Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Đi tìm tiếng nói chung

CN, 01/08/2021 | 07:55 SA

Chương trình vaccine toàn cầu sẽ có thêm nguồn cung trong thời gian tới, Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại liên lạc qua biên giới, lính Mỹ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Iraq… - đó là những tín hiệu tích cực trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề hóc búa tuần qua.

1. COVAX dự kiến có thêm 250 triệu liều vaccine phòng Covid-19   

Ngày 28-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX dự kiến sẽ tiếp nhận 250 triệu liều vaccine Covid-19 trong 6 đến 8 tuần tới.

Đây sẽ là nguồn bổ sung lớn cho cơ chế chia sẻ vaccine đến những nước nghèo hơn. Đến nay, COVAX đã bàn giao 152 triệu liều vaccine cho 137 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

 

Thế giới tuần qua: Đi tìm tiếng nói chung

Ảnh minh họa của: IranPress     

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) và COVAX) đã công bố một cơ chế tài chính mới nhằm thúc đẩy việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển. Theo đó, COVAX sẽ được mua trước - với giá cạnh tranh hơn - từ các nhà sản xuất vaccine dựa trên tổng cầu giữa các quốc gia, bằng nguồn tài chính từ WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass khẳng định cơ chế này sẽ tạo ra nguồn cung mới và cho phép các quốc gia đẩy nhanh việc mua vaccine, đồng thời cung cấp sự minh bạch về tình trạng sẵn có của vaccine, giá cả và lịch trình giao hàng.

Trong khi đó, ngày 27-7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng đã tổ chức phiên tham vấn đầu tiên về thực thi nghị quyết 2565, được thông qua hồi tháng 2-2021 về phân phối công bằng vaccine ngừa Covid -19. Các nước thành viên HĐBA LHQ kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nước cũng như các tổ chức và cơ chế quốc tế để phân phối vaccine công bằng, với mức giá thấp cho các nước trong khủng hoảng.

2. Kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Iraq, lính Mỹ được giao "sứ mệnh" mới

Đây là kết quả thỏa thuận chính thức giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi ngày 26-7 vừa qua. Theo đó, nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq sẽ kết thúc vào cuối năm 2021, sau hơn 18 năm triển khai tại đây và chuyển sang thực thi sứ mệnh mới. Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố khi kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Iraq và cho biết vai trò của quân đội Mỹ sẽ là tiếp tục đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ quân đội Iraq và đối phó với IS khi lực lượng này trỗi dậy.  

 

Thế giới tuần qua: Đi tìm tiếng nói chung

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi. Nguồn: Reuters

Trước đó, Thủ tướng Iraq al-Kadhimi khẳng định “không cần bất kỳ lực lượng tác chiến nước ngoài nào trên đất Iraq”, tuy nhiên Baghdad không tìm kiếm một cuộc rút quân hoàn toàn khi mối đe dọa về sự trỗi dậy của IS vẫn luôn hiện hữu. Iraq sẽ vẫn cần được hỗ trợ từ lực lượng Mỹ trong công tác huấn luyện, tình báo, nâng cao năng lực và tư vấn cũng như hợp tác an ninh. 

Đây là cuộc gặp thứ hai trong số ba cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo Trung Đông của Tổng thống Joe Biden, sau cuộc gặp với Quốc vương Abdullah của Jordan, và trước cuộc gặp tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Điều này cho thấy cả Mỹ và Iraq đều coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như hợp tác song phương theo thỏa thuận năm 2008 quy định việc Mỹ rút quân khỏi Iraq, hay lĩnh vực chính trị, kinh tế, năng lượng, khí hậu, y tế và an ninh, bao gồm các nỗ lực chung nhằm bảo đảm đánh bại IS về lâu dài.

Hiện có khoảng 3.500 binh lính nước ngoài vẫn đang đồn trú trên lãnh thổ Iraq, trong đó có 2.500 lính Mỹ, vốn được điều động tới Iraq để tham gia cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng.

3. Tín hiệu tích cực trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 27-7, Hàn Quốc và Triều Tiên đã mở lại đường dây liên lạc trực tiếp qua biên giới sau 13 tháng đình trệ.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Triều Tiên đã cắt tất cả các kênh liên lạc với Hàn Quốc để phản đối điều mà nước này cho rằng Seoul đã không ngăn cản hành động rải truyền đơn qua biên giới tuyên truyền chống phá Bình Nhưỡng. Triều Tiên cho biết việc khôi phục đường dây nóng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện quan hệ liên Triều. 

