Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Nguy cơ hiện hữu

Th 2, 23/10/2023 | 08:14 SA

Trong tuần qua (16-22/10), chiến sự diễn biến ác liệt ở Gaza tiếp tục trở thành mối quan tâm hàng đầu và gây quan ngại trong dư luận thế giới.

Liên hợp quốc cảnh báo tình hình nghiêm trọng ở Gaza

Khung cảnh tan hoang sau các cuộc giao tranh ở Gaza. (Ảnh: AP). 

Ngày 17/10, Liên hợp quốc cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại Dải Gaza khi người dân Palestine ở vùng lãnh thổ này không còn nơi trú ẩn, trong khi các nguồn cung thiết yếu bao gồm điện và nước đã cạn kiệt.

Các tổ chức của Liên hợp quớc kêu gọi các bên xung đột dừng các hành động thù địch để tạo điều kiện để hàng viện trợ nhân đạo đến được với người dân ở Gaza. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới cũng ráo riết theo đuổi những nỗ lực ngoại giao hạ nhiệt xung đột ở Gaza. Tuy nhiên, tình hình khu vực vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng, với các cuộc đụng độ tiếp diễn ác liệt. 

Đêm 17/10 (giờ địa phương) cho biết một vụ nổ lớn tại Bệnh viện Ahli Arab thuộc thành phố Gaza đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng. Trong khi đó, một số nguồn tin khác cho rằng đã có tới 500 nạn nhân tử vong trong vụ việc này.

Vụ nổ xảy ra đúng vào thời điểm Hamas đang phóng hàng loạt rocket và tên lửa vào miền Trung Israel, trong đó có nhiều quả đã bay đến tận thành phố Tel Aviv. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ nổ là do bị Israel không kích, ném bom hay do chính tên lửa của Hamas rơi trở lại dải Gaza.

Trước tình hình đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 18/10 đã không thể thông qua dự thảo nghị quyết do Brazil soạn thảo nhằm kêu gọi ngừng bắn giữa quân đội Israel và phong trào Hamas của Palestine để thúc đẩy các hoạt động viện trợ cứu sống cho hàng triệu người ở Gaza. Đây là lần thứ hai cơ quan quyền lực Liên hợp quốc không thể thông qua nghị quyết liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Gaza sau khi một dự thảo do Nga hậu thuẫn bị bác bỏ vào tối 16/10. Việc cơ quan quyền lực Liên hợp quốc chưa tìm được tiếng nói chung hạ nhiệt xung đột lại càng khiến triển vọng hàn gắn giữa Israel và Palestine vẫn rất mờ nhạt sau nhiều thập niên mâu thuẫn dai dẳng.

Khai mạc Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ ba

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc. (Ảnh: TTXVN) 

Ngày 18/10, Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ 3 đã khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự tham dự của đại diện hơn 150 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Với chủ đề "Hợp tác chất lượng cao Vành đai và Con đường, chung tay vì phát triển và thịnh vượng chung", Diễn đàn có 3 Phiên họp cấp cao với chủ đề: "Kết nối trong một nền kinh tế toàn cầu mở", "Con đường tơ lụa xanh hài hòa với thiên nhiên", "Kinh tế số động lực mới của tăng trưởng".

Tại Lễ khai mạc, các nhà Lãnh đạo và các đại biểu đều đánh giá cao những thành tựu và đóng góp quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong 10 năm qua với hàng loạt dự án và chương trình hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, kinh tế số, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ... Hợp tác Vành đai và Con đường đã góp phần thúc đẩy kết nối khu vực, hỗ trợ các nước chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước. Hướng tới mục tiêu chung về tương lai tươi sáng, thịnh vượng và cuộc sống ấm no cho người dân, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp nhằm huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, gắn kết hơn các nền kinh tế, đồng thời bảo đảm yêu cầu bền vững về môi trường, tài chính và hài hòa xã hội.

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu bật những thành tựu của Sáng kiến Vành đai và Con đường, theo đó 10 năm qua đã có một khối lượng lớn dự án góp phần thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối từ lục địa Á - Âu sang châu Phi và châu Mỹ Latinh, tạo nền tảng hướng tới "một thập kỷ vàng" tiếp theo của Sáng kiến. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh 3 nguyên tắc "Cùng lên kế hoạch, cùng phát triển, cùng hưởng thành quả" và đề xuất 8 hành động trọng tâm trong đó có việc thúc đẩy "hợp tác liêm chính".

Sáng kiến BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9/2013) và Đông Nam Á (tháng 10/2013).

Giá vàng liên tiếp tăng dựng đứng 

 Ảnh minh họa: internationalbanker

Ngày 21/10, giá vàng thế giới tăng mạnh, có lúc chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce trong bối cảnh chiến sự tại khu vực Trung Đông ngày càng leo thang, nhà đầu tư gia tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào kim loại quý. 

Tương tự như tuần trước, lực mua trú ẩn vào vàng mạnh lên trong phiên giao dịch cuối của tuần khi các nhà đầu tư muốn giữ vàng để bảo vệ tài sản của mình. Bất ổn về địa chính trị tiếp tục hỗ trợ sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của vàng, đẩy giá kim loại quý lên mức cao nhất trong 3 tháng bất chấp lợi suất trái phiếu ngày càng tăng. Giá vàng đã tăng khoảng 4% trong tuần qua từ mức thấp được ghi nhận vào đầu tuần.

Theo chiến lược gia thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures, mặc dù mức tăng trở lại 2.000 USD/ounce là rất ấn tượng, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên khi tâm lý lo ngại đang bao trùm.

