Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Động thái tích cực

CN, 12/04/2020 | 11:09 SA

Bầu không khí ảm đạm tiếp tục bao phủ toàn cầu bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp ứng phó tổng thể đang được tích cực triển khai và được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả khả quan trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh và ngăn chặn nguy cơ suy thoái của nền kinh tế.

1. Tăng cường hợp tác đưa ra các gói cứu trợ

Ngày 9-4, Bộ trưởng tài chính châu Âu đã đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 500 tỉ euro (546 tỉ USD) để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Thế giới tuần qua: Động thái tích cực

Chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Italy. Nguồn: Reuters

Thỏa thuận sau cuộc họp của Eurogroup dựa trên 4 trụ cột chính. Trước hết, các nước Eurozone đã quyết định sử dụng cơ chế Quỹ bình ổn châu Âu kèm các điều kiện «dễ thở» cho số tiền 250 tỷ euro. Tiếp theo là các khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu dành cho các doanh nghiệp với con số 200 tỷ euro, cùng một cơ chế tài chính dành cho các biện pháp đảm bảo việc làm trong ngắn hạn lên tới 100 euro. Trụ cột thứ tư, mở đường cho kế hoạch phục hồi có thể lên tới khoảng 500 tỷ euro, khiến tổng thể các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Eurozone được lên tới gần một nghìn tỷ euro.  

Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhận định rằng gói giải cứu của Liên minh châu Âu (EU), nhằm chống lại sự sụp đổ kinh tế do cuộc khủng hoảng y tế gây ra, là "một bước tiến lớn” của tình đoàn kết châu Âu, vì gói này hỗ trợ các thành viên bị ảnh hưởng nhất của khối và giúp chuẩn bị phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Cũng trong ngày 9-4, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã nhất trí thành lập Quỹ ứng phó với COVID-19 của ASEAN với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng chống COVID-19, và chuẩn bị cho các phản ứng khẩn cấp trong tương lai. 

Về tình hình dịch bệnh COVID-19, tính đến 8h00 sáng 10-4, thế giới đã ghi nhận 1.602.691 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 95.657 ca tử vong.

Hiện Mỹ là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất, với 468.286 ca và là quốc gia đầu tiên có hơn 2.000 ca tử vong ngày, trong khi Italy là quốc gia có nhiều ca tử vong nhất với 18.279 ca. Số ca nhiễm ở châu Âu chiếm một nửa số ca trên toàn thế giới. Sau Italy, Tây Ban Nha và Pháp có số ca tử vong nhiều thứ hai và thứ ba của khu vực này, lần lượt là 15.447 ca và 12.210 ca.

2. Thực hiện nghiêm cách ly xã hội  

Những ngày qua, thông điệp Stay home (Hãy ở nhà) hay Keep distance (Giữ khoảng cách) bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đã được truyền đi khắp thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới mà chưa có phương thuốc điều trị và vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, giãn cách xã hội hay cách ly xã hội đang được hầu hết các nước áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus gây chết người này.  Khoảng 4 tỷ người, tương đương hơn 50% dân số thế giới đang thực hiện biện pháp này.

 

Thế giới tuần qua: Động thái tích cực

Công nhân nhà máy Honda tại Vũ Hán đã trở lại làm việc. Họ ăn tối, giữ khoảng cách hai mét và không quay mặt vào nhau. Nguồn: AFP

Thông điệp từ giới chức y tế trên khắp thế giới đều thống nhất và rõ ràng: để làm chậm lại sự lây lan của virus, giãn cách xã hội là một trong những vũ khí tốt nhất hiện nay. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu một người nhiễm bệnh, sau 5 ngày có thể lây cho 2,5 người và sau 30 ngày, số người nhiễm có thể tăng lên 406 người. Nhưng nếu người đó hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm khoảng một nửa, thì sau 5 ngày, số người bị lây nhiễm chỉ còn là 1,25 và sau 30 ngày thì chỉ còn 15 người lây.

Tình hình chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc là ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của biện pháp này. Ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, lệnh phong tỏa quy mô lớn (mức độ cao hơn của giãn cách xã hội) được áp dụng đã khiến chỉ số lây nhiễm giảm từ 2,35 xuống gần 1. Khi chỉ số lây nhiễm là 1, số ca mắc bệnh ngừng tăng vì một người nhiễm virus chỉ truyền cho một người khác. Và mới đây, lệnh phong tỏa thành phố này đã được dỡ bỏ.

