Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Lao đao vì đại dịch

CN, 10/05/2020 | 07:31 SA

Trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus corona chưa có dấu hiệu bị kiềm chế, vẫn còn sớm để đánh giá về những hậu quả và hệ lụy của dịch bệnh nguy hiểm này. Nhưng rõ ràng, đại dịch đang khiến nền kinh tế thế giới lao đao, nguy cơ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có kể từ sau đại suy thoái những năm 1930, đồng thời tác động đáng kể đến đời sống chính trị và địa chính trị tại nhiều khu vực.

 1. Kinh tế thế giới lao đao

Theo ước tính, nền kinh tế thế giới đã thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đầu tư, thương mại và du lịch suy giảm nghiêm trọng ...   

Cụ thể, tại Mỹ đã có thêm 3,2 triệu người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I-2020 đã giảm mạnh ở mức 4,8%, khi dịch Covid-19 đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, làm hạn chế hoạt động đầu tư và mua sắm.

 

Thế giới tuần qua: Lao đao vì đại dịch

Kinh tế Mỹ đang suy giảm nghiêm trọng do tác động của dịch bệnh. Nguồn: AP

Nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý I-2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ do các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Eurozone kể từ năm 1995. Đức và Pháp cho biết sản xuất công nghiệp đã giảm lần lượt ở mức 9,2% và 16,3%, trong khi Anh dự báo sản lượng kinh tế của nước này sẽ giảm tới 14% trong năm nay.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2020 của châu Á sẽ ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm qua. Tại châu Mỹ-Latin, nền kinh tế Brazil đang đối mặt nguy cơ "sụp đổ" do các biện pháp phong tỏa dẫn đến thiếu hụt lượng thực và bất ổn xã hội.

Các hãng hàng không và du lịch là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi không thể khai thác các chuyến bay, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội hạn chế đáng kể các chuyến du lịch và công tác. Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 60-80% trong năm 2020. Doanh thu của ngành hàng không dự kiến sẽ giảm khoảng 55%, tương ứng 314 tỷ USD trong năm 2020.

2. Số bệnh nhân nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng tại nhiều nước Đông Nam Á

Tính đến ngày 8-5, khu vực Đông Nam Á ghi nhận 54.287 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, 1.804 người tử vong.

 

Thế giới tuần qua: Lao đao vì đại dịch

 Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại nhà ga đường sắt trên cao ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia là là nước có tổng số ca tử vong do Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á, với 930 trường hợp và 13.112 ca nhiễm. Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore ngày 7-5 công bố trên toàn quốc có 20.939 ca nhiễm. Giới chuyên gia Singapore dự báo con số này có thể lên tới 40.000 ca vào cuối tháng 5. Malaysia cũng ghi nhận 6.535 ca nhiễm. Philippines ghi nhận 10.463 ca nhiễm và Thái Lan là 3.000 ca. 

Trên thế giới, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 8-5, tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 3.950.455 ca mắc Covid-19 và 271.799 ca tử vong.  

Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với 1.295.058 ca mắc Covid-19 và 77.058 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 260.117 ca mắc Covid-19 và 26.299 ca tử vong. Tiếp sau Tây Ban Nha là Italy với 215.858 ca mắc và 29.958 ca tử vong, Anh với 206.715 ca mắc và 30.615 ca tử vong. Nga đã vượt Đức và Pháp về tổng số ca nhiễm và là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 4 châu Âu với 187.859 ca nhiễm.

Tại khu vực châu Á, số ca tử vong vì Covid-19 đang là 10.001 ca, trong đó Trung Quốc - nước khởi phát dịch - chiếm gần một nửa với 4.633 ca, Ấn Độ 1.783 ca, Indonesia 930 ca. Số ca mắc Covid-19 đang là 269.025 ca.

Tại khu vực Mỹ Latinh, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang ở mức hơn 300.000 người, trong khi số ca tử vong tăng lên khoảng 16.000 người.  Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 trong khu vực, với hơn 9.000 ca tử vong và hơn 135.000 ca nhiễm.

Tại châu Phi, theo AFP, tính đến ngày 7-5, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 53.334 ca nhiễm và 2.065 ca tử vong do Covid-19.

 3. Làn sóng thù hận và bài ngoại gia tăng

Trong một tuyên bố ngày 8-5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: "Cơn sóng thần thù hận và bài ngoại" liên quan đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang có xu hương gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới. Các thuyết âm mưu lan truyền rộng rãi và các cuộc tấn công bài Hồi giáo liên quan tới Covid-19 cũng đã xảy ra.

