Tin đọc nhiều

Xem với cỡ chữ Tương phản

Những giá trị vững bền của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945

Wed, 31/08/2022 | 07:55 AM

Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(02/9/1945-02/9/2022)

---

(ảnh: Internet)

Những giá trị vững bền của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945

Bảy mươi bảy năm trước, ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ngoạn mục, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước cuộc mittinh khổng lồ của hàng chục vạn nhân dân, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội chỉ hơn 1.000 từ, nhưng lời lẽ vô cùng hào hùng và đanh thép, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước; quyền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc; quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam. Đó là một bản hùng văn chính luận, sáng chói hào khí dân tộc Việt Nam, đầy đặn tình nghĩa đồng bào.

Thời gian đã đi qua hơn 2/3 thế kỷ, nhiều nội dung trong bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ đã được nhiều cá nhân, tổ chức nghiên cứu, nhằm làm sáng tỏ các giá trị trên nhiều lĩnh vực, cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ của nó. Đọc và suy ngẫm, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm cao tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ thể hiện đầy tâm huyết trong Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử.

Như chúng ta đều biết, sau gần 90 năm phải chịu đựng ách lầm than, nô lệ, ngày tuyên bố đất nước hoàn toàn độc lập, nhân dân ta làm chủ cuộc sống và vận mệnh của mình là một ngày trọng đại bậc nhất trong lịch sử của quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển của dân tộc và đất nước. Và đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, hoài bão, ý tưởng của Người nung nấu bao nhiêu năm kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, đã trở thành hiện thực.

Đặc biệt, điều đáng lưu tâm và khắc sâu nhất là: Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đến đoạn nhắc: "Từ Quảng Trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói"… Trong khoảnh khắc đó, cả biển người trên Quảng trường Ba Đình bỗng yên lặng và Người nhận ra thoáng giây lác yên lặng ấy. Có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh tưởng rằng mình nói giọng xứ Nghệ, đồng bào nghe không rõ, nên Người ngừng đọc và hỏi: Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không? Và liền ngay sau đó, mấy chục vạn người dự mít tinh đồng thanh một lời đáp vang dậy như sấm vang: Có!

Lời hỏi và lời đáp tỏ rõ sâu sắc sự thông cảm, đồng cảm, hòa hợp giữa vị Lãnh tụ kính yêu và đồng bào cả nước. Vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh mà nhiều người dân chỉ mới nghe tên, chưa được gặp bao giờ trở nên rất gần gũi, thân thương với dân chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm nhận rõ tiếng đồng loạt trả lời khi Người hỏi là biểu thị sự nhất trí, quyết tâm, đồng lòng của nhân dân ta là hoàn toàn ủng hộ Cụ Hồ, ủng hộ Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam vừa giành độc lập, còn non trẻ và bề bộn bao nhiêu công việc đối nội, đối ngoại lúc bấy giờ. Bởi vì lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhận thấy tiềm năng, sức mạnh đoàn kết rất quý báu của các tầng lớp nhân dân Việt Nam ta đã góp phần to lớn, cũng như quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, không chỉ cho trước đây mà còn cho cả hôm nay và mai sau.

Cả nước ta kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 là dịp để các thế hệ chúng ta tiếp tục cùng nhau khẳng định về tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của cuộc Cách mạng và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc là một mốc son đầy chói lọi. Từ đó, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc khỏi lầm than, nô lệ; tiến lên xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu trong hơn 90 năm qua.

Từ đó, mọi cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, nhất là thế hệ trẻ cần nâng cao hơn nữa nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng và của sự kiện lịch sử trọng đại ngày Quốc khánh 2/9 cũng như những giá trị, những bài học học kinh nghiệm quý báu từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Và luôn trân trọng về những thành tựu to lớn mà đất nước, dân tộc, Đảng ta và quê hương Quảng Ngãi đã đạt được trong suốt 77 năm qua là vô cùng to lớn và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Tuy còn rất nhiều vấn đề, công việc và nhiệm vụ cần phải nỗ lực phấn đấu, khắc phục để ngang tầm thời đại, nhưng những thành quả mang tính lịch sử trong chặng đường vẻ vang vừa qua như là bệ phóng để đưa đất nước ta tiếp tục bước vào quỹ đạo hội nhập quốc tế sâu rộng, đa dạng và toàn diện hơn. Tinh thần và giá trị vững bền của Tuyên ngôn Độc lập và Ngày Quốc khánh 2/9 mãi mãi là hành trang của đất nước và dân tộc ta trên đường phát triển, xây dựng đất nước ta ngày càng“đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời.

Tự hào ôn lại lịch sử, truyền thống vinh quang của dân tộc, để rồi trong lòng mỗi người dân chúng ta tăng thêm phấn khởi, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tràn đầy sinh lực mới. Từ đó cùng nhau tích cực thi đua lập nên những thành tích mới trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, đóng góp phần trách nhiệm trong quá trình bồi đắp, tô thắm thêm bản sắc văn hóa lịch sử và truyền thống yêu nước Việt Nam. Đó là cách kỷ niệm lần thứ 77 ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thiết thực, mang ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc nhất./.

Tuấn Anh