Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Nga - Ukraine chưa đạt được lệnh ngừng bắn

Th 2, 14/03/2022 | 07:40 SA

Tuần qua (7-13/3), bên cạnh những diễn biến của dịch bệnh COVID-19 cùng một loạt các sự kiện đáng chú ý khác, thế giới vẫn liên tục cập nhật tình hình chiến sự tại Ukraine. Sau hơn một giờ đàm phán theo hình thức ba bên tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), Nga và Ukraine vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Nga - Ukraine chưa đạt được lệnh ngừng bắn

Quang cảnh đàm phán ba bên tại khách sạn Regnum Carya ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/3. (Ảnh: AP)

Chiều 10/3 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là vòng đàm phán cấp cao nhất kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Tuy nhiên, sau hơn một giờ đàm phán Nga và Ukraine vẫn chưa thể đạt được bước tiến lớn về một thỏa thuận ngừng bắn.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết không có bước tiến trong thiết lập lệnh ngừng bắn, bởi ông Lavrov không có đủ thẩm quyền được giao để thảo luận về vấn đề này. Ông Kubela cũng khẳng định Ukraine đã, đang và sẽ không đầu hàng.

Ngoại trưởng Kuleba thừa nhận cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga là "khó khăn", và Kiev đã nổ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay. Ông nhấn mạnh chính phủ Ukraine sẵn sàng đảm bảo cho các hành lang nhân đạo mà hai bên đã nhất trí thiết lập.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bảo lưu quan điểm Moskva không có kế hoạch tấn công nước nào, nhưng chính Ukraine là bên tạo ra mối đe dọa đối với Nga. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh việc Ukraine cần là một nước trung lập. Ông Lavrov đồng thời tuyên bố Moskva ủng hộ bất kỳ cuộc tiếp xúc nào để giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và sẽ tiếp tục tìm lối thoát cho vấn đề này.

Cuộc gặp tại Antalya được tiến hành sau khi phái đoàn Nga và Ukraine kết thúc 3 vòng đàm phán tại Belarus mà chưa có đột phá. Kết quả tích cực nhất cho tới thời điểm này là việc hai bên đồng thuận về kế hoạch về thiết lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường tại một số thành phố ở Ukraine.

Trong các thông điệp gần nhất, Nga khẳng định nước này chỉ dừng chiến dịch khi Ukraine sửa hiến pháp để đảm bảo tính trung lập, không gia nhập bất cứ liên minh nào, thừa nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa do lực lượng ly khai lập ra ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dù khẳng định không đầu hàng, nhưng ông cho biết Kiev sẵn sàng đàm phán với Nga về tình trạng Crimea, khu vực ly khai và khả năng không gia nhập NATO.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo thế giới không lơ là đại dịch COVID-19

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres. (Ảnh: Reuters)

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, hai năm trước, cuộc sống của người dân trên thế giới đã bị đảo lộn bởi một loại virus và cuộc khủng hoảng sức khỏe này cùng với một cuộc khủng hoảng kinh tế đã "đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo". “Con số bi thảm nhất của đại dịch là đối với sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người, với hơn 446 triệu trường hợp trên toàn thế giới nhiễm bệnh, hơn 6 triệu người chết được xác nhận và vô số người phải đối mặt với tình trạng suy giảm sức khỏe tâm thần” – ông Guterres nói.

Đặc biệt cho đến nay, nhờ vào "sự phát triển và triển khai vaccine nhanh chóng một cách phi thường", nhiều khu vực trên thế giới đã kiểm soát được đại dịch. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, “sẽ là một sai lầm lớn nếu nghĩ rằng đại dịch đã kết thúc”.

Ông António Guterres nhắc lại rằng "việc phân phối vaccine vẫn còn bất bình đẳng một cách đáng lo ngại". Trong khi 1,5 tỷ liều được sản xuất mỗi tháng, thì vẫn còn “gần 3 tỷ người đang chờ đợi mũi tiêm đầu tiên”.

Theo ông, “sự thất bại này là kết quả trực tiếp của các quyết định chính trị và ngân sách ưu tiên sức khỏe của người dân các nước giàu hơn là của người dân các nước nghèo”.

Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được mục tiêu "tiêm chủng cho 70% người dân ở tất cả các quốc gia vào giữa năm nay". Theo đó, chính phủ và các công ty dược phẩm phải làm việc cùng nhau để nhân rộng số quốc gia có thể sản xuất, thử nghiệm vaccne và phương pháp điều trị bằng cách chia sẻ giấy phép và sở hữu trí tuệ, đồng thời cung cấp hỗ trợ công nghệ và tài chính cần thiết.

Tổng thư ký LHQ kêu gọi toàn thế giới “cùng nhau nỗ lực để chấm dứt đại dịch và vĩnh viễn khép lại chương buồn này của lịch sử nhân loại”.

