Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành

CN, 26/04/2020 | 09:12 SA

Tuần qua, đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt, không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, mà còn khiến hoạt động kinh tế-xã hội tại nhiều quốc gia, khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thách thức ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Khủng hoảng rất có thể sẽ bùng phát, nếu không được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời…

1. Đông Nam Á nguy cơ trở thành một điểm nóng mới của đại dịch Covid-19

Với số ca nhiễm hiện đã lên đến hàng chục nghìn người và tốc độ lây lan cấp số nhân ở một số nước chỉ trong thời gian ngắn, khu vực Đông Nam Á đang có nguy cơ trở thành một điểm nóng mới của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Tính đến sáng 22-4, khu vực này ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó 88,8% là ở Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia.

 

Thế giới tuần qua: Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành

Lao động nước ngoài được kiểm tra y tế tại Singapore ngày 8-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN.

Nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch Covid-19, hiện các nước ASEAN đều đang áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly xã hội ở nhiều mức độ khác nhau. Philippines là một trong những quốc gia đầu tiên tại khu vực thực hiện, với khoảng 50% trong tổng số 107 triệu dân thuộc diện cách ly. Singapore đóng cửa toàn bộ các công sở, dịch vụ không thiết yếu từ ngày 7-4, các trường học chuyển sang học trực tuyến từ ngày 8-4. Tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, thủ đô Jakarta triển khai giãn cách xã hội trên diện rộng, đóng cửa các trung tâm thương mại, các chợ chuyển sang bán hàng trực tuyến và các nhà hàng chỉ cung cấp dịch vụ cho khách mang đi, việc tụ họp trên 5 người bị cấm.

Trong khi đó, Malaysia áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc với những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ ngày 18-3. Thái Lan coi giãn cách xã hội là "một vũ khí mạnh" để chống lại Covid-19 và đặt mục tiêu đạt 80% dân số thực hiện giãn cách xã hội.

Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h30 sáng giờ Việt Nam ngày 24-4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.715.614 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 190.422 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân đã phục hồi là 745.045 người.

Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 879.430 ca nhiễm và 49.769 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 213.024 ca nhiễm và 22.157 ca tử vong, Italy với 189.973 ca nhiễm và 25.549 ca tử vong, Pháp với 158.183 ca nhiễm và 21.856 ca tử vong, Đức với 153.129 ca nhiễm và 5.575 ca tử vong.

2. Cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng từ trước dịch Covid-19

Ngày 21-4, Liên hợp quốc (LHQ) công bố Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực, trong đó nêu rõ sự mất an ninh lương thực đã gia tăng từ năm ngoái và dịch Covid-19 dường như làm trầm trọng thêm tình hình.

 

Thế giới tuần qua: Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành

Công nhân chuyển lương thực cứu trợ cho người tị nạn Palestine tại trại tị nạn ở Gaza. Ảnh: THX/TTXVN.

Theo báo cáo, năm ngoái có 135 triệu người ở 55 quốc gia phải sống trong tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng hoặc tình trạng nhân đạo khẩn cấp. Đây là con số cao nhất trong 4 năm LHQ thực hiện báo cáo, sau khi tăng thêm hơn 20 triệu người. Nguyên nhân là do các cuộc xung đột, cú sốc kinh tế và các yếu tố liên quan đến thời tiết như hạn hán. Ngoài ra, khoảng 183 triệu người khác có nguy cơ rơi vào khủng hoảng lương thực nếu phải đối mặt thêm với một cú sốc mới.  

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ cùng ngày dự báo số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể tăng lên gần gấp đôi trong năm nay, lên tới 265 triệu người vì tác động của đại dịch Covid-19. Trong các cuộc họp gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), an ninh lương thực được đánh giá là vấn đề ngày càng gây quan ngại. Mới đây, Giám đốc phụ trách chính sách phát triển của WB, bà Mari Pangestu cho rằng các nước nghèo nhất thế giới đang đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực do đại dịch Covid-19, sự sụt giảm nguồn thu ngoại hối, những hạn chế về xuất khẩu lương thực cũng như sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng.

3. Nguy cơ phá sản hàng loạt trong ngành dầu mỏ do giá dầu "lao đốc không phanh"

Ngày 20-4 đã đi vào lịch sử thế giới khi giá dầu thô WTI của Mỹ lần đầu tiên đã giảm xuống mức âm 37,63 USD/thùng. Với mức tụt giá này, người mua sẽ được nhận thêm tiền khi mua dầu. Trong khi đó, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao ngày 21-4, đã lần đầu tiên trong hai thập kỷ giảm xuống dưới mức 19 USD/thùng. 

 

Thế giới tuần qua: Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành

Ảnh minh họa: Reuters.   

Tình hình được cải thiện đôi chút trong ngày 23-4, sau khi các nước sản xuất dầu chủ chốt thông báo sẽ đẩy mạnh cắt giảm sản lượng theo kế hoạch để ứng phó sự sụt giảm mạnh nhu cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, cùng với việc các nhà giao dịch theo dõi căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 2,72 USD/thùng (19,7%) lên mức 16,50 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 96 xu Mỹ (4,7%), lên 21,33 USD/thùng. 

Giới phân tích cho rằng trước tình hình này, nhiều công ty dầu mỏ Mỹ có nguy cơ phá sản. Bởi lẽ hầu hết "đại gia" dầu mỏ đều vay nợ lớn trong giai đoạn trước đó và với đợt suy giảm giá dầu lịch sử này, một số trong nhóm đó có thể sẽ không thể sống sót nổi.

Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy cho biết nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, tính đến cuối năm 2021, sẽ có 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản. Trong trường hợp giá dầu duy trì ở mức 10 USD/thùng, hơn 1.100 công ty sẽ phải phá sản. Giá dầu lao dốc cũng khiến chứng khoán các nước vùng Vịnh đồng loạt giảm.

Thị trường dầu mỏ liên tục lao dốc trong những tuần qua do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại áp đặt tại nhiều nước, khiến nhu cầu "vàng đen" giảm mạnh. Cuộc khủng hoảng giá dầu càng trở nên tồi tệ hơn khi tranh cãi giữa Saudi Arabia và Nga xảy ra trước khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, cùng với các nguồn dự trữ đã kịch trần, quyết định của OPEC+ chưa đủ sức kéo giá dầu trở lại quỹ đạo. 

4. Người nghèo ở châu Âu lao đao vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 tấn công châu Âu trong bối cảnh số người vô gia cư tại châu lục này tăng lên đáng kể so với 10 năm trước. Hiện ước tính có khoảng 700.000 người vô gia cư tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh, tăng 70% so với cách đây 1 thập niên và con số này vẫn tiếp tục gia tăng ở khắp các nước (trừ Phần Lan).

 

Thế giới tuần qua: Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành

Người vô gia cư ngủ dưới nhà ga Westminster tại London, Anh. Ảnh: Reuters.

Theo tổ chức Food Foundation, trong vòng 3 tuần lễ phong tỏa, nước Anh có tới 1,5 triệu người bị đói do không thể đi mua thực phẩm vì trong diện tự cách ly tại nhà, không thể đến được những chỗ phát đồ ăn miễn phí do nhiều nơi đóng cửa hoặc không có tiền mua thực phẩm. Khoảng 3 triệu người đã phải giảm bớt bữa ăn trong ngày. Hơn 1 triệu người được cho là đã mất việc làm do đại dịch, trong đó khoảng 300.000 người tin rằng họ không đủ tiêu chuẩn để được hưởng hỗ trợ của chính phủ. Nhiều tổ chức từ thiện chuyên cấp phát thực phẩm miễn phí thông báo số người đến các trung tâm của họ tăng cao đột biến.

Đặc biệt, cuộc sống nhiều lao động nhập cư thêm khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng vì bị sa thải và không đủ điều kiện hưởng trợ cấp của chính phủ. Nhiều lao động nước ngoài đã bị mất việc, không có thu nhập.

Bên cạnh đó, bất bình đẳng thu nhập, giới tính, giáo dục và nguồn gốc dân nhập cư đang là vấn đề nổi lên trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn. Lệnh phong tỏa khiến nhiều người buộc phải ở nhà, không đi làm càng khiến vấn đề bất bình đẳng thu nhập bộc lộ rõ hơn. Khi ở nhà, mọi người cần sử dụng hệ thống sưởi ấm, phải giúp con cái học tại nhà, có nghĩa máy tính, bàn phím, điện thoại thông minh là cần thiết để sử dụng cho các lớp học từ xa, cũng như cần hệ thống internet tốt. Đối với người thu nhập thấp, để tiếp cận những điều kiện như vậy cũng hết sức khó khăn, và khoảng cách giàu nghèo lại bị "khoét sâu" thêm do đại dịch. 

5. Leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran

Quan hệ đối đầu Mỹ-Iran lại tiếp tục leo thang căng thẳng khi Iran thông báo phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên lên quỹ đạo và Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị Hải quân nước này "bắn hạ" các tàu của Iran nếu "có hành động khiêu khích" các tàu Mỹ tại vùng Vịnh.

 

Thế giới tuần qua: Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành

Vệ tinh quân sự đầu tiên của Iran phóng lên quỹ đạo. Ảnh: Reuters.

Ngày 23-4, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran tới trụ sở bộ này để phản đối những căng thẳng gần đây ở vùng Vịnh. Thụy Sĩ hiện là nước đại diện cho các quyền lợi của Mỹ tại Iran. Trong thông điệp để chuyển cho phía Mỹ, Iran nêu rõ sẽ kiên quyết bảo vệ những quyền hàng hải của quốc gia Hồi giáo ở vùng Vịnh và đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào.  

Trước đó cùng ngày, truyền hình nhà nước dẫn lời Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami tuyên bố Iran sẽ phá hủy các tàu chiến Mỹ nếu an ninh của Tehran bị đe dọa tại vùng Vịnh. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cũng khẳng định các lực lượng vũ trang Iran sẵn sàng đẩy lùi mọi mối đe dọa chống lại nước này. Theo ông Hatami, các lực lượng vũ trang đã và đang giám sát một cách thận trọng các diễn biến tại khu vực và toàn cầu.  

Trước đó, Mỹ và Iran liên tục chỉ trích đối phương có hành động gây hấn. Hải quân Mỹ cáo buộc 11 tàu quân sự của IRGC đã tiến hành "những hành động nguy hiểm và khiêu khích" gần Hải quân Mỹ và các tàu tuần duyên trong vùng biển quốc tế ở vùng Vịnh. Trong khi đó, IRGC cáo buộc trong những tuần gần đây, lực lượng Hải quân Mỹ đã hành xử theo cách "không chuyên nghiệp" tại vùng Vịnh, đe dọa nền hòa bình khu vực và làm gia tăng các nguy cơ mới.

Theo Thanh Sơn/QĐND