Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Những con số buồn vì Covid-19

CN, 05/04/2020 | 14:14 CH

Diễn biến dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn rất khó lường. Mỗi ngày, mặc cho các biện pháp quyết liệt từ các quốc gia, dịch bệnh do virus corona chủng mới lại xác lập thêm những “nấc thang buồn” khác.

1. Số ca mắc Covid-19 tăng vọt, 1/2 dân số thế giới phải ở nhà

Tính đến sáng 4-4 (theo giờ Việt Nam), virus SARS-CoV-2 đã lây lan tới 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 1.098.025 người bị nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của 59.145 trường hợp trong số đó. Song, thế giới cũng chứng kiến hơn 228.000 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi.

Thế giới tuần qua: Những con số buồn vì Covid-19

Đại Kim tự tháp tại Cairo, Ai Cập, được thắp sáng thông điệp “Hãy ở nhà” tối 30-3-2020. Ảnh: The Hill.

Do sự bùng phát dữ dội của dịch Covid-19, hơn 3,9 tỷ người, tương đương 1/2 dân số thế giới được yêu cầu ở nhà hoặc phải tuân thủ lệnh cách ly bắt buộc của các chính phủ nhằm ngăn chặn mầm bệnh chết người này.

Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, lên tới 273.880 người với 7.087 trường hợp đã tử vong. dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trên toàn nước Mỹ. Ngày 2-4, Bộ Lao động nước này thông báo có thêm 6,65 triệu lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, mức cao nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, châu Âu tiếp tục là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu với Italia là ổ dịch lớn nhất khu vực. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tiết lộ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về việc có nên kéo dài các quyết định đóng cửa biên giới của khối tới sau lễ Phục sinh (ngày 12-4) hay không. 

Thế giới tuần qua: Những con số buồn vì Covid-19

Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: NBC News.

Không những vậy, các chuyên gia y tế còn nhận định, số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới thực tế có thể cao gấp nhiều lần lần mốc hơn 1 triệu người được xác nhận mắc bệnh hiện nay. Theo họ, căn cứ vào tỷ lệ tử vong và tỷ lệ xét nghiệm, nhiều nước dường như đang không phát hiện hết các ca dương tính với virus, trong khi một số quốc gia khác không đủ khả năng xét nghiệm diện rộng.

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 2-4 đã lần đầu tiên thông qua một nghị quyết về Covid-19, trong đó kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để đánh bại dịch bệnh nguy hiểm này. Trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gọi đại dịch Covid-19 là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất” mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

2. Saudi Arabia và Nga có thể hợp tác cứu giá dầu

Saudi Arabia và Nga đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hợp tác để ổn định thị trường dầu mỏ sau những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giá dầu thô sụp đổ sau khi Moscow và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đứng đầu là Riyadh, thất bại trong việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi tháng trước. Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu đối với “vàng đen” sụt giảm nghiêm trọng.

Thế giới tuần qua: Những con số buồn vì Covid-19

Giá dầu thế giới đang trên đà phục hồi. Ảnh: Tecnico.

Theo một nguồn tin thân cận với chính quyền Riyadh, Saudi Arabia cũng ủng hộ việc hợp tác giữa các nước sản xuất để ổn định thị trường nhưng cho rằng cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay là do sự phản đối của Nga đối với giới hạn sản xuất mới mà OPEC đề xuất vào tháng trước.

Sau một loạt các cuộc đàm phán với hai bên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1-4 cho biết ông hy vọng Saudi Arabia và Nga sẽ cắt giảm sản lượng 10-15 triệu thùng dầu, khi mà hai nước này bày tỏ sẵn sàng đạt một thỏa thuận.

Diễn biến tích cực xung quanh cuộc chiến dầu khí đã đẩy giá xăng dầu hôm nay tăng mạnh. Tính đến sáng 4-4 (giờ Việt Nam) giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5-2020 đứng ở mức 29,00 USD/thùng, tăng 3,68 USD/thùng; giá dầu Brent giao tháng 6-2020 đứng ở mức 34,78 USD/thùng, tăng 4,84 USD/thùng.

3. Bắc Macedonia là thành viên mới nhất của NATO

Ngày 2-4, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức kết nạp Bắc Macedonia làm thành viên thứ 30 của liên minh quân sự này.

Được biết, Ngoại trưởng Bắc Macedonia cũng tham dự hội nghị này với tư cách thành viên đầy đủ. Tuần trước, Bắc Macedonia đã làm lễ thượng cờ của nước này tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ).

Thế giới tuần qua: Những con số buồn vì Covid-19

Bắc Macedonia là thành viên thứ 30 của NATO. Ảnh: Jane's.

Năm 2019, sau khi quốc gia Tây Balkan này đạt thỏa thuận với Hy Lạp đổi tên nước thành Bắc Macedonia, các nước thành viên NATO đã ký hiệp định cho phép nước Cộng hòa thuộc Liên bang Nam Tư trước đây này trở thành thành viên thứ 30 của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Bắc Macedonia Oliver Spasovski vào tháng 2 vừa qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu ý, Skopje đã tham gia vào tất cả các cuộc họp của NATO với tư cách khách mời sau khi Nghị định thư gia nhập được tất cả các đồng minh trong khối ký kết tháng 2-2019.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh, tư cách thành viên trong NATO sẽ góp phần tạo ra sự ổn định và thịnh vượng ở Bắc Macedonia và đóng góp cho an ninh của khu vực Tây Balkan, cũng như toàn bộ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, đồng thời khẳng định, việc Bắc Macedonia gia nhập NATO chứng tỏ cam kết cải cách đã được thực hiện và cánh cửa NATO vẫn còn rộng mở.

4. Israel có thể sắp ra mắt chính phủ liên minh

Đảng Likud và Xanh & Trắng cho biết đã hoàn tất thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ mới.

Hai đảng này được cho là gặp sức ép phải hoàn tất thỏa thuận trong ngày 3-4 để các thành viên trong liên minh tổ chức những cuộc thảo luận riêng trong mỗi đảng vào ngày 5-4, sau đó tiến hành bỏ phiếu thông qua tại quốc hội để chính thức thành lập chính phủ mới vào hôm sau. Quốc hội Israel không làm việc trong kỳ nghỉ lễ Passover (Lễ Vượt qua), bắt đầu từ chiều tối 8-4 và kéo dài 1 tuần.

Thế giới tuần qua: Những con số buồn vì Covid-19

Israel nhiều khả năng sẽ sớm ra mắt chính phủ liên minh. Ảnh: Times of Israel.

Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã chỉ định Lãnh đạo đảng Xanh & Trắng Benny Gantz đứng ra thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 2-3. Thời hạn để ông Gantz thành lập chính phủ mới sẽ chấm dứt trong kỳ nghỉ lễ Passover.

Cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới giữa Likud và Xanh & Trắng đã đạt được tiến triển sau khi hai bên nhượng bộ cho nhau một số vị trí bộ trưởng. Theo đó, đảng Likud đồng ý để nghị sĩ Avi Nissenkorn - thành viên Xanh & Trắng - đảm nhận vị trí Bộ trưởng Tư pháp; đổi lại, đảng Xanh & Trắng chấp nhận để nghị sĩ Miri Regev của đảng Likud đảm nhận vị trí Bộ trưởng An ninh nội địa.

Bên cạnh đó, đảng Xanh & Trắng cũng đồng ý từ bỏ vị trí Ngoại trưởng. Theo đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu muốn trao vị trí này cho cựu Chủ tịch Quốc hội Yuli Edelstein - thành viên của Likud. Tuy nhiên, vẫn có khả năng Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Naftali Bennett, lãnh đạo đảng Yamina, thuộc khối cánh hữu ủng hộ ông Netanyahu đảm nhận vị trí này. Đổi lại, đảng Likud từ bỏ vị trí Bộ trưởng Giáo dục và nghị sĩ Gabi Ashkenazi, thành viên Xanh & Trắng, sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ này.

