Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng giữa đại dịch

CN, 21/03/2021 | 07:52 SA

Đụng độ gây thương vong giữa người biểu tình và cảnh sát khiến tình hình chính trị-xã hội tại Myanmar tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, xả súng do phân biệt chủng tộc tại Mỹ, tấn công bạo lực tại một số nước châu Phi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

1. Myanmar: Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình gây thương vong

Truyền thông quốc tế đưa tin, đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại Myanmar ngày 14-3 đã khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và 40 người bị thương, bất chấp thiết quân luật đã được ban bố tại hai quận ở cố đô Yangon.

Hội đồng Hành pháp Nhà nước Myanmar ngày 15-3 đã mở rộng lệnh thiết quân luật ra một số khu vực ở Yangon, đồng thời trao quyền hành pháp và tư pháp cho chỉ huy vùng Yangon để đảm bảo an ninh và duy trì luật pháp, cũng như sự yên bình cho địa phương.

 

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng giữa đại dịch

Cảnh sát Myanmar siết chặt an ninh tại quận Hlaingthaya, thành phố Yangon ngày 14-3-2121. Ảnh: AFP/TTXVN 

Bế tắc chính trị đang đẩy giá lương thực và nhiên liệu leo thang, khiến những người dễ bị tổn thương nhất tại quốc gia Đông Nam Á này rơi sâu thêm vào cảnh nghèo đói.

Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) ngày 16-3 cho biết, giá dầu cọ tại một số khu vực xung quanh Yangon - thành phố lớn nhất tại Myanmar, đã tăng tới 20% so với hồi đầu tháng 2. Giá gạo ở các khu vực ven đô của Yangon và Mandaly - thành phố lớn thứ hai của nước này cũng tăng 4% kể từ tuần cuối cùng của tháng 2. Trên phạm vi cả nước, giá gạo đã tăng 3% từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2, trong khi giá ở một số khu vực tăng từ 20-35%. Tại thị trấn Maungdaw thuộc bang Rakhine, miền Bắc Myanmar, giá các loại đậu cũng tăng 15%.

Trong khi đó, giá nhiên liệu tại Myanmar cũng tăng 15% kể từ ngày 1-2, đặc biệt là tại bang Rakhine, miền Bắc nước này, làm dấy lên quan ngại giá lương thực có thể leo thang hơn nữa.

2. Vấn nạn phân biệt chủng tộc lan rộng tại Mỹ

Vụ xả súng súng liên tiếp khiến 9 người thương vong ở Atlanta ngày 16-3 vừa qua đã làm dấy lên những quan ngại về vấn nạn phân biệt chủng tộc lan rộng tại Mỹ. Ngày 18-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các địa điểm thuộc quyền quản lý của chính phủ liên bang để tưởng niệm các nạn nhân, với 6 trên tổng số 8 nạn nhân là phụ nữ gốc châu Á. NBC News dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông thấu hiểu được sự lo lắng của cộng đồng người Mỹ gốc Á. “Cho dù động cơ là gì, tôi biết rằng những người Mỹ gốc Á đang lo lắng. Tôi đang nói về sự tàn bạo nhằm vào người Mỹ gốc Á. Điều đó rất đáng quan ngại”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.

 

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng giữa đại dịch

Người dân khu phố người Hoa ở Washington phản ứng với vụ xả súng ở các spa tại Atlanta, Mỹ. Ảnh: AFP 

Tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc châu Á tại Mỹ được cho là gia tăng trong thời gian đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Phát biểu tại phiên điều trần của một tiểu ban của Hạ viện, nghị sĩ Steve Cohen nhấn mạnh các vụ tấn công nhằm vào người gốc Á ngày càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ngày một xấu đi. Riêng trong năm ngoái, đã có gần 3.800 vụ việc chống người gốc Á. 

Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, công bố ngày 16-3, chưa đầy một năm kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, trung tâm này đã tiếp nhận báo cáo về 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương trên toàn nước Mỹ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân

Vụ việc trên còn làm dấy lên quan ngại về vấn nạn bạo lực súng đạn cũng như việc sở hữu súng đạn - vấn đề gây chia rẽ ở Mỹ trong nhiều năm qua. Phần lớn đảng viên Cộng hòa phản đối mạnh mẽ việc hạn chế súng khi cho rằng dự luật như vậy sẽ vi phạm Tu chính án số 2 Hiến pháp Mỹ về quyền sở hữu súng, đồng thời khẳng định điều này không giúp người dân Mỹ an toàn hơn. Trong khi đó, đảng Dân chủ mong muốn có những đạo luật mới để kiềm chế bạo lực súng đạn tại Mỹ và đảm bảo các loại "hàng nóng" không rơi vào tay những phần tử nguy hiểm.

3. Tấn công gây nhiều thương vọng tại Yemen, Niger và Cộng hòa Congo

Ngày 14-3, nguồn tin từ quân đội Yemen cho biết phiến quân Houthi cùng ngày đã bắn tên lửa vào một ngôi trường ở vùng Taiz, nơi các lực lượng thân chính phủ đang đồn trú, khiến 15 binh sĩ cùng 3 trẻ em thiệt mạng.

 

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng giữa đại dịch

Trẻ em Yemen tại trại tị nạn Dharawan ở gần Sanaa. Ảnh: THX/TTXVN 

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 16-3, các nước thành viên HĐBA LHQ lên án các vụ tấn công tại nhiều nơi ở Yemen, đặc biệt tại tỉnh Marib, Taiz, thủ đô Sanaa và thành phố cảng Houdaydah, khiến nhiều người chết và bị thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em và các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Saudi Arabia, bao gồm các mục tiêu dân sự; kêu gọi giúp Yemen giải quyết nạn đói và các bên không cản trở các hoạt động nhân đạo, thực hiện bảo vệ thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; thực hiện đầy đủ các Hiệp định Stockholm và Riyadh.

Hiện có hơn 20 triệu người Yemen cần trợ giúp nhân đạo, trong đó có 5 triệu người đang bên bờ vực nạn đói và 1 triệu người buộc phải rời nơi cư trú. Các hoạt động nhân đạo tiếp tục gặp khó khăn do thiếu hụt tài chính, khủng hoảng kinh tế. Giá nhiên liệu tăng cao cũng đang làm tăng giá hàng hoá thiết yếu.

Tại Niger, chính phủ nước này ngày 16-3 cho biết, ít nhất 58 người thiệt mạng, 1 người bị thương và nhiều kho chứa lương thực, phương tiện bị đốt cháy trong 2 vụ tấn công liên tiếp nhằm vào xe buýt và những ngôi làng giáp biên giới với Mali.

Những phần tử vũ chưa xác định được danh tính đã tấn công 4 chiếc xe buýt đang chở khách từ thị trấn Banibangou tới làng Chinedogar, khiến 20 người thiệt mạng. Ngay sau đó, một số phần tử có vũ trang tiếp tục tấn công nhiều ngôi làng ở Tillaberi, nằm trong khu vực ngã ba biên giới của Niger, Burkina Faso và Mali, sát hại khoảng 30 người. Khu vực này là một điểm nóng về an ninh, thường xuyên xảy ra các vụ tấn công khiến nhiều dân thường thiệt mạng.

Niger là một phần trong liên minh các quốc gia Sahel, được Pháp hậu thuẫn, đang chiến đấu với các nhóm thánh chiến, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo khu vực Tây Phi (ISWAP), là một chi nhánh của Boko Haram có liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Còn tại CHDC Congo, ngày 19-3, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố báo cáo cho biết, gần 200 người thiệt mạng và 40.000 người rời bỏ nhà cửa kể từ tháng 1 vừa qua sau làn sóng tấn công của phiến quân Lực lượng Dân chủ đồng minh (ADF) tại Đông Bắc CHDC Congo.  

Trong báo cáo trên, UNHCR bày tỏ quan ngại về thực trạng gia tăng "đáng báo động" các cuộc tấn công của ADF, lực lượng vũ trang Hồi giáo Uganda hiện diện tại miền Đông Congo từ năm 1995. Từ đầu năm tới nay, các cuộc tấn công bạo lực tại vùng lãnh thổ Beni thuộc tỉnh North Kivu và Ituri đã cướp đi sinh mạng của gần 200 người, nhiều người khác bị thương và hơn 40.000 người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong gần 3 tháng qua, ADF bị cáo buộc tấn công 25 làng, đốt cháy nhiều nhà cửa và bắt cóc hơn 70 người.

ADF là nhóm phiến quân khét tiếng nhất trong 122 nhóm đang hoạt động tại miền Đông Congo. Năm ngoái, lực lượng này đã giết hại khoảng 460 người. Theo tổ chức Theo dõi An ninh Kivu (KST), một tổ chức phi chính phủ giám sát bạo lực tại khu vực, từ năm 2017 đến nay, ADF đã tàn sát hơn 1.200 dân thường tại riêng vùng Beni.

4. WHO lên tiếng về việc sử dụng “hộ chiếu vaccine điện tử” 

Ngày 16-3, giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng “hộ chiếu vaccine điện tử” có thể là công cụ rất hữu ích nhưng đồng thời cảnh báo về việc sử dụng loại chứng nhận này, đặc biệt đối với các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới “vô cùng hỗn độn”. 

 

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng giữa đại dịch

 Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, nhấn mạnh việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng điện tử trên các chuyến bay quốc tế có thể không công bằng vì việc tiêm chủng ngừa Covid-19 hiện nay chưa được thực hiện rộng rãi và phân phối đồng đều trên thế giới.

Hiện một số quốc gia như Mỹ và Anh đang xem xét sử dụng chứng nhận tiêm chủng điện tử, trong khi Liên minh châu Âu (EU) ngày 1-3 công bố kế hoạch cấp “giấy thông hành xanh”.

WHO đang phối hợp với các đối tác để phát triển giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử do việc có chứng chỉ số trên điện thoại di động sẽ có lợi hơn là có chứng chỉ bằng giấy.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại vấn đề bảo mật thông tin cá nhân từ “hộ chiếu vaccine điện tử” và tình trạng đặc quyền, sự kỳ thị và bất bình đẳng giữa người đã được và chưa được chủng ngừa.

5. Chiến dịch tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh tại các nước

Theo số liệu tổng hợp của hãng tin AFP cho thấy đã có hơn 400 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được phân phối trên khắp thế giới. Con số này cho thấy chiến dịch tiêm chủng vaccine đã được đẩy nhanh tại các nước trong thời gian gần đây. Cụ thể, đã có 100 triệu liều vaccine được sử dụng tiêm chủng trong 11 ngày gần đây nhất, nhanh gấp 6 lần so với 100 liều vaccine đầu tiên.

 

Thế giới tuần qua: Bạo lực gia tăng giữa đại dịch

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN 

Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) Emer Cooke khẳng định vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) là chế phẩm "an toàn, hiệu quả" và không gây ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng, qua đó xóa tan nghi ngại về những tác dụng phụ của chế phẩm này. Để đi đến kết luận trên, EMA đã điều tra từng trường hợp, tham vấn các nhà khoa học tại 27 quốc gia thành viên EU. Trong tổng số 5 triệu người châu Âu đã được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca, có 30 người xuất hiện triệu chứng máu vón cục. EMA khẳng định, đối với cả 30 trường hợp này, cục máu đông hình thành không liên quan đến việc vừa tiêm chủng vaccine trước đó.

Ngay sau thông báo trên của EMA, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đức, Pháp, Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva, Indonesia đã nối lại việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca sau khi các cơ quan quản lý của Anh và châu Âu khẳng định tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này.

Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 19-3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 122.533.849 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 2.705.812 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 98.766.829 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 552.556 ca tử vong trong tổng số 30.365.111 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 287.795 ca tử vong trong số 11.787.600 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 159.451 ca tử vong trong số 11.520.268 bệnh nhân.

Theo THANH SƠN/QĐND