Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: “Cơn bão” Covid-19 chưa ngớt

CN, 03/05/2020 | 07:22 SA

Tình hình lây lan của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Mỗi ngày, thế giới lại chứng kiến thêm hàng chục nghìn người nhiễm và tử vong vì dịch bệnh. 

1. Đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng

Đến 8 giờ sáng 2-5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận gần 3,4 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 1 triệu bệnh nhân bình phục và trên 239.000 ca tử vong.

Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về tất cả các chỉ số ca nhiễm mới (36.084), ca tử vong mới trong ngày (1.894), cũng như về tổng số ca mắc bệnh (1,13 triệu) và tổng số ca tử vong (65.753).

Thế giới tuần qua: “Cơn bão” Covid-19 chưa ngớt

Mỹ vẫn là tâm điểm dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, phần lớn châu Âu tiếp tục xu thế hạ nhiệt căng thẳng dịch bệnh. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những châu lục bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới với số người nhiễm và tử vong lần lượt là gần 1,4 triệu và 137.409 trường hợp. Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức, Anh và mới nhất là Nga và Brazil vẫn là những điểm nóng về dịch Covid-19.

Chính phủ các nước trên thế giới đang dần nới lỏng lệnh phong tỏa hoặc các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phục hồi nền kinh tế, nhưng có rất ít quốc gia sẵn sàng mở cửa biên giới lúc này bởi virus corona chủng mới bùng phát chưa có nhiều dấu hiệu lắng dịu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1-5 tuyên bố dịch Covid-19 vẫn là “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế” (PHEIC), khi mà bệnh lây lan ngày càng rộng tại các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém.

2. Báo động tỷ lệ thất nghiệp vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao chưa từng có trong lịch sử.

Theo báo cáo tháng 4 của Liên hợp quốc (LHQ), trong quý II-2020, 195 triệu người trên khắp thế giới sẽ mất việc do tình trạng lây lan của virus corona chủng mới.

Thế giới tuần qua: “Cơn bão” Covid-19 chưa ngớt

Covid-19 làm tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu. Ảnh: Alton Telegraph.

Các chuyên gia LHQ dự báo, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân, công dân tự làm chủ, người tị nạn và người di cư.

Dưới hình thức này hay một hình thức khác, virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến 80% người trong tuổi lao động trên thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa, 1,25 tỷ người lao động trên toàn cầu bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương. 

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho thấy, châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất - nơi trong quý II-2020 sẽ có tới khoảng 125 triệu lao động (làm việc toàn phần) mất việc làm so với con số 20 triệu ở châu Âu.

Giám đốc ILO Guy Ryder khẳng định các quốc gia cần chung tay huy động khẩn cấp sự đoàn kết trên quy mô toàn cầu thay vì dựa vào các hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia, vốn rất yếu kém tại nhiều nơi trên thế giới.

3. Căng thẳng Mỹ, Iran vẫn chưa hạ nhiệt

Ngày 29-4, các quan chức của Mỹ và Iran đã có những tuyên bố mạnh mẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ không cho phép Tehran mua khí thông thường sau khi lệnh cấm vũ khí của Liên hợp quốc đối với nước này hết hạn vào tháng 10 tới.

Thế giới tuần qua: “Cơn bão” Covid-19 chưa ngớt

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN.

Trong khi đó, hãng thông tấn Tasnim dẫn lời người phát ngôn Các lực lượng vũ trang Iran Abolfazl Shekarchi nói rằng Tehran sẽ đáp trả tàn khốc nếu tàu Mỹ vi phạm lãnh hải Iran.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã ra lệnh cho Hải quân Mỹ bắn vào "tàu vũ trang" của Iran "quấy nhiễu" tàu chiến Mỹ tại vùng Vịnh. Ông Shekarchi cảnh báo: "Người Mỹ chắc đã thấy rằng nếu họ có hành động gây hấn nhỏ nhất nhằm vào lãnh hải của Cộng hòa Hồi giáo Iran hoặc lợi ích của dân tộc chúng tôi, họ sẽ nhận được sự cứng rắn hơn trước đây".

Trước đó, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran kêu gọi Mỹ rút tất cả các lực lượng khỏi Tây Á sau khi căng thẳng giữa hải quân hai nước gia tăng tại vùng Vịnh.

4. “Bộ tứ Normandy” họp về xung đột ở miền Đông Ukraine

Bộ trưởng ngoại giao các nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine ngày 30-4 đã thảo luận về nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở miền Đông Ukraine, song hầu như không thu được kết quả như mong đợi.  