 

Thế giới tuần qua: Lao đao vì đại dịch

 Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ông Guterres, người nhập cư và người di cư bị kỳ thị như nguồn lây virus và vì thế không thể tiếp cận dịch vụ điều trị y tế. Người đứng đầu LHQ cũng lên án những hình minh họa "hạ đẳng" xuất hiện tràn lan, với những nội dung rằng những người lớn tuổi hơn, nhóm dễ chịu tác động của dịch bệnh, là nhóm "nên hy sinh" để nhường cơ hội cho nhóm khác. Bên cạnh đó, các nhà báo, những người tố giác, các chuyên gia y tế, nhân viên cấp cứu và những nhà hoạt động nhân quyền cũng trở thành đối tượng tấn công chỉ vì thực hiện nhiệm vụ.

TTK LHQ kêu gọi nỗ lực toàn diện để chặn đứng những phát ngôn thù địch trên toàn cầu và lựa chọn các viện giáo dục hỗ trợ tuyên truyền về kỹ năng trong thế giới kỹ thuật số cho giới trẻ. Ông cũng kêu gọi truyền thông, đặc biệt là các công ty truyền thông xã hội, nỗ lực hơn để nhận diện, đánh dấu và gỡ bỏ những nội dung mang tính phân biệt, thù địch và độc hại.

4. Nhiều nước châu Âu bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội 

Sau nhiều tuần áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lây lan, một số nước châu Âu đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa từ ngày 4-5. Hầu hết các nước đều bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. 

 

Thế giới tuần qua: Lao đao vì đại dịch

Cảnh nhộn nhịp đã trở lại ở Broadway Market, thủ đô London (Anh) ngày 3-5. Ảnh: REUTERS

Tại Italy, người dân có thể đi thăm gia đình và gặp gỡ người thân với số lượng hạn chế. Lĩnh vực sản xuất, xây dựng và phân phối cho đại lý được phép hoạt động. Vào ngày 18-5, tất cả các doanh nghiệp bán lẻ, bảo tàng, địa điểm văn hóa và thư viện có thể mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các trường học sẽ vẫn đóng cửa cho đến tháng 9. Du lịch là lĩnh vực tiếp tục bị giới hạn trong phạm vi thành phố cư trú.

Tại Tây Ban Nha, một số cửa hiệu kinh doanh nhỏ có thể tiếp khách riêng lẻ theo lịch hẹn. Tại một số vùng tương đối biệt lập, hầu hết các cửa hàng, bảo tàng, quán bar vườn và nhà hàng, cũng như các khách sạn được phép mở cửa ở mức hạn chế nếu đáp ứng các điều kiện an toàn.  

Tại Bỉ, hoạt động của các doanh nghiệp, hoạt động thể thao ở ngoài trời như tennis, golf hoặc chèo thuyền kayak được phép nối lại. Một số lớp học sẽ đón học sinh vào ngày 18-5, với tối đa 10 người mỗi lớp.  

Tại Đức, các trường học tại nước này sẽ dần nối lại hoạt động. Các tiệm làm tóc, bảo tàng, địa điểm tôn giáo, vườn thú, khu vui chơi cũng được đón khách trở lại. Trong khi đó, các địa điểm văn hóa, quán bar, nhà hàng - ngoại trừ việc bán mang về, khu vui chơi, sân thể thao, vẫn tiếp tục đóng cửa. Các cuộc tụ họp đông người tiếp tục bị cấm cho đến ít nhất là ngày 31-8.  

Cộng hòa Áo cho phép mở lại một số doanh nghiệp không thiết yếu. Các cửa hàng thực phẩm lớn, tiệm làm tóc và các cơ sở thể thao ngoài trời (tennis, golf ...) đã được hoạt động. Hạn chế đi lại được dỡ bỏ, các cuộc tụ họp được phép tối đa 10 người và phải đảm bảo giãn cách xã hội.  

5. Mỹ - Trung đàm phán thương mại trực tuyến. Trung Quốc tiếp tục mở cửa các thị trường tài chính

Ngày 8-5, Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành cuộc đàm phán thương mại trực tuyến với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế vĩ mô và sức khỏe cộng đồng.

 

Thế giới tuần qua: Lao đao vì đại dịch

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 (tháng 1-2020). Ảnh: Getty Images

Bên cạnh đó, hai nước cũng nhất trí sẽ phối hợp để tạo ra một môi trường thuận lợi nhằm thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đã đạt được đầu năm nay. Hai bên cũng nhất trí duy trì liên lạc trong thời gian tới.

Trong một diễn biến khác, ngày 7-5, Trung Quốc đã hoàn thiện các quy định loại bỏ chế độ hạn ngạch theo 2 chương trình đầu tư then chốt, qua đó cho phép các tổ chức nước ngoài đủ tiêu chuẩn được tiếp cận một cách không hạn chế với chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc. Đây là bước đi mới nhất nhằm mở cửa ngành tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Ngoài ra, quy định mới sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với hoạt động gửi tiền và chuyển tiền về nước, cũng như hoạt động đổi tiền của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự tham gia của bên ngoài vào thị trường tài chính của Trung Quốc.

Các quy định sửa đổi trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp đặt các biện pháp kinh tế mạnh mẽ hơn nhằm chống lại Trung Quốc. 

Theo Thanh Sơn/QĐND