Tài liệu tuyên truyền

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tài liệu tuyên truyền tháng 12/2018

Th 4, 09/01/2019 | 14:07 CH

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN THÁNG 12/2018

----------------------------

 

1. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA KỲ HỌP THỨ 6,

QUỐC HỘI KHÓA XIV

 

Sau 22,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng:

(1) Với sự tín nhiệm cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

(2) Quốc hội đã thông qua 09 luật: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận cao. Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

(3) Quốc hội cho ý kiến 06 dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quốc hội quyết định đưa dự án Luật Hành chính công ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và dừng việc xây dựng dự án Luật này; xem xét, thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019); mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

 (4) Lấy phiếu tín nhiệm và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

(5) Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

(6) Xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020. Thông qua 04 nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

(7) Xem xét các báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia.

(8) Xem xét báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

(9) Xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2018; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan.

(10) Kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian hai năm kể từ ngày 01/02/2019. Giao Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sớm trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm Luật có hiệu lực trước ngày 01/02/2021.

(11) Giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

  (12) Điều chỉnh nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước được giao theo Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội từ “kiểm toán việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017” sang “kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017”.

 

2. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU CHUYẾN THĂM ÁO, BỈ, ĐAN MẠCH, EU VÀ THAM DỰ CÁC HỘI NGHỊ QUỐC TẾ QUAN TRỌNG CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

 

Từ ngày 14 - 20/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU) và tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12), Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G).

* Kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU): Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có 70 bài phát biểu trong gần 50 hoạt động chính thức; Việt Nam cùng 3 nước và EU đã ký 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tại Áo, hai bên thống nhất phối hợp và nỗ lực đưa Áo trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu châu Âu của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Áo tại Đông Nam Á và Áo là một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại EU (kim ngạch năm 2017 đạt 4 tỷ USD và đang tăng nhanh). Tại Bỉ, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, duy trì các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp Việt - Bỉ về Hợp tác kinh tế. Hai bên chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản của Việt Nam chất lượng cao tiếp cận thị trường Bỉ và ngược lại… Tại Đan Mạch, hai bên nhận thấy kể từ khi nâng cấp lên Đối tác toàn diện (tháng 9/2013), kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt 664 triệu USD năm 2017, gấp 4 lần kể từ năm 2005 và hơn 2 lần kể từ năm 2010. Hai bên đã chia sẻ những đánh giá về quan hệ song phương và trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch. Tại buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Chủ tịch EC nhấn mạnh coi trọng hợp tác toàn diện với Việt Nam và thông báo, Ủy ban châu Âu đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (đầu năm 2019). Sự kiện nổi bật này mang thông điệp hợp tác mạnh mẽ ngay trước khi khai mạc Hội nghị ASEM 12, qua đó cũng đề cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEM.

* Kết quả Hội nghị ASEM 12 và những đóng góp của Việt Nam: Hội nghị ASEM 12 tổ chức từ ngày 18 - 19/10/2018 tại thủ đô Brúc-xen (Bỉ), với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 12 với nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu, ứng phó với các thách thức toàn cầu; đồng thời đề ra những định hướng nâng tầm hợp tác ASEM trong thời gian tới.

Tại ASEM 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong 8 nhà Lãnh đạo của 53 nước thành viên ASEM được mời và có phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 16. Các nước thành viên dự hội nghị đánh giá cao nhiều đề xuất thiết thực của Việt Nam nhằm nâng tầm quan hệ đối tác Á - Âu trong thập kỷ thứ ba; hoan nghênh đề xuất của Việt Nam về thúc đẩy đối thoại, hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, góp phần quan trọng thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết và thịnh vượng ở hai châu lục và trên thế giới. Đặc biệt, đề nghị của Việt Nam về việc tổ chức đối thoại thường kỳ thúc đẩy kênh Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEM và đối thoại giữa các Bộ trưởng kinh tế với cộng đồng doanh nghiệp được các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 16 ủng hộ mạnh mẽ.

* Kết quả Hội nghị P4G: Hội nghị P4G tổ chức từ ngày 19 - 20/10/2018 tại thủ đô Cô-pen-ha-ghen, Ðan Mạch. Với chủ đề "Lãnh đạo toàn cầu vì một tương lai bền vững", Hội nghị đã thảo luận và đưa ra các giải pháp về tài chính, đề xuất các phương thức hợp tác giữa các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là trong các vấn đề thực phẩm, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, cũng như vấn đề xử lý rác thải nhựa. Sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị P4G với vai trò là đồng sáng lập viên có ý nghĩa rất quan trọng, được chủ nhà Đan Mạch đánh giá rất cao, các chia sẻ và kiến nghị của đoàn công tác của nước ta đưa ra tại hội nghị được các thành viên ủng hộ, tán đồng.

 

3. KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC VIỆT NAM

CỦA THỦ TƯỚNG CỘNG HÒA PHÁP Ê-ĐU-A PHI-LÍP

 

 Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Pháp Ê-đu-a Phi-líp thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2-4/11/2018. Đây là chuyến thăm cấp cao thứ hai giữa hai nước trong năm 2018, tiếp sau chuyến thăm chính thức tới Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3/2018. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ song phương sau 5 năm ký Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp (2013-2018) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước (1973 - 2018).

