Tin đọc nhiều

Xem với cỡ chữ Tương phản

Kết luận của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2023 

Thu, 08/12/2022 | 15:11 PM

Ngày 05/12/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 (khóa XX) về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2023.

Kết luận khẳng định: Năm 2022, các cấp ủy đảng, chính quyền đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,08%; kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra; quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Năm 2023, dự báo kinh tế - chính trị thế giới biến động khó lường, thị trường xuất khẩu khó khăn, tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. Tình hình trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng tiếp tục đối mặt không ít khó khăn, thách thức, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng, giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023, yêu cầu các cấp ủy, các ngành, các địa phương của tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực. 

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 (khóa XX) đề ra mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 như sau:

Mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực nội tại gắn với đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội.

Chủ trì Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10, ngày 01/12/2022 (ảnh: Đình Nhất)

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chọn chủ đề năm 2023 là: "Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền; thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia". 

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023:

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) (giá so sánh năm 2010) âm (-3,5) - (-3)%[1].

- GRDP bình quân đầu người đạt trên 3.780 USD/người.

- Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP khoảng 66-67%.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 33.000 – 34.000 tỷ đồng.

- Năng suất lao động xã hội giảm khoảng (-4,5) - (-4)%.

- Tổng thu ngân sách vượt chỉ tiêu Trung ương giao trên 5%

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 31%.

- Có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 32,6%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 62,95%.

- Có 55,29% trường mầm non, 84,31% trường tiểu học, 89,23% THCS, 34,62% trường Tiểu học - THCS và 66,67% THPT đạt chuẩn quốc gia.

- Số giường bệnh/vạn dân đạt 31,4 giường (không tính trạm y tế xã).

- 7,81 bác sĩ/vạn dân;

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 95,15%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5% (miền núi giảm từ 4 - 4,5%, đồng bằng giảm từ 0,4 - 0,6%).

- Có 89,4% dân cư đô thị dùng nước sạch; 98% dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh, trong đó, sử dụng nước sạch 65%.

- 63% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt chuẩn; 92% chất thải y tế được xử lý đạt chuẩn; 90% chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được xử lý.

- Tỷ lệ độ che phủ rừng 51,8%.

- Có 95% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng, trong đó vững mạnh toàn diện 65%.

- Có ít nhất 80% xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.

- Có khoảng 70% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có khoảng 20% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Để hoàn thành mục tiêu, các chỉ tiêu nêu trên, Hội nghị Tỉnh ủy đề ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

(1) Về công tác xây dựng Đảng; hệ thống chính trị; công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, gồm 8 vấn đề cụ thể: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng,  chính quyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất theo hướng hiệu quả, thiết  thực. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên tuyền, định  hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ; sắp xếp  tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực,  hiệu quả. Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm  tra, giám sát theo tinh thần Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thắt chặt và  tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng  Đảng. HĐND, từng đại biểu HĐNDtiếp tục phát huy dân chủ, nâng  cao vai trò, trách nhiệm trong thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của địa  phương; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của  HĐND. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành và thực thi pháp luật của chính quyền các cấp.

(2) Về phát triển kinh tế - xã hội, gồm 9 nội dung: Triển khai quyết liệt, hiệu quả, toàn diện Chương trình phục hồi và phát  triển kinh tế - xã hội gắn với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia[2]; Quy hoạch tỉnh  Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng  Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ  cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp  công nghệ cao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển theo  hướng chuyên sâu, bền vững. Thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; kinh tế biển. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất  là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng số. Đẩy mạnh thu hút đầu tư; quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện  miền núi. Phát triển khoa học, công nghệ; khởi nghiệp; bảo vệ môi trường; ứng phó  với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm  gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội,  nâng cao đời sống nhân dân.

(3) Về quốc phòng, an ninh; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đối ngoại.

Chi tiết Kết luận: Xem tại đây.

B.B.T

 

[1] Ngoài các yếu tố khách quan, các yếu tố chủ yếu làm tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trưởng âm trong năm 2023: Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ dừng hoạt động khoảng 43 ngày để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên dự kiến sản lượng lọc dầu khoảng 6,1 triệu tấn (bằng năm 2017). Sản lượng thép khoảng 2,5 triệu tấn do nhu cầu thép suy giảm cả trong nước và thế giới; giá nguyên vật liệu, đặc biệt giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường; hàng tồn kho còn nhiều; Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 chuyển hướng đầu tư từ năm 2023 sang năm 2024. Các dự án trong khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP thu hút gần đây đều hưởng ưu đãi về thuế, chưa có phát sinh số nộp ngân sách. Các dự án bất động sản bị vướng cơ chế, chính sách nên khả năng tiếp tục triển khai chậm.

[2] Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030