David Morrison, nhà phân tích thị trường cấp cao của Trade Nation, nói rằng vàng đang làm chính xác những gì nó phải làm trong thời kỳ khủng hoảng. Ông nói: “Vàng đã vượt qua mọi ngưỡng kháng cự quan trọng ở mức 1.900 USD, 1.950 USD và 1.980 USD; tôi nghĩ thị trường muốn thấy mức 2.000 USD. Còn hơi sớm để nói nhưng đây có thể là đợt phục hồi đưa giá lên mức cao mới mọi thời đại”.

Vàng không chỉ chứng kiến sự phục hồi ấn tượng trong 2 tuần qua mà còn xuất hiện khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lập trường sẽ giữ lãi suất trong lãnh thổ hạn chế trong tương lai gần và cam kết đưa lạm phát xuống 2%. Lập trường này một phần đẩy lợi suất trái phiếu dài hạn lên mức cao nhất mới trong 16 năm, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức 5% trong tuần này. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế và phân tích thị trường lưu ý rằng mối lo ngại về nợ chính phủ ngày càng tăng ở Mỹ cũng là yếu tố quan trọng khiến lợi suất trái phiếu tăng cao.

Vàng là công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động. Tuy nhiên, kim loại quý này không trả lãi cố định, nên chịu sức ép khi lãi suất tăng cao. Kể từ khi xung đột ở Trung Đông nổ ra, vàng đã tăng hơn 100 USD/ounce, bất chấp dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ thúc đẩy khả năng lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài. 

Bão Babet càn quét châu Âu

Ngập lụt ở Midleton, Co Cork, Ireland do bão Babet gây ra. (Ảnh: Sky News) 

Ngày 19/10, cơn bão Babet đổ bộ Anh, Scotland, Ireland,... đã tạo nên một cảnh tượng kinh hoàng khi nước Anh được cho là trải qua ngày ngập lụt nhất từ trước đến nay. Theo thông tin từ phía các nhà chức trách, cơn bão Babet có thể mang theo lượng mưa từ 200 đến 220mm, con số này gần bằng lượng mưa kỷ lục cao nhất 238mm vào năm 1974 tại quốc gia này.

Ireland là quốc gia đầu tiên hứng chịu hậu quả nặng nề của cơn bão Babet khi nó tràn vào từ Đại Tây Dương. Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Ireland phải được triển khai tại thị trấn Midleton, Co Cork, phía Nam Ireland, nơi có hơn 100 ngôi nhà bị ngập.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều thước phim ghi lại cảnh tượng lũ lụt cực độ tàn phá khắp Ireland và các khu vực khác tại Anh với hình ảnh những chiếc ô tô bị cuốn trôi trên đường, nhiều đường phố bị nhấn chìm hoàn toàn trong khi các thành viên của đội cứu hộ nỗ lực đưa mọi người ra khỏi đường bằng thuyền.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Scotland (SEPA) đã ban hành 4 cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng, 14 cảnh báo lũ lụt cho 13 quận bao gồm Aberdeen và Aberdeenshire, Dundee và Angus, Findhorn Nairn Moray và Speyside và Tayside.

Cơ quan Môi trường Anh đã đưa ra 4 cảnh báo lũ lụt, chủ yếu ở vùng Đông Bắc, và 79 cảnh báo lũ lụt, chủ yếu ở vùng Trung du, Bắc và Đông Bắc.

Xây dựng lòng tin và an ninh trong Trật tự kỹ thuật số mới nổi

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Điều phối Chính sách Kinh tế Singapore, Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat) phát biểu khai mạc SICW 2023. (Ảnh: Tất Đạt/TTXVN) 

Từ ngày 16-19/10, Tuần lễ An ninh Mạng Quốc tế Singapore năm 2023 (SICW 2023), do Cơ quan An ninh Mạng Singapore (CSA) chủ trì tổ chức, đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Marina Bay Sands, với chủ đề “Xây dựng lòng tin và an ninh trong Trật tự kỹ thuật số mới nổi."

Sự kiện thu hút nhiều lãnh đạo của các quốc gia, tổ chức quốc tế đến tham dự, các quan chức cấp Chính phủ, Bộ trưởng của Singapore, các doanh nghiệp, nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng cùng nhiều chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới về các lĩnh vực kỹ thuật số.

Tại Lễ khai mạc SICW 2023, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Điều phối Chính sách Kinh tế Singapore Vương Thụy Kiệt chỉ ra cuộc cách mạng kỹ thuật số đang gây ra sự lo lắng, bất an về những rủi ro, thông tin sai sự thật, các hành vi lừa đảo, tấn công mạng và những vấn đề sâu sắc hơn về đạo đức, quyền riêng tư và quản trị. Theo Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt, điều quan trọng là chúng ta phải hợp tác cùng nhau để hiểu rõ hơn về tiềm năng của số hóa và đưa ra các giải pháp để định hình và khai thác nó như một động lực mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

SICW 2023 sẽ bao gồm 3 sự kiện chính quan trọng bao gồm Hội nghị Bàn tròn Quốc tế về Bảo mật IoT - Đối thoại lãnh đạo, AMCC-8, Hội nghị Bàn tròn Quốc tế về Bảo mật IoT - Hội Thảo Kỹ thuật.

Ngoài ra, sự kiện Triển lãm Công nghệ - GovWare 2023 diễn ra đồng thời trong khuôn khổ SICW 2023 rất đáng chú ý khi quy tụ các nhà cung cấp công nghệ và giải pháp hàng đầu đến tham dự và trưng bày các sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất./.

PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn