Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Bóng đen Covid-19 dai dẳng

CN, 17/05/2020 | 10:07 SA

Mặc dù số người mắc Covid-19 đã giảm nhưng thế giới vẫn còn một số vùng dịch đáng lo ngại. Nhiều quốc gia tiếp tục nới lỏng các hạn chế phòng dịch, trong khi tình hình vẫn diễn biến phức tạp ở Mỹ và các nước Mỹ Latinh.

1. Covid-19 phủ bóng đen trên toàn cầu

Tính đến sáng 16-5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 4,62 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 308.000 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là khoảng 1,76 triệu người.

Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.483.995 ca nhiễm (tăng 26.402 ca trong 24 giờ qua) và 88.485 ca tử vong (tăng 1.573 ca). Tiếp đến là Tây Ban Nha với 274.367 ca nhiễm và 27.459 ca tử vong, Nga (262.843 ca nhiễm và 2.418 ca tử vong), Anh (236.711 ca nhiễm và 33.998 ca tử vong) và Italy (223.885 ca nhiễm và 31.610 ca tử vong).

Thế giới tuần qua: Bóng đen Covid-19 dai dẳng

Diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Forbes.

Tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil, Mexico và Chile ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng đột biến. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Brazil có 15.305 ca nhiễm mới và 824 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên lên 218.223, trong đó 14.817 ca tử vong. Mexico ghi nhận 2.409 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 42.595, và 257 ca tử vong trong tổng số 4.477 trường hợp. Chile cũng có thêm 2.502 ca mắc bệnh trong ngày, tổng số ca là 39.542, trong đó có 394 ca tử vong.

Lesotho thông báo nước này đã ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, qua đó trở thành quốc gia cuối cùng ở châu Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nguy hiểm chết người này.

Trong khi đó, Đức, Italy, các nước vùng Baltic, Australia, Nhật Bản… bắt đầu hoặc thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở lại các hoạt động xã hội sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã có chiều hướng thuyên giảm.

2. Quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 tiếp tục khoét sâu những mâu thuẫn vốn có và làm gia tăng những căng thẳng mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14-5 đã tuyên bố có thể cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Đây là phát biểu quyết liệt nhất của ông Donald Trump về quan hệ với Trung Quốc, liên quan đến xử lý đại dịch Covid-19.

Thế giới tuần qua: Bóng đen Covid-19 dai dẳng

Ảnh minh họa. Nguồn: Baltic News Network.

Thông điệp cứng rắn của ông Trump xuất hiện giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng xoay quanh vấn đề nguồn gốc đại dịch và cách Trung Quốc ứng phó dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu bùng phát.

Về phần mình, Bắc Kinh phản bác tất cả cáo buộc về đại dịch khi nhấn mạnh, nước này luôn minh bạch trong cuộc chiến chống Covid-19 và đã hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới. Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng tấn công Trung Quốc, mà thay vào đó tập trung bảo vệ công dân của mình và đóng góp nhiều hơn cho hợp tác toàn cầu chống dịch Covid-19.

Với tư cách là hai nền kinh tế đầu tàu thế giới, những tranh cãi liên quan đến dịch Covid-19 không chỉ có tác động tiêu cực trực tiếp đến mối quan hệ của hai nước mà còn ảnh hưởng lớn đến quá trình hợp tác quốc tế trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

3. Israel thành lập được chính phủ mới

Chính phủ mới của Israel do Thủ tướng B.Netanyahu đứng đầu đã chính thức được thành lập, chấm dứt 18 tháng bế tắc chính trị ở nước này. 

Theo thỏa thuận, đảng Likud của ông B.Netanyahu và đảng Xanh-Trắng của ông B.Gantz sẽ chia đôi thời gian cầm quyền, với việc ông B.Netanyahu đảm nhận vị trí thủ tướng trong 18 tháng đầu, còn ông B.Gantz giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Sau đó, ông B.Gantz sẽ lên làm thủ tướng trong 18 tháng tiếp theo. 

Thế giới tuần qua: Bóng đen Covid-19 dai dẳng

Thủ lĩnh Đảng Xanh-Trắng B.Gantz (bên trái) và ông B.Netanyahu-Chủ tịch Đảng Likud sẽ thay nhau giữ vị trí Thủ tướng trong Chính phủ liên minh ở Israel.  Ảnh: The Times of Israel.

Trước mắt, chính phủ mới sẽ phải đối mặt những thách thức trong phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cũng như tập trung cho các vấn đề ưu tiên trong quan hệ quốc tế.

Ðây là kết quả của quá trình đàm phán khó khăn giữa hai chính đảng chủ chốt, tránh cho Israel phải tổ chức thêm một cuộc bầu cử sau ba lần bỏ phiếu liên tiếp trong hơn một năm qua.

Tuy nhiên, còn tồn tại không ít bất đồng và khác biệt giữa hai đảng phái trong chính phủ chia sẻ quyền lực mà hai bên cần phải nỗ lực vượt qua. Có thể nói, sóng gió đã qua, song chính phủ mới được dự báo sẽ còn phải chèo lái Israel vượt khó để hướng tới ổn định và phát triển.

