Tin đọc nhiều

Xem với cỡ chữ Tương phản

Đồng chí Trương Quang Giao - Người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của quê hương Núi Ấn, Sông Trà

Th 5, 19/03/2020 | 08:23 SA

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trương Quang Giao (20/3/1910-20/3/2020)

 

Đồng chí Trương Quang Giao - Người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của quê hương Núi Ấn, Sông Trà

---

Đồng chí Trương Quang Giao

Bí thư Tỉnh ủy từ 12/1944 - 9/1945

Đồng chí Trương Quang Giao, tức Trương Quang Viên, sinh ngày 20/3/1910, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi) tỉnh Quảng Ngãi.

Năm lên 16 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng chí Trương Quang Giao phải nghỉ học ở trường tỉnh về quê phụ giúp gia đình. Ở quê được một thời gian, đồng chí lên thị xã Quảng Ngãi học, làm nghề hớt tóc, rồi nghề may. Đây là thời gian đồng chí được tiếp xúc với nhiều nhà hoạt động cách mạng ở Quảng Ngãi và bắt đầu tham gia các phong trào đấu tranh của quần chúng đòi bãi bỏ các tập tục lạc hậu dưới chế độ thực dân, phong kiến.

Tháng 6/1930, chi bộ Mỹ Khê Tây được thành lập. Nhờ tích cực tham gia hoạt động cách mạng, nên đến tháng 9/1930, đồng chí Trương Quang Giao được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10/1930, đồng chí được chỉ định làm Bí thư chi bộ.

Trên cương vị bí thư chi bộ, đồng chí Trương Quang Giao tích cực tuyên truyền, giác ngộ được nhiều quần chúng ưu tú về lý tưởng cách mạng, về Đảng, tham gia các cuộc đấu tranh chống quan lại địa phương nhũng nhiều, áp bức, bóc lột nhân dân, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ Khê Tây, ngày 6/10/1930.

Trong phong trào chia lửa với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và ủng hộ  cuộc đấu tranh chiếm Huyện đường của nhân dân Đức Phổ (8/10/1930), đồng chí Trương Quang Giao và các đảng viên chi bộ Tư Cung Nam, Mỹ Khê Tây lãnh đạo nhân dân các làng Tư Cung Nam, Mỹ Khê Đông, Tân An, Cổ Lũy tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 30/10/1930, với hàng ngàn người tham gia.

Tiếp đó, ngày 17/1/1931, đồng chí Trương Quang Giao và các đồng chí  Võ Mậu, Nguyễn Tấn chỉ huy 2.000 quần chúng ở các làng Tư Cung Nam, Mỹ Khê Đông, Mỹ Khê Tây, Tân An, Cổ Lũy tiến về huyện lỵ Sơn Tịnh đấu tranh đòi giảm các thứ thuế vô lý, đòi ruộng đất cho dân cày, phản đối bất công.

Trước cao trào cách mạng ngày càng dâng cao, thực dân Pháp và tay sai thi hành chính sách khủng bố trắng. Tháng 8/1931, đồng chí Trương Quang Giao bị địch bắt giam, tra tấn dã man. Sau một thời gian giam cầm, địch phải trả tự do cho đồng chí và quản thúc tại địa phương.

Dù bị quản thúc tại quê nhà, nhưng đồng chí Trương Quang Giao vẫn bí mật vận động quần chúng rải truyền đơn tuyên truyền về Đảng, về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, tham gia hưởng ứng ngày Quốc tế chống chiến tranh (1/8)... Với những hoạt động đó, đồng chí bị địch bắt lần thứ 2, kết án 3 năm tù giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Trong tù, thực dân Pháp và tay sai dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn đồng chí hòng tìm ra các tổ chức cách mạng. Nhưng đồng chí vẫn kiên quyết bảo vệ đến cùng các cơ sở cách mạng, buộc chúng phải trả tự do cho đồng chí vào cuối năm 1933.

Ngay sau khi ra tù, đồng chí liền móc nối với cơ sở cách mạng, tiếp tục hoạt động. Trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 – 1939), đồng chí Trương Quang Giao đã liên lạc, nhận được chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, tiếp tục vận động quần chúng đấu tranh công khai, tham gia thành lập Hội Ái hữu và một số tổ chức công khai hợp pháp của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1938, đồng chí bị địch bắt lần thứ 3 và giam ở đồn Cầu Cháy (nay thuộc huyện Bình Sơn), kết án 6 tháng tù.

Cuối năm 1938, mãn hạn tù về lại địa phương, đồng chí Trương Quang Giao lại tiếp tục móc nối cơ sở cách mạng, xây dựng lại phong trào, được Tỉnh ủy Quảng Ngãi phân công phụ trách công tác vận động quần chúng, tổ chức biểu tình chống dự án tăng thuế. Ngày 25/2/1939, đồng chí bị địch bắt lần thứ 4, kết án 5 năm tù và đày đi Buôn Ma Thuột. Trong nhà lao Buôn Ma Thuột, đồng chí luôn giữ vững chí khí của người cộng sản, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp và tay sai.

Gần mãn hạn tù, tháng 2/1944, địch đưa đồng chí về căng an trí Ba Tơ, Quảng Ngãi. Tại đây, đồng chí Trương Quang Giao gặp lại đồng đội cũ: Trần Lương, Trấn Quý Hai, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt… Cuối tháng 12/1944, tại lò gạch, bên suối Nước Năng (Ba Tơ), Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập. Đồng chí Trương Quang Giao được cử làm Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách  phong trào cách mạng các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa.

Ngày 10/3/1945, chỉ một ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi họp bất thường bàn kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sau cuộc họp, đồng chí Trương Quang Giao thay mặt Tỉnh ủy triệu tập tất cả đảng viên và các đồng chí chưa được khôi phục danh hiệu đảng viên ở căng an trí Ba Tơ để phổ biến chủ trương khởi nghĩa, kế hoạch hành động. Tại Hội nghị, các đại biểu đã quyết định cử ra Ban Khởi nghĩa. Đồng chí Trương Quang Giao được cử làm Trưởng ban, có nhiệm vụ liên lạc với Xứ ủy và Trung ương, trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa vùng trung tâm tỉnh và huyện Sơn Tịnh. Ngày 11/3/1945, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và thắng lợi. Đội du kích Ba Tơ được thành lập, phát động quần chúng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Ngày 14/8/1945, mặc dù chưa nhận được lệnh của Trung ương, nhưng khi nghe tin Nhật Hoàng đầu hàng Đồng minh không điều kiện, đồng chí Trương Quang Giao và các đồng chí trong Ban Khởi nghĩa, với danh nghĩa là Tổng bộ Việt Minh tỉnh Quảng Ngãi đã ra lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đến ngày 16/8/1945, cuộc khởi nghĩa thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh, đồng chí Trương Quang Giao đã tập trung chỉ đạo giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng vừa mới ra đời lúc này là: Củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng,  xây dựng chính quyền công nông, phát triển thực lực cách mạng, ổn định và phát triển sản xuất, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.

Tháng 9-1945, được Trung ương giao giúp đỡ các tỉnh cực nam Trung bộ, đồng chí Trương Quang Giao được phân công trực tiếp lãnh đạo mặt trận Khánh Hòa-Nha Trang, cực Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên, góp phần cùng quân và dân các địa phương đấu tranh chống thực dân Pháp lấn chiếm, bảo vệ vùng tự do Liên khu 5.

Để thống nhất chỉ đạo, chỉ huy và mở rộng mặt trận chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 11/1946, Trung ương quyết định sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và chỉ định Tỉnh ủy mới. Đồng chí Trương Quang Giao được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung bộ, Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp làm Chính ủy mặt trận Đà Nẵng. Trên cương vị mới, đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ, quân dân Quảng Nam- Đà Nẵng vượt qua khó khăn, xây dựng vùng tự do và vùng căn cứ địa cách mạng trở thành hậu phương vững chắc cho các tiền tuyến lớn các tỉnh Liên Khu 5 và Tây Nguyên.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 5 lần thứ nhất (tháng 3/1949), đồng chí được bầu vào Liên khu ủy 5, sau đó được cử đi học văn hóa ở trường Cán bộ bình dân. Năm 1950, kết thúc khóa học, đồng chí được cử về làm Bí thư Ban Cán sự Nam Tây Nguyên, Chính ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Nam Tây Nguyên. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ ở Đăk Lăk  (năm 1950), đồng chí được cử làm Chính ủy. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên Khu V lần thứ hai, (8-1951), đồng chí được bầu vào Liên Khu ủy 5 và bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Liên Khu ủy 5 năm 1952.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 9/1954, Liên khu ủy 5 được củng cố lại. Đồng chí Trương Quang Giao được cử làm Bí thư. Tháng 3/1955, đồng chí được đưa ra miền Bắc chữa bệnh. Sau đó, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1977, đồng chí nghỉ hưu và về sống tại thành phố Đà Nẵng. Đồng chí từ trần vào ngày 3/7/1983.

Ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Trương Quang Giao đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân huy chương khác. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Trương Quang Giao tại quê hương đồng chí (xã Tịnh Khê, Thành phố Quảng Ngãi).

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trương Quang Giao là tấm gương cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Võ Văn Hào-UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy