Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Diễn biến khó lường

CN, 04/10/2020 | 08:05 SA

Vợ chồng Tổng thống Mỹ mắc Covid-19; Armenia và Azerbaijan leo thang giao tranh quân sự; nguy cơ xung đột thương mại xuyên Đại Tây Dương trở lại… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần.

 1. Vợ chồng Tổng thống Mỹ dương tính với Covid-19

“Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump mắc Covid-19” có lẽ là thông tin nóng nhất hiện nay đối với không chỉ nước Mỹ mà còn gây rúng động truyền thông toàn cầu cũng như cộng đồng thế giới.

Tin này càng gây sốt khi được đặt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp trên toàn cầu và nước Mỹ thì đang ra sức chống lại tốc độ lây lan khủng khiếp của virus SARS-CoV-2 vô cùng nguy hiểm này.

Thế giới tuần qua: Diễn biến khó lường

Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump bị chẩn đoán mắc Covid-19. Ảnh: AP.

Chỉ còn vỏn vẹn 1 tháng nữa là tới thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 3-11), nhiều khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ buộc phải hủy bỏ một loạt các kế hoạch vận động tranh cử trong tuần này và tuần tới, nhất là cuộc tranh luận bầu cử Mỹ tiếp theo giữa ông Donald Trump và Joe Biden dự kiến diễn ra ngày 15-10 tại Miami và ngày 22-10 tại Đại học Belmont ở Nashville.

Theo các chuyên gia, hậu quả của việc nhà lãnh đạo Mỹ mắc Covid-19 có thể là bất cứ điều gì, trong đó có thể là một sự gián đoạn tạm thời trong quá trình tranh cử của hai đối thủ Trump-Biden đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp toàn diện với các tuyên bố cạnh tranh về vị trí tổng thống.

Về phần mình, sau nhiều lần tiếp xúc ở khoảng cách gần với đương kim Tổng thống Mỹ, đơn cử như việc đứng cùng sân khấu tại buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên vào ngày 30-9 tại Cleveland, Ohio, nhưng ông Joe Biden đã được các bác sĩ xác nhận có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

2. Giao tranh quân sự leo thang giữa Armenia và Azerbaijan

Cuộc xung đột quân sự giữa Armenia và Azerbaijan trong những ngày qua liên quan đến khu vực lãnh thổ Nagorny-Karabakh nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ chấm dứt giao tranh và ngồi vào bàn đàm phán.

Kể từ khi bùng phát xung đột từ ngày 27-9, hai bên đấu nhau bằng hỏa lực mạnh và cáo buộc lẫn nhau là bên gây chiến trước. Cả hai đều công bố phía đối phương bị thương vong nặng nề nhưng các thông tin về thương vong cho đến nay đều không được kiểm chứng về độ xác thực. 

Thế giới tuần qua: Diễn biến khó lường

Vỏ đạn pháo chất thành đống tại một vị trí triển khai pháo binh của quân đội Armenia. Ảnh: Reuters.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994.

Trước những diễn biến căng thẳng leo thang ở khu vực Nagorny-Karabakh, trong những ngày qua, nhiều chính trị gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng bắn và đối thoại. Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp và lên tiếng kêu gọi các lực lượng Armenia và Azerbaijan "lập tức ngừng giao tranh" tại khu vực Nagorny-Karabakh.

Diễn biến ở Nagorny-Karabakh cho thấy tính chất phức tạp của cuộc xung đột đang diễn ra, nếu không kịp thời ngăn chặn có thể làm bùng phát một cuộc chiến toàn diện, kéo theo sự tham gia của nhiều bên như mối lo ngại của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cả hai bên giao tranh đều bày tỏ chưa muốn đàm phán vào thời điểm hiện nay. Cộng đồng quốc tế đang gia tăng quan ngại và kêu gọi hai bên ngừng bắn để giải quyết xung đột. 

3. EU, Anh vẫn còn nhiều bất đồng trong đàm phán

Giới chức châu Âu ngày 1-10 cho hay các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã không thể thu hẹp khoảng cách trong vấn đề viện trợ chính phủ, một yếu tố đang cản trở hai bên đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit.

Thế giới tuần qua: Diễn biến khó lường

Ảnh minh họa. Nguồn: The guardian.

Theo giới quan sát, những bất đồng về trợ cấp doanh nghiệp, nghề cá và cách giải quyết tranh chấp đã “phủ bóng đen” lên các cuộc đàm phán giữa EU và Anh về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Trong khi đó, một đạo luật mới được đề xuất của Anh, được cho là sẽ làm suy yếu thỏa thuận “ly hôn” trước đó với EU, đã gây ra một cuộc khủng hoảng mới trong các cuộc đàm phán trong tháng 9-2020.

