiến 11,5 triệu người tại Mỹ Latinh rơi vào cảnh thất nghiệp. Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực sẽ tăng trưởng âm 2,3% trong năm nay. LHQ dự báo Mỹ Latinh hiện ở giai đoạn đầu của một đợt suy thoái sâu rộng. Nhiều chính phủ đang lâm vào cảnh nợ nần khi mức nợ công trung bình của khu vực đã tăng từ 40% GDP lên tới 62% trong giai đoạn 2008-2019.

4. Quan hệ Australia-Trung Quốc căng thẳng liên quan quyết định áp thuế hàng nông sản

Ngày 18-5, Australia đã bày tỏ thất vọng trước quyết định của Trung Quốc áp thuế 80,5% đối với lúa mạch của Australia xuất khẩu sang quốc gia châu Á này. 

 

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy bất ổn mới

Quan hệ Trung Quốc - Australia gần đây trở nên căng thẳng trong khi Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Australia. Nguồn: Reuters.

Trước đó cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, từ ngày 19-5, sẽ áp thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Theo bộ trên, một cuộc điều tra của chính phủ nhằm vào hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho thấy Chính phủ Australia dành các khoản trợ giá và việc bán phá giá đã "gây nguy hại lớn đến ngành sản xuất trong nước".

Trong phản ứng của mình, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham bày tỏ "rất thất vọng" về việc Trung Quốc áp thuế mới. Ông cũng khẳng định Australia không hề trợ cấp hay bán phá giá lúa mạch sang Trung Quốc. Bộ trưởng Birmingham đã yêu cầu điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn, tuy nhiên phía Trung Quốc từ chối yêu cầu này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia Littleproud cho biết nước này sẽ cân nhắc đưa vấn đề ra giải quyết ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các động thái trên diễn ra sau khi Hải quan Trung Quốc "cấm cửa" 4 nhà xuất khẩu thịt bò quy mô lớn của Australia với lý do những công ty này vi phạm về nhãn mác và giấy chứng nhận thú y. Cả 4 công ty này đều là những nhà cung cấp thực phẩm lớn tại thị trường Trung Quốc, chiếm tới 35% sản lượng thịt bò của Australia xuất khẩu sang nước này với doanh thu thương mại đạt 3,5 tỷ AUD (khoảng 2,24 tỷ USD) mỗi năm.

5. Cơ hội chấm dứt khủng hoảng chính trị tại Afghanistan

Ngày 17-5, Tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ Abdullah Abdullah đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực, qua đó chấm dứt mâu thuẫn gay gắt kéo dài nhiều tháng khiến Afghanistan chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị. 

 

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy bất ổn mới

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (phải) và đối thủ chính trị Abdullah Abdullah tại lễ ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực, chấm dứt bế tắc chính trị ở Kabul, ngày 17-5-2020. Ảnh: TTXVN.

Bước đột phá này diễn ra trong bối cảnh Afghanistan phải đương đầu với hàng loạt cuộc khủng hoảng, trong đó có tình trạng lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 và xu hướng gia tăng bạo lực khiến hàng chục người thiệt mạng trong những cuộc tấn công đẫm máu thời gian qua.

Afghanistan đã bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Ông Ghani giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9 năm ngoái, song tiến trình công bố bị trì hoãn do 5 tháng kiểm phiếu lại. Trước đó, Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan đã phải 2 lần trì hoãn việc công bố kết quả sơ bộ do những cáo buộc gian lận và lỗi kỹ thuật liên quan tới công tác kiểm phiếu. Cho tới khi kết quả bầu cử được chính thức công bố hồi tháng 2 vừa qua với chiến thắng thuộc về đương kim tổng thống, đối thủ của ông Ghani là ông Abdullah Abdullah vẫn tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử và thành lập chính phủ của riêng mình. 

Bế tắc chính trị lên đỉnh điểm khi trong ngày 9-3, ông Abdullah cũng tổ chức lễ tuyên thệ tại thủ đô Kabul cùng thời điểm với lễ nhậm chức của Tổng thống Ghani. Vì vậy, thỏa thuận chia sẻ quyền lực này được kỳ vọng sẽ giúp quốc gia Tây Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị.

Theo Thanh Sơn/QĐND