 

Thế giới tuần qua: Đi tìm tiếng nói chung

Nhân viên Hàn Quốc thực hiện cuộc gọi thử với phía Triều Tiên hồi tháng 1-2018 thông qua một đường dây nóng được thiết lập tại văn phòng liên lạc liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom. Ảnh: Yonhap 

Kể từ tháng 4 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thư cá nhân nhiều lần và chia sẻ quan điểm về việc thúc đẩy hòa giải liên Triều. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí “đạt bước tiến lớn” trong việc khôi phục lòng tin lẫn nhau và thúc đẩy hòa giải. KCNA cho rằng việc khôi phục các kênh liên lạc với Hàn Quốc “sẽ tác động tích cực đến việc cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều”.

Các nhà phân tích Hàn Quốc cũng đánh giá tích cực về động thái này của Seoul và Bình Nhưỡng. Theo Yonhap, Giáo sư Nam Chang-hee tại Đại học Inha (Hàn Quốc) cho rằng đây là động thái rất quan trọng “cả về mặt biểu tượng và thực thất”, là “bước đi đầu tiên” để quay trở lại “bầu không khí hòa bình” giữa hai bên hồi năm 2018 - thời điểm diễn ra 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 30-7, Seoul đã đề xuất với Bình Nhưỡng thảo luận xây dựng hệ thống họp trực tuyến. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã cho phép các tổ chức dân sự đang triển khai dự án hợp tác nhân đạo với Triều Tiên được vận chuyển vật tư sang nước này trở lại.    

4. Trung Quốc sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại với ASEAN

Quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, trong tương lai, Trung Quốc sẽ tích cực đẩy mạnh quan hệ kinh tế và thương mại với ASEAN bằng cách tăng cường hợp tác chống dịch Covid-19 và cùng thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).

 

Thế giới tuần qua: Đi tìm tiếng nói chung

Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN      

Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 29-7, thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đã tăng vọt 85 lần kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối thoại cách đây 30 năm.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc ông Ren Hongbin cho biết về mặt đầu tư, ASEAN đã trở thành một trong những điểm đến và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn của Trung Quốc, với sự hợp tác bùng nổ trong các lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh.

Theo ông Ren Hongbin, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm liên tiếp. Năm 2020, ASEAN cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tư qua lại giữa ASEAN và Trung Quốc đã vượt 310 tỷ USD tính đến tháng 6, trong khi doanh thu của các doanh nghiệp Trung Quốc từ các hợp đồng dự án tại các nước ASEAN đạt 350 tỷ USD.

5. LHQ lo ngại tính mạng dân thường Afghanistan

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo Afghanistan có thể phải chứng kiến số dân thường thiệt mạng ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua nếu không ngăn chặn được các cuộc tấn công của lực lượng Taliban trên khắp quốc gia Nam Á này. 

 

Thế giới tuần qua: Đi tìm tiếng nói chung

Trẻ em bị thương sau khi phiến quân nã pháo vào một khu dân cư ở Mehtarlam, tỉnh Laghman, Afghanistan, ngày 15-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN 

Trong một báo cáo được công bố ngày 26-7, Phái bộ Hỗ trợ LHQ ở Afghanistan (UNAMA) cảnh báo các binh sĩ Afghanistan và lực lượng ủng hộ chính phủ có thể gây ra 25% số dân thường thương vong. Theo UNAMA, trong nửa đầu năm nay, khoảng 1.650 dân thường đã thiệt mạng và 3.254 người bị thương, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số thương vong đặc biệt tăng mạnh trong tháng 5 và 6 với 783 dân thường thiệt mạng và 1.609 người bị thương. Báo cáo nhấn mạnh tới thực tế đáng lo ngại là phụ nữ, bé trai và bé gái chiếm một nửa số nạn nhân.

Người đứng đầu UNAMA Deborah Lyons nêu rõ thế giới sẽ phải chứng kiến những con số chưa từng thấy về dân thường Afghanistan thiệt mạng và bị thương trong năm 2021 nếu tình trạng bạo lực đang leo thang hiện nay không chấm dứt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ấn định thời hạn cuối cùng vào ngày 31-8 rút hoàn toàn lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan. Các nước khác trong liên quân do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan cũng thông báo việc rút quân. Bạo lực đã gia tăng mạnh tại quốc gia này sau đó. Lực lượng Taliban đã phát động các cuộc tấn công trên khắp Afghanistan kể từ đầu tháng 5 vừa qua. Tính đến thời điểm này, việc rút quân đã gần như hoàn tất, trong khi Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công.  

Theo THANH SƠN/QĐND