5. 3 nước Đông Âu phạm luật khi từ chối người di cư

Ngày 2-4, Tòa án Công lý châu Âu (CJE) của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết cho rằng ba nước trong khối Visegrad là Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary đã vi phạm luật pháp EU khi không tiếp nhận số người di cư theo tỷ lệ đã được phân bổ nhằm giảm gánh nặng cho các nước thành viên phía Nam như Hy Lạp.

CJE cho biết, vấn đề chia tỷ lệ tiếp nhận người di cư đã làm suy giảm tình đoàn kết nội khối nhiều năm qua. Phán quyết nêu rõ, các nước này đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo luật pháp EU khi từ chối tuân thủ cơ chế tạm thời tái phân bổ người xin tị nạn.

Thế giới tuần qua: Những con số buồn vì Covid-19

Vấn đề người di cư vẫn đang là bài toán nan giải của châu Âu. Ảnh: The Journal.

Trong khi các nước lớn có tiềm lực kinh tế đã phải tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn như Đức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước ở Đông Âu như Hungary, Slovakia chỉ nhận khoảng 1 đến 2%.

Các dòng người di cư vẫn tiếp tục hành trình của mình đi tìm “miền đất hứa” ở châu Âu đã tăng trở lại từ năm 2019, nhất là trong thời điểm gần đây khi khu vực biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ kỳ chứng kiến hàng chục nghìn người tị nạn đổ về gây ảnh hưởng nghiêm trong tới an toàn an ninh của khối này.

Trước đó, Hy lạp cho biết có ít nhất 40.000 người vượt biên trái phép vào Hy Lạp đã được chặn lại ở biên giới trên bộ kể từ cuối tháng 2 sau khi chính quyền Ankara bất ngờ mở cửa biên giới cho người di cư tràn sang châu Âu nhằm gây sức ép với EU về cuộc xung đột ở Syria.

6. Mỹ và Iran liên tiếp khẩu chiến

Trên trang Twitter cá nhân ngày 1-4, ông chủ Nhà Trắng cho biết có thông tin tiết lộ Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm đang lên kế hoạch tấn công lén lút nhằm vào quân đội Mỹ hoặc các tài sản của Mỹ ở Iraq. Nếu chuyện này xảy ra, Iran sẽ phải trả cái giá cực đắt.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho hay, Tehran xem “sự hiếu chiến” của quân đội Mỹ ở Iraq là nguy hiểm và có thể tạo ra “những yếu tố thảm khốc” gây bất ổn cho khu vực.

Thế giới tuần qua: Những con số buồn vì Covid-19

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi. Ảnh: New York Post.

Trong khi đó, theo thông tin được giới truyền thông đăng tải trong tuần này, Mỹ đã cho triển khai các hệ thống phòng không Patriot tới một căn cứ quân sự ở Iraq nhằm đối phó với những cuộc tấn công tiềm tàng từ phía những lực lượng được Iran hậu thuẫn.

Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu gần đây đang tái tổ chức lực lượng ở Iraq nhằm bảo vệ tốt hơn cho các cơ sở quân sự. Cụ thể, liên quân Mỹ đã chuyển giao nhiều căn cứ cho quân đội Iraq điều hành từ đầu tháng 3-2020.

Dù số lượng căn cứ mà liên quân Mỹ có mặt ở Iraq đang giảm dần, nhưng lực lượng này vẫn sẽ ở lại Iraq theo lời mời của chính phủ nước sở tại và tiếp tục đảm nhận vai trò cố vấn cũng như huấn luyện cho các lực lượng an ninh ở địa phương.

Theo Ngân Anh/QĐND