Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Đoàn kết trong khủng hoảng

Th 7, 28/03/2020 | 20:36 CH

Dịch bệnh Covid-19 vốn xuất phát từ thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nhưng nay đã lan rộng ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với gần 595.000 người nhiễm. Tâm dịch mới hiện đã dịch chuyển sang châu Âu và nước Mỹ, với số ca tử vong tăng lên từng ngày. Trong bối cảnh đó, các quốc gia và tổ chức quốc tế đang áp dụng nhiều biện pháp, tăng cường đoàn kết, chung tay ngăn chặn dịch bệnh và duy trì nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái.

1. G20 lập quỹ hỗ trợ 5 nghìn tỷ USD

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 26-3, lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và một số khách mời đã thống nhất những biện pháp cụ thể để ứng phó với dịch bệnh, trong đó có việc nhất trí lập quỹ hỗ trợ khổng lồ trị giá 5 nghìn tỷ USD.

 

Thế giới tuần qua: Đoàn kết trong khủng hoảng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến G20 ứng phó Covid-19. Ảnh: VGP. 

Tuyên bố đạt được sau hội nghị đã nêu bật 4 điểm. Thứ nhất là hợp tác chống đại dịch: G20 cam kết trao đổi dữ liệu dịch tễ học và các tài liệu cần thiết cho nghiên cứu và phát triển các vật tư thiết yếu; mở rộng sản xuất hàng hóa y tế. Cho tới tháng 4, các bộ trưởng Y tế G20 sẽ xây dựng một gói biện pháp chống lại đại dịch. Thứ hai là các biện pháp phòng ngừa: G20 cam kết hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vaccine, tận dụng công nghệ kỹ thuật số hiệu quả hơn và tăng cường hợp tác khoa học quốc tế. Thứ ba là bảo vệ nền kinh tế thế giới: Các thành viên G20 lên kế hoạch chi 5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Hiện bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế thành viên G20 đang lên kế hoạch hành động. Điểm thứ tư là hỗ trợ các nước đang phát triển: G20 cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, để đối phó với khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.

Báo chí quốc tế bình luận riêng việc các nhà lãnh đạo tiến hành hội nghị trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay là một thành công khi chứng tỏ được thiện chí hợp tác cùng hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ mạng sống, việc làm và sự thịnh vượng.

Nằm trong nỗ lực chung đối phó với dịch Covid-19, ngày 27-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm thảo luận chi tiết về đại dịch. Hai bên đã thể hiện mong muốn thời gian tới sẽ tăng cường trao đổi hơn nữa trong lĩnh vực này.

2. Mỹ, EU công bố gói cứu trợ kỷ lục

 

Thế giới tuần qua: Đoàn kết trong khủng hoảng

Tổng thống Trump tại buổi họp báo tại Nhà Trắng ngày 23-3 về dịch Covid-19. Ảnh: AP.

Ngày 24-3, Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đã ủng hộ ý tưởng các chính phủ có thể đề nghị hạn mức tín dụng phòng ngừa ở mức tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ quỹ cứu trợ của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. Hiện quỹ ESM có 410 tỷ euro (442 tỷ USD) vốn cho vay chưa sử dụng đến. Các bộ trưởng thống nhất công cụ tín dụng ESM (ECCL) sẽ sẵn sàng cho tất cả các quốc gia trong Eurozone, nhưng cần xây dựng các chi tiết cụ thể hơn để các lãnh đạo EU có thể đưa ra quyết định trong cuộc họp sắp tới.

Ngày 25-3, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua kế hoạch cứu trợ trị giá 750 tỷ EUR (811,13 tỷ USD) của chính phủ Đức để bảo đảm các khoản vay cho các doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Thượng viện Đức đã thông qua gói cứu trợ, mở đường cho việc giải ngân 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD) hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang lâm vào khủng hoảng do đại dịch này. 

Tại Mỹ, quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 đứng đầu thế giới (hơn 102.000 người), vượt cả Trung Quốc và Italy, Thượng viện nước này đã thống nhất phê chuẩn dự luật gói cứu trợ kinh tế với khoản ngân sách kỷ lục 2.000 tỉ USD. Theo Hãng tin Sputnik (Nga), dự luật này có những điều khoản cụ thể đáng chú ý như sẽ trợ cấp 1.200 USD cho hầu hết người trưởng thành Mỹ và 500 USD cho hầu hết trẻ em, thiết lập nguồn vốn vay ưu đãi 500 tỉ USD cho các doanh nghiệp, các thành phố và các bang.

Trước viễn cảnh nền kinh tế lâm vào suy thoái do Covid-19 như hiện nay, nhiều nước như Nga, Canada, Australia… cũng đã quyết định sẽ chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Liên hợp quốc phát động “Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu”

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã lây lan ra gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày 25-3, Liên hợp quốc (LHQ) đã phát động một kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới.

 

Thế giới tuần qua: Đoàn kết trong khủng hoảng

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: The Statesman.

Theo kế hoạch, các thiết bị chính trong phòng thí nghiệm dùng để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và nguồn cung ứng y tế để điều trị sẽ được chuyển giao cho các nước; lắp đặt các trạm rửa tay tại các trại tị nạn và khu tạm trú; phát động các chiến dịch thông tin phòng chống dịch trong cộng đồng, và thiết lập cầu hàng không và các trung tâm trên khắp châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh để điều phối các nhân viên nhân đạo và các nguồn cung ứng tới những nơi cần nhất.

Kế hoạch trên sẽ được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12-2020, theo đó kêu gọi hơn 2 tỷ USD, trong đó dự kiến 450 triệu USD cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 405 triệu USD cho Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và 350 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới (PAM)…

4. Mỹ tạm dừng các hoạt động quân sự ở nước ngoài

Ngày 25-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công bố chỉ thị yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động của các lực lượng Mỹ ở nước ngoài trong thời gian lên tới 60 ngày để ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong quân đội Mỹ.

 

Thế giới tuần qua: Đoàn kết trong khủng hoảng

Binh sĩ Mỹ đeo khẩu trang ở một căn cứ quân sự. (Nguồn: Getty Images)

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết chỉ thị này được áp dụng cho tất cả các lực lượng Mỹ, công nhân viên quốc phòng và gia đình của họ. Tuy nhiên sẽ có một số ngoại lệ.

Hãng tin CNN cho hay chỉ thị mới sẽ tác động tới khoảng 90.000 quân nhân Mỹ, bao gồm cả lực lượng trở về nước và lực lượng được triển khai ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vẫn được tiến hành theo kế hoạch. Cụ thể là Mỹ sẽ cắt giảm số binh sĩ đồn trú ở Afghanistan từ 13.000 quân xuống còn 8.600 quân trong vòng 135 ngày.

Bên cạnh đó, Mỹ đã hủy các cuộc diễn tập quân sự thường niên mang tên "Vai kề vai" (Balikatan 2020) với Philippines để tập trung đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

5. Gia tăng lừa đảo qua mạng thời dịch bệnh

Tuần qua, các chiêu lừa đảo qua email, ứng dụng, tin giả trên mạng liên quan dịch Covid-19 xuất hiện ngày càng nhiều.

Đầu tiên phải kể tới một ứng dụng trên hệ điều hành Android gọi là Covid Tracker quảng cáo có khả năng theo dõi sự lây lan của virus trong khu vực của người dùng. Một khi cài vào máy, ứng dụng sẽ ngay lập tức chiếm quyền kiểm soát thiết bị và gửi thông báo: "Điện thoại của bạn đã bị mã hóa. Trả 100 USD tiền chuộc trong 48 giờ, nếu không toàn bộ dữ liệu sẽ bị xóa". Bên dưới sẽ là chi tiết cách thức thanh toán và hướng dẫn mở khóa nếu thanh toán được xác nhận. Trên máy tính cũng có các website tương tự. Dù giới thiệu là theo dõi các ca nhiễm Covid-19 nhưng khi truy cập vào, máy tính sẽ tự động bị cài một mã độc, đánh cắp dữ liệu.

 

Thế giới tuần qua: Đoàn kết trong khủng hoảng

Ảnh minh họa. vtv.vn. 

Ngoài ra, rất nhiều người ở các quốc gia có dịch như ở Mỹ, Anh đã nhận được những email lừa đảo, giả mạo từ WHO, IMF hay những tổ chức y tế quốc tế và quốc gia. Nội dung email rất thuyết phục, khuyến cáo hạn chế lây lan rất chính xác và cảnh báo virus đã xuất hiện ở khu vực của người nhận. Email sẽ cam kết về những khoản hỗ trợ tài chính, hoặc các thông báo mới nếu người nhận cung cấp thêm thông tin. Những thông tin này có thể bao gồm định danh hoặc tài khoản cá nhân.

Tại Ukraine, nhà chức trách cũng đang phải đau đầu phát thông tin đính chính vì những lời đồn thất thiệt được phát tán trên mạng xã hội như: thuốc sát trùng sẽ được phân phối" thông qua hệ thống cung cấp nước, chính phủ đã lên kế hoạch sử dụng trực thăng để phun thuốc khử trùng khử khuẩn cho khu vực thủ đô, hay những thông tin khẳng định rằng dịch vụ y tế dành cho phụ nữ mang thai và bệnh nhân ung thư tạm thời bị gián đoạn do Covid-19.

Theo Thanh Sơn/QĐND