Với quỹ thời gian đang thu hẹp dần, EU và Anh đang đối mặt với ngày càng nhiều áp lực để đi đến ký kết một thỏa thuận hậu Brexit, nhằm tránh rủi ro cho hoạt động thương mại song phương trị giá hàng nghìn tỷ EUR mỗi năm.

Cả hai bên tuyên bố rằng họ đang hướng tới cùng một mục tiêu, đó là có một thỏa thuận vào cuối tháng 10 để Nghị viện Anh, Nghị viện châu Âu (EP) và một số nghị viện thuộc các quốc gia thành viên có đủ thời gian để phê chuẩn, trước khi quá trình chuyển đổi hậu Brexit kết thúc vào cuối năm nay. Trong các giai đoạn trước của Brexit, quá trình này đã bị chậm trễ đáng kể do Hạ viện Anh nhiều lần bác bỏ.

Dự kiến, trong Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào cuối tuần này tại Brussels, các lãnh đạo EU sẽ cho phép các nhà đàm phán hai bên tiến hành thêm nhiều vòng đàm phán tăng cường trước khi EU họp Thượng đỉnh tiếp theo vào các ngày 15 và 16-10, thời điểm dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận hậu Brexit với Anh.

4. Nguy cơ xung đột thương mại xuyên Đại Tây Dương trở lại

Ngày 30-9, Hội đồng giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cho phép Liên minh châu Âu (EU) áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ để chống lại khoản viện trợ bất hợp pháp mà Chính phủ Mỹ dành cho nhà sản xuất máy bay Boeing.

Thế giới tuần qua: Diễn biến khó lường

Ảnh minh họa. Nguồn: Foreign Policy

Phán quyết của WTO chiếm 1/3 so với những gì EU yêu cầu, là bước ngoặt mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài 16 năm giữa Boeing và Airbus và nó chỉ đại diện cho một trong số nhiều nguồn xung đột trong mối quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ.

EU trước đó cho biết, sẽ hành động ngay lập tức để chống lại mức thuế 7,5 tỷ USD mà Washington áp lên hàng hóa châu Âu trong một vụ kiện riêng liên quan đến hãng máy bay Airbus có trụ sở tại Pháp. 

Quyết định của cơ quan trọng tài được đưa ra vào một thời điểm tế nhị, với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang trong giai đoạn nước rút và trong bối cảnh Mỹ và EU đang vật lộn để phục hồi sau cuộc suy thoái do dịch Covid-19 gây ra.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Cato có trụ sở tại Washington, Mỹ nhận định, nếu hai bên không thể giải quyết tranh chấp máy bay ăn miếng trả miếng, thì sẽ có một cuộc chiến thuế quan khác, với người tiêu dùng, nhà sản xuất ở cả hai bên bị mắc kẹt và phải trả giá.

5. Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ lập đường dây nóng ngăn xung đột

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã lập một đường dây nóng nhằm tránh những va chạm bất ngờ tại Đông Địa Trung Hải, nơi hai bên đang tranh chấp liên quan đến tài nguyên năng lượng và biên giới biển.

Tuyên bố của NATO nêu rõ: "Sau một loạt các cuộc gặp mang tính kỹ thuật giữa các đại diện quân sự Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tại trụ sở của NATO ở Brussels, một cơ chế giảm xung đột quân sự song phương đã được thiết lập ngày 1-10". Cơ chế mới được thiết kế nhằm giảm nguy cơ xảy ra các sự cố bất ngờ tại Đông Địa Trung Hải, bao gồm việc thiết lập một đường dây nóng giữa hai nước.

Thế giới tuần qua: Diễn biến khó lường

Tàu thăm dò địa chất Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Middle East Online.

Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng ra tuyên bố hoan nghênh động thái “mang tính đột phá” này, đồng thời bày tỏ cảm ơn hai bên vì “cam kết mang tính xây dựng”. Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh cơ chế an toàn trên có thể giúp tạo một không gian cho các nỗ lực đối thoại nhằm giải quyết tranh chấp và cho biết thêm rằng NATO "sẵn sàng phát triển cơ chế này hơn nữa".

Hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt từ lâu là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ-hai nước thành viên NATO. Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu thăm dò địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã gây ra những căng thẳng mới giữa hai nước, thậm chí hai bên tiếp tục leo thang căng thẳng với nhiều hoạt động trên quân sự trên biển.

Chính quyền Athens đã nhiều lần kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara từ bỏ những đòi hỏi sở hữu các tuyến hàng hải tại các khu vực tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi các nước EU từ bỏ chính sách ủng hộ “một cách mù quáng” các nước thành viên của mình là Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus trong cuộc đối đầu căng thẳng về các quyền thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.

Theo Ngân Anh/QĐND