Cuộc thảo luận giữa 4 nhà ngoại giao hàng đầu của nhóm “Bộ tứ Normandy” được tiến hành trực tuyến do đại dịch Covid-19, diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 12-2019 khi Mocow và Kiev đã nhất trí ngừng bắn và rút quân.

Thế giới tuần qua: “Cơn bão” Covid-19 chưa ngớt

Binh sĩ Ukraine gác tại trạm kiểm soát gần thị trấn Zolote, vùng Lugansk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Kyiv Post.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, lệnh ngừng bắn không được tuân thủ và đã có dân thường thương vong, đồng thời nêu rõ rằng Kiev, Donetsk và Lugansk cần thực hiện các biện pháp bổ sung để duy trì thỏa thuận ngừng bắn.

Bên cạnh đó, Moscow và Kiev còn tiếp tục cáo buộc lẫn nhau khi Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, Ukraine “né tránh đối thoại trực tiếp với Donetsk và Lugansk”, còn người đồng cấp Ukraine, ông Dmytro Kuleba khẳng định, Kiev không đối thoại với “các nhóm bất hợp pháp” và cáo buộc Moscow không thực hiện cam kết của chính mình.

Hơn 13.000 người đã thiệt mạng ở Ukraine vì xung đột nổ ra sau khi phe ly khai nắm quyền kiểm soát nhiều khu vực của tỉnh Donetsk và Lugansk trong bối cảnh Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

5. EU yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công mạng

Ngày 30-4, Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc các bên không được nêu tên cụ thể đã lợi dụng đại dịch Covid-19 để tung ra các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ chăm sóc y tế.

Trong một tuyên bố thay mặt cho 27 nước thành viên, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cho biết thời gian qua đã xảy ra một loạt các cuộc tấn công mạng nhắm vào các nước châu Âu, làm ảnh hưởng đến các hệ thống quan trọng và cần thiết cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng y tế.

Thế giới tuần qua: “Cơn bão” Covid-19 chưa ngớt

Ảnh minh họa. Nguồn: CSO Online.

Ông Borrell nhấn mạnh EU và các quốc gia thành viên lên án hành vi độc hại này và khẳng định bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại khả năng của các cơ sở hạ tầng quan trọng là không thể chấp nhận được. Các thủ phạm phải lập tức chấm dứt các hành động vô trách nhiệm và làm tổn hại đến sự ổn định, điều có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của mọi người.

Người dùng internet đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công cũng như các kế hoạch lừa đảo trên không gian mạng liên quan đến đại dịch Covid-19, trong đó nổi lên một số hình thức như gửi email mạo danh các cơ quan y tế, chào bán sản phẩm giả hay yêu cầu quyên góp từ thiện “ma”.

Cuối tháng Ba vừa qua, tập đoàn công nghệ quốc phòng Pháp Thales cũng đã cảnh báo hiện tượng cả giới tội phạm và các chủ thể được hỗ trợ bởi nhà nước đều lợi dụng đại dịch để tiến hành tấn công mạng.

6. Thỏa thuận kháng cáo tạm thời cho các tranh chấp WTO có hiệu lực

Ủy ban châu Âu ra thông báo cho biết Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khác đã chính thức hiệu lực hóa Thỏa thuận nhiều bên về kháng cáo tạm thời (MPIA) đối với các tranh chấp của WTO.

Thông báo này đánh dấu sự khởi đầu của việc áp dụng thỏa thuận MPIA cho các tranh chấp phát sinh giữa các thành viên WTO. Thỏa thuận đảm bảo rằng các thành viên WTO tham gia sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ hệ thống giải quyết tranh chấp trong WTO.

Thế giới tuần qua: “Cơn bão” Covid-19 chưa ngớt

Ảnh: WTO.

Thỏa thuận MPIA sẽ hoạt động theo khuôn khổ WTO, dựa trên một điều khoản trong Nghị định về giải quyết tranh chấp của WTO đối với trọng tài tranh chấp (Điều 25 DSU). Thỏa thuận này dựa trên các quy tắc thông thường của WTO áp dụng cho kháng cáo, nhưng cũng chứa một số yếu tố mới để tăng cường hiệu quả thủ tục.

Với việc hiệu lực hóa thỏa thuận này, các thành viên WTO bắt đầu đưa ra một nhóm 10 trọng tài viên có thể được kêu gọi để nghe các kháng cáo trong tương lai. Trọng tài viên để phục vụ cho các kháng cáo cụ thể sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên từ nhóm trọng tài đó.

Theo Ngân Anh/QĐND