Giãn cách xã hội được hiểu là biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc, nghĩa là mọi người nên ở nhà, nếu phải ra đường thì giữ một khoảng cách 2m với người xung quanh, không tụ tập đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng…

3. Thỏa hiệp trên thị trường dầu mỏ

Sau nhiều tuần căng thẳng trong cuộc đấu giành thị phần, Saudi Arabia và Nga, hai thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là nhóm OPEC+ đã bước đầu thỏa hiệp về cắt giảm sản lượng dầu mỏ, qua đó mở ra hy vọng giá dầu thế giới sẽ sớm tăng trở lại.

Thế giới tuần qua: Động thái tích cực

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters 

Theo thỏa thuận sơ bộ, Saudi Arabia và Nga nhất trí về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô tổng cộng 10 triệu thùng/ngày trong hai tháng, từ ngày 1-5 tới. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, OPEC cũng kêu gọi Mỹ và một số nước khác cùng “chung tay” cắt giảm 5 triệu thùng/ngày. Từ tháng 7 tới tháng 12-2020, mức cắt giảm sẽ còn 8 triệu thùng/ngày và từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022 là 6 triệu thùng/ngày.  

Phản ứng trước thông tin trên, giá dầu mở thế giới đã bắt đầu dậm dịch tăng trở lại. Theo thống kê, giá dầu Brent tương lai tăng 1,30 cent, tương đương 3,9%, lên mức 34,13 USD/thùng vào lúc 16h38 GMT (23h38 giờ Hà Nội), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) tăng 95 cent, tương đương 3,8%, lên 26,03 USD/thùng.

Thời gian gần đây, giá dầu liên tục lao dốc do nhu cầu đối với nhiên liệu này trên toàn thế giới giảm khoảng 30% do dịch COVID-19. Tuy nhiên, thị trường này có dấu hiệu phục hồi khi các nhà sản xuất được dự đoán sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường và giá.

4. Giãn nợ cho các nước nghèo

Ngày 7-4, gần 140 nhóm hành động và các tổ chức từ thiện đã cùng kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các chính phủ thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng các chủ nợ tư nhân cho các nước nghèo nhất thế giới hoãn thanh toán nợ để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thế giới tuần qua: Động thái tích cực

Ảnh minh họa . Ảnh: TTXVN 

Các nhóm và tổ chức trên đã kêu gọi hoãn ngay lập tức việc thanh toán nợ của 69 quốc gia nghèo trong hết năm 2020, ước tính vào khoảng 25 tỷ USD, hoặc lên tới 50 tỷ USD nếu được gia hạn cho năm 2021. Bên cạnh đó, chiến dịch còn kêu gọi thực thi giãn nợ hoặc hỗ trợ tài chính bổ sung không đi kèm các điều kiện về chính sách kinh tế, trong đó có “thắt lưng buộc bụng”, cũng như kêu gọi G20 rút lại các quy định khẩn cấp nhằm không để các chủ nợ tư nhân kiện các nước nghèo hơn. Trong số 69 quốc gia thu nhập thấp có tới ít nhất 45 nước yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp chỉ để vượt qua năm 2020 đầy thách thức này.

Hiện các chính phủ cũng như các thể chế lớn đã thúc đẩy một số biện pháp mà các nhóm trên kêu gọi. Theo đó, IMF đang cung cấp 50 tỷ USD trích từ các quỹ tài chính khẩn cấp và WB cũng đã phê duyệt gói đối phó COVID-19 trị giá 14 tỷ USD.

5. Thế giới đang thiếu gần 6 triệu y tá

Trong báo cáo công bố ngày 7-4, WHO cùng các đối tác là tổ chức Nursing Now và Hội đồng điều dưỡng quốc tế (ICN) cảnh báo thế giới đang cần gần 6 triệu y tá, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Con số này tập trung ở những nước nghèo thuộc khu vực châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ.

Thế giới tuần qua: Động thái tích cực

Các y tá trao đổi công việc tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 18-3-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bà Mary Watkins thuộc Nursing Now, đồng tác giả báo cáo trên, cho rằng nhiều nước giàu không đào tạo đủ y tá để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ trong nước, phải phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư, khiến tình trạng thiếu hụt y tá ở các nước nghèo trở nên nghiêm trọng hơn. Bà Watkins nêu rõ 80% số y tá trên toàn cầu chỉ phục vụ cho 50% dân số thế giới.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, người đứng đầu ICN Howard Catton cảnh báo rằng tỷ lệ bệnh nhân tử vong tại những nước thiếu y tá đều cao hơn so với những nước khác. 

Theo Thanh Sơn/QĐND