Thủ tướng hai nước đã có cuộc hội đàm và chứng kiến lễ ký, trao đổi 17 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tại cuộc hội đàm, hai bên thống nhất tăng cường trao đổi tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao, đồng thời phát huy vai trò của các cơ chế điều phối, chỉ đạo hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo. Hai bên khẳng định hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột ưu tiên trong quan hệ song phương và nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác, thúc đẩy các dự án trọng điểm mà hai bên đang triển khai cũng như tăng cường quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu. Thủ tướng Pháp Ê-đu-a Phi-líp khẳng định, Pháp ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng như cam kết duy trì hợp tác phát triển cho Việt Nam trong thời gian tới… Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó có việc tiếp tục phối hợp để phát triển Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế; nhất trí tăng cường hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực văn hóa và khẳng định quyết tâm đưa các thiết chế văn hóa của mỗi nước trở thành trung tâm hợp tác và giao lưu văn hóa tại nước kia; mong muốn tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng, thúc đẩy các cuộc thăm viếng của tàu quân sự Pháp tới Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ; tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong phát triển quan hệ của Pháp với châu Á - Thái Bình Dương cũng như của Việt Nam với Liên minh châu Âu. Hai bên nêu rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế; khẳng định cam kết duy trì tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thủ tướng Pháp khẳng định mong muốn tăng cường vai trò của Pháp tại châu Á - Thái Bình Dương…

 

4. KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC VIỆT NAM CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC, HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG CU-BA MI-GHEN MA-RI-Ô ĐI-ÁT CA-NÊN BÉC-MU-ĐẾT

 

Nhận lời mời của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba Mi-ghen Ma-ri-ô Đi-át Ca-nên Béc-mu-đết thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 8-10/11/2018. Đây là hoạt động tiếp nối và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam -Cuba, triển khai các nội dung thỏa thuận đạt được nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3/2018.

Tại các cuộc hội đàm, hai bên đánh giá tích cực về sự phát triển của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian qua, quan hệ chính trị song phương ngày càng gắn bó và tin cậy thông qua trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên. Các cơ chế hợp tác liên Chính phủ và giữa các bộ, ngành được duy trì, hoạt động ngày càng hiệu quả, thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác đa dạng, thực chất. Các kênh quan hệ Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường; cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và toàn diện trên chặng đường xây dựng và phát triển của hai nước; nỗ lực củng cố, thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ anh em mẫu mực, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, đoàn kết thủy chung. Hai bên cũng đã trao đổi nhiều biện pháp nhằm làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên tinh thần hiệu quả, thiết thực, hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đẩy mạnh các hợp tác chuyên ngành về nông nghiệp, công nghệ sinh học, dược phẩm, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân.

Hai bên nhất trí phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn Đông Á - Mỹ Latinh... Về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhất trí cho rằng các tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

 

5. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN

LẦN THỨ 33 VÀ CÁC HỘI NGHỊ LIÊN QUAN

 

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 33 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 13 - 15/11/2018 tại Xinh-ga-po với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và nguyên thủ, lãnh đạo các nước là đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Chi-lê) và tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)). Chủ đề của Hội nghị năm nay là “ASEAN tự cường và sáng tạo”.

Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua 20 văn kiện chính và 30 văn kiện chuyên đề trên nhiều lĩnh vực, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như:  (1) Tuyên bố chung về đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); (2) Tuyên bố 45 năm kỷ niệm Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN - Nhật Bản; (3) Thông qua Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc 2030, Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về Khoa học công nghệ và sáng tạo; (4) Thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Nga về Đối tác chiến lược, Tuyên bố ASEAN - Nga về Hợp tác trong lĩnh vực An ninh sử dụng Công nghệ thông tin và liên lạc; (4) Chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ giữa ASEAN và Uỷ ban Kinh tế Á - Âu (EEC); (5) Thông qua Tuyên bố các Lãnh đạo ASEAN+3 về hợp tác chống kháng thuốc kháng sinh vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân; (6) Tuyên bố về chống rác thải nhựa trên biển...

Những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự, phát biểu tại 18 hội nghị, phiên họp; có các cuộc tiếp, làm việc với Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Chi-lê, Hàn Quốc, Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a, Ma-lay-xi-a, Quốc vương Bru-nây và các cuộc trao đổi quan trọng bên lề Hội nghị với Tổng thống Nga V.Putin, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Ca-na-đa, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Lào, Thủ tướng Cam-pu-chia; tiếp lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cùng Nguyên Thủ tướng, Bộ trưởng cấp cao Xinh-ga-po Goh Chok Tong cắt băng khai trương “Tuần lễ hàng Việt Nam” tại Xinh-ga-po.

Trong khuôn khổ các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, đưa ra nhiều đề xuất, biện pháp, đóng góp vào nhiều văn kiện, thỏa thuận được thông qua tại Hội nghị, phản ánh nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân các quốc gia ASEAN. Tại tất cả các phiên họp, Thủ tướng đều đóng góp ý kiến về các vấn đề được quan tâm chung, nêu các đề xuất cụ thể, thúc đẩy ASEAN tiếp tục xây dựng một khu vực hòa bình, an ninh, dựa trên luật lệ và hướng tới người dân; đề cao đoàn kết ASEAN và xây dựng quan hệ láng giềng của ASEAN với các đối tác bằng lòng tin, giảm thiểu các nguy cơ xung đột, bất đồng. Về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh lại các nguyên tắc đã được nhất trí trong ASEAN về đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình, tăng cường lòng tin, tích cực xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); ủng hộ ASEAN đóng vai trò tích cực hỗ trợ Mi-an-ma giải quyết vấn đề nhân đạo tại bang Rakhine; ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

(Nguồn: Bản tin Thông báo Nội bộ

của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, số 12/2018)