4. Trung Quốc không đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ, Nga

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 14-5 cho biết, nước này không có ý định tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán 3 bên nào về kiểm soát vũ khí hạt nhân, với Mỹ và Nga, bất chấp việc Washington liên tục đề nghị.

Thế giới tuần qua: Bóng đen Covid-19 dai dẳng

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 trong cuộc diễu binh năm 2019 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho biết ông sẽ đề xuất một sáng kiến kiểm soát vũ khí hạt nhân 3 bên với Nga và Trung Quốc nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí hạt nhân chiến lược mới (START mới) ký năm 2010 sẽ hết hạn vào tháng 2-2021, và Mỹ hiện không cam kết gia hạn hiệp ước này, đồng thời phát đi tín hiệu rằng Washington muốn một cơ chế kiểm soát vũ khí sửa đổi có sự tham gia của Trung Quốc.

Trước đó, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết, LHQ hy vọng rằng Mỹ và Nga có thể đạt được thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước START mới, còn gọi là START-3.

Cho đến nay, Moscow khẳng định vẫn chưa nhận được tín hiệu từ phía Washington về ý định gia hạn Hiệp ước START mới. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov lưu ý rằng Washington, theo tất cả các dấu hiệu cho thấy, có lẽ sẽ quyết định không gia hạn hiệp ước.

5. Anh và EU vẫn bế tắc sau 3 vòng đàm phán hậu Brexit

Ngày 15-5, Liên minh châu Âu (EU) cho biết cuộc đàm phán về quan hệ thương mại mới với Anh trong tuần qua không mấy khởi sắc khiến khả năng đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay càng thêm khó khăn. 

Giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời khỏi EU vào tháng 1-2020 sắp kết thúc, cả hai bên đều gặp phải bế tắc trong các cuộc đàm phán để đưa ra các nguyên tắc hợp tác mới từ năm 2021 về các vấn đề thương mai, ngư trường và an ninh.

Thế giới tuần qua: Bóng đen Covid-19 dai dẳng

Anh và EU còn nhiều bất đồng. Ảnh minh họa. Nguồn: The Parliament Magazine.

EU cho rằng cần kết thúc đàm phán trong tháng 10 để có đủ thời gian cho Nghị viện châu Âu và 27 quốc gia thành viên tiến hành phê chuẩn thỏa thuận mới. Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn khẳng định sẽ không từ bỏ quyền của một quốc gia độc lập để khuất phục trước những yêu cầu của EU trong các cuộc đàm phán.

Cho đến nay,  EU và Anh đã tiến hành 3 vòng đàm phán thương mại sau khi Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit) trong bối cảnh hai bên đều đang phải đối mặt với những thách thức trước mắt nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.

Cả hai vòng đàm phán trước diễn ra vào tháng 3 và tháng 4 đều không đạt được tiến bộ. Phía EU cho rằng Anh chỉ tập trung vào các vấn đề mà họ quan tâm và bỏ qua những nội dung thiết yếu đối với các thành viên EU. Đáp lại, Anh cho biết nước này hoàn toàn thiện chí trong quá trình đàm phán và khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán trên tinh thần xây dựng để tìm ra giải pháp cân bằng phản ánh thực tế chính trị ở cả hai phía. 

6. Tổng giám đốc WTO bất ngờ từ chức

Ông Roberto Azevêdo, Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã bất ngờ tuyên bố từ chức hôm 14-5.

Theo thông báo của WTO, ông sẽ chính thức rời khỏi cương vị tổng giám đốc tổ chức này vào ngày 31-8, sớm hơn một năm so với nhiệm kỳ. Nếu không có việc từ chức đột ngột, nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai của ông Azevêdo sẽ kết thúc vào tháng 9-2021. Ông giữ vai trò Tổng giám đốc WTO từ năm 2013.

Thế giới tuần qua: Bóng đen Covid-19 dai dẳng

Ông Roberto Azevêdo. Ảnh: Firstpost.

Các nhà quan sát cho rằng, trong thời gian tại nhiệm, ông Azevêdo đã gặp phải không ít khó khăn vì chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hoạt động của tổ chức này đã gặp phải nhiều khó khăn kể từ cuối năm ngoái do sức ép từ phía Washington.

Tuy nhiên, ông Azevêdo cho biết việc ông từ chức không liên quan gì đến căng thẳng với chính quyền Mỹ. Thay vào đó, ông nói rằng muốn cho các nước thành viên của WTO có thời gian để chọn người kế nhiệm ông, bởi lẽ đây là một quá trình khó khăn.

Dù vậy, sự ra đi của ông Azevêdo có nguy cơ khơi mào một cuộc đấu khốc liệt về người sẽ ngồi vào khoảng trống quyền lực mà ông để lại ở WTO, giữa lúc thế giới đối mặt vô số khó khăn kinh tế và căng thẳng thương mại. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ưu thế ở hệ thống đa phương này, còn các quốc gia phát triển lại đòi hỏi một ứng viên phi phương Tây. 

Theo Ngân Anh/QĐND