Ông Yoon Suk-yeol giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc

Ông Yoon Suk-yeol giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap) 

Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) Hàn Quốc, sáng 10/3 thông báo ứng cử viên Yoon Suk-yeol của đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP) đối lập chính đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 20 ở Hàn Quốc, với tỷ lệ chênh lệch số phiếu sít sao (0,73%) trước đối thủ Lee Jae-myung thuộc đảng Dân chủ (DP) cầm quyền.

Kết quả cụ thể do NEC công bố cho thấy, ông Yoon Suk-yeol giành được 48,56% số phiếu trong khi ông Lee Jae-myung giành được 47,83% số phiếu. Đây là một chiến thắng sít sao nhất trong lịch sử bầu cử Hàn Quốc.

Trong lời phát biểu đầu tiên từ tòa nhà Quốc hội, ông Yoon Suk-yeol đã kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân Hàn Quốc, không kể khu vực, đảng phái hay giai cấp… Tất cả mọi người dân Hàn Quốc đều bình đẳng. 

Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc cam kết, ngay khi nhậm chức, ông sẽ tôn trọng tinh thần của Hiến pháp và Quốc hội, đồng thời làm việc cùng đảng đối lập và phụng sự nhân dân.

Ông Yoon Suk-yeol, 61 tuổi,  là một cựu tổng công tố, được biết đến là một người theo đuổi đường lối an ninh quốc gia cứng rắn. Dư luận Hàn Quốc đánh giá, kết quả của cuộc bầu cử năm nay với chiến thắng thuộc về ứng cử viên của PPP có thể có những tác động sâu sắc đến chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, bao gồm cả quan hệ với Triều Tiên và các vấn đề kinh tế, chẳng hạn như chính sách phúc lợi và bất động sản.

Ngay sau ông Yoon Suk-yeol tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi thông điệp chúc mừng, tỏ rõ sự tin tưởng vào tương lai thắt chặt quan hệ với chính quyền mới của Hàn Quốc.

IS có thủ lĩnh mới

Nơi diễn ra chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS đầu tháng 2/2022 tại Syria. (Ảnh: CNN)

Ngày 10/3, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng xác nhận thủ lĩnh của nhóm này là Abu Ibrahim Al-hashemi Al-Quraishi đã chết và thủ lĩnh mới là Abu Al-Hassan Al-hashemi Al-Quraishi.

Theo xác nhận của IS qua đoạn ghi âm đăng tải trên các kênh truyền thông xã hội của nhóm này, Abu Ibrahim al-Qurashi cùng phát ngôn viên chính thức của IS là Abu Hamza al-Qurashi đã chết "trong những ngày gần đây".        

Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo thủ lĩnh của IS đã chết trong một cuộc tấn công của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Tây Bắc Syria. Theo Nhà Trắng, Abu Ibrahim al-Qurashi đã tự kích nổ bom để tự sát nhằm tránh bị đặc nhiệm Mỹ bắt giữ. 

Cái chết của al-Qurashi, 45 tuổi, là đòn giáng nặng nề tiếp theo đối với IS, 2 năm sau khi thủ lĩnh lâu năm của nhóm khủng bố Hồi giáo dòng Sunni này là Abu Bakr al-Baghdadi chết trong một vụ tấn công tương tự năm 2019.

Nhật Bản tưởng niệm 11 năm thảm họa động đất, sóng thần

Người dân tại Ishinomaki, tỉnh Miyagi ngày 11/3 đến bia tưởng niệm các nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần năm 2011. (Ảnh: AFP)

Ngày 11/3, người dân trên khắp đất nước Nhật Bản đã tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 trong bầu không khí trầm lặng.

Vào đúng 14h 46', một hồi còi tầm đã vang lên ở nhiều địa phương trên khắp đất nước Nhật Bản, đánh dấu thời điểm xảy ra trận động đất kinh hoàng cách đây 11 năm. Trận động đất mạnh 9 độ đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản. 

Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) cho thấy thảm họa động đất - sóng thần  đã cướp đi sinh mạng của 15.900 người và khiến 2.523 người bị mất tích, chủ yếu là ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate. Bên cạnh đó, theo Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, tính đến tháng 9/2021, có tới 3.784 người khác bị chết vì các nguyên nhân có liên quan tới thảm họa này như bệnh tật hoặc tự tử vì trầm cảm. Ngoài ra, động đất và sóng thần cũng là tác nhân trực tiếp gây ra các sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản. 

11 năm sau thảm họa, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa. Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh sơ tán và lệnh cấm đi lại tới nhiều khu vực cấm tiếp cận sau các sự cố hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, cho tới tháng 2/2022, vẫn còn 38.139 người chưa thể về nhà sau thảm họa. 

Đối với Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình dỡ bỏ các lò phản ứng bị hư hại. Tuy nhiên, công ty này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất tại thời điểm hiện tại là xử lý nước đã được sử dụng để làm mát các lò phản ứng bị hư hại. TEPCO dự định sẽ xây dựng một tuyến đường hầm dài 1km để xả nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn còn chứa phóng xạ này ra biển từ mùa Xuân năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối của người dân địa phương và một số nước trong khu vực./.

PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn