Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Tâm điểm Covid-19

Th 7, 18/04/2020 | 19:53 CH

Những thông tin về diễn biến phức tạp và tốc độ lây nhiễm của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chiếm phần lớn sự quan tâm của bạn đọc. 

1. Đại dịch Covid-19 vẫn lan rộng

Đến 8 giờ sáng 18-4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận gần 2.250.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 570.000 bệnh nhân bình phục và trên 154.000 ca tử vong.

Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về tất cả các chỉ số ca nhiễm mới, ca tử vong mới trong ngày (32.165), cũng như về tổng số ca mắc bệnh (709.735) và tổng số ca tử vong (37.154). Ngày 17-4 là ngày thứ 9 liên tiếp nước này ghi nhận số người thiệt mạng vì Covid-19 ở mức hơn 1.000 người.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm Covid-19

Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về tất cả các chỉ số dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, châu Âu tiếp tục xu thế “hạ nhiệt” căng thẳng dịch bệnh. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những châu lục bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới với 32.674 ca bệnh mới, thêm 4.004 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong ở châu lục này lên lần lượt là 1.029.214 và 96.228 trường hợp với Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức và Anh là những điểm nóng dịch.

Việc dịch Covid-19 bùng phát chưa có nhiều dấu hiệu lắng dịu, các quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Bồ Đào Nha, Mexico… tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội để tiếp tục ngăn đà lây lan của virus corona. 

Trong khi đó, các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian nhằm tìm ra vaccine phòng chống Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên thế giới hiện có 70 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển, trong đó có 3 loại đã bắt đầu thử nghiệm trên người.

2. Nhật Bản sẽ thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ

Thượng viện Nhật Bản ngày 17-4 đã thông qua Luật Quốc phòng sửa đổi cho phép thành lập Lực lượng Tác chiến vũ trụ, trực thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không của nước này.

Theo đó, Lực lượng Tác chiến vũ trụ Nhật Bản sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2020 với quân số ban đầu là 20 người. Nhiệm vụ của lực lượng này là thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của các vệ tinh khả nghi, rác thải vũ trụ thông qua hệ thống vệ tinh nhân tạo.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm Covid-19

Ảnh minh họa. Nguồn: Cnet.

Ngoài ra, luật sửa đổi cũng cho phép tăng quân số cho Lực lượng Phòng vệ trên không gian mạng của Nhật Bản lên 290 người, tăng thêm 70 người so với trước đây, đồng thời cũng bổ sung thêm 70 biên chế để chuẩn bị cho việc triển khai căn cứ máy bay trinh thám không người lái dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động kể từ năm 2021.

Việc Tokyo lên kế hoạch thành lập Lực lượng Tác chiến vũ trụ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ không gian. Động thái này được cho là đáp ứng lại với việc nhiều nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc đang triển khai các thành phần vũ khí phòng thủ lên quỹ đạo.

Trước đó, Nhật Bản ban đầu lên kế hoạch thành lập Lực lượng Tác chiến vũ trụ vào năm 2022, nhưng do sự tăng tốc của các siêu cường trên thế giới trong lĩnh vực tác chiến không gian đã buộc Tokyo phải đẩy nhanh kế hoạch.

3. Nga hoãn lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16-4 đã tuyên bố hoãn tổ chức cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng phát xít trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow vào ngày 9-5 như truyền thống và lùi sự kiện này đến một thời điểm thích hợp.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm Covid-19

Một cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng phát xít được tổ chức tại Moscow. Ảnh: AFP.

Ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh đến những rủi ro liên quan đến dịch Covid-19, vốn chưa “qua đỉnh”, vẫn đang ở mức vô cùng cao. Điều này không cho phép bắt đầu công tác chuẩn bị cho cuộc diễu binh và các sự kiện công cộng khác.

Ông Putin đã ra chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, lãnh đạo các cơ quan an ninh, cơ quan thực thi pháp luật và lãnh đạo các cấp hoãn công tác chuẩn bị cho cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ, các cuộc diễu binh ở các khu vực và tất cả các sự kiện công cộng tập trung đông người nhân Ngày Chiến thắng 9-5. 

Trước đó, ngày 15-4, các tổ chức cựu chiến binh của Nga đã viết thư gửi Tổng thống Putin đề nghị lùi cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng do dịch Covid-19.

4. Đảng cầm quyền giành thắng lợi bầu cử Hàn Quốc

Đảng Dân chủ đồng hành (DP) cầm quyền giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc, cho thấy sự ủng hộ của cử tri đối với những nỗ lực của chính phủ trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 thời gian qua.

Theo Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC), bất chấp đại dịch, hơn 29 triệu cử tri bỏ phiếu, tương đương với tỷ lệ 66,2%, cao nhất trong 28 năm qua. 

Thế giới tuần qua: Tâm điểm Covid-19

Ứng viên đảng DP Lee Nak-yon và vợ mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử. Ảnh: AFP.

NEC công bố, Đảng DP và đảng vệ tinh Dân chủ vì dân giành được 180 ghế, chiếm 3/5 trên tổng số ghế. Đây là số ghế lớn nhất trong quốc hội mà đảng cầm quyền đã giành được kể từ khi Hàn Quốc chuyển sang chế độ dân chủ năm 1987. 

Cuộc bầu cử của Hàn Quốc được nhiều nước theo dõi khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên tổ chức bầu cử trên toàn quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu càn quét toàn cầu. Cuộc bầu cử được xem là cuộc trưng cầu dân ý đối với Tổng thống Moon Jae-in.

Kết quả trên đồng nghĩa với việc đa số cử tri Hàn Quốc hài lòng với những gì mà chính quyền đương nhiệm đã làm được trong nửa đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như những kế hoạch nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực tới kinh tế-xã hội của dịch bệnh và hồi phục kinh tế Hàn Quốc sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

5. LHQ kêu gọi các bên đối địch tại Yemen nắm bắt cơ hội hòa bình

Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Yemen Martin Griffiths đã lên tiếng kêu gọi các phe phái đối địch tại Yemen nắm bắt cơ hội hòa bình cho quốc gia này.

Trong bối cảnh Yemen đang trải qua giai đoạn rất khó khăn khi xung đột quân sự tiếp diễn tại một số địa điểm suốt 3 tháng qua, sự xuất hiện của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đe dọa đẩy người dân Yemen lún sâu hơn vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm Covid-19

Cảnh hoang tàn do chiến tranh ở Yemen. Ảnh: Al Jazeera.

Theo ông Griffiths, cả chính phủ Yemen và phiến quân Houthi đều mong muốn chấm dứt cuộc xung đột trên cơ sở nền hòa bình và cân bằng. Vì vậy, đây sẽ là thời điểm phù hợp nhất để các bên tại Yemen cam kết ngừng bắn và chấm dứt xung đột thông qua một giải pháp chính trị và hòa bình.

Trong diễn biến liên quan, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã tiến hành họp trực tuyến để thảo luận về tình hình Yemen trong một tháng qua. LHQ thời gian qua đã và đang nỗ lực trong vai trò trung gian, giảm căng thẳng và đưa ra đề xuất kế hoạch nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc, sớm nối lại tiến trình chính trị cũng như tháo gỡ các vấn đề khó khăn khác.

Các thành viên HĐBA LHQ chia sẻ với những đánh giá của các báo cáo viên; kêu gọi các bên tiếp tục nỗ lực thực hiện lệnh ngừng bắn, nhất là lực lượng Houthi cùng tham gia; nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ các Hiệp định Stockhom và Riyadh; bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo, kinh tế suy giảm tại Yemen.

6. Chính trường Israel vẫn chìm trong bế tắc

Thêm một lần, thủ lĩnh đảng Xanh - Trắng B. Gantz và Thủ tướng Israel B. Netanyahu bỏ lỡ hạn chót hợp tác thành lập chính phủ khiến Israel lún sâu hơn vào bế tắc chính trị kéo dài chưa từng có tiền lệ. 

Israel rơi vào khủng hoảng chính trị kéo dài, khi đã phải tiến hành 3 cuộc tổng tuyển cử trong chưa đầy một năm. Sau cuộc tổng tuyển cử thứ ba diễn ra ngày 2-3 vừa qua, ông Gantz, từng là Tham mưu trưởng quân đội Israel, đã được Tổng thống R. Rivlin giao nhiệm vụ thành lập liên minh cầm quyền.

Thế giới tuần qua: Tâm điểm Covid-19

Từ trái qua: Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Rivlin, Chủ tịch đảng Xanh - Trắng Gantz. Nguồn: EPA.

Các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới ở Israel thất bại đã “năm lần bảy lượt”, khiến Tổng thống Rivlin buộc phải kéo dài thêm 2 ngày sau thời hạn 13-4, để hai thủ lĩnh đảng là Thủ tướng B.Netanyahu và Chủ tịch Quốc hội B.Gantz hoàn tất thương lượng. Song, hạn chót mới tiếp tục bị các bên bỏ lỡ.

Nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận, ông Rivlin sẽ ủy quyền cho Quốc hội lựa chọn một chính khách dẫn dắt việc thành lập chính phủ. Và nếu, các nỗ lực thành lập chính phủ tiếp tục rơi vào bế tắc, Israel có thể phải tiến hành cuộc tổng tuyển cử thứ tư.

Tuy nhiên, hiện hai phe phái ở Israel vẫn khẳng định duy trì những “nỗ lực cuối cùng” và tránh đi vào “vết xe đổ” sau những lần bầu cử trước. Việc đạt được một thỏa thuận về chính phủ mới sẽ giúp tháo gỡ bế tắc chính trị, tránh nguy cơ “châm ngòi” cho một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở quốc gia Trung Ðông này.

Theo Ngân Anh/QĐND